Từ ngày 5/5/2020, nhịp sống ở Hàn Quốc đã được phục hồi nhờ sự nới lỏng cách ly xã hội, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhiều người dân bắt đầu trở lại công việc, nơi mua sắm, vui chơi… để giải tỏa áp lực sau chuỗi ngày ảm đạm trong hơn ba tháng qua.

Điều này có nghĩa là, chỉ cần mọi người tuân theo hướng dẫn phòng dịch mới của Chính phủ, họ có thể tham gia các hoạt động ngoài trời và các sự kiện tập trung đông người. Chẳng hạn như, rèn luyện thể lực tại phòng tập thể dục, tham gia các câu lạc bộ và các hoạt động tôn giáo vào Chủ nhật…

Liệu rằng sinh hoạt phòng dịch (생활방역) thay cho giãn cách xã hội (사회적 거리두기) sẽ nhận được phản ứng gì từ người dân Hàn Quốc?

Những thay đổi xã hội đầy hy vọng từ cái nhìn đầu tiên

Kể từ khi phải đối mặt với “vị khách không mời mà đến” – virus corona, việc bước chân ra khỏi cửa nhà cũng trở nên nặng nề và đầy “hoài nghi”. Những thói quen sinh hoạt lâu nay thoạt nhìn cũng đã thay đổi.

Đường phố ở trung tâm Seoul tương đối nhộn nhịp như thường lệ, việc đi lại hàng giờ trên phương tiện giao thông công cộng diễn ra tương tự như vài tuần trước. Bởi hầu hết các công ty lớn đã bắt đầu chuyển sang làm việc tại văn phòng bắt đầu từ tháng 4.

Tuy nhiên, hầu hết mọi người trên tàu điện ngầm và xe bus đều đeo khẩu trang. Ngoại trừ một số rất ít người đeo khẩu trang “hờ hững” hoặc không đeo vì nhiệt độ đã ấm hơn.

Khi các cơ sở công cộng như thư viện, bảo tàng và phòng trưng bày mở cửa trở lại, những thay đổi xã hội này cũng bắt đầu len lỏi vào cuộc sống hàng ngày nhiều hơn. Mọi người vẫn giữ cảnh giác khi đến thăm những nơi đông đúc, mặc dù các cơ sở chỉ bước đầu chấp nhận một số lượng du khách hạn chế.

Điển hình như tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc (국립중앙박물관) đã mở cửa trở lại vào ngày 6/5. Du khách tiếp tục đeo khẩu trang trong khi tham quan xung quanh và giữ khoảng cách an toàn với những người khác.

Được biết, số lượng khách viếng thăm nơi đây đã giảm rất nhiều so với mức tối đa 300 người/giờ. Với 230 người đến vào thời điểm 10:00 giờ đã giảm xuống còn 113 người vào 14:00 giờ. Mặt khác, số lượng đặt vé trực tuyến cho cuối tuần cũng giảm mạnh, với chỉ 67 vé được bán ra cho suất buổi trưa thứ Bảy.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại Quốc gia (MMCA), với bốn chi nhánh trên cả nước, cũng có hoàn cảnh tương tượng. Chỉ có 386 khách vào 15:00 giờ, trong khi số lượng khách tối đa là 1.720 người.

Đối với các Bảo tàng nghệ thuật quốc gia, đây thật sự là một ngày yên tĩnh sau khi “hội nhập xã hội” trở lại.

Khách thăm bảo tàng tại Seoul thưa thớt và giữ thói quen đeo khẩu trang mọi lúc.

Phó thị trưởng quản lý các vấn đề hành chính Seoul, ông Seo Jeong Hyup cho biết trong một cuộc họp báo gần đây, “Chúng tôi chỉ cho phép 50% công suất tối đa (của các tổ chức công cộng) ở giai đoạn đầu và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ những nơi chúng tôi có thể cải thiện”.

“Chúng tôi sẽ dần dần mở rộng việc mở cửa trong tương lai, sau khi xem xét về mức độ lây lan dịch bệnh, số lượng du khách, ý kiến của các quan chức và người dân”, ông nói thêm.

Chính quyền thành phố Seoul cũng có kế hoạch mở lại một sân băng và bể bơi công cộng bắt đầu từ tháng 5. Đồng thời, các trung tâm hỗ trợ chăm sóc trẻ em cộng đồng và các cơ sở phúc lợi cho người già cũng dần đi vào hoạt động trở lại.

Thành phố Suwon (수원시), nằm cách Seoul 45km về phía Nam, đã mở lại ba bảo tàng công cộng sau ba tháng ngừng hoạt động. Tuy nhiên, cũng như các khu vực công được kiểm soát khác, các cơ sở này chỉ cho phép tối đa 50 khách/giờ. Các cá nhân không đeo khẩu trang hay tham quan theo nhóm đông người sẽ không được phép.

Thành phố cách Seoul 370km về phía Tây Nam, Cheongju (청주시), cũng đã mở cửa vườn thú công cộng và bảo tàng quốc gia. Với khoảng 100 khách/giờ được phép vào bảo tàng.

Nhìn chung, hầu hết mọi người đều ủng hộ việc chuyển đổi từ biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, đã giữ họ ở nhà trong hơn ba tháng.

Một cuộc thăm dò ý kiến ​​trên 3.725 người thông qua nền tảng Saramin được tiến hành vào tháng 4 đã chỉ ra rằng, 77.6% hiểu rõ tầm quan trọng của sự cách ly xã hội. Trong khi đó, 79.7% cho biết họ cảm thấy kiệt sức và “chán nản” từ chiến dịch này.

Khoảng 74.8% số người được hỏi cho biết, 2,6 tháng là giới hạn tâm lý mà họ chịu đựng việc ở nhà hoàn toàn. Đặc biệt, việc đeo khẩu trang và không thể ra ngoài là những khó khăn lớn nhất.

“Tôi rất vui vì cuối cùng cũng có thể bắt đầu đi đến phòng tập thể dục”, Jung Yu Ri, một nhân viên văn phòng đã ngừng việc tập luyện thường xuyên khi biện pháp giãn cách xã hội diễn ra chia sẻ.

“Có vẻ như tình hình đang được ổn định tương đối nhanh chóng. Tất nhiên, chúng tôi phải tiếp tục cẩn thận, nhưng nỗi sợ phải đối mặt với những điều chưa biết chắc chắn đã vơi bớt phần nào”.

Vẫn còn đó nỗi âu lo trước chính sách mới – “생활방역”

“Việc di chuyển trên phương tiện công cộng đã trở nên đông đúc hơn một chút”, một nhân viên văn phòng sử dụng tàu điện ngầm line 5 và 7 để đi làm cho biết. “Tôi cũng thấy rằng nhiều người bắt đầu không đeo khẩu trang”.

“Tôi đã đi mua sắm tại cửa hàng bách hóa vào cuối tuần và cũng thấy rằng khoảng 1/3 số người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, không đeo khẩu trang”, một nhân viên văn phòng khác cho biết.

“Quan sát trường hợp của Singapore, tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục cảnh giác. Đeo khẩu trang là điều tối thiểu chúng ta nên tuân theo”, nhiều người dân cũng cùng quan điểm.

Bên cạnh niềm phấn khởi và hy vọng vào một tương lai đẩy lùi dịch bệnh hoàn toàn, vẫn còn đó nhiều nỗi băn khoăn về những diễn biến “không thể lường trước được”. Một số chính quyền địa phương đã quyết định giữ nguyên mức độ cảnh giác trước nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh.

Đảo Jeju (제주도), nơi lý tưởng cho một kỳ nghỉ dưỡng thư thái phổ biến nhất của Hàn Quốc, đã đón tiếp hơn 196.000 du khách trong những ngày nghỉ kéo dài, bắt đầu từ 30/4. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Jeju, đã mở rộng chiến dịch “cách ly xã hội” thêm hai tuần nữa.

“Rất nhiều khách du lịch từ khắp nơi trên đất nước đã đến thăm Jeju. Do đó, chúng tôi sẽ gia hạn việc kiểm dịch ở mức độ cao cho đến ngày 19/5”, Lim Tae Bong, người đứng đầu bộ phận phúc lợi và vệ sinh của chính quyền tỉnh Jeju nói.

Nhiều người cũng bắt đầu “buông lỏng” các quy tắc bảo vệ sức khỏe, nỗi lo âu vẫn còn tiếp diễn.

Thành phố Daegu (대구), từng là tâm dịch của Hàn Quốc, cũng đang duy trì động thái thận trọng.

“Thành phố Daegu, không giống như phần còn lại của đất nước, chưa thể chuyển sang chế độ sinh hoạt phòng dịch hàng ngày”, Kwon Young Jin, thị trưởng thành phố Daegu tuyên bố.

Mặc dù, tình hình đã và đang được kiểm soát tốt, nhưng chính quyền Daegu vẫn không vội vàng nới lỏng các chính sách trong kiểm dịch hàng ngày. Con người ta khi trải qua đau khổ tột cùng sẽ tự khắc có cơ chế phòng vệ cực kỳ mạnh mẽ. Có lẽ, nỗi đau bất ngờ vào đợt bùng phát dịch từ cuối tháng 2 vẫn còn trong ký ức của người dân Daegu nói riêng và cả Hàn Quốc nói chung.

“Chúng ta đang ở một thời điểm “làm hoặc phá vỡ”. Hy vọng, nếu chúng ta vẫn cẩn thận trong thời gian này, mọi thứ nhất định sẽ tốt trở lại”.

Tổng hợp từ YNA

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).