Nếu trước đây, Hàn Quốc được biết đến với một nền văn hóa truyền thống độc đáo, nền kinh tế phát triển thần tốc, bền vững cùng làn sóng Hallyu, K-Pop có độ phủ sóng toàn cầu thì ngày nay, cả thế giới còn khâm phục Hàn Quốc nhờ vào khả năng chống dịch đỉnh cao của “K-phòng dịch” (K-방역).

Ngay thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại tâm dịch Daegu, Chính phủ phản ứng vô cùng nhanh chóng khi quyết định chế tạo, sản xuất bộ kit xét nghiệm cho kết quả chính xác cao chỉ trong vòng 10 phút.

Bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Hàn Quốc

Điều này giúp Hàn Quốc có thể tiến hành xét nghiệm rộng rãi cho cả những người không có biểu hiện bệnh, xác định rõ vị trí các ổ bệnh, phát hiện và điều trị sớm cho bệnh nhân, đưa tỷ lệ tử vong xuống dưới 1%.

Hàng loạt các biện pháp phòng, chống dịch liên tục được đưa ra như đóng cửa trường học, tạm dừng toàn bộ hoạt động dịch vụ thể thao, vui chơi, giải trí, cơ sở kinh doanh tập trung đông người, chiến dịch giãn cách xã hội, sinh hoạt phòng dịch…

Hành trình di chuyển của người bệnh luôn được cập nhật và công bố rộng rãi. Bất cứ ai nhập cảnh vào Hàn Quốc đều phải tải ứng dụng về điện thoại và thông báo tình trạng sức khỏe của bản thân trong 14 ngày, mỗi ngày hai lần.

Tất cả những chính sách này không chỉ đóng góp vào thành công trong cuộc chiến chống “quái vật Corona” mà còn giúp Hàn Quốc lọt vào Top 10 quốc gia quyền lực nhất thế giới.

Trong ẩn phẩm mới nhất ra ngày 12/5/2020, Báo cáo Tin tức Hoa kỳ & Thế giới (US News & World Report) – công ty truyền thông chuyên xuất bản tin tức, ý kiến, tư vấn tiêu dùng, phân tích của Mỹ – công bố TOP 10 các nước quyền lực nhất hành tinh.

Đây là kết quả của cuộc khảo sát được US News phối hợp cùng trường kinh doanh Wharton của đại học Pennsylvania thực hiện với sự tham gia của 20.000 người và 73 quốc gia trên toàn thế giới.

Bảng xếp hạng phản ánh sức mua và mức thu nhập bình quân đầu người, dựa trên nền tảng đánh giá về sức mạnh của nền kinh tế cũng như dự trữ tài nguyên và sự phát triển của khoa học, công nghệ.

Vị trí “bá chủ thế giới” vẫn thuộc về “siêu cường quốc” Mỹ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump dẫn đầu chủ yếu nhờ vào tăng trưởng của các ngành công nghiệp lớn, ngành công nghệ và một hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền sở hữu doanh nghiệp và trí tuệ.

Xếp hạng 2, 3, 4 lần lượt là Nga, Trung Quốc và Đức. GDP bình quân đầu người của Anh (hạng 5) và Pháp (hạng 6) không có sự chênh lệch quá nhiều, chỉ hơn nhau 152 USD.

Nhật Bản – một trong những quốc gia có nhiều người biết chữ và kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới và là nước có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với GDP danh nghĩa ở mức 4.97 ngàn tỉ USD (tương đương 6.117 ngàn tỉ KRW) xếp thứ 7 trong bảng xếp hạng này. Cường quốc nông nghiệp giữa sa mạc Israel đứng hạng 8.

Quốc gia hùng mạnh thứ 9 thế giới chính thức thuộc về Hàn Quốc. Đây được xem là bước tiến vượt bậc của chính quyền Tổng thống Moon Jae In sau khi “khiêm tốn” đứng thứ 11 năm 2018 và dừng chân tại vị trí thứ 10 vào năm ngoái.

GDP danh nghĩa của Hàn Quốc là 1.720 ngàn tỉ USD (khoảng 2.118 ngàn tỉ KRW). Dù thấp hơn những nước như Nga, Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đứng vị trí rất cao khi so sánh với hơn 200 quốc gia khác trên toàn thế giới.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu người dựa trên sức mua tương đương (PPP) của Hàn Quốc đạt 43.290 USD (khoảng 53.26 triệu KRW = 1.06 tỉ VND). Chỉ số này thấp hơn Nhật Bản khoảng 1.18 triệu KRW (gần 23.6 triệu VND).

Hàn Quốc đã nhận được nhiều lời khen ngợi “có cánh” từ giới chuyên gia khi là một trong những nước thu hút số lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài, cùng với các chính sách phát triển kinh tế phù hợp và khoa học công nghệ hiện đại. Đồng thời, Hàn Quốc là cũng nơi diễn ra nhiều sự kiện nổi bật có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến kinh tế toàn cầu.

Không thể không nhắc đến những tác động vô cùng tích cực mà “K-phòng dịch” đem lại cho Hàn Quốc trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành hiện nay. Bộ xét nghiệm COVID-19 của Hàn Quốc đang được xuất khẩu ra toàn cầu, không chỉ riêng các nước châu Á mà cả khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ, khu vực Trung Đông và châu Phi.

Ngày 21/5, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (식품의약품안전처) cho biết, tính đến nay có tổng cộng 72 sản phẩm bộ xét nghiệm của 46 doanh nghiệp trong nước được cấp phép xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn được đánh giá cao hơn so với Ý và Canada – hai nước thành viên nhóm G7 (TOP 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới). Thứ hạng này cũng đứng trên Ấn Độ và Brazil – những quốc gia có quy mô kinh tế lớn hơn rất nhiều.

XEM THÊM: Hàn Quốc xếp thứ 2 trong TOP 10 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới 2020

Tổng hợp từ Korea DailyInsight

author-avatar

About Thu Thảo Phạm

Chuyển hướng sang học tiếng Hàn là một quyết định chưa bao giờ khiến tôi thất vọng. Và cũng bắt đầu từ ngày đó, tình cảm tôi dành cho Hàn Quốc ngày càng trở nên sâu đậm hơn.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).