Tộc Joseon (조선족) là thuật ngữ chỉ những người Triều Tiên di cư đến vùng Đông Bắc Trung Quốc trong thời kỳ Nhật Trị. Nhiều người trong số đó từng là nhà hoạt động thuộc các tổ chức phong trào độc lập. Những người khác, đa phần là nông dân, di cư đến nơi khác lánh nạn do bị Nhật chiếm đoạt đất đai.

Đến năm 1920, đã có hơn 457.000 người gốc Triều Tiên sống ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Hàn Quốc bắt đầu phát triển bùng nổ vào những năm 1990, những người con tộc Joseon tha hương (gọi tắt là người Joseon) bắt đầu tìm đường trở về quê cha đất tổ.

Tháng 3/2019, một người Hàn Quốc tên Lee Hee Jin đã bị bắt vì những cáo buộc liên quan đến cái chết của cha mẹ mình. Theo cảnh sát điều tra, Y đã lên mạng để tìm thuê 3 người Joseon cùng lên kế hoạch và thực hiện tội ác. Thi thể của cha mẹ Lee được tìm thấy trong tủ lạnh và tủ quần áo ở nhà riêng. Vụ việc chấn động đã khiến người Hàn tăng thêm thành kiến với người Joseon.

Trước đó, người Joseon sống ở Hàn Quốc vốn đã được khắc hoạ không mấy tốt đẹp trên màn ảnh lớn, điển hình là 2 tác phẩm từng khuynh đảo phòng vé – Hoàng Hải (황해) & Những kẻ ngoài vòng pháp luật (범죄도시).

Trong cả 2 bộ phim, các nhân vật người Joseon thường là những thành viên băng đảng xã hội đen bạo lực và man rợ. Các khu phố người Hoa ở Seoul cũng được chọn làm bối cảnh cho những tội ác đẫm máu gây nên bởi những người Joseon.

Hiện nay có khoảng 700.000 người Joseon đang sinh sống ở Hàn Quốc. Phần đông cư ngụ ở Seoul trong khu người Hoa như các phường Daerim (대림) và Garibong (가리봉).

XEM THÊM: Địa ngục Joseon có gì? Sự bất công nào khiến 75% giới trẻ Hàn Quốc muốn rời bỏ tổ quốc?

Chật vật thích nghi với cuộc sống mới

Không khí ở những khu phố Tàu mà tiêu biểu là Daerim không giống như các khu vực khác của Seoul, nơi tấp nập quán cà phê, nhà hàng, cửa hiệu bán lẻ và cửa hàng tiện lợi, bao quanh bởi công viên cây xanh và các tòa nhà được trùng tu hoặc xây mới.

Trong giai đoạn kinh tế Hàn Quốc phát triển thần tốc, Daerim là một trong những khu vực tập trung nhiều nhà máy, công xưởng và do đó, công nhân và người làm thuê tứ xứ không ngớt đổ về đây. Sự bùng nổ qua đi, để lại những toà nhà bị xuống cấp hoặc bỏ trống không ai ngó ngàng đến.

Khu Daerim không có Starbucks hay McDonald. Thay vì các siêu thị và trung tâm mua sắm lớn, nơi đây có một khu chợ ngoài trời trải dài bán các loại thực phẩm đa dạng và đồ gia dụng.

Trong các khu dân cư đông đúc, rác thải vương vãi bên ngoài các tòa nhà. Vì những lý do này mà người Hàn nói chung thường không thích tìm đến khu Daerim trừ những ai là tín đồ của ẩm thực Trung Quốc.

“Đến nơi này gợi nhắc cho tôi về Hàn Quốc của thập niên 70 trong quá khứ.” – Một người Hàn hiếm hoi đến ăn trưa tại phố người Hoa Daerim cho biết.

Vào những ngày cuối tuần, những quán ăn ở Daerim thường tấp nập thực khách, nhưng rất ít trong số đó là người Hàn Quốc.

Lee Sun Ja (69 tuổi), tiểu thương bán chăn nệm hơn 20 năm ở phố người Hoa kể lại rằng đa số khách của bà là người Trung Quốc hoặc người Joseon, hiếm lắm cửa hàng mới tiếp 1 ~ 2 khách người Hàn.

Lee Sun Gyu, một mục sư đã ngoài 70 nhưng vẫn bền bỉ trong công tác giúp đỡ người Joseon và người Trung Quốc di cư tìm nhà ở và việc làm ở Hàn Quốc. Mục sư Lee từng bắt gặp một nam thanh niên nằm ngủ trên một chiếc ghế bên đường.

“Anh ta nói tiếng Hàn không sõi lắm” – ông nhớ lại.

Sau đó, ông đánh thức người thanh niên dậy và hỏi vì sao anh ta lại ngủ ở đó. Bằng vốn tiếng Hàn chưa lưu loát, nam thanh niên bày tỏ rằng anh vẫn tưởng việc di cư đến Hàn Quốc sẽ mở ra nhiều cơ hội giúp anh đổi đời.

Song hiện thực phũ phàng, cũng như bao người Joseon ôm giấc mộng “Korea Dream” rồi lại vỡ mộng khác, người đàn ông trẻ dần bị nỗi cô đơn chiếm lấy và nhanh chóng nghiện thuốc lá, uống rượu, đồng thời sa ngã vào những văn hoá không lành mạnh.

Mục sư Lee (thứ 2 từ phải sang) ở trung tâm hỗ trợ người Joseon và người Trung Quốc di cư hoà nhập với cuộc sống ở Hàn Quốc của ông:

Mục sư Lee (thứ 2 từ phải sang) ở trung tâm hỗ trợ người Joseon và người Trung Quốc di cư hoà nhập với cuộc sống ở Hàn Quốc của ông.

Người Joseon đi làm công trung bình kiếm được từ 40.000 – 50.000 KRW/ngày. Theo mục sư Lee, họ chỉ được đào tạo cơ bản khi đến Hàn Quốc bằng visa lao động. Hoạt động đào tạo có thể bao gồm học cách làm bánh mì, giặt giũ và kiến thức về xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, việc đào tạo như vậy là không đủ để giúp họ thích nghi và có cuộc sống suôn sẻ ở môi trường mới.

Không được quê hương chào đón

Yeon Bok Sun (65 tuổi) là một nhân viên chăm sóc y tế cho người cao tuổi mắc chứng mất trí nhớ và các vấn đề tuổi già. Cô đến từ thị xã Đồ Môn, tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc), nơi có thể nhìn thấy Bắc Hàn qua con sông Đồ Môn. Người Joseon chiếm 57% dân số của thị xã này.

Năm 2002, cô tái hôn với một người đàn ông Hàn Quốc và di cư đến sinh sống ở Paju – thành phố nằm sát biên giới với Bắc Hàn. Ngay khi vừa đặt chân đến vùng đất mới, cô đã bị chính người chồng của mình bạo lực đến mức phải chuyển đến “lánh nạn” ở trung tâm hỗ trợ phụ nữ.

Khi mới đến, vì vốn tiếng không tốt, Yeon đã không thể tự tin khi tiếp xúc với người Hàn. Nhìn thấy nhiều người thay đổi ngay sang thái độ khinh khỉnh khi nghe chất giọng và ngữ điệu lơ lớ của mình, Yeon trở nên tự ti hơn.

Trước khi ly dị, cô đã giúp người chồng Hàn Quốc của mình kinh doanh bất động sản. Nhờ đó cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của luật sư công, ở toà, cô đã được chia tài sản 15 triệu KRW. Dù vậy, Yeon không cho rằng tiền là tất cả.

Con gái của Yeon theo mẹ đến Hàn Quốc. 2 người đã tham gia vào một chương trình phúc lợi, nơi đã giúp họ có chỗ ở miễn phí. Sau khi ổn định, cô bắt đầu công việc chăm sóc y tế ở viện dưỡng lão. Sau nhiều năm nhận được hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức của Hàn Quốc, gia đình cô Yeon đã mua được một ngôi nhà trên quê hương thứ hai.

Yeon nhớ lại khoảnh khắc đối mặt với chồng cũ sau phán quyết của tòa án, khi cuối cùng cô cũng bắt đầu cảm thấy đường đường chính chính trước anh ta với tư cách là một công dân Hàn Quốc.

Sau bao tháng ngày trở thành nạn nhân của chồng cũ, bị khinh rẻ như loại người mạt hạng chỉ vì là người Trung Quốc, Yeon khảng khái nói, “Tôi muốn chứng minh cho anh ta thấy rằng vị thế của tôi bình đẳng với anh ta ở đất nước này.”

Tia sáng cuối đường hầm

Kang Kwang Mun (45 tuổi), là giáo sư trợ giảng tại khoa Luật của trường Đại học Quốc gia Seoul. Ngày còn trẻ, Kang đã theo học tại các trường đại học danh tiếng bậc nhất ở Trung Quốc và Nhật Bản.

Trở thành giáo sư tại trường đại học uy tín hàng đầu Hàn Quốc, có thể nói anh đã thích nghi thành công với cuộc sống ở quê cha đất tổ, không như nhiều người làm thuê Joseon lớn tuổi khác.

Anh cũng tư vấn và tham gia giảng dạy cho một mạng lưới sinh viên đại học là người Joseon ở Hàn Quốc với hy vọng sẽ giúp họ hòa nhập tốt với môi trường sống mới.

Kang nhận định, thế hệ thứ 3 của tộc người Joseon (bao gồm anh) thích nghi dễ hơn với văn hoá Hàn Quốc. Họ sở hữu những cơ hội được hưởng điều kiện giáo dục tốt không khác so người Hàn là bao. Và trẻ em lại càng có khả năng thích ứng với môi trường mới tốt hơn cả người lớn.

Hàn Quốc có dân số hơn 51 triệu người, trong đó có 2 triệu người nước ngoài, tương đương với 4% dân số. Điều đó có nghĩa là người Hàn chiếm đến 96% dân số hiện tại của Hàn Quốc. Trong số những người nước ngoài sinh sống ở Hàn Quốc, khoảng một nửa đến từ Trung Quốc, và hơn 50% trong số đó thuộc tộc Joseon.

Tuy nhiên, Kang khẳng định thế hệ người Joseon mới sẽ có nhiều cơ hội hơn khi xã hội Hàn Quốc dần chuyển mình trở nên toàn diện và đa dạng sắc tộc hơn. Dù vậy, vẫn cần nhiều thời gian để người Hàn xoá bỏ những thành kiến sâu xa đối với người nước ngoài do tư tưởng “thuần huyết” – một dân tộc (한민족).

Vấn đề nội tại bán đảo Hàn Quốc và các vấn đề quốc tế với các nước láng giềng như Trung Quốc đều dựa vào những cam kết chung giữa các quốc gia. Giáo sư Kang cho rằng cộng đồng người Hàn nói chung sinh sống ở nhiều khu vực khác nhau, có thể là cầu nối giúp loại bỏ bức tường chính trị và văn hóa đang tồn tại ngăn cách giữa các khu vực.

Cháu trai của nhân vật Yeon Bok Sun chỉ mới đến Hàn Quốc vài năm trước nhưng đã có thể theo học tại trung tâm học kèm ngoài giờ như hầu hết các học sinh Hàn Quốc khác, nhờ vào sự hỗ trợ của quỹ chính phủ dành cho các gia đình đa văn hóa.

Cháu trai của cô theo kịp các bạn đồng trang lứa trong hầu hết các môn học, nhưng cần thêm trợ giúp trong việc luyện nói và hiểu tiếng Hàn.

“Ngay cả khi chúng tôi nói tiếng Trung và ăn đồ ăn Trung Quốc ở Trung Quốc, chúng tôi vẫn bị xem là người thuộc tộc Joseon. Trong khi đó, Người Hàn lại nghĩ về chúng tôi như kiều bào (Người Hàn Quốc ở nước ngoài). Nhưng khi đã chọn sống ở Hàn Quốc, chúng tôi chỉ muốn được xem như người Hàn Quốc.” Yeon khép lại câu chuyện của mình bằng một ước vọng chân thành.

XEM THÊM:

Tổng hợp từ This Week in Asia

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).