Ngày 31/1/1996, là một ngày buồn nhất đối với bất kỳ người hâm mộ của 서태지와 아이들 (Seo Taiji & Boys), khi nhóm đột nhiên tuyên bố tan rã khi đang ở trên đỉnh vinh quang.

Nhiều người hâm mộ trẻ của nhóm đã quá sốc và không thể chấp nhận sự tan rã đột ngột này. Họ rủ nhau đi bộ đến trước nhà của các thành viên biểu tình để phản đối quyết định giải tán nhóm. Thậm chí, nhiều người hâm mộ còn đến thẳng nhà Seo Taiji lật tung đồ đạc, lấy tất cả những gì liên quan đến thần tượng kể cả bồn vệ sinh về làm kỷ niệm.

Người hâm mộ biểu tình trước nhà Seo Taiji để phản đối sự tan rã của nhóm

Nếu là một mọt phim cuồng nhiệt của bộ phim Reply 1994 thì chắc chắn không thể nào quên những bạn trẻ trong phim mê mẩn, điên loạn với âm nhạc của Seo Taiji & Boys, hay cô nữ sinh bé nhỏ, khép kín Jo Yoon Jin (Min Do Hee thủ vai) là một fan cuồng của nhóm.

Có thể nói Seo Taiji & Boys đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lịch sử âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc giải trí Hàn Quốc. Kể từ giây phút nhóm ra mắt cho đến khi chính thức tan rã, nhóm vẫn chính là một “Tổng thống của văn hóa” trong tâm trí người yêu nhạc.

Chàng trai 20 tuổi đầy nhiệt huyết Seo Taiji và “âm nhạc khác lạ” lôi kéo các thành viên

Seo Taiji & Boys chính thức ra mắt công chúng Hàn Quốc vào ngày 23/3/1992 với 3 thành viên là Seo Taiji, Yang Hyun Suk và Lee Ju No.

3 chàng trai nhiệt huyết Seo Taiji, Yang Hyun Suk và Lee Ju No

Trưởng nhóm Seo Taiji tên thật là Jeong Hyun Cheol (정현철, sinh ngày 21/2/1972) chính là người có công đầu trong việc thành lập nhóm. Seo Taiji bắt đầu hoạt động âm nhạc với tư cách là một tay guitar bass trong ban nhạc rock Sinawe khi vừa mới 17 tuổi và đang là học sinh lớp 11.

Dù còn rất trẻ nhưng Seo Taiji biết rằng âm nhạc chính là nghề nghiệp mình muốn theo đuổi trong tương lai. Bên cạnh đó, thành tích học tập không tốt càng khiến anh từ bỏ ý định thi đại học để tập trung vào sự nghiệp âm nhạc. Việc từ bỏ thi đại học khiến cho bố mẹ anh lo lắng rất nhiều và Seo Taiji phải khổ sở để tìm ra những phương cách thuyết phục bố mẹ ủng hộ quyết định này.

Seo Taiji muốn tạo ra một thế giới âm nhạc thật cá tính và duy nhất. Anh muốn kết hợp nhiều thể loại khác nhau để hình thành cho mình một thể loại âm nhạc khác biệt với những gì đang tồn tại. Và thực tế đã chứng minh những gì Seo Taiji lựa chọn là đúng đắn.

Ông chú U50 Seo Taiji trẻ trung mặt búng ra sữa

Năm 1991, Sinawe tan ra sau 3 năm hoạt động, Seo Taiji cũng đã tích lũy đầy đủ kinh nghiệm sân khấu và quyết định thành lập nhóm nhạc riêng theo phong cách của mình. Anh nhận ra rằng một ban nhạc vừa chơi nhạc cụ vừa hát không còn phù hợp với nền âm nhạc thời đại mới nên đã tìm đến Yang Hyun Suk để học nhảy và đây cũng là duyên cớ để cả hai cùng hợp tác.

Trong một cuộc phỏng vấn, Yang Hyun Suk chia sẻ chính âm nhạc của Seo Taiji đã khiến cho cựu chủ tịch YG muốn trở thành một thành viên của nhóm. Âm nhạc của Seo Taiji có một sự thu hút mãnh liệt đối với Yang Hyun Suk và cũng chính anh là người giới thiệu Lee Ju No, một vũ công hàng đầu của Hàn Quốc để hình thành nên “Seo Taiji & Boys”.

Yang Hyun Suk và Lee Ju No của hiện tại

Lee Ju No từng cho biết là anh quyết định tham gia nhóm với tư cách là một thành viên nhảy, hát dẫn bất chấp danh tiếng của mình tại thời điểm đó cũng bởi vì âm nhạc của Seo Taiji đã lay động trái tim mình.

Một huyền thoại ra đời…

Ngày 11/4/1992, Seo Taiji & Boys chính thức giới thiệu ca khúc ra mắt “난 알아요” (Anh biết rồi) trên sân khấu âm nhạc cuối tuần của đài MBC.

Seo Taiji & Boys đã kết hợp những đặc trưng tiêu biểu của các thể loại nhạc của Mỹ như Rap, Rock, Techno và R&B trên phần lời tiếng Hàn khiến cho ca khúc thật khác lạ và phá cách. Đây chính là sự pha trộn độc đáo của văn hóa hiện đại đang phổ biến và những gì thuộc về truyền thống đến từ hai nền văn hóa rất khác nhau.

Ca khúc “난 알아요” (Anh biết rồi) với âm nhạc phá cách của Seo Taiji & Boys

Khác với tiếng Anh, tiếng Hàn vốn có cấu trúc phát âm với nhiều âm bật và phụ âm cuối nên có ý kiến cho rằng rất khó để có thể đọc rap bằng tiếng Hàn. Nhưng Seo Taiji & Boys đã phá vỡ định kiến này bằng bản rap đầy ấn tượng, kết hợp với những bước nhảy mạnh mẽ, cuốn hút trên nền nhạc cụ điện tử dồn dập.

Sự phá cách của nhóm lại không nhận được sự đánh giá cao của giám khảo chương trình và khán giả xem trực tiếp bị sốc trước những gì nhóm thể hiện. Tuy nhiên, giai điệu mới mẻ của ca khúc cùng những bước nhảy sôi động của nhóm lại làm điên đảo những người trẻ, trở thành hit lớn gây rúng động làng nhạc Hàn Quốc.

Ca khúc lập kỷ lục đứng đầu bảng xếp hạng trong 17 tuần liên tiếp với 26 cúp quán quân trên loạt chương trình ca nhạc của các đài KBS, MBC và SBS. Seo Taiji & Boys đã tạo ra một thể loại âm nhạc hoàn toàn mới, phân biệt âm nhạc của giới trẻ và âm nhạc dành cho người lớn.

Ca khúc tiếp theo của nhóm là “환상속의 그대” (Em trong tưởng tượng) cũng nhanh chóng trở thành một hiện tượng khi giữ vị trí quán quân trong 5 tuần liên tiếp với 16 cúp quán quân trên các chương trình âm nhạc. Không chỉ vậy, album đầu tay của nhóm nhanh chóng lập kỷ lục đáng kinh ngạc dành cho nhóm nhạc mới ra mắt với con số 1.8 triệu bản được bán ra.

Bìa album đầu tiên của Seo Taiji & Boys phát hành tháng 3/1992

Album thứ hai “하여가” (Hayeoga) của nhóm ra mắt người hâm mộ trong tháng 6/1993 với sự thử nghiệm mới mẻ, đầy sáng tạo kết hợp giữa rap, hip hop trên nền guitar điện mạnh mẽ và âm thanh da diết của kèn bầu Taepyeongso đã lập nên kỷ lục bán ra 2.2 triệu bản và lọt vào danh sách 100 album âm nhạc đại chúng hay nhất Hàn Quốc.

Sau đó là khoảng thời gian tạm nghỉ để biểu diễn tại Nhật Bản và chuẩn bị cho sự ra đời của album thứ 3 vào tháng 8/1994 với nhiều hơn những ca khúc nhạc rock. Album “발해를 꿈꾸며” (Mơ về vương quốc Balhae) với bài hát nói về sự chia cắt bán đảo Hàn Quốc và ước mơ về một ngày thống nhất, cùng ca khúc “교실 이데아” (ý thức hệ trong lớp học) chứa đựng thông điệp xã hội mạnh mẽ khi phê phán phương thức giáo dục đồng dạng của Hàn Quốc đương thời, như một lời tuyên ngôn của nhóm rằng âm nhạc không chỉ đơn thuần dành cho giải trí mà còn mang nhiều ý nghĩ khác.

Bìa album thứ 3 của Seo Taiji & Boys

Album cũng nhanh chóng trở thành hiện tượng với doanh số 1.6 triệu bản. Tuy nhiên, album này lại vấp phải một số phản ứng tiêu cực liên quan đến lời ca của các bài hát trong album. Các bài hát được cho rằng có mục đích truyền bá giáo phái quỷ Satan hay cổ vũ cho quan hệ đồng tính, mang thai… nhưng đây lại là album chứa các thông điệp xã hội mạnh mẽ nhất trong những album của nhóm.

Những nội dung phê phán thực tế xã hội lại tiếp tục được phản ánh mạnh mẽ trong ca khúc “Come back home” nằm trong album thứ 4 phát hành vào tháng 10/1995. Đây là một ca khúc thuộc thể loại “gangster rap” rất mới lúc bây giờ hướng đến những người trẻ bỏ nhà ra đi.

Seo Taiji & Boys và ca khúc Come Back Home

Ngay lập tức album đã tiêu thụ hơn 2.4 triệu bản và các ca khúc trong album cũng nhanh chóng chiếm lĩnh bảng xếp hạng âm nhạc. Thậm chí, album này cũng khiến cho rất nhiều thanh thiếu niên Hàn Quốc trở về nhà sau khi nghe bài hát này. Và đây cũng là album cuối cùng trong hành trình hoạt động âm nhạc của Seo Taiji & Boys.

….trong sự “ghẻ lạnh” của làng nhạc Hàn Quốc lúc bấy giờ

Với hơn 8 triệu album được tiêu thụ trong 4 năm hoạt động âm nhạc ngắn ngủi và trở thành biểu tượng văn hóa thời đại mới trong thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng Seo Taiji & Boys lại gặp phải sự “lạnh nhạt” của làng nhạc đương thời và những người Hàn Quốc thế hệ cũ.

Người Hàn Quốc vốn quen thuộc với những bài ballad chậm và nhạc Trot truyền thống mà họ đã nghe trong hơn 40 năm qua vì thế họ rất khó để chấp nhận những bài hát nhạc rap với tiết tấu nhanh, mạnh cùng những màn vũ đạo sôi động.

Vào thời điểm đó, những bài hát của Seo Taiji & Boys bị xem là vớ vẩn, nhóm chẳng có tài năng, trang phục biểu diễn lại phản cảm. Âm nhạc thiên về giai điệu nhiều hơn so với việc chú trọng ca từ của những sản phẩm âm nhạc truyền thống nên càng khiến thêm xa lạ và nhận những phản ứng trái chiều.

Nhiều người Hàn Quốc còn tỏ thái độ không hiểu vì sao giới trẻ có thể say mê một nhóm nhạc “tầm thường” như thế.

Trang phục “phản cảm” của Seo Taiji & Boys

Nhưng giới trẻ Hàn Quốc lúc bấy giờ lại đón nhận một cách nồng nhiệt với âm nhạc và sự phá cách của nhóm. Các ca khúc của nhóm chiếm lĩnh các sân khấu và trở thành những ca khúc nằm lòng của thế hệ trẻ. Chính những thử nghiệm đầy mới mẻ, sáng tạo của nhóm đã mở ra một bước ngoặt cho âm nhạc đại chúng Hàn Quốc.

Không chỉ vậy, người hâm mộ của nhóm còn lập ra câu lạc bộ riêng để thể hiện tình yêu của mình và Seo Taiji & Boys chính là những ngôi sao hàng đầu trong thời điểm đó.

“Tổng thống của văn hóa” Seo Taiji & Boys

Phần lớn người hâm mộ của Seo Taiji & Boys chính là lực lượng thanh thiếu niên hùng hậu của Hàn Quốc lúc bây giờ. Các ca khúc của nhóm không chỉ đánh vào tâm lý của giới trẻ mà còn khiến cho họ cảm giác đó là những ca khúc dành riêng cho mình.

Giới trẻ Hàn Quốc lúc đó đang lớn lên trong một thế giới thông tin mở rộng, được thừa hưởng những thành quả của nền dân chủ. Họ chú trọng cái “tôi” và không ngần ngại thể hiện mình thông qua các sản phẩm văn hóa.

Ngoài ra, sự tiếp cận dễ dàng với văn hóa và các nghệ sĩ nổi tiếng của Mỹ càng khiến cho những người trẻ mong muốn một hình thức giải trí mới mẻ, thú vị hơn so với những ca khúc trữ tình sướt mướt.

Bên cạnh đó, những năm 1990 chứng chứng kiến ​​một kỷ nguyên bùng nổ kinh tế của Hàn Quốc, thúc đẩy thu nhập và sức mua của người dùng, cũng như thời gian giải trí cho thanh niên Hàn Quốc, những người tiêu dùng chính của văn hóa đại chúng. Chính trong môi trường của sự tò mò về văn hóa nhạc pop và sự thịnh vượng kinh tế khiến Seo Taiji & Boys có thể bùng nổ.

Các sản phẩm của Seo Taiji & Boys đều mang tính thử nghiệm, cho thấy sự biến hóa âm nhạc kỳ diệu của nhóm. Đó có thể âm nhạc đặc trưng của nhạc pop Mỹ kết hợp với ca từ tiếng Hàn hay là sự tổng hòa hoàn hảo các yếu tố âm nhạc nước ngoài với âm thanh vui nhộn của nhạc cụ dân tộc.

Chính âm nhạc khác biệt hoàn toàn và sự đột phá, nỗ lực không ngừng đã khiến nhóm được tôn vinh là “Tổng thống của văn hóa” hay “thiên tài âm nhạc”.

Bên cạnh đó, tầm ảnh hưởng của Seo Taiji & Boys không chỉ giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc. Trang phục của nhóm với những chiếc áo lấp lánh dạ quang, quần đũng rộng, mũ lưỡi trai đội ngược… nhanh chóng trở thành xu hướng thời trang thịnh hành cho giới trẻ.

Từ âm nhạc, thời trang và hình ảnh của nhóm, tất cả đều làm chuyển hướng toàn bộ dòng chảy của văn hóa chú trọng vào những người trẻ Hàn Quốc. Seo Taiji & Boys thực sự trở thành một biểu tượng thể hiện sự khát khao của thế hệ trẻ về một nền văn hóa mới phù hợp với họ hơn.

Viện gạch đầu tiên của thần tượng K-Pop

Âm nhạc phá cách của Seo Taiji & Boys đã khiến cho thị trường âm nhạc Hàn Quốc chuyển sang đối tượng những người trẻ. Các ca khúc nhạc pop Hàn Quốc cũng trở nên ít ủy mị hơn, hướng đến những khía cạnh mới mẻ hơn, phù hợp với thị hiếu âm nhạc của người trẻ.

Seo Taiji & Boys không chỉ tự mình sản xuất âm nhạc mà còn tạo ra mọi thứ liên quan đến hoạt động âm nhạc của mình theo nghĩa đen. Nhóm tự thiết kế các buổi biểu diễn, không phụ thuộc hay “đứng dưới” sự chỉ đạo, yêu cầu của các đài truyền hình.

Và chính Seo Taiji & Boys với những bài hát hay cùng những vũ đạo bắt mắt, biểu diễn sinh động đã đặt viên gạch đầu tiên của nền văn hóa thần tượng K-Pop với những ca sĩ vừa hát vừa nhảy cực kỳ thu hút.

Sự thành công của Seo Taiji & Boys dẫn đến sự thành lập của nhiều công ty giải trí và bắt đầu với việc đào tạo, cho ra mắt các nhóm nhạc thần tượng nhắm vào người hâm mộ trẻ thế hệ đầu như H.O.T, S.E.S, Sechs Kies. Fin.K.L… Cùng với đó là sự ra đời của nhiều thể loại nhạc mới, coi trọng ấn tượng thị giác, gắn liền với những vấn đề nóng bỏng của xã hội và sự xuất hiện của nhiều tên tuổi nhạc sĩ, ca sĩ lừng lẫy.

Seo Taiji & Boys chỉ có 4 năm ngắn ngủi bên nhau nhưng nhóm đã tạo nên những tác động vô cùng lớn đến ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc. Âm nhạc đại chúng Hàn Quốc có thể chia làm hai giai đoạn là trước và sau Seo Taiji & Boys.

author-avatar

About Will

Học kỹ thuật nhưng yêu văn học lãng mạn. 
Thích phim Hàn nhưng đến Hàn Quốc vì sự tình cờ. 
Mê K-Pop nhưng thích hát nhạc Thánh Ca.
 Và yêu Seoul vì "Seoul tôi có một người thương"

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).