Ngày 16/10/2019, trung tâm thương mại Lotte tổ chức một bữa tiệc cho khoảng 200 khách VIP tại quận Gangnam, Seoul. Khoảng 10 thương hiệu xa xỉ, bao gồm nhà sản xuất đồng hồ IWC và nhà thiết kế nhãn hiệu quần áo Thom Browne, đã dựng quầy giới thiệu.

Tại một show diễn thời trang mini, người mẫu bước ra trong những phong cách hàng đầu dành cho mùa thời trang sắp tới. Chỉ có những người tiêu dùng là nam giới với lượng mua hàng mỗi năm vượt trên mức 100 triệu KRW (~2 tỉ VND) mới được mời đến dự.

Đã qua rồi những ngày đàn ông chỉ là nhân vật phụ trong chiến lược của các nhà bán lẻ. Phái mạnh hiện đang dần nổi lên như những nhà tiêu dùng mới đầy quyền lực.

“Đồ xa xỉ dành cho nam giới đang phát triển hết sức mạnh mẽ trong khoảng thời gian gần đây,” Kim Hye-ra, một giám đốc điều hành tại Lotte, chuỗi trung tâm thương mại lớn nhất Hàn Quốc, đã nói về động cơ đằng sau bữa tiệc dành cho các quý ông cao quý “Noble Homme Party”.

“Vậy nên chúng tôi đã lên kế hoạch về một sự kiện lần đầu tiên được tổ chức trong ngành bán lẻ nội địa, nhằm giới thiệu với những người tiêu dùng nam giới một vài ý tưởng mới mẻ về phong cách sống.”

Chuỗi trung tâm thương mại đã chứng kiến sự tăng trưởng đều đặn về doanh số bán ra cho nhóm khách hàng nam giới, từ 25% tổng doanh thu vào năm 2016 tới 31% vào năm 2018.

Gần đây, một thay đổi dễ nhận thấy cũng xuất hiện ở nhóm các mặt hàng được ưa chuộng: Năm 2017, ba nhóm sản phẩm bán ra nhiều nhất gồm có: đồ điện tử, thời trang nam và trang thiết bị hoạt động ngoài trời.

Giữa tháng 1 và tháng 9 năm nay, nhóm top 3 này gồm có: đồ điện tử, đồ chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm, hàng xa xỉ nhập khẩu. Lotte cho biết nguyên nhân chính đằng sau sự chuyển dịch này là do đàn ông ở độ tuổi 20 và 30, những người thuộc thế hệ millenial, ngày càng để tâm hơn đến hình ảnh cá nhân và sẵn sàng chi tiêu cho bản thân hơn.

Lotte không phải là hãng bán lẻ duy nhất dành nhiều sự chú ý đến nhóm người tiêu dùng nam giới.

Tháng 3 năm ngoái, Shinsegae đã tung ra một loại thẻ tín dụng dành riêng cho nam giới với sự hợp tác cùng công ty thẻ tín dụng Samsung Card. Theo kết quả phân tích dữ liệu từ xu hướng tiêu dùng của chủ sở hữu thẻ, nam giới có xu hướng ít đi mua sắm tại các cửa hàng hơn, nhưng trong mỗi lần mua sắm lại chi tiêu nhiều gấp bốn lần nữ giới.

Trong khi đó, trung tâm mua sắm Galleria cũng nhận thấy mức tăng trưởng 32% trong doanh thu các mặt hàng xa xỉ phẩm dành cho nam giới vào năm 2018 và hiện đang tiếp tục hứa hẹn mức tăng trưởng hai chữ số trong năm nay.

“Đồ xa xỉ đang thúc đẩy doanh thu của các trung tâm thương mại và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới,” bà Park Eun Gyeong, nhà phân tích tại Samsung Securities cho biết trong một báo cáo gần đây.

Louis Vuitton, Gucci, Fendi và Dior đã mở thêm các cửa hàng mới dành cho nam giới tại Hàn Quốc trong những năm gần đây.

Huyndai cũng đã dành riêng một khu vực trưng bày dành cho nam giới tại một số chi nhánh của hãng ở trong và quanh khu vực Seoul. Các mặt hàng gồm có đồ thời trang, trang sức, đồ điện tử, máy ảnh, xe đạp và thậm chí là cửa hàng mỹ phẩm cao cấp.

Đồng hồ đeo tay là một trong những mặt hàng được ưa chuộng nhất cho nhóm người mua trẻ tuổi. Bên cạnh đó là giày thể thao.

“Những đôi sneaker thương hiệu hàng đầu đã dần trở nên tương tự như túi hàng hiệu đối với nữ giới,” Kim Hyung Shik, 28 tuổi, cho biết. Anh đã mua một đôi sneaker của Balenciaga vào năm ngoái.

Đôi giày có giá gần 1 triệu won (~20 triệu VND), bằng 2/3 số tiền lương thực tập nhưng Kim nói anh không hề hối hận vì đã mua nó. “Tôi nghĩ đó là một món đầu tư tốt,” anh bổ sung.

Giới trẻ Hàn Quốc ăn kham khổ để mua đồ hàng hiệu

Cổng shopping cash-back Ebates Korea ước tính giày dép xa xỉ là từ khóa số 1 đối với người tiêu dùng Hàn Quốc muốn mua hàng trên mạng trực tiếp từ nước ngoài.

Các sản phẩm được mua nhiều nhất bởi người tiêu dùng Hàn Quốc vào nửa đầu năm nay trên trang web Matchesfashion.com, một trong những nhà phân phối hàng xa xỉ online lớn nhất thế giới, là giày từ Balenciaga và Gucci.

Cánh đàn ông ở thế hệ millenial đang nổi lên như nhóm tiêu dùng chính yếu đối với ngành bán lẻ toàn cầu. Không chỉ đồ xa xỉ phẩm mà cả nhóm hàng thời trang, đồ dùng gia đình và thậm chí hàng tạp hóa cũng đang chịu ảnh hưởng từ sự chuyển dịch này.

Nhiều thanh niên trẻ độc thân, hay đã kết hôn nhưng chưa có con, hoặc có chia sẻ việc nhà với vợ, hiện đang phá bỏ định kiến cũ về giới trong xu hướng tiêu dùng. Họ mong muốn được thể hiện phong cách cá nhân và tích cực tham gia vào các quyết định mua sắm đồ trong gia đình dù là nhỏ hay lớn.

Tổng hợp từ KoreaHerald

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).