Những vụ ám sát xuất phát từ động cơ chính trị có phải chỉ là chuyện hư cấu trên phim? Câu trả lời chắc chắn là không.

Thực tế đã chứng minh rằng không thể biết được thật sự đã có bao nhiêu con người mất tích/ bỏ mạng, bao nhiêu vụ ám sát/ bắt cóc vẫn còn là bí mật quốc gia hay thậm chí đã chìm dần dưới những lớp bụi thời gian.

Bắc Hàn – quốc gia bí ẩn nhất thế giới, trải qua 3 thế hệ lãnh đạo kể từ khi thành lập nhà nước đến nay, cũng ghi tên mình vào danh sách những quốc gia có nhiều vụ ám sát liên quan đến động cơ chính trị nhiều nhất trên thế giới.

Ngoài những sự thật bất ngờ bạn có thể chưa từng biết đến về Bắc Hàn, câu chuyện về những vụ ám sát chấn động thế giới dưới bàn tay đạo diễn của chính quyền nước này qua các thời kì có thể cũng khiến bạn ngạc nhiên không kém về độ ly kỳ.

1. Đột kích Nhà xanh, ám sát tổng thống Park Chung Hee

Đây là pha ám sát dưới bàn tay chỉ đạo của Kim Il Sung – lãnh tụ đầu tiên của Bắc Hàn. Năm 1968, 31 lính đặc nhiệm được tuyển chọn từ đơn vị đặc nhiệm 124 đã được cử sang Hàn Quốc để thực hiện kế hoạch xâm nhập Nhà xanh (청와대) và ám sát tổng thống độc tài Park Chung Hee (박정희).

Nhóm đặc nhiệm này sau khi vào được địa phận Hàn Quốc trót lọt đã bị một số tiều phu phát hiện. Tuy nhiên thay vì thủ tiêu họ, những người lính Bắc Hàn đã quyết định không những tha chết mà còn tuyên tuyền cho họ về sự ưu việt của chủ nghĩa Cộng sản rồi sau đó thả họ ra.

Nhóm tiều phu nọ đã báo cảnh sát và Hàn Quốc ngay lập tức chỉ thị rà soát chặt chẽ thủ đô cũng như khu vực lân cận để truy bắt những người này. Tuy nhiên, họ đã tiến được vào Seoul, thậm chí họ còn cải trang thành lính Hàn Quốc để che giấu thân phận và thực hiện mục tiêu của mình.

Nhóm biệt kích đã bị phát hiện khi chỉ còn cách dinh tổng thống 200m. Một vụ đấu súng đã xảy ra. Cuối cùng kế hoạch ám sát tổng thống Park bất thành.

Nhiều người trong nhóm 31 biệt kích đã chạy trốn nhưng hầu hết đã bị giết, một số tự sát trên đường quay trở về miền Bắc. Phía Hàn Quốc cũng có nhiều người lính bị thương vong và nhiều dân thường bỏ mạng.

2. Đánh bom ám sát tổng thống Chun Doo Hwan

Để tránh những xung đột chính trị ngoài tầm kiểm soát, nhiều nước đã tiến hành các âm mưu ám sát tại nước thứ 3. Tương tự như vậy, vụ ám sát tổng thống Chun Doo Hwan (전두환) được chính quyền của Kim Il Sung lên kế hoạch thực hiện ở Yangon – thủ đô của Myanmar (Miến Điện) thời đó, vào năm 1983.

Ba điệp viên của Bắc Hàn đã đến Yangon, nhận bom ở sứ quán và tiến hành đặt bom ở Tượng đài liệt sĩ Yangon, nơi Tổng thống Chun sẽ tới viếng và đặt vòng hoa. Tuy nhiên, tổng thống Chun Doo Hwan đã may mắn thoát chết vì chuyến xe chở ông đã đến chậm vài phút so với thời gian dự kiến (do kẹt xe), cũng là lúc quả bom phát nổ.

Đã có 17 quan chức của Hàn Quốc (trong đó có các quan chức cấp cao như Phó thủ tướng, một số Bộ trưởng và Thứ trưởng) thiệt mạng.

Hai ngày sau vụ đánh bom, 2 điệp viên đã bị bắt còn người thứ 3 thì bị bắn chết. Một trong hai người bị bắt đã bị xử tử hình, người còn lại chịu án tù chung thân sau khi thú nhận đã tiến hành vụ tấn công theo lệnh của Bình Nhưỡng.

Dù Bắc Hàn đã bác bỏ mọi cáo buộc nhưng Myanmar vẫn quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Hàn. Vụ việc này cũng khiến cho quan hệ Bắc Hàn và Trung Quốc xấu đi rất nhiều.

3. “Xử” quan chức lãnh sự Choi Duk Geun để trả thù

Choi Duk Keun (최덕근), một nhà ngoại giao Hàn Quốc, được tìm thấy bị đánh đến chết tại Vladivostok (Viễn Đông, Nga) vào năm 1996.

Truyền thông Hàn Quốc cho rằng đây là đòn trả thù cho cái chết của 25 thủy thủ tàu ngầm của Bắc Hàn thiệt mạng khi tàu của họ bị mắc cạn trên một bãi biển ở Gangneung (강릉), Hàn Quốc.

Sự vụ này là minh chứng cho đường lối nhất quán của chính quyền Bắc Hàn, từ đời lãnh đạo cha Kim Il Sung (1953 – 1994) sang đời lãnh đạo con Kim Jong Il (1994 – 2011) đối với các mâu thuẫn quốc tế, đặc biệt là đối với “người anh em” Hàn Quốc.

4. Kết cục dành cho “kẻ đào tẩu” Lee Han Young

Lee Han Young (이한영) là cháu trai của bà Song Hye Rim, mẹ của Kim Jong Nam (김정남 – anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong Un). Sau khi du học ở Thụy Sĩ, Lee đã vượt biên sang Hàn Quốc. Khi sống lưu vong tại đây, Lee xuất bản một cuốn sách với những câu chuyện về lãnh tụ Bắc Hàn đương thời.

Từ lâu, Bắc Hàn đã có chính sách “xử lý đặc biệt” dành cho những “đứa con lạc loài” muốn đào tẩu, rời bỏ quê hương. Và dù cho có là “hoàng thân quốc thích”, Lee Han Young cũng không phải là một ngoại lệ.

Năm 1997, Lee đã bị bắn vào đầu bởi những kẻ ám sát được Hàn Quốc nhận định là người của Bắc Hàn.

Vụ việc còn được xem như là một động thái thể hiện sự tức giận của Bắc Hàn khi chỉ 2 ngày trước đó, Hwang Jang Yop (황장엽) – một cán bộ cao cấp của chính quyền Kim Jong Il đương thời cũng đã xin tị nạn Hàn Quốc, “phản bội quê hương”.

5. Tiêu diệt đến cùng “kẻ phản bội” Hwang Jang Yop

Cho đến bây giờ, Hwang Jang Yop (황장엽) vẫn là người từng nắm giữ chức vụ cao nhất (Tổng thư ký Đảng Lao Động) trong số những “kẻ đào tẩu” nằm trong “danh sách đen” của chính quyền Bắc Hàn. Nặng nề hơn, trong mắt Bắc Hàn, ông thậm chí còn bị coi là “cặn bã của loài người”.

Năm 1997, khi sang Nhật Bản công tác, ông đã xin tị nạn tại Đại sứ quán Hàn Quốc. Trong thời gian sống ở Hàn Quốc, ông giữ chức Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách thống nhất của Hàn Quốc và được coi là có nhiều đóng góp trong các nghiên cứu của Hàn về chính quyền phía Bắc.

Ngày 10/10/2010, Hwang Jang Yop qua đời tại nhà riêng. Kết luận điều tra của Hàn Quốc cho thấy ông chết vì nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên trước đó, ông đã nhiều lần bị ám sát bất thành. Đặc biệt nhất là ngay trước khi ông qua đời 6 tháng, chính quyền của Kim Jong Il đã cử 2 thiếu tá của Cơ quan Tình báo quốc gia sang Hàn Quốc ám sát ông.

Sau khi Hwang qua đời, Hàn Quốc đã thực hiện lễ tang của ông theo nghi thức dành cho những lãnh đạo cấp cao và việc này vấp phải khá nhiều chỉ trích của dư luận trong nước.

6. Thanh trừng không khoan nhượng “cánh tay phải” Jang Song Thaek

Jang Song Thaek (장성택) là chồng người cô ruột của Kim Jong Un – bà Kim Kyong Hui. Khi tại chức, ông là cánh tay phải của Kim Jong Un đồng thời là nhân vật quyền lực thứ hai, có thể nói là “dưới một người nhưng trên vạn người” của chính quyền Bắc Hàn.

Một số hãng truyền thông quốc tế nhận định: cùng với Kim Jong Nam (anh trai cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un), Jang Song Thaek qua đời vì liên quan đến âm mưu thay thế Kim Jong Un bằng người anh Kim Jong Nam thông qua một cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính quyền đương thời.

Đây được xem là một cuộc thanh trừng thẳng tay không khoan nhượng của Kim Jong Un đối với người từng đỡ đầu, dẫn đường và là cố vấn chủ đạo của mình sau khi Kim lên nắm quyền năm 2011. Vụ xử tử này được chính quyền Bắc Hàn công khai trên truyền thông, đồng thời nêu rõ đây là hình phạt dành cho “kẻ phản cách mạng”.

7. “Loại khỏi cuộc đua” người anh Kim Jong Nam (김정남)

Kim Jong Nam là con trai người vợ cả của Kim Il Sung, tức là anh trai cùng cha khác mẹ với Kim Jong Un. Mặc dù đã từng gần chạm đến “ngai vàng” nhưng Kim Jong Nam vẫn không phải là lựa chọn cuối cùng của Kim Il Sung. Quyền kế vị được trao vào tay Kim Jong Un năm 2011 sau khi Kim Il Sung qua đời vì nhồi máu cơ tim.

Hai anh em, bên trái – Kim Jong Un, bên phải – Kim Jong Nam

Kim Jong Nam sau đó sống lưu vong ở nước ngoài, đồng thời cũng có những quan điểm không đồng nhất với tư tưởng và đường lối chính trị của Bắc Hàn. Đặc biệt ông còn đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề cải cách Bắc Hàn, vốn được xem là điều tối kị.

Ngày 13/2/2017, Kim Jong Nam bị ám sát bằng chất độc VX tại sân bay Kuala Lumpur của Malaysia. Giới quan sát quốc tế và tình báo Hàn Quốc đều cho rằng vụ này là do Kim Jong Un chỉ đạo, nhằm trừ khử ngay mầm mống tranh đoạt quyền lực với mình.

Có hai phụ nữ bị cáo buộc đã đầu độc ông Kim, trong đó có Đoàn Thị Hương – người Việt Nam. Sau 2 năm bị giam giữ, Hương đã được trả tự do vào tháng 5/2019.

Đoàn Thị Hương – một trong hai người bị buộc tội đầu độc ông Kim Jong Nam

7 vụ việc kể trên chỉ là một phần trong rất nhiều vụ án chìm nổi mà chính quyền “cha truyền con nối” Bắc Hàn đã thực hiện từ khi thành lập (1953) cho đến nay để bảo vệ chính thể của đất nước này.

Có thể thấy các vị lãnh đạo Bắc Hàn sẵn sàng có những động thái mạnh mẽ nhằm trả đũa bất kỳ hành động nào từ Hàn Quốc mà nước này xem là “hành vi gây hấn chính trị”, bất chấp dư luận quốc tế.

Bên cạnh đó, khi đã tại vị họ cũng khá sợ hãi việc quyền lực rơi vào tay “ai đó” không phải là mình.

Cuối tháng 4/2020, những đồn đoán về vấn đề sức khỏe của Kim Jong Un tràn ngập trên truyền thông quốc tế cũng làm dấy lên lo ngại về một kịch bản tranh giành quyền lực sắp diễn ra ở Bắc Hàn, nếu Kim Jong Un thực sự đã qua đời.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).