Bạo hành tinh thần, tức bạo hành tình cảm – tâm lý, khiến nạn nhân phải chịu những kiểu hành hạ phi bạo lực như chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề, xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự.

Không những thế, bạo hành tinh thần đôi khi còn tồn tại dưới nhiều hình thức như đe dọa, cô lập hay khủng bố tinh thần, tâm lý… tạo nên sự bất an, sợ hãi cho nạn nhân, dẫn đến cảm giác phẫn uất, khủng hoảng. Từ đó gây ra những hậu quả tiêu cực.

Hiện trạng này không chỉ xuất hiện trong phạm vi gia đình, trường học, mà đồng thời cũng đang dần trở thành vấn đề gây nhức nhối tại chốn công sở.

Đơn cử, trong một tập phim thuộc tác phẩm truyền hình đình đám “Hi Bye, Mama!” (하이바이, 마마! – Chào mẹ, tạm biệt!) được phát sóng trên đài truyền hình cáp tvN vào ngày 29/3 vừa qua, vấn nạn bạo hành tinh thần đã được khắc họa rõ nét ngay tại công ty thời trang danh tiếng mà nhân vật “ma nữ” Park Hye Jin (박혜진) (do nữ diễn viên Bae Yoon Kyung – 배윤경 đảm nhận) từng làm việc.

Trong phim, Bae Yoon Kyung thủ vai cô nhân viên họ Park mang trong mình khát khao cháy bỏng được học hỏi và thành công trong lĩnh vực thời trang đầy khắc nghiệt.

Song trái với những ước mơ và niềm tin của mình, ngay từ khi bước chân vào công ty, cô gái trẻ Park Hye Jin đã phải hứng chịu đủ mọi sự hành hạ, bắt nạt từ hành động, cho đến lời nói của các đồng nghiệp và tiền bối.

Chính bởi áp lực chồng chất sau những ngày tháng bị cô lập, cùng với ước mơ mãnh liệt ngày nào đang dần lụi tàn, Park Hye Jin đã chọn cách thức cực đoán nhất để kết thúc cuộc đời mình.

Ngay khi được phát sóng, tập phim này đã lập tức nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của khán giả màn ảnh nhỏ và cộng đồng cư dân mạng, bởi nó khiến họ liên tưởng đến câu chuyện đau lòng với nội dung tương tự xảy ra vào năm 2016.

Khi đó, một cô gái trẻ họ Won đã luôn nỗ lực hết mình, tranh suất đỗ vào công ty thời trang mà cô hằng ao ước, để rồi đổi lại là những chuỗi ngày bị cô lập và bắt nạt kéo dài. Đơn cử như việc Won đang nhặt rác trên sàn, đồng nghiệp của cô đã cố ý vứt ghim nhọn xuống đất.

Trong những đoạn tin nhắn gửi cho một người bạn, Won đã tâm sự: “Tớ đang bị bắt nạn”, “Tớ nghĩ họ đang bảo tớ đi chết đi”, “Có lẽ chỉ khi tớ chết, mọi chuyện mới kết thúc”.

Cuối cùng, Won đã thật sự tìm đến cái chết, để chấm dứt chuỗi ngày bị hành hạ và áp bức tinh thần.

Tuy nhiên, kể cả sau khi Won qua đời, những người đồng nghiệp xấu tính vẫn chưa một lần đến viếng mộ cô, đồng thời phủ nhận mọi lời cáo buộc của gia đình cô gái trẻ.

Điều thậm chí còn tàn khốc hơn hết chính là việc không lâu sau khi Won qua đời, bạn trai của cô cũng đã quyết định chọn cái chết để kết thúc cuộc sống của mình.

Vụ việc đáng buồn này đã được tái hiện trong chương trình “PD Note” (PD 수접) của đài MBC. Song cho đến hiện tại, những đồng nghiệp đã bắt nạt Won năm xưa vẫn kiên quyết không thừa nhận hành động của mình.

Đây không phải là lần đầu tiên, hành vi “bạo hành tinh thần” tại Hàn Quốc được phơi bày trước báo giới. Trong cùng năm xảy ra sự việc của Won, một trợ lý đạo diễn họ Lee của bộ phim truyền hình nổi tiếng “Drinking Solo” (혼술남녀 – Uống rượu một mình) đã tự sát trong một khách sạn tại quận Gangnam (강남), thủ đô Seoul.

Nguyên nhân khiến người trợ lý đạo diễn này phải kết thúc cuộc đời của mình không chỉ vì bị bóc lột sức lao động, mà còn do các đồng nghiệp đã lăng mạ và sỉ nhục anh trong suốt quá trình ghi hình cho bộ phim.

Hy vọng rằng qua những cảnh phim chân thật từ “Hi Bye, Mama!” giúp tái hiện lại những bất công mà cô Won đã phải chịu đựng, hay sự ra đi đầy oan ức của trợ lý đạo diễn họ Lee trong ê-kíp “Drinking Solo”, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc nói riêng và toàn xã hội nói chung sẽ nhận thức hơn về mức độ nghiêm trọng của vấn nạn “bạo hành tinh thần”.

Đồng thời có những biện pháp răn đe thích đáng với những cá nhân hay tập thể có hành động cô lập, bắt nạt một người yếu thế, để xã hội không phải tiếp tục chứng kiến thêm bất cứ ai phải đánh đổi cả mạng sống của mình trước hiện trạng tàn nhẫn và đáng lên án này.

XEM THÊM: 18 Bộ phim điện ảnh quốc dân của Hàn Quốc nhất định phải xem

Tổng hợp từ InsightHani

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).