Các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc thường không thể hài lòng khi nhân viên xin nghỉ ốm. Do đó, trừ khi ngất xỉu hoặc không thể đi lại được, các nhân viên vẫn sẽ đi làm bất kể mệt mỏi như thế nào.

Ở Hàn Quốc, định nghĩa “làm việc tốt” là vùi đầu vào công việc nhiều giờ tại văn phòng. Người lao động thường lo sợ rằng, việc nghỉ làm sẽ gây bất tiện cho đồng nghiệp và khiến sếp có ấn tượng không tốt về họ. Ngoài ra, đất nước này cũng thiếu một hệ thống nghỉ ốm hợp lý.

Hiện tượng xã hội trên được gọi là “nunchi” (눈치) – nghệ thuật đánh giá tình huống xung quanh và hành động phù hợp với suy nghĩ chung của mọi người.

Hiện tượng này đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân Hàn, rằng không có bệnh tật nào có thể ngăn họ tránh xa công việc, nhà thờ, lớp học nhảy hoặc một đám tang. Điều này cũng chính là mối quan ngại sâu sắc trong tình hình dịch bệnh hiện nay ở Hàn Quốc.

Tại ổ dịch lớn nhất ở thủ đô Seoul, một số nhân viên của trung tâm tổng đài điện thoại ở Sindorim (신도림) đã có triệu chứng nhiễm bệnh từ cuối tháng 2. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục làm việc cho đến khi có kết quả kiểm tra dương tính. Trong số 207 nhân viên tại đây, ít nhất 100 người đã bị nhiễm bệnh.

Trước tình hình này, Chính phủ đã đưa ra hướng dẫn cho các văn phòng đông đúc – nơi dễ bị lây nhiễm hàng loạt. Đồng thời, đề xuất các biện pháp như cho phép nhân viên làm việc tại nhà hoặc làm việc so le.

Cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong lịch sử Hàn Quốc đã đặt ra câu hỏi về việc thiếu hệ thống nghỉ ốm hợp lý. Ngoài ra, nó còn cho thấy thái độ xem nhẹ các bệnh thông thường như cúm, sốt và ho tại nước này.

Không giống như Anh, Úc hay Singapore, nơi hầu hết nhân viên được nghỉ ốm hưởng lương. Các công ty ở Hàn Quốc mong muốn nhân viên cảm thấy không khỏe thì đi gặp bác sĩ, lấy một ít thuốc và quay trở lại làm việc.

Theo Luật lao động Hàn Quốc, nhân viên được đảm bảo ít nhất 11 ngày nghỉ phép có lương hàng năm, nhưng không quy định rõ nếu ốm đau thì như thế nào.

Luật sư Park Dong Hak từ công ty Luật Lao động Hae Myung cho biết, Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động và Đạo luật Quan hệ Lao động Hàn Quốc “không quy định rõ ràng về nghỉ ốm hay nghỉ phép do đau bệnh”.

Do đó, trong khi công chức được quyền nghỉ ốm vì những căn bệnh thông thường, hầu hết các công ty sẽ chỉ cho nhân viên được nghỉ vì những bệnh nghiêm trọng như ung thư hoặc gãy chân. Những người bị bệnh và cần nghỉ ngơi một hoặc hai ngày, sẽ phải dùng đến quyền nghỉ phép năm để bù vào sự vắng mặt của họ.

Trong một bài báo có tựa đề “Một đất nước không được nghỉ ốm”, tờ báo Hankyoreh cho biết, vào tháng 5/2019, chỉ có 7/100 công ty với hơn 10 nhân viên được nghỉ phép có lương.

Ngay cả khi họ được hưởng quyền lợi trên, rất ít nhân viên sử dụng nó vì “hiện tượng noonchi”, ông Peter Cha, người quản lý hành chính cho biết.

Ông Cha bổ sung, “Chúng tôi có một hệ thống nghỉ phép toàn diện, nhưng chúng tôi không thể sử dụng nó triệt để, do các mối quan hệ xã hội và mối quan tâm về hệ thống phân cấp bậc nơi làm việc”.

Kiểm tra thân nhiệt của công nhân tại một công trường ở Seoul ngày 12/3/2020.

Ông Steve Kim, hiện đang công tác tại một cơ quan công nghệ của Chính phủ cho biết chưa bao giờ nghỉ ốm trong 27 năm qua. Mặc dù, công ty ông cho phép nghỉ ốm có hưởng lương 3 ngày/tháng.

“Tôi chưa bao giờ cảm thấy rằng mình quá ốm để không đi làm”, ông nói. “Noonchi là một lý do trong quá khứ. Bây giờ tôi đã quá già nên không nhất thiết phải để ý đến noonchi của người khác. Nhưng thật tốt khi biết rằng chúng tôi được nghỉ ốm nguyên lương, mặc dù tôi chưa từng sử dụng quyền lợi này”.

Đối với người Singapore làm việc trong các công ty Hàn Quốc, sự khác biệt về thái độ trong việc nghỉ ốm được trả lương là rất rõ ràng.

Điển hình như cô Vanessa Loo, một giám đốc kinh doanh toàn cầu làm việc tại Seoul, đã rất sốc khi biết rằng Hàn Quốc không có hệ thống nghỉ ốm hưởng lương và mọi người sẽ đi làm vì sợ bị sa thải. “Tôi đã không biết mình may mắn như thế nào ở Singapore, nơi tôi có thể lấy MC (giấy chứng nhận y tế) chỉ vì cảm lạnh thông thường”, cô chia sẻ.

Trong khi đó, quản lý hỗ trợ bán hàng Kat Lim, từng làm việc trong một công ty Hàn Quốc tại Singapore, nhớ lại cách các đồng nghiệp Hàn Quốc đã phàn nàn về người Singapore là giả mạo bệnh tật và lạm dụng hệ thống nghỉ phép.

“Họ nói rằng người Singapore thích được nghỉ làm chỉ vì ốm nhẹ. Ở Hàn Quốc, mọi người “bò” đến làm việc mặc dù họ bị ốm mệt thế nào đi nữa”, cô nói.

Một số nhà quan sát tin rằng tình hình ở Hàn Quốc có thể thay đổi sau khi dịch bệnh qua đi.

Lần đầu tiên trong lịch sử, hàng ngàn công nhân hiện đang làm việc tại nhà vì sợ bị lây nhiễm ở văn phòng. Điều này bao gồm các trung tâm nhận cuộc gọi, các công ty thương mại điện tử và các Ban Bộ của Chính phủ.

Cổng thông tin việc làm Saramin đã tiến hành một khảo sát cho thấy, 40.5% trong số 1.089 công ty sẵn sàng cho phép nhân viên làm việc tại nhà để hạn chế sự lây lan của virus.

Giáo sư Luật Lee Jae Min ở Đại học Quốc gia Seoul cho biết, những người lao động trẻ tuổi không còn ngại ngùng để xin nghỉ phép khi cảm thấy không khỏe. Tuy nhiên, hệ thống nghỉ phép cũng cần thay đổi.

“Có lẽ chúng ta nên mở rộng hệ thống nghỉ ốm để mọi người có thể sử dụng nó một cách tự do hơn”, Giáo sư nhấn mạnh. “Suy nghĩ thông thường của người Hàn là, thế giới sẽ sụp đổ nếu họ ở nhà thay vì đi làm. Nhưng bây giờ họ hiểu rằng không có gì phải lo ngại. Mọi thứ sẽ tốt hơn nếu họ ở nhà để tránh lây lan dịch bệnh”.

XEM THÊM: Kỳ tích sông Hán & Con đường phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc

Tổng hợp từ Straits Times

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).