Kinh tế trì trệ là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất dưới những tác động tiêu cực từ dịch cúm COVID-19. Thậm chí mới đây, một chuyên gia đã thẳng thắn nhận định, nền kinh tế Hàn Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung đang rơi vào tình trạng báo động nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997.

Hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể. Trong khi đó, một số công ty lại đặt chế độ “ngủ đông”, “đóng băng” chỉ để… cầm cự thêm dù chỉ là một phút. Điều này đã đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều người làm công ăn lương trên toàn cầu. Thậm chí, phần lớn trong số đó còn mất hẳn kế sinh nhai.

Cuộc sống giờ đây dần trở nên khó khăn hơn khi nguồn thu nhập ngày càng giảm sút, nhưng các khoản phải chi vẫn không ngừng phát sinh từng ngày.

Do đó, ngoài nỗi băn khoăn làm thế nào để có thể giữ an toàn cho bản thân và gia đình dưới sự lây lan đến chóng mặt của virus, con người còn vô hình chung bị đặt vào tình thế phải giải quyết một bài toán nan giải về việc làm sao để cắt giảm chi tiêu và cân bằng ngân sách giữa thời điểm đặc biệt khó khăn và nhạy cảm này.

1. Học cách tiết kiệm từ những điều nhỏ nhất

Để giải quyết vấn đề trên, nhiều người đã chủ động giảm hẳn nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng không cần thiết cho bản thân và gia đình. Đồng thời lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm đáng kể nguồn vốn đang có.

Đây thật sự là một thói quen tốt, nhưng để có thể thực hiện một cách hiệu quả, cần rất nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn lớn. Bởi không ai có thể hoàn toàn thay đổi thói quen của mình chỉ trong tích tắc.

Chính vì thế, hãy bắt đầu từ điều đơn giản nhất, bằng cách kiểm soát tình trạng tài chính của bản thân và hạn chế tối đa sự “ham muốn” về những món đồ chưa thật sự cần thiết. Đồng thời cũng nên viết ra giấy những thứ muốn mua theo thứ tự và hình dung về lợi ích mà nó mang lại. Sau đó, hãy xác định những gì thật sự quan trọng và hữu ích, trước khi quyết định bỏ ra một khoản tiền để mua sắm.

Chỉ cần nắm rõ nguồn thu nhập của bản thân và biết cách chi tiêu hợp lý, bạn sẽ dễ dàng cân bằng cuộc sống hiện tại, ổn định tương lai và tránh sự lãng phí không cần thiết.

2. Chia ngân sách thành từng khoản nhỏ cho những mục đích khác nhau

Khi đã kiểm soát được nguồn vốn hiện có, hãy chia nhỏ thành từng khoản, sử dụng cho nhiều trường hợp khác nhau.

Vì sao ư? Hãy thử so sách phương pháp này với việc cho cả một vỉ trứng lớn vào giỏ mua hàng. Không thể loại trừ khả năng cả đống trứng sẽ vỡ toang do va chạm với những vật dụng khác. Tuy nhiên, nếu chỉ mua với số lượng ít, hoàn toàn có thể hạn chế được rủi ro này.

Đồng nghĩa với việc, nếu chia tiền thành từng khoản nhỏ cho nhiều mục đích khác nhau như tiền thanh toán các khoản điện, nước, gas hàng tháng, tiền chợ, tiền sinh hoạt, tiền dùng trong những trường hợp khẩn cấp…

Chỉ cần có một kế hoạch cụ thể cho việc chi tiêu hàng ngày của mình, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát được đầu ra và có phương pháp sử dụng hợp lý.

3. Kiểm soát sinh hoạt phí hàng ngày

Sau khi đã có sự phân bố về các khoản rõ ràng như trên, hãy bắt đầu kiểm soát chúng bằng cách ghi chép lại đầy đủ tất cả những khoản thu chi trong ngày. Đồng thời, có thể nhờ đến sự hỗ trợ của một số ứng dụng giúp quản lý chi tiêu, để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc kiểm sát dòng tiền, số dư ngân hàng và quản lý chi tiêu hàng ngày.

Theo đó, vào cuối tháng, bạn sẽ có một bảng báo cáo hoành tráng và cụ thể về từng khoản chi tiêu cá nhân. Điều này sẽ không chỉ giúp bạn có thể hình dung rõ ràng về thói quen tiêu xài của mình, mà còn kiểm soát được dòng tiền đã sử dụng trong thời gian qua.

4. Thiết lập lịch ghi chú ngân sách

Như đã chia sẻ ở trên, ngoài việc ghi lại những khoản đã sử dụng trong ngày, bạn nên có hẳn cho mình một cuốn lịch cầm tay, ghi chép đầy đủ những khoản thu chi trong ngày, trong tuần và trong tháng.

Với hình thức này, bạn sẽ nhận ra những khoản chi “ngốn” ngân sách hơn dự tính, hoặc những khoản không đáng có nhưng lại xuất hiện trong ghi chép cuối tháng. Từ đó, có thể rút kinh nghiệm cho bản thân và thiết lập một kế hoạch sử dụng ngân sách hợp lý hơn cho tháng tiếp theo.

5. Đến lúc nên biết cách “đánh giá thấp” khả năng của mình

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần hữu ích. Chính là rèn luyện cho bản thân lối suy nghĩ: “Khả năng của mình thật ra không cao như thực tế”.

Nghe có vẻ vô lý, song đây lại là một trong những phương pháp giúp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả nhất. Bởi sống dưới mức khả năng cho phép đồng nghĩa với việc bạn sẽ luôn định hình cho bản thân việc tìm kiếm và sử dụng những món đồ thật sự cần thiết, với một mức giá hợp lý, hơn là tự tin vào khả năng kiếm tiền của mình để tự cho phép bản thân tìm đến những món đồ đắt giá hơn, nhưng lại không thật sự cần thiết.

Với cách suy nghĩ khiêm tốn và thực tế này, chắc chắn bạn sẽ tiết kiệm được một khối tiền cho ngân sách của mình.

NHỮNG THÔNG TIN HỮU ÍCH CHO BẠN:

Tổng hợp từ Naver News

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).