Hôi miệng có thể là “nỗi niềm khó bày tỏ” kể cả đối với người mắc phải vấn đề này và những người xung quanh. Cho dù bạn có ưa nhìn hay tài ăn nói có giỏi đến đâu, khoảnh khắc bạn mở miệng và có một mùi khó chịu bay ra, ngay lập tức cũng có thể khiến những người xung phải tránh xa.

Điều đáng nói, nhiều trường hợp bị mắc chứng hôi miệng rất nghiêm trọng đến mức người khác cũng không dám lại gần, nhưng bản thân người mắc phải không hề ý thức được vấn đề của bản thân.

Anh Kim là một “người nổi tiếng nơi công sở” được tất cả đồng nghiệp công nhận. Với tài ăn nói tài tình chỉ cần mở miệng là khiến người xung quanh cười ngặt nghẽo, anh luôn được các đồng nghiệp vây quanh không kịp thở vào giờ nghỉ. “Người nổi bật trong các cuộc so tài thể thao của công ty”, “người khuấy động bầu không khí ở các buổi tiệc sau giờ làm”… là những lời khen dành cho anh Kim.

Tuy nhiên một ngày nọ, anh Kim bỗng có cảm giác các đồng nghiệp ngày thường vẫn nháo nhào tụ tập vây quanh anh vào giờ nghỉ, dạo gần đây dường như có vẻ đều lảng tránh anh. Kim nghĩ thầm “có thể là do tâm trạng của họ không tốt”, nên anh chủ động tiến lại bắt chuyện.

Nhưng anh chỉ nhận lại những lời từ chối khéo:“Xin lỗi, tôi có việc phải làm” “Xin lỗi, lát nữa nói chuyện sau nhé!” . Đến lúc này, Kim bắt đầu chột dạ. “Có khi nào là do khả năng hài hước của mình đã giảm đi? Hay là do mình đã lỡ lời nói gì sai?”.

Cứ như thế, anh dần trở nên ủ dột. Đến một ngày, Kim mới tá hoả khi nghe người đồng nghiệp vào công ty cùng lúc với mình năm xưa hỏi nhỏ, “Này, cậu đã… đánh răng trước khi đến công ty chưa?”

Vậy khi đã đánh răng kỹ, dùng nước súc miệng rồi mà mùi hôi miệng cũng không biến mất thì phải làm thế nào?

XEM THÊM: 9 cách uống cà phê hiệu quả & có lợi cho sức khỏe

Nguyên nhân dẫn đến chứng hôi miệng

Nguyên nhân cơ bản của chứng hôi miệng có thể đơn giản là do không đánh răng hoặc do hút thuốc. Song cũng có khi, hơi thở có mùi chính là dấu hiệu cho biết cơ thể bạn đang gặp vấn đề về sức khoẻ.

Nếu bị sâu răng hoặc viêm nha chu (chứng viêm lan ra khu vực xung quanh nướu), bạn có thể bị hôi miệng. Ở răng sâu thường có lỗ hỏng, nếu thức ăn không may bị lọt vào những lỗ này thì sẽ khó lấy ra. Chúng sẽ kẹt lại và gây mùi thối rữa. Đối với trường hợp viêm nha chu, thức ăn có thể bị kẹt giữa răng và nướu, sau đó bị hỏng và liên kết với vi khuẩn trong khoang miệng gây mùi hôi.

Các bệnh nhân bị sỏi amidan (hay còn gọi là bã đậu amidan – tonsil stone: khối nhỏ có màu vàng hoặc trắng, kích thước cỡ bằng hạt gạo) cũng có thể bị hôi miệng. Trường hợp này nên đến khoa tai mũi họng để được loại bỏ sỏi bằng dụng cụ chuyên dụng, trường hợp nặng có thể phải cắt bỏ amidan.

Các bệnh nhân tiểu đường, suy thận, bạch cầu cũng có thể là đối tượng của chứng hôi miệng. Bệnh nhân tiểu đường thường có hơi thở giống mùi trái cây hay mùi acetone. Hơi thở của bệnh nhân suy thận lại có mùi tanh như hải sản.

Bệnh nhân bị bạch cầu, hơi thở có thể lẫn mùi tanh của máu. Nếu hơi thở có một trong số những dấu hiệu được liệt kê trên, tốt nhất là nên đến bệnh viện để kiểm tra.

XEM THÊM: Tiếng Hàn về các chứng bệnh & khám sức khỏe

Cách kiểm tra hôi miệng

Cách nhanh nhất để biết mình có bị hôi miệng hay không là hỏi những người xung quanh về vấn đề này, tuy nhiên bạn có thể không nhận được câu trả lời thật lòng vì đối phương ngại ảnh hưởng đến quan hệ.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng phương pháp tự chẩn đoán tại nhà. Đầu tiên, hãy dùng lưỡi chạm nhẹ lòng bàn tay sao cho nước bọt đọng lại trên đó. Đợi khi nước bọt đã khô, để lòng bàn tay cách mũi khoảng 3cm và ngửi thử. Ở khoảng cách này, mùi mà bạn ngửi được chính là mùi trong khoang miệng của bạn.

Một cách khác là bạn hãy thử ngậm chặt miệng trong vòng 3 phút, sau đó dùng tay che cả phần mũi và miệng rồi thở ra một hơi. Động tác này cũng có thể giúp bạn kiểm tra chất lượng hơi thở. Đối với người thường xuyên dùng dụng cụ cạo lưỡi để loại bỏ bợn bẩn, bạn cũng có thể kiểm tra mùi hơi thở bằng cách ngửi thử dụng cụ sau khi cạo lưỡi.

Lời khuyên của chuyên gia

Nguyên nhân cơ bản của việc hơi thở có mùi có thể là do vấn đề vệ sinh răng miệng. Do đó bạn có thể giảm mùi hôi trong hơi thở bằng cách chú ý đến sức khoẻ răng miệng của mình.

Tuyến nước bọt trong miệng sẽ tiết khoảng 1 ~ 1.5L nước bọt mỗi ngày. Nếu số lượng nước bọt được tiết ra ít hơn, chúng ta có thể cảm thấy bị khô miệng. Nước bọt trong miệng có vai trò ức chế vi khuẩn và rửa trôi các mảnh vụn thức ăn.

Nếu lượng nước bọt tiết ra không đủ, chẳng những các tác dụng nêu trên không được hoạt hoá khiến phát sinh mùi hôi miệng, mà còn khiến lưỡi hay vòm miệng bị khô rát. Để đề phòng vấn đề này, cách tốt nhất là uống nhiều nước.

Ngoài ra có thể kích thích tuyến nước bọt bằng cách nhai kẹo cao su. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến khích nhai kẹo cao su không đường thay vì loại có đường, vì đường trong kẹo cao su có thể tác động vi khuẩn trong khoang miệng sinh sôi và gây hôi miệng.

Quá trình đánh răng cũng rất quan trọng. Cách ngắn nhất để loại bỏ mùi hôi miệng thông thường chính là chải răng trước sau thật kỹ và loại bỏ các mảnh vụn thức ăn bằng chỉ nha khoa. Lưu ý, răng hàm trong cùng rất dễ đóng vụn thức ăn.

Vì vậy nên sử dụng loại bàn chải đánh răng tiên tiến (bàn chải được cấu tạo bằng công thức đặc biệt có khả năng làm sạch bên trong) để loại bỏ thức ăn, phòng ngừa các mảnh vụn sót lại gây mùi hôi.

Người thường xuyên cạo lưỡi có thể cạo khoảng 2 lần/ngày. Nếu cạo từ 3 lần trở lên, lưỡi có thể bị sần sùi và lớp màng nhầy có thể bị tổn thương gây xuất huyết. Khi cạo lưỡi, lưu ý cạo từ phía trong lưỡi ra ngoài, thao tác nhẹ nhàng.

Một tin không vui dành cho các tín đồ của nước súc miệng chính là việc lạm dụng nước súc miệng cũng là nguyên nhân gây mùi khó chịu trong hơi thở. Nước súc miệng không loại bỏ căn nguyên gây hôi miệng, và nếu sử dụng quá nhiều sẽ khiến vòm miệng bị khô.

Nhiều sản phẩm nước súc miệng chứa nhiều cồn. Khi súc, cồn có thể đọng lại trong miệng. Sau đó lượng cồn này sẽ làm bay hơi nước bọt hoặc loại bỏ cả những vi khuẩn có lợi.

Trường hợp người mắc chứng khô miệng không nên sử dụng nước súc miệng. Nguyên nhân được cho là vì điều này có thể kích thích tình trạng khô miệng biến chứng, chuyển sang bệnh nấm Candida (tình trạng khiến nấm phát triển trong khoang miệng), khiến cho mùi hôi miệng trở nên tồi tệ hơn.

Tổng hợp từ 머니투데이

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).