Lệnh phong tỏa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã được nới lỏng ở nhiều quốc gia trong thời gian gần đây.

Thế giới đang hy vọng bước chuyển biến tích cực trong cuộc chiến chống virus lâu dài này. Viễn cảnh “hậu COVID-19” đã và đang được dự đoán với cuộc sống trở lại tại các nhà hàng, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim, phòng hòa nhạc…

Chúng ta đang chờ đợi và đếm ngược từng ngày để được ôm bạn bè, tổ chức một bữa tiệc, lên máy bay…

Tuy nhiên, với nhiều trường hợp được xác nhận tử vong trên toàn cầu do COVID-19 vẫn tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Đồng thời, ngay cả khi một số hạn chế được nới lỏng, vẫn còn nhiều điều chúng ta không biết về các biến thể của chủng virus corona.

Thậm chí, ngay cả ở các quốc gia và thành phố bắt đầu mở cửa trở lại cũng cảnh báo rõ rằng: “Nếu các trường hợp nhiễm bệnh tiếp tục tăng, việc phong tỏa sẽ được thiết lập trở lại”.

Xin lỗi nhưng phải nói rằng, đừng mong cuộc sống quay lại quỹ đạo bình thường ngay lập tức, mỗi cộng đồng sẽ có các quy tắc cụ thể riêng, sau đây là 6 quy tắc thông thường cần ghi nhớ.

1. KHÔNG tổ chức tiệc tùng và tụ tập nơi đông người

Với tính chất rất dễ lây lan của COVID-19, các cuộc tụ họp xã hội, tiếp xúc gần, luôn là cơ hội mà một người không có triệu chứng có thể phát tán virus một cách vô tình.

Các biện pháp giãn cách xã hội tồn tại nhằm làm chậm sự lây lan của virus từ những người tiếp xúc gần gũi này. Tổ chức một bữa tiệc tại nhà hoặc chen chúc vào quán bar khi họ mở cửa trở lại sẽ khiến mọi người “mắc kẹt” trong một căn phòng. Điều này khiến bất kỳ loại virus corona nào tồn tại trên một vật chủ không có triệu chứng là cơ hội lây nhiễm cho những người khác.

Do đó, ngay cả khi các quán bar mở cửa trở lại, thời gian hoạt động cũng được giới hạn (chẳng hạn như đóng cửa lúc 11 giờ tối), thực hiện giữ khoảng cách xã hội. Nếu vui chơi trong tâm trạng lo âu và căng thẳng như vậy, tốt nhất là chờ đợi để cuộc vui sau này càng ý nghĩa, phải không nào?

2. KHÔNG ngừng rửa tay thường xuyên

Một điều tất nhiên, dù là “hậu COVID-19” về sau, giữ gìn vệ sinh chung vẫn rất cần được thực hiện. Hãy luôn nhớ rằng, những nới lỏng không đồng nghĩa với việc sự bùng phát COVID-19 đã hoàn toàn kết thúc. Thậm chí, ngay cả sau khi vắc-xin được công bố chính thức.

Mặc dù, các trường học và doanh nghiệp mở cửa lại, trong khi virus tiếp tục lây lan với tốc độ chậm hơn, đó có thể là bởi lý do kinh tế. Tuy nhiên, ý thức chủ quan trong vấn đề “sống sạch, ăn sạch” luôn tiềm ẩn nguy cơ gây bùng phát dịch trở lại bất kỳ lúc nào.

Mặt khác, mục đích của việc mua hàng online và rửa tay kỹ lưỡng sau khi nhận hàng là tránh sự lây chéo, giữ cho các bệnh viện không bị quá tải với số lượng bệnh nhân tăng lên. Ngoài ra, còn giảm thiểu rủi ro có các triệu chứng đe dọa đến tính mạng.

Hy vọng rằng, rửa tay sẽ trở thành một thói quen lành mạnh, không chỉ tồn tại trong thời gian này. Bao gồm rửa tay kỹ lưỡng bằng xà phòng và thường xuyên hơn, sau khi tiếp xúc với mọi người và bề mặt chung.

Các bước rửa tay an toàn:

– Làm ướt hai tay với nước
– Cho lượng xà phòng vừa đủ lên bề mặt tay
– Xoa hai lòng bàn tay vào nhau
– Lòng bàn tay phải đặt lên mu bàn tay trái, các ngón tay xen kẽ nhau, xoa đều và ngược lại
– Xoa hai lòng bàn tay, các ngón tay xen kẽ nhau
– Chụm các đầu ngón tay lại, vặn nhẹ nhàng giữa hai tay

– Dùng lòng bàn tay phải cọ sát từng ngón tay (xoay tròn) bên trái và ngược lại
– Chụm các đầu ngón tay phải, cọ sát vào lòng bàn tay trái (xoay tròn) và ngược lại
– Rửa lại với nước sạch
– Lau khô tay với khăn sử dụng một lần
– Sử dụng khăn để tắt vòi nước.

3. KHÔNG đến thăm những người có nguy cơ cao

Không thể phủ nhận khoảng thời gian “cách ly xã hội” giúp mọi người “sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn”. Ai cũng mong việc kiểm dịch kết thúc và vội vã ra ngoài, trao cho những người già và những người bạn thân đang cảm thấy không khỏe một cái ôm ấm áp. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn là một cử chỉ đẹp đối với cộng đồng.

Đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, giữ khoảng cách xã hội vẫn là việc tốt nhất để giữ an toàn cho họ và chính bản thân mình.

Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc ngắt liên lạc với người thân, bạn bè trong suốt thời gian giãn cách xã hội. Có rất nhiều cách để “hâm nóng cảm xúc” dù ở xa nhau.

Bạn có thể trò chuyện hàng giờ với chức năng gọi thoại trên mạng xã hội Facebook, Whatsapp, Zalo… hay nhắn tin hỏi thăm tình hình nhau qua Kakao Talk, Instagram… Đơn giản là gửi những tấm ảnh chụp món ăn vừa làm, chia sẻ quyển sách, bộ phim thú vị để cùng nhau thưởng thức.

Đừng ngay lập tức đến thăm những người có nguy cơ nhiễm COVID-19, dù đó có là người thân của bạn. Thay vào đó, giữ liên lạc bằng cách gọi điện thường xuyên để giữ khoảng cách an toàn.

Trên thực tế, các biện pháp kiểm dịch có khả năng được nới lỏng trước khi có vắc-xin giúp bảo vệ những người có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao nhất. Thử nghiệm kháng thể là một phương pháp đầy hứa hẹn trong phát triển vắc-xin chống dịch bệnh. Tuy nhiên, một loại vắc-xin đã được phê duyệt vẫn còn ít nhất một năm nữa mới được công bố.

4. KHÔNG đi du lịch nước ngoài

Đối với những tín đồ đam mê du ngoạn, họ phải đấu tranh nội tâm với muôn vàn kế hoạch ghé thăm muôn nơi, ngay sau khi dỡ bỏ lệnh cách ly. Lời khuyên duy nhất dành cho bạn là: hãy kiên nhẫn một chút.

Chia sẻ từ một người thích xê dịch rằng: “Mặc dù, tôi hy vọng giá khách sạn và vé máy bay sẽ rẻ hơn trước để hấp dẫn khách du lịch. Nhưng trong tình hình hiện tại, cách thức sắp xếp chỗ ngồi cũng sẽ bất tiện hơn rất nhiều ở các sân bay và trên máy bay (dù không phải vì hệ thống thông gió). Đó là lý do chính khiến các chuyến bay bị hủy và du lịch quốc tế bị cấm ở nhiều quốc gia”.

Nếu không có công việc thật sự cần thiết để xuất ngoại, tạm gác lại những kế hoạch du lịch nước ngoài trong thời điểm quan trọng này.

Thử tưởng tượng, du lịch nước ngoài để hít thở bầu không khí mới, làm quen nhiều bè bạn năm châu. Ấy vậy mà sự nghi ngại vẫn vô hình tạo ra khoảng cách giữa người với người. Nếu chẳng may có triệu chứng nhiễm bệnh, thật khó có thể hình dung tình cảnh một mình nơi xứ lạ.

Lúc đó, sẽ không thể nói “giá như”, “nếu… thì” để giải quyết vấn đề. Chắc chắn, bạn sẽ vừa tiếc vì “tiền mất tật mang”, lại vừa lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mình.

Trước đại dịch COVID-19, rõ ràng cả những nước phát triển cũng có hàng ngàn người tử vong mỗi ngày do số lượng bệnh nhân quá tải. Chỉ có thể khẳng định rằng, “không có gì là không thể” và điều tồi tệ hơn là bạn sẽ bị bỏ rơi (dù bạn có tiền cho mọi yêu cầu).

Hiệu ứng đám đông đã góp phần khiến COVID-19 trở thành đại dịch một cách nhanh chóng, thông qua việc lây truyền từ người sang người như ho và hắt hơi.

Nếu hiện tượng tái phát xảy ra, sẽ thật sự căng thẳng khi chuyến du lịch nghỉ dưỡng sau chuỗi ngày “bế quan tỏa cảng” lại biến thành “kỳ cách ly cô đơn” ở một đất nước xa lạ. Và tất nhiên, đường về nhà là sự bất lực chờ ngày tháng trôi qua.

5. KHÔNG vứt bỏ khẩu trang

Trong thời gian đầu sau khi dỡ bỏ cách ly, những thói quen tốt trong mùa dịch vẫn sẽ được giữ lại. Một số biện pháp bảo vệ sức khỏe như kiểm tra thân nhiệt, giữ khoảng cách ít nhất 2m, vệ sinh tay, đeo khẩu trang, ngồi ở vách ngăn mica, khi đi đến thẩm mỹ viện, nhà hàng…

Tuy nhiên, không chỉ bảo vệ sức khỏe mùa dịch, các hành động thận trọng khi giao tiếp với xã hội, đặc biệt là đeo khẩu trang còn có thể ngăn chặn những tác nhân xấu với làn da vào những ngày thường. Nếu sở hữu một làn da nhạy cảm với không khí bẩn, da vẫn có thể bị kích ứng gây khó chịu và mất thẩm mỹ.

“Ở Hàn Quốc, việc đeo khẩu trang trước khi bùng phát dịch được xem là có vấn đề về sức khỏe hoặc chưa kịp trang điểm mà thôi. Tuy nhiên, tôi vốn là một người có làn da siêu nhạy cảm với không khí đầy khói bụi, mỗi lần ra ngoài đều sử dụng kem chống nắng và luôn mang khẩu trang để bảo vệ làn da tối ưu. Dù COVID-19 được đẩy lùi, tôi vẫn sẽ sử dụng khẩu trang như một phụ kiện cá tính”, một du học sinh Hàn Quốc chia sẻ.

Cảnh tượng “chưa từng thấy” khi người dân Hàn Quốc xếp hàng dài để chờ mua khẩu trang.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, chúng ta cũng nên học cách “biết ơn” mọi thứ xung quanh. Sẽ ra sao khi không có khẩu trang trong suốt thời kỳ bùng phát COVID-19? Liệu mọi người có đủ can đảm để ra ngoài?

Còn nhớ lúc khẩu trang “cháy hàng” với mức giá cao vượt ngưỡng quy định mà người người nhà nhà vẫn tranh nhau chờ mua. Đừng chỉ tìm đến khẩu trang khi cần và vứt bỏ khi không còn tác dụng (dù rằng chính chúng ta chối bỏ công dụng của nó). Đeo khẩu trang không làm chúng ta xấu đi, ngược lại còn thể hiện ý thức bảo vệ cộng đồng.

6. KHÔNG “bung xõa” cảm xúc

Chúng ta không thể chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, giả sử sự gia tăng đột ngột các ca nhiễm COVID-19 mới, sẽ cần phải khôi phục lại các biện pháp kiểm dịch. Điển hình là ở Singapore và Hồng Kông, nơi từng được thế giới khen ngợi vì công tác phòng chống dịch trước khi bùng phát vượt kiểm soát.

Điều đúng đắn cần làm là giữ tinh thần lạc quan một cách thận trọng về việc tự do đi lại. “Vui thôi đừng vui quá”, bởi thực tế chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao.

Dưới đây là 5 gợi ý để đối phó với căng thẳng do COVID-19 gây ra:

Thiền đạo:

Ứng dụng thiền là một cách dễ tiếp cận để đưa chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày. Thực hành ngồi thiền rất hữu ích trong những thời điểm căng thẳng này. Đặc biệt, không cần phải tham gia vào các buổi thiền kéo dài hàng giờ ngay lập tức, nhờ một số ứng dụng hiện nay như Headspace có các tùy chọn hướng dẫn từ 1-5 phút.

Ngoài ra, nhiều dịch vụ cung cấp các khóa thử nghiệm thiền miễn phí, chẳng hạn như ứng dụng Simple Habit (miễn phí đến hết tháng 4/2020) để hỗ trợ trong đại dịch COVID-19.

– Sách tô màu dành cho người lớn:

Tô màu là một hoạt động đơn giản, lặp đi lặp lại giúp ngắt kết nối với chu kỳ tin tức chưa kết thúc về dịch bệnh. Hoạt động này sẽ giúp bạn đạt đến trạng thái thiền định, khi bạn không nghĩ về bất cứ điều gì khác. Hãy thử bật một bài hát yêu thích, rót một tách trà nóng và sẵn sàng để hòa vào thế giới màu sắc phức tạp.

Hiện nay, có thể tải xuống miễn phí nhiều ứng dụng sách tô màu cho người lớn. Ví dụ như ColorMe , một ứng dụng miễn phí có sẵn cho cả hệ điều hành Android và iOS.

– Đan len:

Đây là năm 2020 và khái niệm “đan móc” không chỉ dành riêng cho thế hệ ông bà nữa. Tập đan len cơ bản và trải nghiệm cảm giác ngồi tỉ mỉ, chăm chú vào một món đồ handmade độc đáo của riêng bạn. Điều này còn góp phần nâng cao khả năng kiên nhẫn, kiềm chế cảm xúc cực tốt, khi phải giải quyết những tình huống rối tung từ đống len đầy màu sắc.

– Nấu ăn:

“Bày trò” với những nguyên liệu có sẵn sẽ là một cách hiệu quả để “lơ” đi sự bí bách. Nấu ăn thậm chí còn giúp cho việc sáng tạo và là một cách tuyệt vời nhằm lấy lại nguồn năng lượng của chúng ta.

Đừng lo lắng khi bạn chưa đi mua sắm gần đây, có rất nhiều món ăn ngon được chế biến từ những món đồ “bỏ quên” trong ngăn tủ lạnh. Một số công thức gợi ý từ TTHQ:

Gà kho cay vị Hàn Quốc
Canh đậu non
Tteokbokki bánh tráng
Trứng hấp
Thịt bò xào ngọt kiểu Hàn

– Làm vườn:

Những người bạn “cây đồng hành” cực đáng yêu và dễ dàng chăm sóc cũng là một ý tưởng tuyệt vời, để giải tỏa căng thẳng khi ở nhà. Bạn cũng có thể trồng rau xanh trong vườn để nâng cấp bữa ăn hàng ngày.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý học, việc nhìn màu xanh lá cây có xu hướng mang lại cảm giác dễ chịu, đẩy lùi trầm cảm và làm dịu mắt sau khi tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử. Mặt khác, hành động tưới nước, làm sạch lá, tỉa cành cho cây cũng góp phần “đánh lạc hướng” cảm xúc một cách hiệu quả nhất.

“Bung xõa” cảm xúc ngay lúc này thật sự chưa thể trọn vẹn, hãy kiên nhẫn một chút!

Theo báo cáo của The Guardian, ngay cả khi Đức nới lỏng các hạn chế trước đây, “Chúng ta chưa phải ở trong giai đoạn cuối của đại dịch, bởi vẫn còn ở giai đoạn đầu”, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết.

“Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là chúng ta để cảm xúc của mình vượt qua sự thật và chúng ta phải trải qua điều này một lần nữa”, Andrew Cuomo (New York) nói.

Các chính phủ và cơ quan khác nhau chắc chắn sẽ có chính sách riêng để tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ kinh doanh trở lại như thường lệ. Điều này cần được thực hiện một cách chậm rãi theo từng giai đoạn, từ từ nới lỏng một số biện pháp, trong khi vẫn chú trọng đến các trường hợp đột biến chủng COVID-19 mới.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng, lối sống của cộng đồng sẽ không hoàn toàn trở lại “bình thường” ngay lập tức.

Tổng hợp từ Cnet

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).