Cuộc sống ngày càng hiện đại, lối tư duy cũng ngày càng khác biệt. Quan niệm “Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng” không còn đè nặng lên tư tưởng của thế hệ trẻ đam mê tự do. Với họ, tiêu chuẩn của cuộc sống xoay quanh niềm yêu thích cá nhân và phấn đấu tiến thân trong công việc, nhằm tối ưu hóa sở thích ấy.

Ở Hàn Quốc, một bộ phận giới trẻ đã và đang có xu hướng “ngại” kết hôn, thậm chí tách biệt với cộng đồng. Sự giao tiếp chững lại khi bắt gặp hình ảnh ai đó ngồi thu mình ở một góc thư viện, tiệm cà phê, quán ăn… Từ đó, văn hóa “thích ở một mình” ra đời, trong tiếng Hàn gọi là 혼족.

Đây là một biểu hiện về tâm lý của con người, kết hợp giữa hai từ “혼” (một mình) và “족” (bộ tộc), mô tả một thế hệ được bao trùm bởi sự độc lập và cô độc. Điều này phản ánh số lượng hộ gia đình độc thân ngày càng tăng, cũng như việc thay đổi thái độ về sự lãng mạn, hôn nhân và gia đình ở Hàn Quốc.

Nhiều người đồng quan điểm rằng, con người đang sống trong một thế giới chỉ đơn giản là làm việc chăm chỉ, hướng tới tương lai tươi sáng, vậy tại sao không dành thời gian để nuông chìu chính mình? Tuy nhiên, một số khác đã bắt đầu “sợ” cảm giác “một mình”, vì nhiều lý do.

Park Ki Woong (33 tuổi), hiện đang sống một mình kể từ khi rời xa gia đình ở Busan để chuyển đến Seoul cách đây 13 năm. Phải mất một thời gian Park mới tập quen với cuộc sống “solo”, nhưng có một điều vẫn làm anh lo lắng.

“Ăn một mình, ngủ một mình hoặc xem TV một mình dễ dàng hơn trước, nhưng khi nhiều năm trôi qua, một cảm giác cô đơn thường xuyên nhấn chìm tôi. Chẳng hạn như, khi tôi trở về nhà sau một ngày dài làm việc và bật đèn tại căn hộ trống rỗng của mình, tôi đột nhiên cảm thấy như chỉ có mình tôi tồn tại trên thế giới này.

Có thể có nhiều lý do cho sự chán nản của tôi, nhưng tôi nghĩ rằng tâm trạng của mình sẽ khá hơn nếu có ai đó cùng trò chuyện mỗi ngày”.

Không chỉ riêng trường hợp của anh Park, có đến 90% hộ gia đình độc thân Hàn Quốc phải đối mặt với cảm giác cô đơn. Theo khảo sát của Hankook Research trên 1.000 người trưởng thành tại Hàn Quốc vào năm 2018 cho thấy, 46% những người sống một mình đều cảm thấy bị cô lập.

Có một thế hệ trẻ “yêu cô đơn” đến vậy!

1. Định nghĩa lại giá trị của gia đình

Hiện tượng “dân số già hóa” tại Hàn Quốc đạt mức báo động trong 5 năm trở lại đây, khi số hộ gia đình độc thân ngày càng tăng mạnh. Đối với Michael Breen, tác giả của cuốn sách “Người Hàn Quốc mới: Câu chuyện của một quốc gia”, sự phát triển này là mâu thuẫn với truyền thống lịch sử của xã hội Hàn Quốc.

Vào những năm 70, các gia đình người Hàn đều có năm hoặc sáu anh chị em. Sẽ rất dễ dàng để chứng kiến nhiều người thân cùng sống chung trong một khu vực. Tuy nhiên, kể từ khi tầng lớp trung lưu phát triển, cùng với những nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy kế hoạch hóa gia đình, đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ sinh của đất nước này.

Trong rất nhiều xã hội ở châu Á, lợi ích và quyền lợi cá nhân phụ thuộc nhiều vào hệ thống gia đình và tổ chức nhóm. Tuy nhiên, khi con người tồn tại lâu với nền dân chủ, các giá trị này sẽ dần trở nên cá nhân hóa, thay vì sống cho tập thể như trước đây.

Đáng nói hơn, những người phụ nữ đang rời xa các quan niệm truyền thống về gia đình và gánh nặng trong nhận thức về việc nuôi dạy con cái. Rất nhiều phụ nữ đã từ chối kết hôn và sinh con, khi họ hoàn toàn có thể tự chủ về tài chính, thậm chí nắm giữ những vị trí điều hành quan trọng.

“Sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân có thể là một nguồn thỏa mãn trong cuộc sống”, theo ông Jang Jae Young, quản lý của trang web honjok.me dành riêng cho những người theo lối sống độc thân.

Ngày càng nhiều người trẻ bỏ qua tư tưởng hy sinh bản thân để chăm lo cho gia đình. Thay vào đó, ngay cả khi phải thực hiện một mình, họ mong muốn mạnh mẽ để được tự do cho kế hoạch riêng, miễn là đem lại hạnh phúc cho tâm hồn của họ.

2. Thay đổi sự ưu tiên

“Ở thế hệ cha mẹ của chúng tôi, mọi người chỉ biết làm việc chăm chỉ và tiết kiệm trong vài năm. Sau đó, họ có thể mua một ngôi nhà cho cả gia đình của họ”, nhiếp ảnh gia Nina Ahn nói.

“Nhưng sự thật rằng chúng tôi sẽ không bao giờ có thể sở hữu bất cứ thứ gì như vậy, ngay cả khi chúng tôi làm việc cả đời”.

Chứng kiến nhiều câu chuyện tình buồn, nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ và số lượng mẹ đơn thân tăng lên tại Hàn Quốc, là điều khiến người trẻ “lười yêu”. Hơn thế, họ dần cảm nhận những cuộc vui hội nhóm cũng nhanh chóng tan rã, để lại chính họ trở về với không gian vắng lặng thường nhật.

Không có hạnh phúc nào là mãi mãi, cuộc sống chỉ đường cho mỗi người lựa chọn hạnh phúc riêng. Do đó, giới trẻ đang phản ứng lại theo cách khôn ngoan hơn. Những ưu tiên của họ trong cuộc sống cũng vì thế mà thay đổi.

Mặt khác, thế hệ “honjok” hiện là một lực lượng kinh tế theo đúng nghĩa của nó. Từ căn hộ cho một người đến nhà hàng phục vụ những thực khách không có người thân, xã hội Hàn Quốc ngày càng hướng đến những người độc thân trẻ tuổi.

Bắt kịp xu hướng này, nhiều công ty tại Hàn Quốc đã sáng tạo những vật dụng thiết yếu dành riêng cho giới “honjok”. Như công ty nội thất Hàn Quốc Hansem hiện bán những chiếc bàn có thiết kế tích hợp, có thể gập lại làm bàn ăn và các ngăn kéo cho hộ gia đình độc thân. Trong khi đó, trang web “honjok” của Jang bày bán chân máy mini cho điện thoại thông minh với mô tả: “hoàn hảo cho những tấm ảnh tự sướng”.

Hoạt động xã hội kéo mọi người ra khỏi sự cô độc

Mặc dù, lối sống “một mình” giúp mọi người có nhiều thời gian để phục vụ sở thích cá nhân, nhưng đa phần nó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý. Lee Ji Soo, một sinh viên đại học sống một mình ở Seoul trong sáu năm, bắt đầu ghét cảm giác ăn một mình tại chiếc bàn trống trong bếp.

“Tôi muốn chia sẻ bàn của mình với những người cảm thấy cô đơn khi ăn một mình. Vì vậy, tôi đã tập hợp bạn bè của mình cùng đi mua sắm tại một chợ địa phương và nấu các bữa ăn cùng nhau”.

Hoạt động đơn giản này đã mang lại hiệu quả bất ngờ cho Lee, thông qua sự kiện “ăn uống xã hội” cô đã phát triển thành một công việc kinh doanh hữu ích. Cô Lee hiện đang điều hành một nhóm ăn uống xã hội mang tên “Bàn ăn bè bạn”, hướng tới các thực khách một mình tại Seoul.

Những bàn ăn nhỏ với nhiều người quây quần cùng trò chuyện, đánh tan nỗi cô đơn muộn phiền.

Thông qua các tài khoản trên mạng xã hội của nhóm, Lee đã tập hợp 10-12 người/tháng để nấu các bữa ăn tại nhà. Thực đơn phong phú và được thay đổi thường xuyên, từ cà ri đến món hầm.

Trong khi chuẩn bị bữa ăn và ăn cùng nhau, mọi người sớm trở thành bạn bè, chia sẻ những khó khăn khi sống một mình. Một người tham gia sự kiện đến năm tuần liên tiếp cho biết, bây giờ anh ta lại cảm thấy trống vắng khi phải ăn một mình vào ban đêm.

Tương tự hoạt động của Lee, nhiều sự kiện khác nhau trên cả nước được tổ chức cho các hộ gia đình độc thân. Xu hướng này thậm chí còn truyền cảm hứng cho chương trình truyền hình “Bếp của mọi người”, được tổ chức bởi những người nổi tiếng.

Khi cảm thấy căng thẳng vì công việc hoặc cuộc sống hàng ngày, cảm giác tiêu cực có thể giảm đi rất nhiều chỉ bằng cách nói chuyện với bạn bè hoặc thành viên trong gia đình. Đối với những người sống một mình, các hoạt động xã hội kết nối cộng đồng như ăn uống hoặc gặp gỡ trò chuyện là lựa chọn thay thế tốt nhất.

Chính quyền Hàn Quốc vào cuộc

Nhiều hoạt động xã hội trở nên phổ biến giúp chính quyền thành phố Seoul bước đầu giải quyết các vấn đề mà nhiều hộ gia đình độc thân phải đối mặt.

Năm 2018, chính quyền thành phố đã giới thiệu 12 chương trình kết nối ở nhiều khu vực khác nhau, trong nỗ lực gắn kết những người sống một mình ở Seoul. Các sự kiện đa dạng từ chế tác đồ thủ công đến du lịch hoặc tập thể dục, cũng như các lớp học nấu ăn cho những người xa lạ được diễn ra thường xuyên.

Đơn cử như chương trình “Hãy cùng Cha Cha Cha cùng nhau” ở quận Seodaemun, quy tụ 20 thành viên trong độ tuổi 40-60 vào mỗi thứ Bảy, từ 10 giờ sáng đến 8 giờ tối, với các lớp học nấu ăn hoặc thủ công.

Khi tham gia các sự kiện xã hội, khoảng cách tuổi tác hay nghề nghiệp không còn là rào cản quá lớn. Mọi người chủ yếu tìm đến để vơi đi nỗi cô đơn, may mắn còn tìm thấy tri kỷ cùng tâm tình chuyện đời, chuyện mình. Thậm chí, sau khi các chuỗi hoạt động kết thúc, mọi người vẫn tiếp tục giữ liên lạc với nhau.

Hoạt động chế tác đồ thủ công tại quận Seodaemun, thu hút đông đảo người “cô đơn” tham gia dù chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng.

Vấn đề “cô đơn hóa” trong xã hội Hàn Quốc đã thực sự trở thành mối quan tâm sâu sắc của chính quyền. Nhiều nơi còn chuẩn bị các sắc lệnh nhằm đẩy lùi tình trạng cô đơn trong cộng đồng. Theo ông Park Min Sung của Hội đồng thành phố Busan, lối sống “thích cô đơn” đã tăng lên như một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội, điều này rất cần xem xét và thiết lập một sắc lệnh chăm sóc công dân.

Theo đó, dự thảo sắc lệnh bao gồm lập “bản đồ cô đơn”, thể hiện chỉ số cô đơn của người nghèo ở mỗi quận tại Busan. Mức độ cô đơn có thể được đo lường dựa trên chỉ số, chẳng hạn như tỷ lệ hộ gia đình đơn thân, tỷ lệ tự tử hoặc tỷ lệ người chết một mình trong khu vực. Đồng thời, thành lập một trung tâm tư vấn về sức khỏe tâm thần từ các chuyên gia.

Chính nhờ những hoạt động được chính quyền tổ chức đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống tinh thần của nhiều người dân Hàn Quốc. Từ đó, câu hỏi được đặt ra là: “Liệu chúng ta có đang nhầm lẫn giữa “thích ở một mình”“cô đơn” không?

XEM THÊM: Trào lưu tang lễ giả ở Hàn Quốc – Chết giả để sống ý nghĩa hơn & biết yêu thương hơn

Tổng hợp từ Korea HeraldCNN

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).