Những ngày đại hàn ở Hàn Quốc, nhiệt độ rơi xuống quanh khoảng -10ºC. Số người rơi vào tình trạng tê cóng và suy giảm thân nhiệt cũng vì thế tăng nhiều bất thường.

Các bạn hãy cùng tham khảo về dạng bệnh này để bảo vệ bản thân trong những ngày lạnh giá nhé.

Hạ thân nhiệt (저체온증) là gì?

Cơ thể chúng ta luôn cần duy trì ở nhiệt độ ổn định là khoảng 36.5ºC. Hạ thân nhiệt (hypothermia) là tình trạng nhiệt độ trung tâm giảm xuống dưới 35ºC khi tốc độ mất nhiệt của cơ thể nhanh hơn so với lượng nhiệt mới sinh ra.

Hội chứng hạ thân nhiệt thường xảy ra khi chúng ta đứng lâu trong điều kiện thời tiết lạnh. 90% lượng nhiệt mất đi trong cơ thể là qua da, 10% còn lại là qua quá trình thở ra từ phổi. Việc mất nhiệt có thể diễn ra nhanh gấp 25 lần nếu tiếp xúc với nước dù ở cùng điều kiện nhiệt độ.

Khi nhiệt độ hạ xuống dưới 35ºC, cơ thể sẽ bắt run rẩy và nếu nhiệt độ tiếp tục hạ xuống dưới 28ºC, cơ bắp sẽ bắt đầu cứng lại, chúng ta rơi vào trạng thái mơ hồ không tỉnh táo. Dưới 28ºC, toàn bộ cơ thể cứng lại, chúng ta mất ý thức hoàn toàn và dưới 25ºC, tim chính thức ngừng đập.

Nói theo đúng nghĩa đen thì các cơ quan nội tạng như tim, phổi và não sẽ bị đóng băng.

Các triệu chứng khi bị hạ thân nhiệt:

  • Run rẩy
  • Thở chậm, nông
  • Mơ hồ, mất trí nhớ tạm thời
  • Buồn ngủ hoặc kiệt sức
  • Nói lắp bắp
  • Hoạt động vụng về
  • Mạch đập yếu

XEM THÊM: Xem kinh nghiệm chuẩn bị cho mùa đông giá rét của người Hàn Quốc

Có những người có thể chất dễ bị lạnh?

Đúng vậy! Những người trẻ có thể lực tốt thường dễ dàng vận động tại chỗ kích thích cơ thể sinh thêm nhiệt. Tuy nhiên, với người cao tuổi, việc này rất khó thực hiện. Khi máu không được lưu thông tốt, cơ thể sẽ khó sinh nhiệt bù đắp cho lượng nhiệt đã mất hơn.

Trẻ em là nhóm đối tượng mặc dù nhỏ người nhưng lại ít chất béo, tỉ lệ diện tích bề mặt cơ thể lớn, do đó cũng rất dễ mất nhiệt và có nguy cơ hạ thân nhiệt cao.

Ngoài ra, những người có bệnh mãn tính như cao huyết áp hay tiểu đường khi bị lạnh sẽ dễ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, do đó cần đặc biệt chú ý.

XEM THÊM: 9 Cách tiết kiệm sưởi mùa đông ở Hàn Quốc

Cần chú ý gì để tránh bị hạ thân nhiệt?

Cách tốt nhất là hạn chế ra ngoài trời lạnh. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không thể tránh khỏi việc phải tiếp xúc với không khí lạnh trong khoảng thời gian dài.

Trên thực tế, mặc nhiều lớp áo mỏng sẽ giữ nhiệt tốt hơn so với chỉ mặc một áo khoác dày ngoài lớp áo mỏng bên trong. Do đó, để duy trì nhiệt độ cơ thể trong thời tiết lạnh, hãy mặc 3 lớp áo trở lên.

Lớp trong cùng là đồ lót làm từ vải len, lụa hoặc vải tổng hợp có thể thấm hút mồ hôi và độ ẩm tốt. Sau đó là lớp giữa, nên là loại quần áo thấm hút mồ hôi tốt và giữ ấm tốt ngay cả khi bị ướt. Cuối cùng là lớp áo khoác ngoài chống gió tốt, không thấm nước và thông thoáng khí.

Quan trọng là tránh mặc quần áo quá chật. Nếu mặc quần áo quá sát với cơ thể, không có lớp không khí đệm ở giữa thì sẽ càng dễ mất nhiệt.

Luôn nhớ đeo găng tay giữ nhiệt chống thấm nước, đội mũ, đeo mặt nạ, đeo khăn quàng cổ khi ra ngoài trời.

Thường xuyên mát xa chân tay và stretching giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Tránh chạm tay trần vào bề mặt kim loại lạnh để không bị tê cóng.

XEM THÊM: 7 Điều cần biết khi mua áo padding chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt ở Hàn Quốc

Tôi nên làm gì khi thấy một người bị hạ thân nhiệt?

Điều đầu tiên là phải kiểm tra xem người đó còn ý thức không.

Nếu người đó bị bất tỉnh, cần phải gọi cấp cứu 119 và chuyển đến nơi ấm áp ngay lập tức. Nếu thấy quần áo của họ bị ướt, hay cởi ra và ủ ấm cho họ bằng chăn hoặc túi ngủ. Sử dụng túi chườm nóng hoặc miếng sưởi ấm cũng là một lựa chọn, tuy nhiên cần chú ý cẩn thận tránh làm bỏng da.

Trong trường hợp người bị hạ thân nhiệt vẫn còn ý thức, hãy cho họ dùng một chút nước ấm. Nhưng tuyệt đối không cho người bất tỉnh uống nước ấm vì nước có thể đi vào đường thở và gây viêm phổi.

Lưu ý hạn chế cho người hạ thân nhiệt uống rượu hoặc cà phê dù ấm vì các loại nước này có thể khiến cơ thể tiếp tục bị mất nhiệt.

XEM THÊM: Những tổng đài hỗ trợ cuộc sống người nước ngoài ở Hàn Quốc

Uống rượu có giúp tôi làm ấm người lên không?

Rất nhiều người cho rằng uống rượu sẽ giúp cơ thể ấm lên. Trên thực tế, việc phân hủy chất cồn khi uống rượu quả thực có làm nhiệt độ cơ thể tăng lên. Nhưng hiệu ứng này chỉ là tạm thời, nhiệt độ cơ thể sẽ nhanh trong giảm xuống khi nhiệt thoát qua da một lần nữa.

Hơn nữa, hệ thần kinh có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát duy trì nhiệt độ trong cơ thể. Uống rượu say khiến não hoạt động kém hiệu quả, do đó khả năng sinh nhiệt cũng giảm đi. Theo các dữ liệu trong 5 năm đổ lại đây, hơn nửa số bệnh nhân bị hạ thân nhiệt đều là trong tình trạng say rượu.

Tổng hợp từ KBS News

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).