Ngày 22/11/2019, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ hoãn có điều kiện thời hạn hết hiệu lực Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật. Tuy nhiên, chính phủ nhấn mạnh Hàn Quốc vẫn có thể chấm dứt hiệu lực hiệp định này “bất cứ lúc nào”.

Hàn Quốc và Nhật Bản ký thỏa thuận GSOMIA tháng 11/2016, cho phép hai đồng minh của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á chia sẻ bí mật quân sự, đặc biệt là về năng lực hạt nhân của Bắc Hàn. Chính phủ Hàn Quốc trước đó tuyên bố không gia hạn GSOMIA sau khi nó hết hiệu lực ngày 23/11/2019, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ và Nhật Bản.

Phó giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim You Geun tuyên bố về quyết định của chính phủ trong cuộc họp báo tại Nhà Xanh, Seoul, Hàn Quốc ngày 22/11/2019.

Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề do lịch sử chiếm đóng của Đế quốc Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên năm 1910-1945. Bất đồng về lịch sử leo thang thành tranh chấp thương mại khi tòa án Hàn Quốc ra phán quyết hồi tháng 11/2018 yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị bóc lột trong thời kỳ bán đảo Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật Bản.

Nhật Bản quyết định giới hạn xuất khẩu vật liệu công nghệ cao đồng thời xóa tên Hàn Quốc khỏi danh sách miễn trừ tối đa hạn chế thương mại. Hàn Quốc cáo buộc Nhật Bản dùng lợi thế thương mại để đáp trả phán quyết của tòa án.

Một trong những biện pháp trả đũa của Hàn Quốc là phát động làn sóng tẩy chay hàng hoá Nhật trong nước và tuyên bố chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật. Tuy nhiên, Hàn Quốc được cho là chịu sức ép từ Mỹ trong việc duy trì thỏa thuận GSOMIA với Nhật Bản.

Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định tạm dừng quy trình khởi kiện Nhật Bản lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về việc Tokyo siết chặt quy chế xuất khẩu ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc, trong thời gian hai nước tiến hành đối thoại về chính sách quản lý xuất khẩu.

Chính phủ Hàn Quốc cũng hé lộ những nỗ lực giải hoà của hai nước Hàn – Nhật như kế hoạch tổ chức đối thoại cấp Vụ trưởng để thảo luận chính sách quản lý xuất khẩu của mỗi nước.

Tiếp đó, Nhật Bản sẽ xem xét lại ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao mà nước này siết chặt quy chế xuất khẩu sang Hàn Quốc, gồm nhựa nhiệt dẻo, khí ăn mòn, và chất cản màu. Tokyo sẽ tiến hành đánh giá tình hình xuất khẩu từng mặt hàng sang Hàn Quốc để áp dụng chế độ quản lý phù hợp.

XEM THÊM:

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).