Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ xem xét áp dụng khoản thuế mà người nuôi chó mèo phải đóng.

Tiền thuế thu được sẽ dùng để thành lập và duy trì hoạt động của các trung tâm chăm sóc động vật. Tuyên bố này đã làm nổ ra một làn sóng tranh luận kịch liệt từ phía người dân.

Nhiều người dân đưa ra ý kiến phản đối khoản thuế nuôi chó mèo mà Chính phủ Hàn Quốc đang dự kiến áp dụng. Một số ý kiến không đồng thuận tiêu biểu như:

– Nếu đánh thuế nuôi chó mèo thì sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế đối với người nuôi. Do đó tỷ lệ chó mèo bị bỏ rơi có thể sẽ tăng thêm.

– Dù là đánh thuế nuôi chó mèo với mức cao hay thấp thì người ta sẽ vẫn vứt bỏ vật nuôi vì nhiều lí do. Hiện cũng đã sử dụng rất nhiều tiền thuế cho việc bảo vệ động vật bị bỏ rơi rồi.

Hình ảnh những chú chó bị bỏ rơi, đang chờ người nhận nuôi ở một Trung tâm hỗ trợ động vật tại Hwaseong-si, Gyeonggi-do.

Đề xuất “xem xét khoản thuế đối với người nuôi chó mèo” của Chính phủ Hàn Quốc vấp phải thái độ tức giận cùng sự phản đối mạnh mẽ từ người dân. Tại sao Chính phủ đột nhiên nêu ra đề xuất đánh thuế người nuôi chó mèo?

Chính phủ Hàn Quốc cho biết vẫn còn quá sớm để thảo luận nghiêm túc về khoản thuế đối với người sở hữu vật nuôi. Khoản thuế này hiện mới chỉ là đề xuất sơ bộ.

Các cuộc thảo luận chính thức dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2022. Trước mắt chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc lập kế hoạch đề án tổng hợp từ nay cho đến năm 2024 với tiêu chí: “Đánh giá khoản tiền cần hỗ trợ cho các quỹ phúc lợi động vật, bảo vệ vật nuôi… Ngoài ra báo cáo các phương án triển khai, chi phí vận hành các cơ quan chuyên môn, trung tâm bảo vệ và chăm sóc động vật tại các địa phương”.

Do Hàn Quốc đang nỗ lực xây dựng các quỹ hỗ trợ cho việc bảo vệ và chăm sóc động vật, vật nuôi bị bỏ rơi nên cần huy động thêm nguồn tiền. Trong năm 2019, ngân sách liên quan đến chính sách phúc lợi cho động vật, vật nuôi bị bỏ rơi là 135.08 tỉ KRW. Quỹ ngân sách dành cho vật nuôi tăng gấp 9 lần so với 5 năm trước (14.09 tỉ KRW vào năm 2015).

Sự thiết hụt ngân sách và nguồn thuế

Vấn đề đau đầu là số lượng vật nuôi bị bỏ rơi trên toàn Hàn Quốc đang “tăng chóng mặt” so với khả năng ngân sách của Chính phủ.

Tính đến năm 2018, ở Hàn Quốc, số lượng động vật mất tích hoặc bị bỏ rơi được giải cứu và bảo vệ đạt đến 121.077 con, tăng 18% so với năm 2017.

Bà Jeon Chae Eun, đại diện của tổ chức “Đồng hành hành động vì động vật” cho biết: “Các trung tâm bảo vệ động vật hiện nay đang hoạt động tại Hàn Quốc không thực sự là nơi bảo vệ động vật. Đa số tất cả các trung tâm bảo vệ động vật trên cả nước đều gặp khó khăn trong việc cung cấp những thứ tối thiểu như thức ăn và điều trị y tế cho động vật”.

Bà Jeon Chae Eun cũng nhấn mạnh: “Chi phí dành cho việc chăm sóc và tái nhận nuôi động vật thì đang thiếu hụt trầm trọng”.

Năm 2018, tổng chi phí hỗ trợ cho hoạt động của toàn bộ các trung tâm bảo vệ động vật tại Hàn Quốc là 200.40 tỉ KRW. Chi phí hỗ trợ này tăng hơn 2 lần so với năm 2015 (97.05 tỉ KRW). Nhưng đa số các trung tâm bảo vệ động vật vẫn không thể thoát khỏi tình trạng khó khăn, thiếu thốn.

Nuôi chó mèo ở Hàn Quốc sẽ phải đóng thuế?

Hàn Quốc đã bắt đầu có những buổi thảo luận về việc đánh thuế nuôi động vật. Tuy nhiên chính phủ vẫn chưa quyết định một kế hoạch cụ thể. Việc thảo luận với Quốc hội Hàn Quốc là cần thiết.

Một quan chức Chính phủ phát biểu rằng: “Hình thức và mức tiền thuế thuế áp dụng đối với người nuôi động vật trong tương lai sẽ xây dựng dựa trên cơ sở sự đồng thuận chung”.

Trên thực tế, nhiều nước Châu Âu như Hà Lan, Áo, Đức… đang áp dụng khoản thuế nuôi động vât. Ví dụ ở Đức, người nuôi chó phải đóng một loại thuế, tiếng Đức là “Hundesteuer”.

Loại thuế này dựa trên mức độ hung dữ của giống chó mà bạn nuôi, ví dụ như nuôi một “em cún” giống Pit Bull Terriers bạn sẽ phải đóng thuế cao hơn một “em” hiền hơn như Pug. Mức thuế tối thiểu là 90 EUR khi nuôi những giống chó bình thường và có thể lên đến 600 EUR nếu nuôi những giống chó hung dữ.

Ở một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Anh, người nuôi chó mèo phải đóng thuế hàng năm để được tiếp tục nuôi thú cưng của mình. Mức thuế đóng phụ thuộc vào giống chó hay chú chó đó đã được triệt sản (중성화) hay chưa.

Ông Yoon Dong Jin, cán bộ thuộc Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, phụ trách chính sách phúc lợi đối với động vật khẳng định: “Ví dụ tiêu biểu là nhiều nước phương Tây đã giải quyết được các chi phí xã hội nhờ vào việc đánh thuế người nuôi chó mèo. Do đó, Hàn Quốc có khả năng cũng sẽ triển khai áp dụng khoản thuế này”.

Trước đó, từ tháng 7/2019 Hàn Quốc đã bắt buộc người nuôi thú cưng phải khai báo, nếu không sẽ bị phạt tới 30 triệu KRW.

XEM THÊM: Thú cưng ở Hàn Quốc cũng được đi học mẫu giáo & ngành công nghiệp dịch vụ tỉ đô phục vụ các chú cún

author-avatar

About Hà Ly Hương

Gặp gỡ Hàn Quốc chỉ như một cuộc dạo chơi. Nhưng một mối nhân duyên đặc biệt đã mang đến cho tôi tình yêu đích thực, khiến tôi gắn bó và yêu mến mảnh đất này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).