Ngày nay, giới doanh nghiệp Hàn Quốc đang dần hình thành một luồng suy nghĩ mới: “Đã qua rồi thời đại chỉ xem trọng cấp bậc và tuổi tác”.

Để góp phần chứng minh cho quan điểm mới mẻ trên, vào tháng 3 vừa qua, Kakao – một trong những tập đoàn mạng có quy mô lớn nhất nhì Hàn Quốc – đã chính thức bổ nhiệm Trợ lý giáo sư khoa Kỹ thuật An ninh trường Đại học Nữ Sungshin, Park Sae Rom cho vị trí Giám đốc điều hành bên ngoài.

Điều đáng nói, trong năm nay, Park Sae Rom (sinh tháng 2 năm 1990) chỉ vừa tròn 30 tuổi. Như vậy, với việc được đề bạt trong tháng 3 vừa rồi, Park Sae Rom chính thức trở thành Trợ lý giáo sư kiêm Giám đốc điều hành trẻ nhất trong giới doanh nghiệp Hàn Quốc.

Đây hoàn toàn là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử phát triển kinh tế đất nước. Bởi theo quan niệm truyền thống, vị trí Giám đốc điều hành bên ngoài thường chỉ được giao cho những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, có độ tuổi ít nhất từ 40 trở lên. Vì họ không chỉ phải đảm nhận trọng trách to lớn của một thành viên trong hội đồng quản trị, mà còn là người đưa ra những lời khuyên thiết thực trong việc điều hành và định hướng phát triển công ty.

Theo báo cáo kinh doanh năm 2017~2018, độ tuổi trung bình của các Giám đốc điều hành bên ngoài trực thuộc 20 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc (dựa trên giá trị vốn hóa thị trường) thường dao động trong con số từ 62~63 tuổi. Thậm chí tại Kakao, trước khi Trợ lý giáo sư Park (30 tuổi) được bổ nhiệm vị trí này, những người tiền nhiệm của cô cũng đều là các bậc tiền bối có độ tuổi trung bình từ 50~51.

Đặc biệt, không chỉ các giám đốc điều hành, mà ngay cả những người giữ vai trò đại diện cho một doanh nghiệp cũng đang ngày càng có sự “trẻ hóa” trong độ tuổi. Với việc chuyển giao thế hệ rõ rệt này, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang dần cho thấy “sự thay máu” toàn diện trong bộ máy lãnh đạo của mình.

Những gương mặt lãnh đạo mới trong độ tuổi 30~40

Tương tự Kakao, vào ngày 10 vừa qua, SM Entertainment – công ty giải trí có quy mô lớn nhất Hàn Quốc – đã chỉ định Lee Sung Soo (41 tuổi) và Tak Young Jun (42 tuổi) nắm giữ vai trò Tổng giám đốc điều hành (CEO). Điều đáng nói, hai nhân vật này đều trẻ hơn đến 10 tuổi so với những người tiền nhiệm trước đó là Kim Young Min (50 tuổi) và Nam So Young (53 tuổi).

Giải thích về sự thay đổi của công ty, người đại diện SM cho biết: “Để hòa nhập với xu hướng mới của giới doanh nghiệp trên toàn cầu, SM hiện đang thực hiện một số cuộc cải cách trong bộ máy lãnh đạo, bằng việc đề cao năng lực và khả năng phát triển của nhân viên, hơn là chỉ dựa vào độ tuổi và cấp bậc.

Cả hai vị Tổng giám đốc điều hành vừa được đề bạt đều đã có hơn 15 năm làm việc dưới trướng SM, với vai trò nhà sản xuất và quản lý. Do đó, chúng tôi tin chắc rằng có thể đặt trọn niềm tin vào họ trong việc mang đến một cuộc cách mạng mới cho công ty”.

Cũng trong tháng 4, doanh nghiệp chuyên trị các mặt hàng đồ lót SBW đã có sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo khi bổ nhiệm Kim Se Ho (42 tuổi) làm Tổng giám đốc điều hành. Chính thức làm việc cho SBW từ năm 2003, chức vụ cao nhất mà Kim Se Ho nắm giữ cho đến năm ngoái cũng chỉ là quản lý một bộ phận nhỏ.

Tuy nhiên ngay sau đó, Kim Se Ho đã có một bước thăng tiến nhanh đến chóng mặt, kể từ khi giành được ngôi vị cao nhất trong cuộc thi “Nếu tôi trở thành người lãnh đạo SBW” do công ty đề ra. Với bước đệm này, Kim Se Ho từ chức vụ quản lý thấp bé đã tiến thẳng lên vị trí Phó giám đốc, cho đến Tổng giám đốc điều hành như ngày hôm nay.

Chính sự thăng tiến với tốc độ siêu cấp của mình, Kim Se Ho không chỉ mang đến một làn gió mới cho công ty, mà còn góp công lớn trong việc phá vỡ hoàn toàn hình ảnh “già nua” của bộ máy lãnh đạo SBW, kể từ khi được thành lập vào năm 1963.

Bên cạnh đó, một số nhân tài khác trong độ tuổi 30~40 cũng đang cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ trong cuộc cách mạng cải tổ công ty. Đơn cử, vào cuối tháng 3 vừa qua, công ty phần mềm Jiransoft đã bổ nhiệm Phó giám đốc kinh doanh Park Seung Ae (39 tuổi) cho vị trí Tổng giám đốc điều hành, dù cô chỉ mới gắn bó với Jiransoft từ năm 2012.

Tuy nhiên, nhờ những kinh nghiệm thực tiễn trong việc thành lập kế hoạch phát triển kinh doanh và marketing, Park Seung Ae đã được các nhà lãnh đạo cấp cao tín nhiệm cho chức vụ quan trọng này, đồng thời khẳng định:

“Sau 26 năm hoạt động, đã đến lúc Jiransoft cần thực hiện một cuộc cải cách về tổ chức bộ máy quản lý, nhằm hòa nhập với tư tưởng của thời đại mới. Do đó, công ty đặc biệt chú trọng đến các nhân tài trẻ tuổi nhưng vẫn đảm bảo có đủ những kinh nghiệm cần thiết. Hy vọng với sức trẻ và sự sáng tạo của mình, họ sẽ là những nhân tố quan trọng, góp phần thúc đẩy công ty phát triển hơn trong tương lai”.

Bên cạnh đó, ngoài việc chú trọng đến các nhân tài trẻ tuổi trong nước, một số tập đoàn ngày nay còn đề cao những đóng góp to lớn của các nhân viên ngoại quốc. Điển hình vào tháng 1 vừa qua, McDonald’s Korea đã tiến cử Antoni Martinez (35 tuổi) cho vị trí Tổng giám đốc điều hành. Được biết, trước khi chính thức đầu quân cho tổng công ty Hàn Quốc, Antoni Martinez đã từng có thời gian làm nhân viên phục vụ tại cửa hàng McDonal Úc từ những năm 2000.

Đâu là phát súng đầu tiên cho khái niệm “chuyển giao thế hệ”?

Thực tế trong quá khứ, đã từng có một công ty Hàn Quốc lựa chọn một đại diện trẻ làm nhà lãnh đạo, khiến thế giới không khỏi ngạc nhiên. Đó chính là Nexon, công ty chuyên thiết kế và sản xuất trò chơi điện tử trực tuyến trên PC và điện thoại di động.

Vào năm 2004, Nexon đã bổ nhiệm Seo Won Il, khi đó chỉ mới 27 tuổi và là Trưởng nhóm phát triển dự án nước ngoài, cho vị trí Tổng giám đốc điều hành, chỉ sau đúng 3 năm rưỡi gia nhập công ty.

Với sự thăng tiến vượt bậc lên thẳng hàng ngũ CEO trong khi độ tuổi còn quá trẻ, Seo Won Il lập tức trở thành đề tài gây sốc không chỉ cho ngành công nghiệp game nói riêng, mà cả nền kinh tế Hàn Quốc nói chung.

Tại thời điểm đó, dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc Seo, Nexon thực sự đã làm nên những kỳ tích, khi liên tục cho ra đời hai bộ game Crazyracing Kartrider và Mabinogi chỉ trong tháng 6 năm 2004, góp phần giúp Nexon đạt doanh thu “khủng” lên đến con số 111 tỷ KRW (~2.115 tỷ VND).

Tuy nhiên, một năm sau, Seo Won Il đã quyết định chia tay Nexon, nhằm thực hiện những kế hoạch kinh doanh của riêng mình. Được biết hiện tại, ông đang giữ vai trò Giám đốc điều hành tại công ty phát triển phần mềm trò chơi WeMade Entertainment.

Nhân tài trẻ tuổi của Samsung và LG

Hiện nay, bộ máy lãnh đạo của một số tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc cũng đang ngày càng cho thấy sự “trẻ hóa” rõ rệt. Đồng nghĩa với việc, độ tuổi trung bình của các nhân viên trực thuộc các tập đoàn này cũng đồng thời giảm đi đáng kể. Đơn cử, độ tuổi trung bình của 162 nhân viên thuộc Samsung Electronics được thăng chức trong tháng 1 năm nay chỉ dao động trong khoảng 47~48, thấp hơn hẳn cùng kỳ năm ngoái với mức trung bình lên đến 51~52.

Cũng trong đợt “thay máu” nhân sự này, Pranav Mistry (38 tuổi, quốc tịch Ấn Độ) đã được tín nhiệm giao cho trọng trách Giám đốc điều hành trẻ tuổi nhất trong bộ máy lãnh đạo của Samsung Electronics, sau một thời gian nắm giữ vị trí trưởng nhóm cố vấn Samsung Research America.

Bên cạnh đó, tập đoàn LG cũng đang thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông nhờ bộ máy lãnh đạo trẻ tuổi của mình. Đặc biệt là vào tháng 11 năm ngoái, khi Shim Mi Jin được bổ nhiệm vai trò Giám đốc thường trực ở độ tuổi 34, sau 12 năm gắn bó với LG. Sự kiện này đã giúp cô chính thức trở thành nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong giới doanh nghiệp Hàn Quốc vào thời điểm lúc bấy giờ.

Lý giải về việc phần lớn các công ty và tập đoàn Hàn Quốc đang có sự chuyển mình rõ rệt trong cơ cấu lãnh đạo, giáo sư Seo Yong Goo – Trưởng khoa Kinh doanh trường Đại học Nữ Sookmyung, đã giải thích:

“Trong những năm gần đây, đối tượng người tiêu dùng chủ lực trong xã hội thường tập trung ở độ tuổi từ 30~40. Do đó, các công ty bắt buộc phải chú trọng vào việc tận dụng và phát triển những nhân tài trong độ tuổi tương ứng.

Đây là một bước đi quan trọng, không chỉ khai thác triệt để sức sáng tạo của những nhà lãnh đạo trẻ tuổi trong việc nắm bắt tâm lý và thị hiếu của người tiêu dùng, mà còn góp phần xây dựng một nền tảng vững chắc mới, để một công ty hoặc một tập đoàn có thể tồn tại lâu dài trên thị trường không ngừng biến động này”.

XEM THÊM: Tỉ phú thế giới 2020: Tiểu thư tài phiệt nào của Hàn Quốc sẽ có chân trong BXH của Forebes?

Tổng hợp từ Naver News

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).