⁉️UPDATE: (16:00 ngày 18/8/2020) Hàn Quốc có 15.761 ca nhiễm COVID-19 (306 chết), toàn thế giới là 22.053.734 ca nhiễm và 782.730 chết.

Tính đến sáng ngày 31/1/2020 số người mắc bệnh viêm phổi cấp tính ở Trung Quốc đã lên đến 9.692, tổng số người chết hiện đã là 213 người.

Trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, Trung Quốc đã ban hành một lệnh kiểm dịch lớn nhất trong lịch sử loài người – phong tỏa 16 thành phố, với tổng cộng gần 50 triệu dân.

Trong quá trình này đã phát sinh những vụ việc thương tâm xuất phát từ việc người dân bị cưỡng chế cách ly, thậm chí nghi ngờ lẫn nhau.

Một thiếu niên Trung Quốc bị chứng liệt não đã thiệt mạng sau khi bị bỏ một mình ở nhà trong suốt 6 ngày không ai chăm sóc, trong khi cha và em trai bị đưa vào nơi biệt lập vì nghi ngờ nhiễm virus Corona.

Một người cha trở về nhà sau chuyến đi công tác từ Vũ Hán, mặc dù khoẻ mạnh bình thường đã bị cả gia đình bắt nhốt trong phòng riêng.

Một nguồn tin khác do tờ Tân Kinh (신경보) của Trung Quốc cho hay, tất cả các ca tử vong do nhiễm virus corona mới đều đưa đến đài hoả thiêu Hankou. Cần phải mất 90 ~ 180 phút để xử lý một thi thể, nên để đảm bảo hiệu xuất xử lý, rất nhiều trường hợp các nạn nhân tử vong bị hoả táng trong khi không được xác nhận danh tính hay báo cáo với người thân.

Trung Quốc che giấu thông tin virus corona có thể lây chéo từ người sang người

Ban đầu các chuyên gia xác định corona là họ virus thường xuất hiện trên động vật và hiếm khi lây chéo sang người. Nhưng tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác điển hình như Hàn Quốc đã xuất hiện trường hợp lây từ người sang người.

Trong một bài báo được công bố trên tạp chí y học New England ngày 29/1/2020 vừa qua cho rằng: Đã có chứng cứ lây chéo sang người từ thời điểm trung tuần tháng 12/2019 nhưng chính quyền Trung Quốc đã một mực phủ nhận.

Phải đến tận ngày 16/1/2020, Trung Quốc mới đưa ra phát biểu: “Chưa có chứng cứ rõ ràng về việc lây chéo, nhưng cũng không loại trừ khả năng này”.

Truyền thông Hàn Quốc phê phán chính vì Trung Quốc bưng bít cũng như chậm trễ thông báo diễn biến của dòng virus corona mới này nên đã gây khó khăn cho công tác kiểm dịch của các quốc gia.

Bác sĩ Arisina Ma, chủ tịch Hiệp hội bác sĩ cộng đồng ở Hong Kong cho biết nhiều người lo ngại Trung Quốc đại lục đang che giấu mức độ thực sự của cuộc khủng hoảng y tế này. “Chúng tôi không biết nhiều về các dữ liệu từ đại lục. Chúng tôi cần có số liệu chính xác về quy mô của dịch bệnh ở đại lục để dự đoán được quy mô bùng phát bệnh ở đây”, Arisina Ma nói.

Trong trường hợp lây từ người sang người, nhiều khả năng virus được truyền qua tiếp xúc trực tiếp với dịch thể như nước mũi và nước bọt của người nhiễm bệnh. Tùy thuộc vào độc lực của virus mà nó có thể phát tán qua cơn ho, hắt hơi hoặc bắt tay.

Virus cũng có thể lây khi người khỏe mạnh chạm vào những thứ từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh, sau đó đưa tay lên miệng, mũi và mắt. Nhân viên y tế có thể bị lây khi xử lý chất thải của bệnh nhân.

Các chuyên gia đề xuất một số phương pháp nhằm giảm khả năng lây bệnh, như tránh tiếp xúc với người ốm, hạn chế chạm tay vào mắt, mũi và miệng, rửa tay thường xuyên với xà phòng trong khoảng trên 20 giây.

WHO xác nhận toàn cầu bị đe dọa

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 31/1/2020 đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với bệnh viêm phổi khởi phát từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) do virus corona chủng mới gây ra.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus xác nhận coronavirus là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (Ảnh: Reuters).

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus giải thích lý do tuyên bố tình trạng khẩn cấp là vì sự bùng phát của virus corona chủng mới là chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, WHO không đưa ra khuyến nghị về hạn chế đi lại hay hạn chế thương mại với Trung Quốc.

Đây là lần thứ 6 Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Trước đó, WHO đã từng 5 lần tuyên bố tình trạng khủng hoảng đối với các bệnh truyền nhiễm hết sức nghiêm trọng, trong đó có dịch cúm A/H1N1 năm 2009, bệnh do virus Zika gây ra năm 2016, bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola năm 2019.

Toàn bộ bài thông báo của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng giám đốc WHO đưa ra thông báo đưa virus Vũ Hán thành mối lo toàn cầu:

“Trong vài tuần qua, chúng ta đã chứng kiến ​​sự xuất hiện của một mầm bệnh chưa được biết đến trước đó và nó đã phát triển thành một ổ dịch với mức độ bùng phát chưa từng thấy.

Sau khi trở về từ Bắc Kinh, tôi đã chứng kiến nỗ lực của chính phủ Trung Quốc với những biện pháp ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh… Chúng ta sẽ còn phải thấy nhiều trường hợp (nhiễm bệnh) bên ngoài Trung Quốc hơn hiện tại, và thậm chí là cả cái chết nếu không có những nỗ lực mà đất nước này đã bỏ ra để bảo vệ chính người dân của họ và cả người dân trên thế giới.

Hiện có 98 trường hợp ở 18 quốc gia ngoài Trung Quốc, trong đó có 8 trường hợp lây truyền từ người sang người ở 4 quốc gia: Đức, Nhật Bản, Việt Nam và Hoa Kỳ.

Dù cho đến nay chúng tôi chưa thấy bất kỳ trường hợp tử vong nào bên ngoài Trung Quốc, và mặc dù những con số này (người nhiễm bệnh) vẫn còn tương đối nhỏ so với số trường hợp tại Trung Quốc, nhưng tất cả chúng ta phải cùng nhau hành động để hạn chế sự lây lan hơn nữa.

Phần lớn các trường hợp bên ngoài Trung Quốc có lịch sử du lịch đến Vũ Hán, hoặc liên quan với một người có lịch sử du lịch đến Vũ Hán.

Chúng tôi không biết loại virus này có thể gây ra thiệt hại như thế nào nếu lây lan ở một quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn. Vì vậy, chúng ta phải hành động ngay lúc này để giúp các nước chuẩn bị trước cho khả năng đó.

Vì tất cả những lý do ở trên, tôi tuyên bố virus corona là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và sự bùng phát của dịch bệnh vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu trên toàn cầu”.

Tình hình lây nhiễm virus corona trên toàn thế giới

Ít nhất 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới đã xác nhận có trường hợp nhiễm virus – từ châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu và cả Trung Đông.

Ở thời điểm hiện tại, chưa có nạn nhân nào tử vong bên ngoài Trung Quốc, nhưng Mỹ và Thái Lan đã xác nhận được trường hợp virus lây từ người sang người đầu tiên.

Công dân Thái bị nhiễm bệnh không đi du lịch đến Trung Quốc nhưng là tài xế taxi nên có khả năng bị lây nhiễm từ một du khách bị bệnh đến từ Trung Quốc. Các ca nhiễm trước đó tại Thái Lan đều là những du khách người Trung Quốc hoặc người Thái từng du lịch đến Trung Quốc.

Hàn Quốc thậm chí xác nhận trường hợp lây chéo lần 2, tức người chưa hề tới Trung Quốc bị nhiễm virus sau đó lây lại cho những người thân trong nước.

Trước việc tình hình dịch bệnh đang nghiêm trọng, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành sơ tán cư dân khỏi Vũ Hán. Anh, Úc, Hàn Quốc, Singapore và New Zealand dự tính sẽ cách ly toàn bộ người sơ tán trong vòng 2 tuần sau khi trở về quê hương.

Trong một diễn biến cùng ngày, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết trong thời gian tới Nhật sẽ từ chối cho nhập cảnh những người nước ngoài đã đến tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong 2 tuần vừa qua. Chính phủ Nhật Bản cũng yêu cầu tất cả công dân nước này không tới Trung Quốc, đặc biệt là tỉnh Hồ Bắc, trừ trường hợp bất đắc dĩ.

Bộ Y tế Iran ngày 31/1/2020 cũng kêu gọi chính phủ nước này cấm những du khách đã đến Trung Quốc nhập cảnh vào nước này bằng đường bộ, hàng không và đường thủy.

15.000 phi công Mỹ cũng đã nộp đơn kiện yêu cầu hãng American Airlines ngừng tất cả chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc vì lo ngại virus corona.

Công đoàn đại diện cho 15.000 phi công này chỉ trích American Airlines là vô cảm, xem thường sức khỏe của phi hành đoàn khi tiếp tục duy trì các chuyến bay tới Trung Quốc. Hiện American Airlines đã tạm ngừng khai thác các chuyến bay tới Trung Quốc từ sân bay Los Angeles từ ngày 9/2 đến ngày 27/3/2020.

Trưa ngày 31/1/2020, Pakistan cũng quyết định đóng cửa không phận với tất cả chuyến bay từ Trung Quốc và ngừng mọi chuyến bay tới Trung Quốc đến ngày 2/2/2020.

Người châu Á xa lánh nhau và bị cô lập vì virus Vũ Hán

Tại Hàn Quốc, các biển hiệu lần lượt xuất hiện trên các tấm cửa sổ nhà hàng với dòng chữ “Không đón tiếp người Trung Quốc”.

Một casino ở Hàn Quốc chuyên đón tiếp người nước ngoài cũng cho hay cơ sở không tiếp nhận các nhóm du khách Trung Quốc. Hơn nửa triệu người Hàn Quốc đã tham gia ký bản kiến nghị gửi lên chính phủ kêu gọi một lệnh cấm du khách Trung Quốc nhập cảnh.

Chia sẻ một đoạn ghi âm trên trang Weibo, một người phụ nữ Trung Quốc đi du lịch thành phố Ito (Nhật Bản) cho biết cô đã bị nhân viên quán hét lên: “Người Trung Quốc! Ra ngoài”. Người nhân viên đó tuyên bố từ chối đón tiếp khách hàng Trung Quốc và Đông Nam Á do chủ cửa hàng lo ngại virus Corona.

Sự bùng nổ của virus corona khiến không chỉ người Trung Quốc mà người Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang bị người Mỹ, người châu Âu xa lánh.

Những người gốc Á sống ở châu Âu bị bêu riếu trên mạng xã hội, bị xa lánh ở nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng vì con virus lạ ở bên kia lục địa.

Một tờ báo địa phương ở Pháp có tên Courrier Picard đã khiến cộng đồng phẫn nộ với dòng tiêu đề “Cảnh báo Vàng” ngay trên trang nhất của báo viết về virus Corona. Tòa soạn đã phải lên tiếng xin lỗi độc giả, vì cách dùng ví von giống từ “Nguy hiểm Vàng” ám chỉ người Đông Á hồi thế kỷ 19.

Một sinh viên Trung Quốc ở Anh kể lại việc một người đàn ông trên xe bus ở thủ đô London đã lập tức đứng dậy ngay khi anh ngồi xuống ghế bên cạnh.

“Điều này khiến tôi cảm thấy như mình là một phần của mối đe dọa hay một con bệnh. Việc coi tôi như người mang virus trong mình chỉ bởi dòng máu Trung Quốc của tôi”.

“Không phải vì tôi là người Trung Quốc mà tôi có virus”, Yiyi, người Trung Quốc bán thuốc lá ở Paris khảng khái nói. “Vài ngày trước, trên đường phố, tôi gặp một nhóm bạn trẻ hỏi tôi rằng tôi đã từng ăn dơi chưa… Tôi cảm thấy rất tệ”.

Yiyi, một phụ nữ Trung Quốc trẻ, kiếm kế sinh nhai ở Paris, gần như đã nổi loạn trên Facebook vì bị ghẻ lạnh những ngày gần đây. “Trên đường, mọi người hỏi bạn có bị nhiễm virus không rồi tránh xa tôi ra, nhìn tôi và hỏi có ăn món này hay món kia không”.

Những nạn nhân gốc Á, người châu Á đang sinh sống và học tập ở Pháp bị ghẻ lạnh vì virus Vũ Hán. Các nạn nhân đã đồng loạt lên tiếng. Hashtag #JeNeSuisPasUnVirus (tôi không phải virus) vươn lên đứng đầu các trang mạng xã hội.

Nhà xã hội học Laavanya Kathiravelu thuộc đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore (NTU) nói rằng: “Trong làn sóng sợ hãi hiện nay, Trung Quốc bỗng dưng bị xem là một nước thiếu thốn nguồn lực dành cho người dân trong nước, và không văn minh. Rộng hơn, điều này thể hiện một định kiến cũ kỹ cho rằng người Trung Quốc không sạch sẽ, vệ sinh kém và thói quen ăn uống không lành mạnh”.

Nhà soạn kịch người Singapore Zizi Azah, hiện đang ở New York, nói rằng việc gắn chủng virus mới với màu da là rất phi lý. “Bệnh tật thì không phân biệt vùng miền hay màu da mà không may thì bị nhiễm mà thôi” – bà nói.

Mohamed Imran Mohamed Taib, giám đốc Trung tâm Interfaith Understanding, cũng cảnh báo về hậu quả của việc phân biệt người Trung Quốc.

“Đây không phải một vấn đề do Trung Quốc; thực tế những người Trung Quốc bị nhiễm chỉ là ngẫu nhiên, chứ bản thân họ không phải nguyên nhân gây ra bùng phát dịch và sự lan rộng của virus. Virus mới hoàn toàn có thể xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, như Ebola bùng phát ở Congo hay MERS bùng phát ở Arab Saudi”.

Không chỉ người Trung Quốc hay người châu Á bị ngờ vực và kỳ thị vì virus Vũ Hán, ngay cả những tiếp viên hàng không và con cái của họ cũng trở thành nỗi sợ hãi của những người xung quanh.

Cập nhật: Tính đến ngày 01/2/2020 số người chết vì virus Vũ Hán đã lên tới 259 người và gần 12.000 ca lây nhiễm.


Người Việt Nam ở Hàn Quốc có thể sử dụng Bản đồ Virus Corona để theo dõi tình hình lây lan của dịch viêm phổi cấp ở Hàn Quốc cũng như các địa điểm bệnh nhân đã đến để tránh không bị lây nhiễm.

🚒 BẠN CẦN BIẾT: Hướng dẫn cách phát hiện triệu chứng nhiễm virus COVID-19 & Cách phòng tránh lây nhiễm hiệu quả từ các chuyên gia y tế.

⁉️ ĐỪNG HOANG MANG: 6 Tin đồn về virus COVID-19 & Lời giải thích hợp lý.

🔴 Theo dõi cập nhật tình hình lây lan của virus COVID-19 ở Hàn Quốc và trên thế giới tại đây.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).