So với những năm trước đây, nhiều phụ nữ hoặc thành viên của thế hệ trẻ đang nắm giữ vị trí giám đốc điều hành tại các tập đoàn Hàn Quốc.

Theo trích dẫn của Viện CXO Hàn Quốc khảo sát trên 200 tập đoàn lớn nhất nước này cho biết, có 6 chủ tịch tập đoàn được sinh ra từ năm 1970 và gần một 1/4 trong số 150 giám đốc điều hành trẻ là phụ nữ.

Cứ 10 phụ nữ Hàn thì hơn 1 người giữ vị trí lãnh đạo

Tại các công ty ở Hàn Quốc, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các nhân viên văn phòng nữ trong vai trò thư ký hoặc lễ tân. Tuy nhiên, văn hóa Hàn Quốc thường hiếm khi bổ nhiệm một người phụ nữ lên vị trí quản lý cấp cao. Do đó, rất nhiều phụ nữ Hàn đã quyết định thành lập công ty riêng của mình.

Điển hình như Park Hye Rin, nữ CEO trẻ tuổi của công ty Energy Nomad được thành lập vào năm 2014. Ít ai biết rằng, các kỹ sư và nhân viên làm việc tại đây đều là nam giới dày dặn kinh nghiệm.

Năm 2018, Energy Nomad đã công bố doanh thu 2.8 triệu USD, gấp ba số tiền so với năm trước đó. Cô Park gần đây cũng đã nhận được khoản đầu tư 165.000USD từ các nhân viên của SK Innovation, một công ty năng lượng của Hàn Quốc, giúp Energy Nomad mở rộng sang thị trường Đông Nam Á.

“Tôi có thể khuyến khích thế hệ phụ nữ tiếp theo”, cô Park cho biết. “Nhiều phụ nữ trẻ hơn có thể tham gia cùng tôi trong cộng đồng tương lai này”.

CEO Park là một trong những làn sóng mới của giới kinh doanh ở Hàn Quốc, với xu hướng nữ giới cũng bắt đầu quản lý công ty riêng của họ.

Park Hee Eun, giám đốc công ty đầu tư mạo hiểm Altos Ventures ở Seoul cho biết, “Phụ nữ chúng ta vốn được giáo dục một cách công bằng với nam giới. Tuy nhiên, chúng ta lại phải gia nhập vào những kiểu công ty truyền thống “trọng nam khinh nữ”. Phụ nữ thất vọng với nền văn hóa làm việc quy cũ này để quyết định làm chủ công ty của chính mình”.

Nữ CEO Park Hye Rin, người sáng lập Energy Nomad ở Hàn Quốc, trò chuyện với một trong những nhân viên của cô.

Năm 2018, hơn 12% phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Hàn Quốc đã tham gia vào việc khởi nghiệp hoặc quản lý các công ty mới, nơi hoạt động chưa đầy 3.5 năm. Theo Global Entusinessurship Monitor, tỷ lệ này tăng mạnh từ 5% so với chỉ hai năm trước đó.

Tương tự, báo cáo của Mastercard về 57 nền kinh tế toàn cầu nói rằng, Hàn Quốc cho thấy sự tiến bộ nhất trong việc thúc đẩy các doanh nhân nữ và nhiều phụ nữ hơn nam giới đã tham gia vào các công ty khởi nghiệp. Thống kê của Chính phủ cũng cho thấy một tỷ lệ tăng của các công ty mới, khoảng 1/4 được khởi nghiệp bởi phụ nữ.

Xu hướng này có thể định hình lại một thế giới doanh nghiệp nơi sự phân biệt đối xử với phụ nữ đang cố thủ sâu sắc. Hàn Quốc đã có bước tiến bộ kinh tế vượt bậc trong 50 năm qua, chuyển đổi từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một cường quốc công nghiệp nổi tiếng với vi mạch và điện thoại thông minh.

Nhiều người phụ nữ Hàn Quốc quyết định thành lập công ty riêng, khi cơ hội tại nơi làm việc hầu như không công bằng với năng lực của họ.

Các gia đình bảo thủ có xu hướng ép con trai và con gái tìm kiếm việc làm ổn định trong chính phủ hoặc tại các doanh nghiệp lớn của quốc gia. Tình hình bắt đầu được nới lỏng trong thời kỳ bùng nổ dot-com vào cuối những năm 1990. Tinh thần kinh doanh trở nên dễ chấp nhận hơn về mặt xã hội và được phổ biến rộng rãi.

Trước đây, quan niệm của cha mẹ và vợ hoặc chồng thường hy vọng người phụ nữ sẽ mang gánh nặng chăm sóc con cái và trách nhiệm gia đình. Tuy nhiên, thái độ xã hội đối với phụ nữ cũng đang thay đổi dần.

“Chồng tôi và tôi đang lên kế hoạch cho tương lai”, cô Lee, người sáng lập công ty Mark Whale chuyên các dòng nước hoa tự pha chế, cho biết. “Khi tôi đang ở ngã ba đường giữa việc đi làm và bắt đầu kinh doanh, tôi được chồng khuyến khích”.

“Tôi nghĩ rằng mình chắc chắn là một phần của xu hướng”, cô nói thêm.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã triển khai chính sách thúc đẩy nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, khi dân số Hàn Quốc đang già hóa. Theo Bộ khởi nghiệp, Chính phủ đã dành 470 triệu USD để hỗ trợ các công ty do phụ nữ điều hành vào năm 2019, gấp 18 lần so với năm 2015.

Các tổ chức công cộng cũng đã chi ngân sách 7.6 tỷ USD để mua hàng hóa và dịch vụ từ các công ty do phụ nữ quản lý trong năm nay. Kể từ năm 2014, Tập đoàn Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc đã phân bổ 35 triệu USD vốn của Chính phủ cho các công ty đầu tư mạo hiểm, để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp do phụ nữ thành lập.

Đế chế của “gia tộc Huyndai” với sự xuất hiện của nhiều nữ lãnh đạo tài ba.

Nam giới Hàn Quốc nghĩ gì về thời đại “nữ quyền” hiện nay

Mặc dù, phụ nữ ngày càng theo đuổi nền tảng tri thức cao và giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, quan niệm về vai trò của phụ nữ trong xã hội vẫn chưa được thay đổi triệt để. Phụ nữ thường phải đối mặt với những công việc được trả lương thấp với rất ít cơ hội thăng tiến.

Chỉ có khoảng 10% vị trí quản lý ở Hàn Quốc do phụ nữ nắm giữ, thấp nhất trong số các quốc gia được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nghiên cứu. Trong khi, khoảng cách về lương giữa nam và nữ thường có sự chênh lệch lớn.

Kim Min Kyung, người sáng lập một công ty đồ lót cá nhân Luxbelle cho biết, bạn phải nỗ lực nhiều hơn để trở thành một nữ doanh nhân.

Một trong những nhà đầu tư của cô Kim, một chi nhánh của tập đoàn kinh doanh Lotte, đã cung cấp không gian văn phòng cho cô. Người quản lý nam cùng với các doanh nhân khác thường có những buổi đi uống bia sau giờ làm việc, một thói quen phổ biến trong giới văn phòng ở Hàn Quốc, xuất phát từ văn hóa kkondae. Tuy nhiên, thật khó xử cho một nữ giám đốc như cô Kim, khi được mời dùng chung bữa.

Nếu các doanh nhân nữ muốn kết nối với nhiều người khác nhau, họ phải đủ quyết đoán và can đảm để đặt mình vào giữa các cuộc họp nhóm của các chàng trai, cô Kim nói.

Công việc quản lý nhân viên nam cũng gặp không ít khó khăn, như JiHae Jenna Lee cho biết: Sau hơn một thập kỷ ở Phố Wall (Mỹ), cô Lee trở về Hàn Quốc. Vào năm 2015, cô Lee khởi nghiệp công ty AIM, nơi cung cấp tư vấn tài chính điều khiển bằng máy tính. Hiện công ty của cô Lee đang quản lý 40 triệu USD từ 4.200 nhà đầu tư.

CEO Kim Min Kyung, từng là một thành viên của tập đoàn Samsung, chia sẻ bí quyết trên con đường nắm giữ vị trí quản lý cấp cao khi thành lập công ty riêng. “Bạn sẽ phải nỗ lực rất nhiều để trở thành một nữ doanh nhân”.

Mặc dù được sự hỗ trợ của Chính phủ và các tập đoàn lớn, nhưng các doanh nhân nữ vẫn phải đối mặt với những rào cản trong thế giới kinh doanh. Hầu như, không có phụ nữ nào là chủ ngân hàng hoặc giám đốc điều hành cấp cao.

Mặt khác, nhiều người đàn ông ở Hàn Quốc vốn không quen nhìn thấy một người phụ nữ nắm quyền lực, đưa ra quyết định hoặc phụ nữ là một đối tác. Thông thường, họ chỉ thấy một “nữ điều hành” trong suốt cuộc đời của họ.

Lee Ji Hyang, người sáng lập công ty riêng Mark Whale, để tiếp thị những loại nước hoa theo công thức pha chế của chính cô. Thường xuyên thấy rằng nam giới ít khi công nhận thành tựu và vị trí của phụ nữ trong xã hội.

Trường hợp của CEO Park, cô liên tục phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Trong các cuộc họp với các doanh nhân và thậm chí là đồng nghiệp của mình, cô là nạn nhân thường xuyên của những trò đùa nhạy cảm về giới tính. Mặc dù vậy, cô cảm thấy bất lực khi làm bất cứ điều gì với họ.

“Đây là một kiểu quấy rối tình dục xảy ra hàng ngày”, cô Park nói.

Trong cuộc họp của cô Park với người quản lý hoạt động cấp cao ở công ty, cô phải chịu đựng cảm giác “chiếm quyền” của nhân viên nam, khi người này không dùng kính ngữ với cấp trên, thậm chí xem cô Park như thể một cấp dưới trẻ hơn.

Cô Park ngậm ngùi nói, bản thân cô cảm thấy rất cô đơn khi làm công việc này. Điều tốt nhất cô cảm nhận được chính là vai trò tiên phong và có thể mở rộng tầm nhìn cho nhiều người phụ nữ khác trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.

Tổng hợp từ NY TimesKorea Herald

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).