Ngoài việc xuất thân từ gia tộc danh giá, các tài phiệt đời F2 – F3 còn là những người sở hữu đầu óc nhạy bén, cùng ngoại hình nổi bật. Hình ảnh này vẫn thường xuyên được giới thiệu qua các bộ phim truyền hình Hàn Quốc như “찬란한 유산” (Người thừa kế sáng giá), “꽃보다 남자” (Vườn sao băng) và “상속자들” (Những người thừa kế).

May mắn được sinh trưởng trong gia cảnh giàu sang và được thừa hưởng quyền thừa kế từ tấm bé, những tài phiệt đời F2 – F3 được xây dựng trên phim ảnh hầu như chẳng bao giờ phải lo lắng cho tương lai về sau, một khi đã nắm chắc trong tay chiếc ghế lãnh đạo.

Song, điều này có đúng với những gì đang diễn ra ngoài đời thực? Hãy cùng tìm lời giải đáp qua 5 minh chứng cụ thể nhất sau đây.

1. Tập đoàn Samsung – Lee Jae Yong (이재용)

Samsung hiện đang nắm giữ vị thế là tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc. Chỉ tính trong năm 2018, tổng giá trị tài sản của Samsung đạt đến con số 400 ngàn tỉ KRW (8 triệu tỉ VND), tăng 37 ngàn tỉ KRW (740 ngàn tỉ VND) so với năm 2017.

Để đạt được con số khổng lồ này không chỉ nhờ vào lực lượng nhân viên hùng hậu, mà còn phụ thuộc nhiều vào bộ óc lãnh đạo của cha con chủ tịch Lee Kun Hee (이건희).

Thực chất, tuy mang danh “thế tử” Samsung, phó chủ tịch Lee Jae Yong cũng phải trải qua cuộc thi đầu vào đầy khắc nghiệt và khó khăn như bao nhân viên làm công ăn lương khác.

Năm 1991, khi chủ tịch Lee Kun Hee mắc bạo bệnh phải nằm viện điều trị, Lee Jae Yong (lúc bấy giờ chỉ mới 23 tuổi) đã chính thức gia nhập tập đoàn của gia đình thông qua đợt tuyển dụng lần thứ 32 của Samsung.

Khi được tiết lộ, thông tin này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Bởi trước đó có tin đồn cho rằng ngay từ đầu, Lee Jae Yong đã tiếp quản đế chế của gia tộc từ cha mình với vai trò giám đốc bộ phận.

Nhiều tranh cãi vẫn tiếp tục xoay quanh vấn đề nói trên, khi bản thân nhân vật chính của câu chuyện chưa một lần lên tiếng xác nhận. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, trong thời điểm gia nhập tập đoàn của gia đình, Lee Jae Yong vẫn chưa tốt nghiệp khoa Lịch sử Đông phương tại trường Đại học Quốc gia Seoul.

Vào khoảng thời gian đó, có không ít sinh viên trẻ tuổi từ bỏ việc dùi mài kinh sử để vào đời sớm bằng các công việc bán thời gian hoặc thực tập tại một số công ty không quan trọng bằng cấp. Vì vậy, thông tin Lee Jae Yong tiếp quản tập đoàn của gia đình khi chưa tốt nghiệp đại học không thực sự gây bất ngờ dư luận vào lúc bấy giờ.

Chỉ cho đến 4 năm sau đó, Lee Jae Yong đột ngột trở về từ Nhật Bản với tấm bằng Thạc sĩ Đại học Keio mới khiến công chúng không khỏi bàng hoàng trước câu hỏi: “Vì sao một thanh niên chưa tốt nghiệp đại học và đang là nhân viên tập sự lại có thời gian học tập tại nước ngoài?”.

Điều đáng nói hơn hết, sự nghiệp du học của Lee Jae Yong vẫn chưa dừng lại ở đây. Bởi đến năm 2000, ông tiếp tục hoàn thành khóa Tiến sĩ khoa Quản trị Kinh doanh tại Harvard, ngôi trường danh giá và đẳng cấp nhất nhì thế giới.

Ngay khi vừa trở về từ Mỹ, Lee Jae Yong lập tức được đề bạt cho vị trí trưởng bộ phận kinh doanh. Sau đó tiếp tục được thăng cấp lên làm giám đốc điều hành chỉ trong một thời gian ngắn, khiến nhiều người không khỏi bất mãn và thắc mắc về sự thăng tiến quá nhanh của Lee Jae Yong dù về nước chưa được bao lâu.

Trả lời về vấn đề này, Yun Jong Yong (윤종용) – nguyên phó chủ tịch lúc bấy giờ của Samsung đã lên tiếng giải thích: “Việc Lee Jae Yong được đưa đi du học chính là hình thức Samsung bồi dưỡng nhân tài tại nước ngoài, nhằm tạo điều kiện cho anh được rèn luyện và mài giũa khả năng, cũng như tri thức của bản thân, trước khi trở về Hàn Quốc tiếp quản tập đoàn của gia đình”.

Như vậy, kể từ sau khi trở về quê hương từ chuyến “đào tạo tại nước ngoài”, Lee Jae Yong liên tục được bổ nhiệm cho những chức vụ cao như giám đốc thường trực năm 2003, giám đốc bộ phận chăm sóc khách hàng năm 2007, phó tổng giám đốc năm 2009 và tổng giám đốc năm 2010.

Cuối năm 2012, Lee Jae Yong chính thức leo lên vị trí phó chủ tịch Samsung và nắm giữ trọng trách điều hành tập đoàn từ năm 2014, sau khi chủ tịch đương thời Lee Kun Hee bị đột quỵ.

2. Tập đoàn Hyundai – Chung Mong Koo (정몽구)

Trong năm 2018, tổng giá trị tài sản của Hyundai đạt mức 223 ngàn tỉ KRW (gần 4.5 triệu tỉ VND), chỉ đứng sau Tập đoàn Điện tử hùng mạnh Samsung, nhờ sự lãnh đạo tài tình của chủ tịch Chung Mong Koo – con trai thứ của nhà sáng lập Hyundai Chung Ju Yung (정주영).

Chung Mong Koo chính thức gia nhập Hyundai E&C (Công ty Cơ khí & Xây dựng Hyundai) vào năm 1970. Sau đó, ông tiếp tục được bổ nhiệm vị trí tổng giám đốc điều hành Công ty xe hơi Hyundai từ năm 1973.

Ngay khi vừa nhậm chức, Chung Mong Koo lập tức được tham gia khóa đào tạo bảo dưỡng và sửa chữa ôtô trong suốt 24 giờ liên tiếp tại công xưởng của công ty. Nhờ vậy, ông mới nhận ra những điều thiếu sót, cũng như nắm bắt được những bài học quan trọng cho việc điều hành sau này của mình.

Giao cho cậu con trai thứ quyền lãnh đạo Công ty xe hơi Hyundai, lúc này nhà sáng lập kiêm chủ tịch danh dự Chung Ju Yung mới yên tâm tập trung toàn bộ tinh lực để phát triển Hyundai Mobis (thành lập vào năm 1977 với tên gọi ban đầu là Hyundai Precision & Industries Corporation, một công ty con chuyên sản xuất phụ tùng ôtô cho Hyundai và KIA).

Sau thời gian cùng Hyundai Mobis phát triển vang dội với nhiều thành tích đáng nể như chiếm giữ 40% thị trường container trên thế giới, đồng thời cho ra mắt dòng xe SUV Galloper đầy hoành tráng, chủ tịch đương thời Chung Ju Yung quyết định nghĩ đến việc rời khỏi vị trí lãnh đạo và trao toàn quyền điều hành đế chế Hyundai cho con trai Mong Koo.

Tuy nhiên trên thực tế, Chung Mong Koo không phải là cái tên đầu tiên được cựu chủ tịch Chung Ju Yung nghĩ đến trong danh sách kế thừa Hyundai, bởi ông biết rõ cậu con trai thứ của mình yêu thích thể thao hơn là học vấn. Thậm chí, Chung Mong Koo còn có một quá khứ “bất hảo” khi lưu ban một năm vào thời còn là học sinh trung học phổ thông.

Do đó, quyền thừa kế Hyundai lúc bấy giờ vốn dự định được trao cho Chung Mong Hun (정몽헌), người con trai thứ năm của cựu chủ tịch Chung Ju Yung, và là em trai kém 10 tuổi của Chung Mong Koo. So với các anh em của mình, Chung Mong Hun được đánh giá là người có ý chí cầu tiến, thông minh, lại trung thực, đặc biệt phù hợp với vai trò của một nhà lãnh đạo tập đoàn lớn.

Song, cũng chính điều này đã gây ra sự bất hòa giữa các “hoàng tử” nhà họ Chung, vì ai cũng muốn nhận được sự quan tâm và tín nhiệm từ người cha quyền lực. Cuối cùng, sau nhiều cuộc chiến tranh giành vị thế, Công ty xe hơi Hyundai chính thức thuộc về Chung Mong Koo. Trong khi đó, người em trai Chung Mong Hun lại trở thành nhà lãnh đạo của các công ty con Hyundai Asan, Hyundai Merchant Marine (HMM), Hyundai Securities và Hyundai E&C.

Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 2003, Chung Mong Hun lại tìm đến con đường cực đoan nhất để kết thúc cuộc đời của mình, sau khi bị cảnh sát điều tra về việc chuyển tiền sang Bắc Hàn. Như vậy, toàn quyền điều hành đế chế của gia tộc lúc bấy giờ chính thức rơi vào tay Chung Mong Koo – chủ tịch Hyundai cho thời điểm hiện tại.

3. Tập đoàn SK – Choi Tae Won (최태원)

Năm 2018, SK đứng thứ 3 Hàn Quốc về tổng giá trị tài sản với 190 ngàn tỉ KRW (gần 4 triệu tỉ VND), tăng 19 ngàn tỉ KRW (380 ngàn tỉ VND) so với năm 2017.

Chủ tịch hiện tại của SK, Choi Tae Won là cháu trai của nhà sáng lập SK Choi Jong Gun (최종건), và là con trai của cựu chủ tịch Choi Jong Hyun (최종현). Không như những gia đình tài phiệt khác, luôn đặt vấn đề giáo dục kinh doanh lên hàng đầu, anh em nhà họ Choi (Choi Tae Won và Choi Jae Won) lại được cha hướng đến các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ. Vì thế, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Choi Tae Won và Choi Jae Won đã tiếp tục con đường học vấn của mình tại khoa Vật lý trường Đại học Korea.

Chỉ đến khi tốt nghiệp ngôi trường danh giá này, Choi Tae Won mới chính thức dấn thân vào con đường kinh doanh của gia đình với việc đăng ký dự tuyển vào khoa Kinh tế Đại học Chicago (Mỹ), trước khi trở về Hàn Quốc tiếp quản SK vào năm 1992. Vào thời điểm đó, Choi Tae Won đảm nhận vị trí trưởng phòng phát triển kế hoạch kinh doanh.

Nhờ xuất thân từ tầng lớp quý tộc, Choi Tae Won nhanh chóng được thăng tiến chỉ sau một thời gian làm việc, với nhiều chức vụ quan trọng như giám đốc thường trực năm 1996 và giám đốc bộ phận kế hoạch tổng hợp, kiêm phó tổng giám đốc SK vào năm 1997.

Lúc bấy giờ, vấn đề thừa kế quyền quản lý SK trở thành đề tài được bàn tán xôn xao nhất trên thương trường. Bởi rõ ràng, dù được tạo điều kiện thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp, song Choi Tae Won chỉ là cháu trai của nhà sáng lập SK Choi Jong Gun (Choi Jong Gun là anh trai của bố Choi Tae Won). Do đó, ông chắc chắn không thể thoát khỏi cuộc chiến với các anh chị em họ – những “hoàng tử, công chúa” đích thực – nếu muốn giành quyền thừa kế SK về mình.

Tuy nhiên, do sự qua đời đột ngột của nhà sáng lập SK Choi Jong Gun, quyền điều hành tập đoàn nhanh chóng rơi vào tay người em trai Choi Jong Hyun (bố của Choi Tae Won), bởi lúc này, các con của nhà sáng lập quá cố còn quá nhỏ, không đủ khả năng để gánh vác đế chế của gia đình.

Song, kể cả khi đã trưởng thành và nắm giữ vị trí chủ tịch SK Chemicals, Choi Yun Won (최윤원, con trai trưởng của Choi Jong Gun) cũng không hề có ý định giành lại vị trí của mình. Vì hơn ai hết, ông hiểu rõ năng lực kinh doanh của người em họ Choi Tae Won. Cuối cùng, Choi Yun Won quyết định lùi một bước trong cuộc chiến giành quyền thừa kế, đồng thời tạo điều kiện cho người em trai tài giỏi của mình đảm nhận vai trò lãnh đạo SK.

4. Tập đoàn LG – Koo Kwang Mo (구광모)

Xếp ở vị trí thứ 4 theo tổng giá trị tài sản chính là Tập đoàn Điện tử LG, với 124 ngàn tỉ KRW (gần 2.5 triệu tỉ VND). Điều này đã gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài, bởi nhà lãnh đạo hiện thời của LG, Koo Kwang Mo chỉ vừa bước sang tuổi 42 (sinh năm 1978), một độ tuổi được cho là “trẻ người non dạ” so với các bậc lão làng khác.

Tuy nhiên, không vì thế mà Koo Kwang Mo tỏ ra yếu thế hơn các đại tiền bối. Ngược lại, nhờ đầu óc khôn ngoan, cùng tư duy chiến thuật thông minh, Koo Kwang Mo còn trở thành một cái tên đáng gờm khiến các tập đoàn đối thủ luôn phải dè chừng.

Được biết đến với tư cách là con trai của cố chủ tịch Koo Bon Moo (구본무), song thực chất Koo Kwang Mo vốn là con trai của chủ tịch Tập đoàn Heesung Koo Bon Neung (구본능), em trai của cựu chủ tịch LG Koo Bon Moo.

Số phận Koo Kwang Mo thay đổi kể từ khi người thừa kế duy nhất của Tập đoàn LG qua đời vì một tai nạn giao thông. Để tìm người thay thế vị trí con trai của mình, đồng thời đảm nhận vai trò lãnh đạo LG sau này, Koo Bon Moo đã nhận Koo Kwang Mo là con nuôi vào năm 2004.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Công nghệ Rochester tại Mỹ, Koo Kwang Mo trở về nước và chính thức gia nhập LG Electronics vào năm 2006, với vai trò nhân viên quản lý tài chính. Đây được xem là khởi đầu khá thấp cho một nhà lãnh đạo tập đoàn tương lai, đối lập hoàn toàn với các thế tử từ những gia đình tài phiệt khác, thường khởi nghiệp với những vị trí khá “oai phong” như trưởng phòng kinh doanh, giám đốc thường vụ, hay giám đốc điều hành.

Ngay cả việc thăng tiến trong sự nghiệp, Koo Kwang Mo cũng tỏ ra không vội vàng, mà rất từ tốn học hỏi và đúc kết kinh nghiệm ở nhiều bộ phận khác nhau.

Năm 2007, Koo Kwang Mo được đề bạt làm trưởng phòng tài chính. Năm 2009, anh được điều đến chi nhánh LG tại New Jersey (Mỹ), sau đó được tiến cử lên vị trí quản lý vào năm 2011. Đến năm 2013, Koo Kwang Mo trở về Hàn Quốc và tiếp nhận vai trò trưởng phòng kinh doanh tại LG Home Entertainment và LG Home Appliance & Air Solution trong năm 2014.

Thời gian sau đó, anh tiếp tục thử sức ở nhiều bộ phận khác nhau, trước khi chính thức nắm giữ quyền lãnh đạo LG, sau sự ra đi vĩnh viễn của cố chủ tịch Koo Bon Moo vào tháng 5/2018.

5. Tập đoàn Lotte – Shin Dong Bin (신동빈)

Về đích sau LG với tổng giá trị tài sản đạt mức 117 ngàn tỉ KRW (2.4 triệu tỉ VND) chính là tập đoàn hùng mạnh Lotte dưới sự lãnh đạo của Shin Dong Bin, con trai thứ của nhà sáng lập Lotte Shin Kyuk Ho (신격호).

Cho đến năm 1996, Shin Dong Bin vẫn mang hai quốc tịch Nhật Bản – Hàn Quốc, cùng tấm bằng cử nhân khoa Kinh tế Đại học Aoyama Gakuin (Nhật Bản). Sau đó, ông tiếp tục theo đuổi con đường học vấn với chương trình đào tạo MBA tại Đại học Columbia (Mỹ).

Tuy xuất thân từ gia tộc đầy quyền lực, công việc đầu tiên của Shin Dong Bin lại chẳng hề liên quan đến hai chữ Lotte. Trong một khoảng thời gian khá dài từ năm 1981 đến năm 1987, ông công tác tại Nomura Securities, công ty chuyên về tài chính và chứng khoán hàng đầu Nhật Bản và là thành viên của Nomura Group.

Mãi cho đến tháng 4 năm 1988, Shin Dong Bin mới chính thức gia nhập tập đoàn của gia đình và đảm nhận vị trí giám đốc điều hành Honam Petrochemical (tiền thân của Lotte Chemical) vào năm 1990.

Sau khi được cân nhắc lên vị trí phó chủ tịch Tập đoàn Lotte vào 1997, Shin Dong Bin quyết định thực hiện một thương vụ lớn khi sáp nhập Dongyang Card, Hanwha Mart, Woori Home Shopping… và dẫn đắt Lotte vươn lên đỉnh cao như ngày hôm nay.

Trước khi chính thức đảm nhận vai trò chủ tịch Lotte từ năm 2011, Shin Dong Bin đã “kinh” qua nhiều vị trí đáng ghi nhận như giám đốc điều hành Seven-Eleven Korea năm 1999, phó chủ tịch Lotte.com năm 2000 và tổng giám đốc Honam Petrochemical, Lotte Hotel vào năm 2004.

Trên con đường vươn đến vị trí lãnh đạo của mình, Shin Dong Bin gần như nổi tiếng nhất với cuộc chiến tranh giành quyền lực nảy lửa cùng người anh ruột Shin Dong Joo vào khoảng tháng 7/2015.

Vốn dĩ, Shin Dong Bin được giao quyền quản lý Lotte Hàn Quốc, trong khi Shin Dong Joo nắm giữ vai trò lãnh đạo Lotte Holdings – công ty con trực thuộc Tập đoàn Lotte, đặt trụ sở chính tại Nhật Bản. Mọi xung đột giữa hai anh em chỉ thật sự xảy ra khi Shin Dong Joo đột nhiên bị bãi nhiễm khỏi vị trí phó chủ tịch Lotte Nhật Bản.

Dù luôn nhận được sự nâng đỡ từ người cha quyền lực, Shin Dong Joo vẫn là “bại tướng” trước người em trai quá sức thông minh và sắc sảo trong mọi cuộc chiến tại đại hội cổ đông.

Thậm chí, ngay cả khi Shin Dong Bin bị Tòa án Tối cao Seoul tuyên án 2 năm 6 tháng tù giam và 4 năm tù treo bởi cáo buộc hối lộ cựu Tổng thống Park Geun Hye vào tháng 5/2018, Shin Dong Joo vẫn không thể huy động được sự ủng hộ của các cổ đông, dẫn đến kết quả ông lại một lần nữa đánh mất quyền lãnh đạo đế chế của gia tộc vào tay người em trai của mình.

Tổng hợp từ Naver

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).