Từ tháng 09/2017, Trung tâm nghiên cứu hạnh phúc của trường Đại học Quốc Seoul (서울대학교 행복연구센터) đã kết hợp với kakao cho ra mắt chương trình “Thời tiết trái tim” với mục đích đo chỉ số yên bình (mức độ hạnh phúc) của người dân.

Người dùng có thể đo lường mức độ hạnh phúc của bản thân bằng cách trả lời 10 câu hỏi liên quan đến sự hài lòng về cuộc sống, ý nghĩa của sự trải nghiệm, những căng thẳng, kinh nghiệm cảm xúc… tính trên thang điểm 10. Chỉ riêng năm 2019, đã có đến 1.42 triệu người tham gia khảo sát.

Dựa trên kết quả đo được, ngày 15/04 vừa qua, trung tâm đã xuất bản Bản đồ hạnh phúc năm 2020 của Hàn Quốc. Vậy, người dân xứ sở kim chi đã bình chọn ngày nào là ngày bất hạnh nhất đối với họ trong năm 2019?

Đó chính là thứ sáu ngày 15/11. Hạng 2 thuộc ngày hôm sau, thứ bảy 16/11. Tại sao người Hàn lại cảm thấy bất hạnh trong hai ngày liên tiếp này?

Không có “thứ 6 bùng nổ” mà chỉ có “hội chứng ngày thứ 2”

Đây được xem là một kết quả nằm ngoài dự kiến, khi ngày không hạnh phúc nhất của người Hàn lại rơi vào thứ 6. Thông thường, thứ 6 mỗi tuần được người dân ưu ái gọi là “thứ sáu bùng nổ – 불금”. Vì vào ngày tiếp theo, họ không cần phải đi làm hay đi học nên họ có thể vui chơi, tận hưởng ngày thứ 6 đến tối muộn.

Nhưng thật đáng tiếc, mọi người đều bị stress và hoàn toàn thấy tồi tệ vào ngày thứ 6 đen tối này. Trung tâm cho rằng đây là hệ quả của những mệt mỏi và căng thẳng được tích tụ trong suốt một tuần. Sự thất vọng khi không thể tận hưởng ngày thứ sáu đúng nghĩa đã khiến cho nó trở thành ngày phải đối mặt với nhiều áp lực nhất.

Bên cạnh việc không có thứ sáu cuồng nhiệt, người dân còn mắc thêm Hội chứng ngày thứ Hai – (월요병). Ngày thứ Hai đen tối có chỉ số yên bình được ghi nhận ở mức thấp kỉ lục 5.15 điểm.

Kì thi đại học rơi vào hôm trước

Không phải tự nhiên đa số người Hàn đều chọn thứ sáu ngày 15/11 là ngày bất hạnh nhất trong năm 2019. Vì chỉ trước đó một ngày, họ đã phải trải qua kỳ thi đại học căng thẳng.

Đây là mốc quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người dân Hàn Quốc khi mà mọi hy vọng của gia đình, xã hội và của cả bản thân thí sinh đều đặt trọn vào kỳ thi này. Đồng thời, Hàn Quốc xem trọng thi đại học đến mức, tất cả các trường học đều đóng cửa, các công ty sẽ cho nhân viên nghỉ việc hoặc đi làm muộn và về sớm hơn để tránh gây tắc đường.

Vì vậy, cũng không khó hiểu khi mức độ hạnh phúc được ghi nhận chỉ ở mức 4.44 điểm, thấp hơn 14.3% so với mức trung bình của thứ sáu bình thường khác (5.18).

Căng thẳng từ kỳ thi đại học còn kéo dài sang thứ Bảy ngày 16/11. Thứ Bảy thường là ngày người dân thấy hạnh phúc nhất trong tuần, nhưng 16/11 lại trở thành ngày có chỉ số thấp thứ hai trong 365 của năm 2019.

Tuy ngày thi đại học không nằm trong top 5 ngày tồi tệ nhất năm khi có chỉ số là 5.02 nhưng lại thấp hơn nhiều so với chỉ số trung bình của thứ năm (5.19). Kết quả đo được năm 2018 cũng không có sự khác biệt lớn. Kỳ thi đại học năm 2018 cũng rơi vào thứ 5 (15/11/18) với chỉ số 5.01, chênh lệch khá nhiều so với thứ 5 thông thường (5.23).

Ngày lễ không đem đến niềm vui

Không phải tất cả những ngày lễ đều đem đến hạnh phúc cho người Hàn, dù theo thường lệ, chỉ số yên bình trong ngày lễ là rất cao.

Trái lại, trong số 13 ngày nghỉ lễ năm 2019, có đến 4 ngày người dân nước này nghỉ ngơi trong tâm trạng không mấy phấn khởi. Đó chính là ngày Thương binh Liệt sĩ (06/06), ngày Quốc khánh (15/08), ngày Hangul (09/10) và Lễ Giáng Sinh (25/12).

Được biết, những ngày lễ này không rơi vào thứ 5 hay thứ 6, chính vì vậy, người dân không thể nghỉ nhiều ngày liên tục như mong đợi. Các nhà nghiên cứu phân tích: “Việc nghỉ vào một ngày giữa tuần dường như không mang lại nhiều niềm vui”.

Mặt khác, ngày được người Hàn bình chọn là ngày nghỉ trọn vẹn nhất chính là thứ Năm, 12 tháng 9. Đơn giản vì đây là ngày bắt đầu cho kỳ nghỉ lễ trung thu dài tới 4 ngày, mức độ hạnh phúc tương đối cao: 5.46 điểm.

Thêm vào đó, chỉ số yên bình của người Hàn Quốc năm 2019 là 5.12, thấp hơn so với con số 5.18 của năm 2018. Họ ngày càng có chiều hướng suy nghĩ tiêu cực hơn cũng như mức độ căng thẳng mà họ chịu đựng cũng tăng lên.

Trung tâm cho biết: “Năm 2018 có rất nhiều sự kiện làm người dân thấy vui vẻ như Thế vận hội Pyeongchang, Hội nghị thượng đỉnh Liên Triều, trong khi năm ngoái lại xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực như vụ bê bối Burning Sun hay chiến tranh thương mại Nhật Bản – Hàn Quốc“.

XEM THÊM: Cùng giải đề thi tiếng Việt trong kỳ thi đại học năm 2020 ở Hàn Quốc

Tổng hợp từ 1boon

author-avatar

About Thu Thảo Phạm

Chuyển hướng sang học tiếng Hàn là một quyết định chưa bao giờ khiến tôi thất vọng. Và cũng bắt đầu từ ngày đó, tình cảm tôi dành cho Hàn Quốc ngày càng trở nên sâu đậm hơn.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).