Chỉ còn vài ngày trước Lễ Giáng sinh, cả thành phố Seoul rực rỡ trong ánh đèn mùa lễ và không khí sôi nổi ấm áp mặc cho những ngày giữa đông nhiệt độ hạ xuống tới gần chục độ âm.

Đồ trang trí và quà Giáng sinh tràn ngập trên khắp các kệ cửa hàng và siêu thị lớn nhỏ. Tuy nhiên, những món hàng nóng nhất tại Hàn Quốc vào thời điểm này trên thực tế lại là thuốc tránh thai, bao cao su và đồ nội y độc đáo phong cách ngày lễ.

Phòng tại các love motel – nhà nghỉ cho thuê theo giờ thay vì theo đêm – nhanh chóng được đặt chỗ, thậm chí ở mức giá gấp đôi hoặc hơn so với ngày thường. Một số khách hàng cẩn thận nhanh chóng đặt chỗ từ ba tháng trước.

Khác với Trung Quốc hay Nhật Bản, Hàn Quốc là nước duy nhất coi Giáng sinh là ngày nghỉ lễ quốc gia. Và mặc dù có tới gần 30% người theo đạo Thiên chúa trên cả nước với hơn 40 ngàn người tới nhà thờ mỗi Chủ nhật, đồng thời là quốc gia có số người truyền giáo hoạt động lớn thứ hai trên thế giới, cách người Hàn Quốc kỷ niệm lễ Giáng sinh lại không mang đậm tinh thần tôn giáo cho lắm. Phần lớn coi đó như một ngày lễ tình nhân khác trong năm, tương tự như ngày lễ Valentine và cộng thêm ông già Noel.

Một vài năm trước, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven cho biết hãng bán được nhiều bao cao su vào ngày Giáng sinh hơn bất kỳ một ngày nào khác trong năm, thậm chí là gấp tới 2 lần rưỡi một ngày bình thường.

Jamie Park, một sinh viên đại học 24 tuổi giải thích: “Mọi người đều cho rằng đó là ngày bạn sẽ ở cùng người yêu. Xã hội và quảng cáo truyền thông đều củng cố điều này.” Lucy Kim, 27 tuổi, bạn gái của Park bổ sung: “Họ nói nếu không có người yêu để cùng tận hưởng không khí Giáng sinh, đó sẽ là một ngày lễ cô đơn và sầu thảm.”

Park và Kim là một cặp đôi mới hẹn hò. Họ dự định sẽ đi xem một buổi hòa nhạc vào dịp Giáng sinh. Hai người chưa có kế hoạch cụ thể sẽ làm gì sau buổi diễn, tuy nhiên Park cho biết rất nhiều bạn cậu than phiền rằng đặt phòng nghỉ cho đêm Giáng sinh là quá khó khăn.

BẠN CÓ BIẾT: Giáng Sinh buồn của những ông bố ngỗng ở Hàn Quốc – Nai lưng kiếm tiền cho vợ con sống ở trời Tây

Vào đầu thế kỷ 20, một nhóm nhỏ những người theo Đạo tại Hàn Quốc vẫn thường kỷ niệm Giáng sinh như một ngày lễ tôn giáo. Sau thời Nhật trị, đạo Thiên chúa dần trở nên phổ biến hơn và đây cũng là thời điểm Giáng sinh trở thành ngày nghỉ lễ quốc gia.

Trong những năm quân đội Mỹ cầm quyền, chính quyền đã đặt ra giờ giới nghiêm vô cùng chặt chẽ về đêm trên khắp Seoul và lệnh giới nghiêm này chỉ được nới lỏng vào ba ngày Phật đản, 24/12 và 31/12.

Theo giáo sư Kang Jun Man tại trường đại học Chonbuk, các phòng nhảy kiểu Mỹ đua nhau mọc lên vào thời điểm đó và dù cảnh sát thường đàn áp thẳng tay hình thức giải trí này vì không phù hợp về mặt đạo đức, ngày lễ Giáng sinh lại là trường hợp đặc biệt được châm chước.

Như vậy, theo một cách rất tự nhiên, dịp lễ Giáng sinh đã được tiếp nhận như một ngày nghỉ lễ đầy niềm vui (놀고 즐기는 날).

Từ năm 1960, Giáng sinh tại Hàn Quốc đã dần trở thành một dịp lễ dành riêng cho giới trẻ. Người Hàn Quốc có hai ngày lễ truyền thống lớn dành cho các buổi tụ họp gia đình là Seollal (Tết âm lịch) và Chuseok (Trung thu), do đó Giáng sinh chưa bao giờ được coi như một dịp cần thiết để ở bên gia đình.

Năm 1964, khách sạn Walkerhill tổ chức một buổi tiệc nhảy đêm Giáng sinh vô cùng lớn với vé vào cửa nhanh chóng được bán hết và tất cả 450 phòng khách sạn cũng sớm được đặt chỗ.

Một bài báo đăng vào ngày 24/12/1965 đã lên tiếng chỉ trích đêm Giáng sinh trở thành “một đêm không còn lý trí” và đặt câu hỏi: “Ai là người đã khiến lũ trẻ lang thang trên đường vào đêm muộn và dành cả đêm với những cử chỉ tục tĩu?”

Theo giáo sư Kang, tờ Joongang Ilbo cũng từng viết rằng hoạt động ban đêm từ lâu đã bị đè nén bởi lệnh giới nghiêm. Và bởi vì sự tự do hiếm hoi có được trong ngày lễ, đêm Giáng sinh không-giới-nghiêm chưa bao giờ chỉ là về tinh thần mộ đạo.

Dĩ nhiên, rất nhiều người theo đạo không lấy gì làm vui vẻ với thực tế này. Trang web GodPeople.com, một website và cửa hàng trực tuyến của những người theo đạo Cơ đốc, đã tổ chức một cuộc vận động thường niên kể từ năm 2001 nhằm “phục hồi lại ý nghĩa thực sự của ngày lễ Giáng sinh.”

“Những người không theo đạo nghĩ về Giáng sinh như một ngày lễ, một dịp để ở bên người thân, bạn bè và người yêu,” quản lý Kim Hee Dong, người khai sinh ra cuộc vận động cho biết. “Đây là một điều đáng tiếc khi ý nghĩa thực sự của ngày Chúa giáng sinh đã bị đánh mất.”

Và cho dù vậy, văn phòng phụ khoa của bác sĩ Cho Byung Goo tại khu vực Hongdae, Seoul vẫn luôn bận rộn vào sáng ngày 26/12 khi có rất nhiều người trẻ tới xin đơn thuốc tránh thai khẩn cấp.

“Mọi người đều phấn khích trong Đêm Giáng sinh,” Bác sĩ Cho, thành viên hiệp hội Bác sĩ sản khoa và phụ khoa, cho biết. “Có nhiều cơ hội mới để gặp gỡ mọi người”. Do đó, ông cũng coi đây là một cơ hội để tăng cao nhận thức về an toàn tình dục cho giới trẻ.

BẠN CÓ BIẾT: Kinh doanh mại dâm ở Hàn Quốc & Những phố đèn đỏ nổi tiếng

Tổng hợp từ Los Angeles Times

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).