Trước khi sang Hàn, tôi chưa từng biết đến Ngày Cha mẹ. Đương nhiên tôi chưa bao giờ suy nghĩ vào ngày cha mẹ, tôi sẽ phải tặng món quà gì. Nghĩ lại, tôi chỉ nhớ đã từng mua xà phòng thơm để tặng mẹ nhân ngày 8/3.

Sang Hàn Quốc được 9 tháng, lần đầu tiên tôi được biết đến tháng 5 – tháng của gia đình (가정의달). Tôi đã rất ngạc nhiên khi ngày trẻ em 5/5 và ngày cha mẹ 8/5 lại là ngày lễ và cả nước được nghỉ.

Tôi đã thực sự cảm nhận được rằng cuộc sống càng bận bịu, ồn ào thì con người ta càng phải “sống chậm” bên gia đình dù chỉ là 1 ngày.

Vào ngày 8/5 hàng năm, gia đình tôi đều tụ họp lại và ăn uống. Do tôi ở với mẹ chồng nên mỗi lần tụ họp lại, nhà tôi vui như hội đến mức chỗ cũng không có để ngồi. Nhà chồng tôi có tất cả 3 anh em, trong đó chồng tôi là con thứ 2, trên chồng tôi có anh chồng và người con thứ ba là em gái.

Đến bây giờ, tất cả 3 người con đều đã lập gia đình. Tuy gia đình anh chồng tôi chưa có con nhưng tôi biết mẹ chồng tôi đang dần cảm thấy sự “viên mãn” từ các con. Bố chồng tôi mất sớm, mỗi lần tụ họp vào dịp này tôi đều nghe đâu đó những hơi thở ngắt cùng sự thương nhớ vô bờ bến tới ông – người cha mẫu mực.

Tôi được nghe cầu chuyện về ông qua lời kể của chồng tôi ngay từ lần đầu gặp anh ấy. Tôi đã cảm nhận được: “Với anh, bố là người đàn ông mẫu mực nhất thế gian và là tấm gương anh luôn hướng tới”.

Bố của anh – Người tôi chưa từng gặp nhưng lại rất thân thuộc

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên gặp anh, tôi đã quyết định lấy anh và anh đã hỏi tôi rằng: “Em có đồng ý ở cùng với mẹ anh không?” (어머님 모시고 같이 살아도 괜찮아요?). Tôi đã không trả lời ngay câu hỏi của anh.

Tôi đã không biết nên trả lời anh như thế nào vì tôi cũng không thể hiểu nổi bản thân tại sao lại muốn gặp bố chồng tương lai hơn là mẹ chồng. Tôi đã buồn khi nghe anh nói bố anh đã mất cách đó 5 năm.

Anh ấy nói rằng điều khiến anh hối hận nhất chính là đã không thể để bố nhìn thấy một gia đình trọn vẹn hạnh phúc của mình. Và giờ đây bố đã không còn trên cuộc đời này nữa.

Chồng tôi đã có một đời vợ. Nghe nói cô ấy là giáo viên cấp 2 môn Toán. Bố chồng tôi đã rất thích cô ấy và suốt ngày chỉ cưng nựng. Theo lời kể của chồng tôi, bố đã coi cô ấy như con gái ruột, thường xuyên cho tiền và mua quà tặng.

Cuộc hôn nhân của chồng tôi và cô ấy kết thúc chóng vánh khi cô ấy làm cho chồng tôi đeo thêm một gánh nợ nần ngân hàng không nhỏ. Bố chồng tôi đã rất sốc khi nghe về chuyện này. Từ đó, ông bệnh nhiều hơn và đã mất đột ngột sau đó 2 năm.

(Ảnh bố mẹ chồng khi còn trẻ)

Chồng tôi – anh ấy luôn cảm thấy tội lỗi vì những ngày tháng đó. Anh ấy đã rất mong muốn tìm một người vợ ngoan hiền và mang về cho ông một cô con dâu dịu thảo. Chồng tôi đã khóc khi nói đến đây.

Anh đã rất nhiều lần nói với tôi rằng: “Nếu bố còn sống, em sẽ trở thành cô công chúa bé nhỏ và luôn được cưng nựng trong nhà. Mẹ sẽ bị tụt hạng, chỉ đứng ở thứ 2.”

(Ảnh bố mẹ chồng khi còn trẻ)

Tôi đã có cảm giác lạ khi mỗi lần nghe anh nói những câu tương tự. Điều này khiến tôi nuối tiếc và luôn kính trọng ông – người tôi chỉ được biết đến qua các tấm hình và câu chuyện ký ức.

Bài học từ người làm cha mẹ

Ngày cha mẹ – Đó là ngày tôi có thể thể hiện tấm lòng hiếu thảo.

Gia đình tôi mỗi khi tụ họp lại đều sum vầy bên mâm cơm gia đình, các con trong gia đình lần lượt tặng mẹ quà nhân ngày cha mẹ. Mẹ chồng tôi “thực tế” nên các con thường đưa phong bì tiền cho bà để bà tiêu mỗi khi cần. Mấy đứa cháu nhỏ thường mua hoa để cài ngực áo bà,

Tôi đã chạnh lòng và tự trách bản thân vì 20 năm qua tôi chưa từng làm điều này cho bố mẹ ruột của mình. Tôi chưa từng nói “cảm ơn vì đã sinh thành và nuôi con trong 20 năm qua”. Cũng vì bố mẹ tôi không “ướt át” trong việc thể hiện tình cảm nên tôi cũng không nói được những lời “hiếu thảo” dành cho bố mẹ.

Những năm tháng tuổi dậy thì, tôi đã muốn mình được hạnh phúc trong vòng tay bố mẹ. Nhưng bố mẹ tôi cãi nhau như cơm bữa, 1 tháng thì có đến 20 ngày ăn cơm trong bầu không khí “chiến tranh lạnh”, 10 ngày còn lại là những bữa cơm có đủ bố mẹ nhưng không cười không nói.

Tôi đã buồn vì bố mẹ không hạnh phúc, đã khóc rất nhiều khi bố mẹ muốn chia tay và đã trách bố mẹ không tròn nghĩa vụ làm cha làm mẹ. Những cảm xúc buồn và trách móc khiến tôi không thể nghĩ đến những ngày tôi phải hiếu thảo với bố mẹ.

Câu chuyện buồn mà khiến tôi tủi thân mỗi khi nhớ lại. Tôi đã từng khóc trước mặt mẹ chồng khi tôi kể về cuộc sống hôn nhân của bố mẹ ruột. Nhưng mẹ chồng của tôi đã nói rằng: “Bố mẹ của con chắc chắn đã từng rất có lỗi với con. Nhưng con không nên lấy đó làm lý do để quên đi tình nghĩa sinh thành.”

(Ảnh mẹ thời trẻ)

Bà đã dạy tôi cách yêu thương bố mẹ ruột và nên bù đắp những tình những ngày tháng rạn nứt tình cảm gia đình của bố mẹ bằng lòng hiếu thảo. Chỉ điều đó mới mang lại những ngày tháng vui vẻ cho bố mẹ khi về già.

Tôi đã nghe lời bà và làm theo. Học cách thôi giận hờn oán trách, chỉ lưu lại những hình ảnh đẹp khi còn ở Việt Nam và có nghĩa vụ giúp bố mẹ sống vui vẻ đến cuối đời. Không phải dùng tiền mà là dùng “lòng hiếu thảo”.

Và tôi không muốn phải hối hận như chồng tôi – Anh ấy thật sự trông rất đáng thương khi khóc.

Món quà tôi tặng ngày cha mẹ

Tôi đã có một cuộc sống tương đối ổn tại Hàn Quốc. Mẹ chồng giúp tôi rất nhiều và bà là người mẹ thứ 2 của tôi. Tuy vậy, tôi chưa từng thể hiện tình cảm của mình vì tôi cũng là người “cứng nhắc” trong việc thể hiện tình cảm.

Vào ngày này năm ngoái, tôi mua hộp đựng hoa trong đó có để phong bì tiền kèm theo lời nhắn gửi: “Con cảm ơn mẹ vì đã giúp con trưởng thành”. Trong phong bì, tôi để 300.000 KRW – đây là số tiền được trích từ tiền lương của tôi.

Mẹ chồng tôi đã mở ra xem rồi nói cảm ơn. Bà nói với tôi rằng: “Con đã biết mình phải trưởng thành ở xã hội Hàn Quốc, mẹ chỉ là người bên cạnh con giúp con biết được xã hội Hàn Quốc không khắc nghiệt như lời nói của ai đó.”

Để kể về những ân huệ mà bà – người mẹ chồng tôi tôn trọng thì sẽ phải mất rất nhiều trang giấy. Cho dù trong cuộc sống có đôi chút lệch lạc về văn hoá và suy nghĩ nhưng tôi và bà lại là bộ đôi “kẻ đầu xanh & người đầu bạc” vô cùng ăn ý. Tôi cảm thấy may mắn vì điều đó.

Bà đã chỉ nhận 100 nghìn KRW và đưa lại cho tôi 200 nghìn KRW. Bà nói: “Ngày cha mẹ là ngày con nhớ về cha mẹ. Bố chồng con đã mất, con còn 3 người để nghĩ về họ trong ngày này. Hay chia đều tình cảm cho 3 người con nhé! Hãy gửi cho bố mẹ 200 nghìn KRW để bố mẹ mua đồ ăn ngon hoặc quần áo mặc. Cả năm chỉ có duy nhất một ngày nhưng mẹ biết con đang nỗ lực để biến 365 ngày đều là ngày cha mẹ.”

Tôi rất cảm động và xin phép bà gửi 200 ngàn KRW về Việt Nam. Bố mẹ của tôi cũng đã rất vui khi nghe tôi kể lại. Ông bà biết mẹ chồng của tôi là một người phụ nữ vĩ đại. Bố mẹ của tôi cũng rất tôn trọng bà. Mỗi năm, vào ngày cha mẹ tôi đều gửi tặng quà và nhớ về công ơn dưỡng thành của bố mẹ ruột và bố mẹ của anh – Những người tôi thương.

author-avatar

About Nguyễn Vân

Hàn Quốc sẽ thật đẹp khi biết trân trọng vùng đất này. Sự khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá sẽ cho chúng ta những trải nghiệm thú vị.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).