Thế giới Hôn nhân (부부의 세계) được phát sóng trên kênh truyền hình JTBC đang khiến bộ phận đông khán giả điên đảo. Dựa trên chủ đề tưởng đã quá đỗi quen thuộc, trên thực tế, bộ phim này có hẳn một “bộ sậu” bí quyết dùng để mê hoặc người xem.

Cocktail cảm xúc

Thừa nhận đi, rằng bạn không thể ăn một lúc quá nhiều món ngọt hay một hương vị nào đó. Kẹo quá nhiều đường làm bạn sợ, bánh quá nhiều bơ làm bạn ngấy. Thịt quá nhiều muối sẽ khiến bạn rùng mình và với thuốc quá đắng, bạn sẽ cố gắng nuốt chửng chỉ trong vài giây.

Quá nhiều hay quá mức một loại vị nào đó khiến người ta không thể sống nổi. Và sẽ càng tệ hại nếu người ta chỉ nếm một loại vị duy nhất trong suốt những ngày tháng của đời mình.

Đó là lí do các kịch bản thông minh luôn biết cách điều chế ra “công thức cocktail” mà họ dự đoán rằng có khả năng cao sẽ làm người xem phim mê mệt nhất. Dù sự khác nhau về liều lượng thành phần “hương liệu” luôn tồn tại tùy theo từng thể loại phim. Nhưng tuyệt nhiên, công thức cơ bản luôn phải là, tránh xa sự đơn sắc và đơn vị.

Thế giới Hôn nhân đã làm cách nào để len lỏi ngấm sâu vào giác quan và tâm trí của khán giả? Thứ nhất, lựa chọn một chủ đề “toàn cầu” đến mức hiếm người phụ nữ hay đàn ông nào có thể tránh khỏi “giật mình” theo nhiều nghĩa. Sau đó, chọn liều lượng cho các gia vị cảm xúc cần thiết và trộn nó lại theo cách làm người ta mê muội nhất.

Họ biết bạn là ai, sợ hãi điều gì, lên án thứ gì và căm ghét, đả kích nhiều nhất thứ gì. Hiểu biết này giúp họ làm thành ly cocktail cảm xúc mà bạn đã và đang trải nghiệm qua từng tập phim.

Dựa trên đề tài hôn nhân và ngoại tình, Thế giới Hôn nhân làm người xem không thể ngừng theo dõi bởi sự kết hợp của luyến ái với một phần trần trụi, một chút của gây cấn, li kì và kịch tính.

Phim tình cảm nhưng cũng ngỡ đâu như đang xem phá án hình sự và chờ đợi hình phạt cho bị cáo. Mạch phim nhanh, dứt khoát nhưng vẫn như đang ẩn chứa điều gì đó khó ngờ ở phía sau. Làm bạn phải theo dõi, khiến bạn phải chờ đợi, để xem cái kết có giống với điều mà bạn nghĩ sẽ khiến bản thân mình “hả hê”.

Đánh vào tâm lí “nữ nhi thường tình”

Trong tam giác của một câu chuyện ngoại tình, thì kịch bản thường gặp nhất, một nam hai nữ với người vợ chịu nhiều uất ức, chính là sự lựa chọn “vạn sự khởi đầu nan”. Người ta có thể thấy hứng thú với cái mới lạ trong các trường hợp khác, nhưng phương án cổ điển trong đề tài này gần như luôn bảo kê cho 50% thành công đầu tiên.

Phụ nữ xưa nay vẫn mang tiếng chịu nhiều thiệt thòi. Vì di truyền mang tính sinh học khó ai chối cãi, vì xã hội định kiến khiến họ thêm nặng gánh, nhạy cảm. Và đặc biệt, vì những người cùng giới dễ thường “cùng dấu thì đẩy nhau”, họ nhận thêm trăm lần khổ sở.

Đáng ra, ngoài sự yếu ớt bẩm sinh về thể lực do nguyên nhân sinh học không thể thay đổi so với nam giới, phụ nữ không có lí do gì để phải ở “cơ dưới” so với bất cứ ai ở bất cứ trường hợp nào. Nhưng cơ chế xã hội đã lợi dụng sự khác biệt về sinh học và đi quá xa trong việc phân chia vai trò của các thành viên.

Nhưng như ta vẫn thấy, phụ nữ thường tình sẽ chọn ganh ghét và đay nghiến phụ nữ khác khi thấy người đó lầm lỗi. Cũng như, tỏ ra thương xót, thông cảm hơn khi ai đó kém xinh xắn hoặc có đôi chút bất hạnh. Và đặc biệt, nhất định phải nổi điên khi có ai đó, nhất là phụ nữ, động chạm đến quyền lợi cá nhân của mình.

Chính vì thế, đừng đưa ra bất cứ dữ kiện hay chi tiết nào mảy may bắt phụ nữ phải cảm thông với người cùng giới. Đôi khi, họ có thể mù quáng và “nương tay” với người chồng phản bội nhưng dính tới “con giáp mười ba” thì tuyệt nhiên là không. Do đó, chỉ cần tìm cách khiến khán giả nữ “điên tiết” gào lên, và tạo một câu chuyện khiến họ thấy mình làm thế là hợp lí.

Cực đỉnh của phẫn nộ

Chuyện ngoại tình, thực tế có nhiều hơn một hay hai kịch bản. Nhưng tất nhiên, kịch bản của một phim “ngoại tình” thành công không chọn những thực tế có ít người tin. Thế giới Hôn nhân chọn phụ nữ là khán giả chính của series và biết bộ phận này chờ mong điều gì.

Và đây là một vài thực tế “gây nhiễu” mà kịch bản Thế giới hôn nhân đã loại đi ngay từ đầu.

Thứ nhất, đôi khi người vợ không quá ưu tú về năng lực như nhân vật Sun Woo (Kim Hee Ae) trong phim. Thêm vào đó, họ cũng có thể không quá nổi bật về ngoại hình. Nhưng nếu chọn thực tế này đưa vào kịch bản, phim sẽ không còn gì để kể cho khán giả. Động lực bênh vực và ủng hộ của khán giá dành cho “vợ cả” có lẽ sẽ trở nên yếu ớt.

Thứ hai, nhiều khi rất khó tin, nhưng “tiểu tam” lại chẳng hề xinh đẹp như “vợ cả” hay số đông tưởng tượng. Cho dù có trẻ trung, nhan sắc chỉ ở mức tầm tầm, nhưng cơ bản kích thích được bộ não ham cái lạ ở đàn ông. Phương án này gần như rất khó khả thi cho một kịch bản phim gây “hot”.

Vì phụ nữ phần đa cảm thấy an toàn trước người cùng giới có ngoại hình trung bình trở xuống. Ngược lại, sẽ thấy bất an và dễ đối đầu với phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ hơn.

Nhà làm phim cũng loại đi một thực tế khác “khó được tin là sự thật” liên quan đến người thứ ba. Trong đó có thể kể đến, “tiểu tam” không biết người đàn ông đã có vợ, hoặc đơn giản, vì cuồng tin đó là tình yêu đích thực và không thể rút chân ra…

Thứ ba, trường hợp thứ ba cũng có hai gạch đầu dòng. Thứ nhất, người chồng hoặc sẽ tử tế hơn tên Lee Tae Oh trong phim, nhu nhược hơn, hèn nhát hơn, không bạo lực với vợ. Thứ hai, khoan, bình tĩnh và đừng đập bàn ghế… hãy tin anh ta, anh ta thật sự có tình cảm với … cả hai người phụ nữ. “Anh chìm đắm vào tình yêu thì có gì là sai”, Lee Tae Oh đã nói với vợ mình như thế đấy.

Và giờ bạn đã hiểu làm cách nào Thế giới Hôn nhân khiến bạn “phát điên” chưa? Nhà làm phim đã loại đi tất cả những “khả năng gây nhiễu” để đưa ra những gì phần đông khán giả mong chờ nhất cho môt kịch bản ngoại tình. Sau đó, đẩy mọi thứ lên cực đỉnh, mang tới nhiều nhất cao trào có thể bằng một cách thức khôn khéo.

Tên chồng Lee Tae Oh phải ra tay bạo lực với vợ, phải tham lam, phải lừa dối và lật mặt để phù hợp với hình ảnh một tên chồng “khốn nạn đỉnh cao”. Yeo Da Kyeong cần phải có ngoại hình nổi bật để phụ nữ xung quanh thấy bất an, phải đủ kiêu kì để phụ nữ khác thấy “ngứa mắt”. Đặc biệt, yêu đương với chồng người thì phải thật “hồn nhiên”, “trơ trẽn” để khán giả nữ thêm đay nghiến.

Chỉ có như thế, trước cảnh nhân vật của Kim Hee Ae bị đối xử bất công, bạn mới cảm thấy mình có toàn quyền căm ghét và chửi rủa “tiểu tam” cùng tên chồng đốn mạt.

Tạm kết

Nói gì đi nữa, Thế giới Hôn nhân chắc chắn đã đang, và sẽ, mang lại những “bài học” nào đó mà hội chị em khả năng cao sẽ cần tới trong tương lai. Dù là người độc thân hay đã có gia đình, dù là quý cô cấp tiến hay chị em nhi nữ thường tình.

Trước mắt, hãy cứ từ từ thưởng thức phim. Rồi bạn sẽ biết, điều gì mình có thể được “khai sáng” nhờ phim mà chả cần phải đăng kí các khóa học hôn nhân gia đình.

XEM THÊM: Học yêu từ Itaewon Class, bạn là ai trong tình yêu, Soo Ah hay Yi Seo?

author-avatar

About Eileen

Bằng một cách nào đấy, duyên phận là có thật. Tôi với Hàn Quốc, đơn giản chính là như vậy.

One thought on “TGHN đã khai thác tâm lí nào ở con người để trở thành phim hot nhất hiện nay?

  1. Nguyễn Phi Long viết:

    -Khi còn là học sinh, phim Hàn Quốc đã bắt đầu du nhập vào Việt Nam, với mục tiêu quảng bá văn hóa Hàn Quốc nên hầu như bán bản quyền cho các đài truyền hình (lúc đó chủ yếu là VTV) với giá rất rẻ hoặc cho không, khi đó chưa có internet ở Việt Nam. Các phim Hàn Quốc thường quay cận cảnh, gần gũi trong nhà, trong gia đình đã trở thành một làn gió mới.
    -Không nhớ rõ phim đầu tiên xem là gì, sau đó khá lâu thì tôi còn nhớ vài phim như : Anh em nhà bác sĩ, tay đua kiệt xuất (mọi người hay gọi hài hước là “kiệt sức” vì quá dài). Diễn viên nữ mà nhiều người Việt chắc còn nhớ là cô gì…. quên tên rồi, nhưng sau này biết cô ấy có cuộc sống gia đình không tốt đẹp, bị bạo lực gia đình và hình như là tự tử, đáng tiếc cho một người được coi là ngôi sao.
    -Phim Hàn ở thời đó có một số đặc điểm chung là hay quảng cáo xe và điện thoại trong các cảnh diễn, diễn viên rất đẹp, các bà mẹ thường rất uy quyền, độc đoán và xen vào chuyện của con cái quá nhiều, nói đơn giản là “nhiều chuyện”. Style tình yêu thường là chuyện tình 3-4 người và cuối cùng sẽ có một người nào đó bị ung thư, rồi chết. Rất hay bị ung thư :-). Tôi không xem nhiều lắm vì lúc đó cũng không hiểu lắm, chỉ biết loáng thoáng trên TV là vậy. Tuy nhiên sau này, khi đã qua thời sinh viên, có một dịp về tết, không nhớ rõ năm nào, chỉ nhớ là lúc đó đang có Olympic ở Sochi-Nga, tôi theo dõi rất kĩ một bộ phim là “Thần y Ho-jun”, và đó là bộ phim Hàn Quốc mà tôi thấy là hay nhất cho đến tận bây giờ. Không xem nhiều phim Hàn Quốc nào kể từ đó.
    -Phim đó thuộc về thời cổ của Hàn Quốc, áo quần còn dài lê thê, hay đội mũ rộng vành, và quấn khăn trên đầu. Tuy nhiên, xoay quanh cuộc sống, sự yêu thương, đùm bọc của cha mẹ, vợ chồng, gia đình đôi bên của Ho-Jun và sự ham học hỏi mãnh liệt của ông, bất chấp điều kiện không thuận lợi đã tạo nên sự hấp dẫn, giá trị của bộ phim.
    -Ông tìm học nhiều thầy, mỗi người mỗi tính cách, và có khi ông phải lén lút làm điều đó vì thân phận ông không được phép. Họ đều chấp nhận vì cảm phục ý chí vươn lên của ông, cuối cùng có một ông thầy khó chấp nhận nhất chính là cha ruột của đối thủ, gia đình thân thế trong triều đình, phải nói sự mâu thuẫn tột độ trong các quan hệ cá nhân đã phải nhường bước cho sự kính trọng lẫn nhau giữa ông và thầy, cùng con của ông thầy này. Họ đi khắp nơi, cùng nhau chữa bệnh cho dân làng đang bị bệnh dịch nào đó rất ghê gớm, chắc nhỏ hơn nhưng cũng kiểu như Covid-19 bây giờ vậy. Phương pháp hay dùng nhất của họ là châm cứu và xắc thuốc uống, một số trường hợp đặc biệt họ cũng phẫu thuật bằng dao, đương nhiên là không có thuốc gây mê, nên đau đớn. Gần đến cuối phim, khi ông thầy (diễn viên này có đôi mắt rất có uy) cảm thấy Ho-Jun đã vượt qua trình độ của mình, ông nói Ho-Jun không cần tỏ ra khiêm tốn nữa, hãy đi tiếp, và đi xa hơn thầy. Rồi từ đó, ông vào núi tu dưỡng, hay ở ẩn.
    -Ông đã được gọi là thần y là câu chuyện dài như vậy. Một bộ phim Hàn Quốc hay nhất đã từng xem. 🙂 Nếu vì dụ bây giờ nó được chỉnh sửa, làm đẹp lại và phát lên net, ví dụ youtube…tôi sẽ download và xem lại.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).