Ở Việt Nam, tôi được biết đến ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 khi lên 13 tuổi. Tôi đã rất tiếc nuối tuổi thơ. Vì nếu tôi biết sớm rõ ràng tôi sẽ chỉ trực chờ ngày 1/6 hàng năm để đòi bố mẹ mua quà – những con gấu bông xinh xinh.

Tôi biết gia đình tôi không dư giả như những gia đình khác. Những năm tháng luẩn quẩn – mẹ tôi có những ngày phải đi lục túi áo từng nghìn lẻ một để cho tôi ăn sáng. Nhưng tôi chưa bao giờ “giận hờn” vì tuổi thơ thiếu thốn đó.

Nhưng là người đã từng trải qua, tôi biết tôi cần phải làm gì cho những đứa con của mình để chúng không cảm thấy tiếc nuối tuổi thơ như tôi.

Gia đình Việt Nam của tôi mãi vẫn thế. Cái nghèo không ra nghèo, giàu không ra giàu khiến chúng tôi luôn cảm thấy sự chênh vênh giữa 2 giàu và nghèo. Đôi lúc, tôi cảm thấy gia đình mình quá nghèo khi phải dè xẻn từng xu lẻ. Đôi lúc, tôi lại thấy gia đình mình còn khá khẩm hơn chúng bạn vì không đến mức bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Sang Hàn Quốc, tuy vợ chồng tôi không có nhiều tài sản nhưng chất lượng cuộc sống lại hơn khi tôi ở Việt Nam rất nhiều. Đó là điều tôi cảm thấy biết ơn và muốn chân trọng cuộc sống hiện tại.

Thông qua một lần trò chuyện với người bạn kiêm giáo sư tư vấn tâm lý – người mà tôi kính nể, cô ấy đã ngồi lắng nghe tôi kể chuyện.

Câu chuyện về cuộc sống ở Việt Nam trước đây của tôi làm cô ấy rất thích thú. Tôi biết tuổi thơ của tôi tuy không ngọt như kẹo bông nhưng lại có đủ màu sắc đôi lúc lại khiến người ngoài ghen tỵ.

Sau một hồi nói chuyện, cô ấy đã nói với tôi: Tuy bạn “thiếu” về vật chất nhưng những điều đó giúp bạn biết được con bạn cần những gì từ bạn.”

Cô ấy đã đưa ra một ví dụ minh chứng cho điều này làm tôi khá bối rối: “Bạn sẽ biết cách tạo ra những món quà đầy ý nghĩa cho con vào ngày 5/5 (Ngày lễ thiếu nhi Hàn Quốc).” Tôi đã bối rối vì lúc đó tôi chưa có con. Và tôi đã quên câu nói của cô bạn Hàn ngay sau đó.

Món quà đầu tiên mẹ tặng con ngày 5/5

Sang Hàn Quốc được 2 năm 5 tháng, tôi đã có con và một công việc ổn định. Những đồng lương của năm tháng đầu đời có giá trị hơn những đồng tiền trước đây tôi cầm đến trăm ngàn lần.

Nhân dịp ngày lễ Thiếu nhi Hàn Quốc 5/5 tôi bắt đầu vò đầu bứt trán để nghĩ ra một món quà ý nghĩa nhất cho con. Tôi có thể dùng tiền mua những bộ quần áo hay đồ chơi cho con. Vì con tôi mới 18 tháng – nó chỉ có hứng với đồ chơi mà thôi.

Tuy nhiên, tôi đã có việc làm – nguồn thu nhập ổn định giúp tôi có thể mua đồ chơi cho con bất kỳ lúc nào. Và đối với con tôi, món đồ chơi được tăng vào ngày 5/5 lại trở thành món quà vô cùng bình thường mà có thể nhận được bất kỳ lúc nào. Tôi chợt nhớ ra lời nói của cô bạn chuyên gia tâm lý nói với tôi năm xưa. Tôi đã nghĩ bản thân nên chuẩn bị món quà nào đó có ý nghĩa hơn những món đồ chơi.

Món quà của mẹ là những gì mẹ có

Tôi không nhớ rõ lý do tại sao tôi lại nghĩ đến tiếng Việt – ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Tôi luôn lưu giữ những ký ức khi sống ở Việt Nam như “những bức tranh sởn màu” mà buồn có thể thổi bụi để ngắm và nhớ thì có thể đem ra để hít mùi bụi.

Từ đây, tôi biết mình nên làm gì và nên tặng món quà gì cho con. Tôi muốn tặng con một bầu trời kiến thức về văn hoá và con người Việt Nam. Tôi muốn tặng con thứ ngôn ngữ thiêng liêng nhất với tôi – tiếng Mẹ đẻ. Tôi biết, đây là thời điểm thuận lợi nhất để tôi bắt đầu đưa con đến với tiếng Việt.

Sự chuẩn bị vụng về và món quà song ngữ

Con tôi rất thích nghe bài hát 3 con gấu. Tuy chưa biết nói nhiều nhưng con đã biết hát 1 số từ ở đầu hay cuối bài hát. Tôi đã tham khảo video trên Youtube video 3 con gấu, lấy lời dịch tiếng Việt và luyện hát sao cho khớp với giai điệu bài hát.

Tôi hát dở ẹc, giai điệu cũng rất ngang, nhưng tôi đã rất cố gắng để con có thể nghe rõ từng chữ, từng âm tiếng Việt. Sau đó, tôi ghép đoạn thu âm thủ công vào clip 3 con gấu – “clip có 1 không 2 made by me” của tôi.

Đây là món quà đầu tiên của tôi dành cho con nhân ngày 5-5. Tôi đã rất hồi hộp và không dám đảm bảo rằng thằng bé sẽ rất thích clip này.

Phản ứng dễ thương của con

Việc hát cho ai đó nghe hay để ai đó nghe giọng hát của mình thật “khủng khiếp” – vì giọng hát của tôi “khủng khiếp” đến độ người nghe muốn bịt tai. Nhưng tôi đã lấy hết dũng cảm để bật cho con xem bằng TV, đương nhiên lúc đó chỉ có tôi và con.

Giai điệu quen thuộc bắt đầu, và đương nhiên cậu con trai lúc nào cũng đầy “hứng” của tôi bắt đầu đứng lên đung đưa theo giai điệu. Nhưng khi giọng hát lạ & giai điệu lạ phát ra, con tôi đã có chút lạ lẫm và đưa ánh mắt ngây thơ nhìn tôi.

Tôi đã nín thở và chờ đợi phản ứng tiếp theo của con. 5 giây chững lại, con đã quay ra gọi mẹ. Con gọi Mẹ! Mẹ! và chập chững bước về phía tôi, lấy ngón tay nhỏ xinh chỉ vào miệng của tôi. Phải chăng con đã phát hiện ra giọng của mẹ?

Bài hát tua lại lần thứ 2, con đã bắt đầu quen và nhảy rất say sưa theo bài hát. Đôi lúc tôi cảm giác con tôi đang lắp bắp theo và tôi rất vui vì điều này.

Đây là món quà mà tôi cảm thấy hài lòng và mãn nguyện nhất. Tuy chỉ là clip nho nhỏ nhưng tôi đã chính thức sẵn sàng trong việc giáo dục song ngữ cho con. Vì chỉ khi con hiểu tiếng Việt, con mới biết cuộc sống và văn hoá đích thực của người Việt như thế nào.

Câu chuyện về miến ký ức nhỏ nơi xa sẽ là một nguồn sống nào đó của con, giúp con chân trọng cuộc sống hiện tại hơn và tô thêm sắc màu bầu trời của riêng con.

author-avatar

About Nguyễn Vân

Hàn Quốc sẽ thật đẹp khi biết trân trọng vùng đất này. Sự khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá sẽ cho chúng ta những trải nghiệm thú vị.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).