Từ những năm 1990, khi những nhóm nhạc thần tượng thế hệ F1 được hình thành, văn hóa Fandom bắt đầu ra đời, thì đây cũng chính là lúc nghề “vệ sĩ” nở rộ tại Hàn Quốc.

Đến năm 1998, hoạt động nghệ thuật ngày càng phát triển mạnh mẽ, với nhiều sự kiện hoành tráng liên tục được diễn ra như concert (công diễn), fan-meeting, chương trình âm nhạc cuối tuần và quay hình trực tiếp.

Số lượng nghệ sĩ và cộng đồng fan hâm mộ ngày càng đông đảo đã tạo điều kiện cho các công ty quản lý và cung cấp bảo vệ ra đời, hoạt động song song và ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty quản lý nghệ sĩ.

Không chỉ những ngôi sao K-Pop, mà ngay cả những người bảo vệ thường xuyên xuất hiện cùng nghệ sĩ cũng luôn nhận được sự quan tâm, chú ý từ các fan hâm mộ, khiến họ vô tình trở thành “bộ mặt đại diện” cho nghệ sĩ đó. Thậm chí, chỉ cần nhắc đến tên cũng có thể biết ngay họ đến từ đâu và bảo vệ những nghệ sĩ nào, ví dụ anh chàng vệ sĩ điển trai Park Geun Woo (박근우) của nữ ca sĩ IU hay Han Ji Min (한지민), vệ sĩ của thủ lĩnh SNSD Tae Yeon.

Vậy, để có thể trở thành một vệ sĩ nổi tiếng đến mức ai cũng biết mặt biết tên và được sánh vai cùng các ngôi sao nổi tiếng tại nhiều sự kiện trong nước lẫn quốc tế, họ phải trải qua quá trình đào tạo khổ cực như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu những bí mật xung quanh nghề bảo vệ nghệ sĩ tại Hàn Quốc qua bài viết này.

Nghề vệ sĩ

Theo đúng nghĩa đen, vệ sĩ là những người làm công việc bảo vệ các thân chủ của mình khỏi những nguy hiểm như ám sát, bắt cóc, trộm cắp, tấn công, hoặc các hình thức phạm tội khác. Đồng thời, vệ sĩ cũng phải có trách nhiệm đánh giá mức độ đe dọa an ninh, các yếu tố rủi ro, cũng như sàng lọc và giám sát đám đông, nhằm đưa ra phương pháp bảo đảm an toàn cần thiết.

Đa số những người có nhu cầu cần đến sự hỗ trợ của vệ sĩ thường là người của công chúng (ngôi sao ca nhạc, phim ảnh, vận động viên chuyên nghiệp), chính trị gia có chức vị xã hội, hoặc những người có tiếng tăm khác.

Trong trường hợp thân chủ là các ngôi sao nổi tiếng, vệ sĩ phải có nhiệm vụ xác định nhanh chóng các đối tượng fan quá khích và tìm ra phương hướng “thoát thân” nhanh nhất cho thân chủ của mình.

Đặc biệt trong các buổi biểu diễn có quy mô lớn được thực hiện ở ngoài trời, vệ sĩ phải là người đầu tiên nắm rõ từng đường đi, nước bước trong một khán phòng rộng lớn, nhằm phân định rõ ràng đâu là lối đi riêng dành cho nghệ sĩ, đâu là nơi mà những người bình thường (các fan hâm mộ, hoặc những người không phận sự) không được phép lui tới.

Những hình ảnh vệ sĩ lấy cả thân mình để bảo vệ và che chắn cho thân chủ trong các trường hợp nguy hiểm thường xuất hiện trên phim ảnh có thể sẽ khiến người xem lầm tưởng về nghề vệ sĩ. Trên thực tế, nhiệm vụ của vệ sĩ chính là phải luôn cảnh giác và đề phong xung quanh một cách triệt để, nhằm ngăn chặn mọi tình huống có thể ảnh hưởng đến thân thể của chính mình và thân chủ.

Trong những trường hợp nguy hiểm xảy ra bất ngờ như các fan quá khích lao đến tấn công nghệ sĩ tại sân bay, hoặc tìm cách xâm nhập tư gia trái phép, vệ sĩ cũng phải nhanh chóng phát huy hết khả năng phán đoán của mình, để có thể bảo vệ bản thân và nghệ sĩ đi cùng một cách nhanh nhất.

Do đó, với tính chất công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ và luôn đặt an toàn của thân chủ lên hàng đầu, vệ sĩ không bao giờ được phép lơ là cảnh giác, mà phải luôn sẵn sàng tư thế “chiến đấu” trước mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Học viện dành cho các vệ sĩ tương lai

Nghề vệ sĩ ở Hàn Quốc phát triển và được ưa chuộng đến mức có hẳn một khoa đào tạo riêng dành cho ngành nghề này, điển hình như khoa An ninh Bảo an, An ninh Võ thuật và An ninh Thể thao. Đây chính là nơi lý tưởng nhất để các thanh niên đam mê nghề vệ sĩ được đào tạo bài bản về cả kiến thức, kỹ năng và thái độ trước khi trở thành người bảo vệ an ninh trong tương lai.

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa nhất định phải trải qua các lớp học chuyên nghiệp trên mới đủ tư cách trở thành một vệ sĩ. Vì việc thực hành luôn khác với những gì được học trên trường lớp, do đó nếu may mắn sở hữu những năng lực phán đoán nhanh nhạy và yếu tố thể chất vượt trội, người học cũng có thể tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân từ việc cọ xát với các tình huống thực tiễn.

Thực tế cho thấy, hiện nay có không ít vệ sĩ được nhiều người biết đến chỉ xuất thân từ những ngôi trường bình thường, không thuộc các khoa đào tạo an ninh, thể thao, hoặc thậm chí có người còn từng du học tại nước ngoài.

Bên cạnh đó, để được tin tưởng và trọng dụng trong xã hội, các vệ sĩ tương lai nên có giấy chứng nhận “Bảo vệ chuyên nghiệp” cấp quốc gia do Tổng cục Cảnh sát ban hành. Ngoài ra còn có một số chứng chỉ vệ sĩ được cấp từ các cơ sở tư nhân như Hiệp hội Vệ sĩ Quốc tế, Hiệp hội Vệ sĩ Gurmu và Hiệp hội Vệ sĩ – Võ thuật thế giới.

Những tố chất bắt buộc của vệ sĩ chuyên nghiệp

Để trở thành một người bảo vệ chuyên nghiệp cho các ngôi sao nổi tiếng hoặc chính trị gia, các vệ sĩ tương lai cần thỏa mãn những yếu tố cơ bản nào?

Trước hết, đây là một công việc đòi hỏi va chạm nhiều với những xung đột và nguy hiểm, do đó người vệ sĩ bắt buộc phải có hình thể và sức mạnh nổi trội, điển hình nam phải cao trên 176cm và nữ cao trên 166cm.

Tuy nhiên xét trên thực tế, đa số các vệ sĩ đều cao tối thiểu 180cm đối với nam và 170cm đối với nữ. Vì trong những tình huống đông người phức tạp (sân bay hoặc các sân khấu biểu diễn), họ cần phải có tầm nhìn thật tốt, để đưa ra những phán đoán chuẩn xác trong việc mở đường thoát thân cho các thân chủ của mình.

Ngoài ra, đức tính cẩn thận, chu đáo và biết quan tâm cũng là yếu tố bắt buộc đối với người vệ sĩ chuyên nghiệp, đặc biệt khi phải “chăm sóc” một ngôi sao hàng đầu luôn phải đối mặt với những rủi ro về việc va chạm thân thể bởi các fan hâm mộ quá khích.

Bên cạnh đó, họ cũng cần phải biết “giữ miệng” trước báo giới và truyền thông, nhằm bảo vệ tuyệt đối bí mật đời tư của thân chủ.

Đồng thời, thể chất cũng là một trong những yếu tố quan trong nhất trong việc quyết định “tuổi nghề” của người vệ sĩ. Một khi đã chấp nhận dấn thân vào con đường bảo vệ trật tự an ninh, các vệ sĩ phải ý thức được rằng sẽ không thể nào tránh khỏi những tình huống cực kỳ nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến cả tài sản và tính mạng của bản thân và thân chủ.

Chính vì thế, để hạn chế tối đa những thiệt hại không đáng có nói trên, một người vệ sĩ chuyên nghiệp bắt buộc phải có sự dẻo dai và sức khỏe vượt trội, cũng như tự giác trong việc rèn luyện thể chất bằng cách tham gia các bài huấn luyện cường độ cao, hoặc biết ít nhất một môn võ thuật.

Thậm chí, ngay cả khi đã trở thành một vệ sĩ chuyên nghiệp được các thân chủ tin tưởng, họ cũng không được phép lơ là trong việc chăm sóc bản thân, đồng thời phải luôn duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất trong trạng thái tốt nhất.

Ngoài ra, một số công ty quản lý và cung cấp vệ sĩ còn đưa ra yêu cầu “giao tiếp ngoại ngữ thành thạo, đặc biệt là tiếng Anh” cho các nhân viên của mình. Bởi rõ ràng, các nghệ sĩ Hàn Quốc không chỉ hoạt động trong nước, mà còn thường xuyên tham gia những sự kiện quốc tế, do đó việc phải tháp tùng và bảo vệ những ngôi sao Hallyu thoát khỏi sự theo đuổi gắt gao của cộng đồng fan nước ngoài là điều không thể tránh khỏi.

Trong những trường hợp các nghệ sĩ quốc tế gốc Hàn và ngôi sao Hollywood có lịch trình hoạt động tại Hàn Quốc, các vệ sĩ có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh sẽ luôn được ưu tiên “chọn mặt gửi vàng” hơn những người hạn chế trong khoản này.

Lương của vệ sĩ

Dựa trên số liệu được thống kê cho đến tháng 7 năm 2019, có khoảng 8.000 người đang theo đuổi công việc vệ sĩ tại Hàn Quốc. Theo dự báo cung và cầu nhân lực của Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc (Ministry of Employment and Labor), con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên đến 1.4% trong khoảng 10 năm nữa, do nhu cầu được bảo vệ trước các yếu tố ngoại cảnh và con người ngày càng tăng cao.

Vì thế, các công việc như cảnh vệ, bảo vệ an ninh và vệ sĩ được dự đoán sẽ có tiềm năng trở thành một trong những ngành nghề “hot” nhất Hàn Quốc cho đến năm 2026.

Ngoài ra, theo thông tin việc làm được đăng tải trên trang WorkNet, tính đến tháng 7 năm 2019, mức lương trung bình trong một năm của một vệ sĩ dao động trong khoảng 29.640.000 KRW (~563 triệu VND). Con số này thay đổi tùy theo quy mô của công ty cung cấp nhân viên bảo vệ và mức độ nổi tiếng, cũng như thâm niên trong nghề của vệ sĩ đó.

Điển hình, với một công ty nhỏ, mức lương tối thiểu họ trả cho một vệ sĩ là 1 triệu KRW/1 tháng (~19 triệu VND). Tuy nhiên, nếu đây là một vệ sĩ có kinh nghiệm làm việc lâu năm, mức lương nói trên sẽ tăng lên thành 2~3 triệu KRW/1 tháng (38~57 triệu VND).

Trong trường hợp là nhân viên bảo vệ thuộc Cơ quan Mật vụ của Tổng thống, các vệ sĩ sẽ được hưởng thêm nhiều khoản phụ cấp khác nhau theo mức quy định chung đối với một nhân viên công chức cấp 7.

Mức lương tối thiểu dành cho các vệ sĩ ở Phủ Tổng thống từ 3 triệu KRW/tháng (~57 triệu VND), cho đến mức cao nhất là trên 100 triệu KRW/1 năm (~1.9 tỷ VND) đối với một vệ sĩ dày dặn tuổi nghề và được tín nhiệm bởi một thân chủ giàu có.

Tuy đặc thù công việc luôn phải cảnh giác và ứng phó với nguy hiểm trong mọi tình huống, song vệ sĩ vẫn luôn là một trong những ngành nghề được các bạn trẻ săn đón nhất hiện nay, bởi không chỉ có thể thử thách giới hạn của bản thân trong những tình huống nguy cấp, đồng thời có thêm cơ hội được rèn luyện sức khỏe, thể chất, mà nghề vệ sĩ còn là một chiếc cầu nối giúp họ có thể tiến đến gần hơn với những nhân vật nổi tiếng, cũng như mang lại một nguồn thu nhập đáng kể không kém các công việc văn phòng khác.

Tổng hợp từ Naver News

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).