Có nguồn gốc từ Ấn Độ giáo và Phật giáo truyền thống, thiền định từ lâu đã trở thành một trong những phương pháp đối phó với căng thẳng, cải thiện sự tập trung, tăng năng suất lao động và giúp thư giãn hiệu quả.

Ngày nay, khi các công ty, tập đoàn lớn đã nắm bắt được “bí kíp” rằng sức khoẻ tinh thần của nhân viên gắn liền với hiệu suất lao động, họ đã tiến hành chi ngân sách cho các chương trình thiền tập nhằm giúp cải thiện sự tập trung và giảm bớt căng thẳng cho các nhân viên.

Theo một nghiên cứu của Tập đoàn Kinh doanh Quốc gia về Sức khoẻ (NBGH), 22% các công ty ở Mỹ đã cung cấp chương trình đào tạo & huấn luyện thiền định tại nơi làm việc từ năm 2017.

“Thiền số” đứng đầu trong bảng các ứng dụng smartphone chăm sóc sức khoẻ

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của thời đại kỹ thuật số, các ứng dụng về chăm sóc bản thân (self-care), nhất là các ứng dụng chứa nội dung thiền định đã giúp người dùng có cơ hội luyện tập thiền chánh niệm và đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng, tiện lợi hơn.

Chánh niệm (tiếng Anh: Mindfulness; tiếng Hàn: 마음챙김) là một thuật ngữ chỉ trạng thái tinh thần nhận thức rõ những gì đang có mặt, đang xảy ra trong giây phút hiện tại.

Theo Trung tâm thống kê quốc gia về y tế Mỹ (NCHS), số người Mỹ trưởng thành cho biết từng thiền tập đã tăng gấp 3 lần, từ 4.1% của năm 2012 lên đến con số 14% vào năm 2017. Điều này được cho là bởi sự phổ biến của các ứng dụng thiền số cũng như nhu cầu thiền định của người Mỹ đã tăng hơn trước.

Năm 2018, trong top 10 các ứng dụng phổ biến có doanh thu cao nằm trong hạng mục “chăm sóc bản thân” (self-care) trên các cửa hàng ứng dụng (app store), vị trí số 1 & 2 lần lượt thuộc về 2 ứng dụng chứa nội dung về thiền định, bao gồm “Calm” và “Headspace”. Cả hai đã đem về con số lợi nhuận khổng lồ, chiếm hơn 90% tổng doanh thu của top 10 ứng dụng self-care so với quý 4/2017. Trong đó, chỉ tính riêng “Calm” đã kiếm về lợi nhuận hơn 21 triệu USD từ người dùng trên toàn thế giới

Từ những thống kê trên, có thể thấy được xu hướng sử dụng các ứng dụng self-care, nhất là ứng dụng thiền định đang bùng nổ.

Lý do nào mà các ứng dụng này lại có thể tạo nên cơn sốt “triệu đô” như thế?

Theo dữ liệu từ Dịch vụ đánh giá và thanh tra bảo hiểm sức khoẻ Hàn Quốc, năm 2018, số bệnh nhân là người trẻ ở độ tuổi 20 mắc các chứng rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu, trầm cảm và rối loạn lưỡng cực tìm đến bệnh viện điều trị tăng 90.6% trong vòng 4 năm, từ 107.982 người năm 2014 lên đến 205.847 người vào năm 2018.

Tiến sĩ Yang Chang Soon, một chuyên gia về sức khoẻ tinh thần cho biết, “Nguyên nhân khiến người trẻ gặp căng thẳng bắt nguồn từ những vấn đề trong việc học, nạn khó xin việc, vấn đề hôn nhân và quan hệ với mọi người xung quanh. Ngoài ra, nhiều trường hợp không kiểm soát được cơn tức giận do khả năng giải toả căng thẳng kém. Những triệu chứng này có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, vì vậy biện pháp phòng ngừa, chăm sóc sức khoẻ tinh thần phải được ưu tiên hàng đầu.”

Một số chuyên gia đến từ Mỹ nhận xét rằng, thế hệ Millennials (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980~2000) có khả năng tiếp cận các nguồn thông tin trên internet tốt hơn các thế hệ trước, đồng thời có xu hướng kết hôn muộn hơn và mua nhà trễ hơn. Điều đó giúp họ có nhiều thời gian để tập trung chăm sóc bản thân và phổ cập kiến thức, sớm nhận thức về tầm quan trọng của “self-care” nói chung.

Bên cạnh đó, những hệ quả về mặt tâm lý gây ra bởi tác dụng phụ của việc sử dụng MXH quá nhiều, cũng như định kiến về bệnh nhân tâm lý ít nhiều được phá vỡ đã dẫn đến sự tăng trưởng trong nhu cầu sử dụng các ứng dụng chăm sóc bản thân, điển hình là các ứng dụng hỗ trợ thiền tập.

Các lợi ích của thiền tập:

  • Giúp điều tiết, giải toả căng thẳng cấp tính và mãn tính
  • Làm tăng lòng từ bi đối với bản thân và người xung quanh
  • Thực tập chánh niệm thường xuyên giúp cải thiện sự tập trung, giảm thiên hướng suy nghĩ tiêu cực và có thể cải thiện sức khỏe tinh thần

Trên thực tế, theo tạp chí Harvard Business Review số ra tháng 12/2015, những người tham gia chương trình thiền tập đã giảm căng thẳng hơn 28% và chất lượng giấc ngủ được cải thiện 20% so với trước đó.

“Calm” là một ứng dụng hướng dẫn thiền tập & hỗ trợ giấc ngủ tiêu biểu rất được yêu thích bởi người dùng. Ra mắt vào năm 2012 tại Thung lũng Silicon, ứng dụng này tích hợp nhiều nội dung tùy chỉnh đa dạng phù hợp cho cả người mới nhập môn và những thiền sinh lâu năm, bao gồm các chương trình thiền tập theo hướng dẫn, hít thở, âm nhạc thư giãn…

Trong menu “Meditate” (Thiền tập), bạn có thể chọn chương trình thiền hướng dẫn phù hợp với hoàn cảnh và thời gian trong ngày để hỗ trợ thư giãn tâm trí và cơ thể.

Trong menu “Sleep stories” (Câu chuyện về giấc ngủ), bạn có thể nghe những câu chuyện với giọng đọc truyền cảm giúp dễ đi vào giấc ngủ hoặc đặt hẹn giờ ngủ.

Menu “Music” (Âm nhạc) cung cấp nhạc nền theo chủ đề, chẳng hạn như nhạc để nghe khi ngủ, nghỉ ngơi và khi cần tập trung…

Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy rất nhiều clip hướng dẫn thiền tập miễn phí trên youtube chỉ với từ khoá “thiền có hướng dẫn” , “명상” hoặc “guided meditation”.

Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cũng nhận định rằng, không phải lúc nào các ứng dụng self-care nói chung và ứng dụng thiền tập, hỗ trợ giấc ngủ nói riêng đều có thể thay thế phương pháp điều trị, chăm sóc sức khỏe tinh thần truyền thống, nhất là trong các trường hợp nặng cần sự can thiệp y tế.

Đối với những triệu chứng liên quan đến giảm sút sức khoẻ tinh thần không tự thuyên giảm bằng việc thiền tập tại nhà với ứng dụng điện thoại, người mắc phải nên cân nhắc việc tham vấn bác sĩ tâm lý hoặc gọi trực tiếp cho đường dây nóng khẩn cấp.

⇢ Quan tâm đến sức khỏe của bạn:

Tổng hợp từ HiDoc

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).