Ngay sau khi bài hát Gangnam Style (강남스타일) của ca sỹ Psy tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới vào năm 2012, quận Gangnam (강남) nhanh chóng trở thành một trong những địa điểm được săn tìm nhiều nhất ở Hàn Quốc.

Tuy chỉ là một quận nhỏ giữa lòng Seoul rộng lớn nhưng Gangnam gây ấn tượng mạnh và được mệnh danh là “khu phố nhà giàu”.  

Nơi đây được coi là mảnh đất châu báu của các “tài phiệt” Hàn Quốc. Không có gì ngạc nhiên khi vô số tập đoàn lớn trong nước như Samsung (삼성), Hyundai (현대), đến các tập đoàn quốc tế hàng đầu như Apple, AT&T… cùng dàn sao đình đám của Hàn đều thi nhau tụ hội tại mảnh đất này.

Số liệu tháng 01/2019 cho biết mỗi hộ cư dân ở đây chi tiêu trung bình gần 14 triệu KRW/tháng. Con số này gấp 4 lần mức chi tiêu của những hộ gia đình Hàn Quốc thông thường (3.32 triệu KRW, tính đến năm 2017).

Trung bình mỗi người sở hữu 1.16 chiếc xế hộp, thời gian sở hữu trung bình là 5.9 năm. Trong số các thương hiệu ô tô sở hữu, Mercedes-Benz (31.8%) là nhiều nhất, tiếp theo là BMW (19.5%), Hyundai Kia Motors (18.6%), Audi (10.7%). Hàng loạt xế xịn xếp hàng trong khu vực.

Hơn một nửa số người trong khu vực cho biết phương tiện thanh toán chính là tiền mặt khi mua xe. Trung bình 7 trong số 10 người được hỏi cho biết họ thường thích sử dụng tiền mặt hơn là thẻ.

Những căn hộ ở Gangnam – khu nhà giàu nổi tiếng của Seoul được bán với giá từ 80-90 triệu KRW/pyeong (460 ~ 520 triệu VND/m2).

Tuy nhiên, không chỉ có Gangnam mới là thánh địa của giới đại gia. Ở Hàn Quốc, còn có một khu vực được mệnh danh là “Beverly Hills Hàn Quốc” (비벌리힐스), tập trung nhiều người giàu là giới doanh nhân, chính trị gia.

Đó là một ngôi làng biệt lập ở Pyeongchang-dong (평창동), quận Jongno (종로구). Nếu bạn xuống xe bus tại bến và đi thêm 10 phút về phía dưới chân núi Bukhan (북한산), sẽ thấy khu phức hợp giàu mang phong cách truyền thống.

Vị trí địa lý, cộng đồng dân cư và những điều kỳ lạ

Mặc dù không cách quá xa khu vực trung tâm thành phố nhưng do giao thông công cộng không thực sự thuận lợi nên cảm giác hoang sơ vẫn còn vẹn nguyên ở Pyeongchang-dong.

Ngôi làng được tạo thành bởi những con đường dốc ngoằn ngoèo, thanh vắng. Khi đến đây, nhiều người sẽ tự hỏi: liệu có thật là vẫn còn tồn tại một nơi như vậy tại thủ đô Seoul hay không? Thật khó để gặp được người dân đi lại trên đường.

Pyeongchang-dong không phải là biểu tượng của tầng lớp giàu có ngay từ đầu. Ngược lại, tên gọi “pyeongchang” liên quan đến cuộc sống của những người dân tầng lớp thấp trong triều đại Joseon. Pyeongchang (평창) được đặt tên là Sangpyeongchang (상평창), kho chứa hàng nhu yếu phẩm của Seonhyecheong (선혜청) thời Joseon.

Vào mùa thu hoạch, Seonhyecheong thu thuế gạo, cây trồng và tiền bạc. Đây được coi là kho lưu trữ để đề phòng khi có nạn đói hoặc thiên tai xảy ra sẽ phát chẩn cho người dân.

Con đường đi xuống phía Nam của thung lũng bao quanh núi Bukhan là khu vực bị phong tỏa nên từ xa xưa đã không thể xây dựng mở rộng. Thêm vào đó, vì lý do an ninh (khu vực cung Kyeongbuk) nên dân thường không được tự do đi lại. Kể cả sau giải phóng, vì nằm phía sau Nhà Xanh nên khu vực này vẫn là địa phận được cảnh giới nghiêm ngặt.

Mọi thứ đã thay đổi sau biến cố ngày 21/1/1968. Vụ tấn công Nhà Xanh (còn gọi là Sự kiện ngày 21/1) là một vụ tấn công bị thất bại của đặc công Bắc Hàn nhằm ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee trong dinh thự tổng thống ngày 21/1/1968.

Kim Shin Jo, người sống sót duy nhất tại thời điểm đó, đã bị bắt sống tại chân núi Inwang (인왕산) vào ngày 23/1. Sau sự kiện này, cung đường đã được mở rộng ra gấp đôi (từ 12m lên 25m), phong trào phát triển Pyeongchang-dong đã bắt đầu.

Đối với một số người, khu phố Pyeongchang-dong dễ mang lại cảm giác buồn chán, đặc biệt là với những người trẻ luôn yêu thích sự sôi động. Không có nhiều cửa hàng ven đường nơi đây. Những tòa nhà giấu mình phía sau những bức tường cao vời vợi và hàng cây ngút ngàn, camera an ninh gắn từ ngoài cổng rào.

Năm 1971, chính quyền của Tổng thống Park Chung Hee đã quyết định khu vực này là nơi xây dựng khu nhà ở. Cũng từ đó, những gia đình giàu có bắt đầu để mắt và xây dựng những biệt thự nhà vườn cao cấp ở đây.

Sau đó, Pyeongchang-dong cùng với Hannam-dong (한남동), Seongbuk-dong (성북동), Cheongdam-dong (청담동)… dần trở thành biểu tượng cho giới thượng lưu của Seoul. Hiện tại, những ngôi nhà ở đây có giá từ 2 tỉ đến 5 tỉ KRW.

Khu vực này tập trung vô số những người xuất thân từ giới chính trị, tài chính, văn hóa và nghệ sĩ tề tựu về đây. Họ làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng điểm chung giữa họ đó là sự giàu có mà không phải ai cũng với tới được.

Thủ tướng thứ 41 của Hàn Quốc Lee Nak Yeon (이낙연), cựu tổng thư ký Nhà Xanh Kim Ki Chun (김기천), cựu đại diện Đảng Dân chủ Cộng hòa Kim Jong In (김종인), con trai thứ sáu của người sáng lập Huyndai Chung Mong Joon (정몽준), Chủ tịch Tập đoàn Hanjin Cho Yang Ho (조양호), ca sĩ Seo Taiji (서태지), Giám đốc điều hành của Lotte Shin Joon Ho (신준호), Phó chủ tịch Lotte Shopping Shin Young Ja (신영자), cựu huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia Cha Bum Geun (차범근) đều có nhà tại Pyeongchang-dong.

Ngôi nhà của Seo Taiji là một ngôi nhà ba tầng, bao gồm tầng hầm đầu tiên, với diện tích khoảng 330 pyeong (~1.100 m2), giá trị thời điểm mua là là 5 tỉ KRW và chi phí nội thất là 1 tỉ KRW. Khoảng sân nhà có thể đỗ được 6 chiếc ô tô. Ngôi nhà có bể bơi và studio để Tae Ji có thể làm việc tại nhà.

Hiện tại có khoảng 20 cựu nghị sĩ, cựu quan chức và quan chức đương nhiệm là cư dân Pyeongchang-dong.

Dù tập trung rất đông quan chức sinh sống nhưng phong thủy nơi đây có vẻ không thực sự phù hợp cho giới chính trị. Điển hình như cựu nghị sĩ Choi Hyung Woo, Seo Seok Jae và Kwon Roh Gap đã gặp phải những chuyện không như mong muốn khi sống tại đây.

Liên tiếp các sự việc liên quan đến nhân vật chính trị sinh sống ở vùng này khiến nhiều cựu quan chức cho rằng “mạch đất” nơi đây không tốt cho họ.

Không giống như các chính trị gia, nơi đây lại rất phù hợp cho giới nghệ sĩ hay những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Theo ước tính, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tập trung tại khu này vào khoảng hơn 400 người.

Điểm tên một số nghệ sĩ, nhân vật trong lĩnh vực văn hóa đang sinh sống tại Pyeongchang gồm có: Cựu bộ trưởng bộ văn hóa Lee Eo Ryeong (이어령), các tiểu thuyết gia Park Bum Shin (박범신), Yang Gui Ja (양귀자), Shin Kyung Sook (신경숙), họa sĩ Kim Heung Soo (김흥수), Yoon Myung Ro (윤명로), nhạc trưởng tầm cỡ thế giới Chung Myung Hoon (정명훈), nghệ sĩ Go Doo Shim (고두심), Yoon Yeo Jeong (윤여정), Lee Hye Sook (이혜숙), Lee Yong Sik (이용식)…

Yoon Yeo Jeong trong một chương trình truyền hình thực tế cùng với Lee Seung Gi. Bức ảnh được chụp trước cửa nhà của nữ diễn viên

Hiện nay, nơi đây có rất nhiều ngôi nhà để trống. Chủ nhân chỉ thỉnh thoảng đến vào dịp cuối tuần nhưng họ không cho thuê mà thay vào đó nuôi chó để trông giữ. Một số ít cho người nước ngoài thuê với giá 7~9 triệu KRW (130~170 triệu VND)/tháng.

Vì cuộc sống các hộ dân ở đây khép kín nên khi xảy ra các sự cố, công tác điều tra của lực lượng chức năng có khi gặp không ít khó khăn. Đã từng có vụ án xảy ra vào ban ngày nhưng cảnh sát lại chẳng thể tìm được nhân chứng vì nhà ai cũng cửa đóng then cài.

Điều kỳ lạ hơn đó là nơi đây tập trung nhiều gia đình giàu có nhưng lại mang tiếng là keo kiệt. Chính quyền Pyeongchang-dong thường tổ chức các hoạt động quyên góp vào ngày Giáng sinh hàng năm, nhưng vài năm gần đây thì không thể tiếp tục tổ chức được nữa vì cư dân không ai quan tâm, cũng chẳng mấy người ủng hộ.

Trong khi đó, cư dân ở đây có tài sản trung bình là 10 tỉ KRW (190 tỉ VND) và tài sản tiền mặt là 5 tỉ KRW (95 tỉ VND). Hầu hết những người lớn tuổi đều sở hữu nhà ở, trung tâm thương mại và bất động sản như đất đai. Phần lớn tài sản tiền mặt được phân tán và gửi vào các tổ chức tài chính.

Giới nhà giàu đổ xô đến đây với mong muốn tận hưởng không khí trong lành và quang cảnh tuyệt đẹp, bình yên, gần gũi với thiên nhiên.

Giá đất ở đây không đắt đỏ như ở Gangnam, tuy nhiên để xây dựng nên một tòa nhà ở đây thì kinh phí không hề nhỏ.

Pyeongchang-dong là khu vực có xu hướng bảo tồn cảnh quanh thiên nhiên nên quy chế xây dựng rất nghiêm ngặt (giới hạn độ cao của ngôi nhà tối đa ba tầng). Nếu nhìn vào khía cạnh kinh doanh phát triển bất động sản, giá trị đầu tư ở khu vực này là rất thấp.

Pyeongchang-dong thích hợp với những người thích ở ẩn hoặc đam mê nhịp sống chậm.

Những ngôi nhà tại đây được xây dựng theo phong cách biệt thự nhà vườn. Bên cạnh những ngôi nhà mang phong cách hiện đại, ở đây còn xuất hiện những ngôi biệt thự có kiến trúc đặc biệt. Pyeongchang-dong là nơi hiện thực hóa giấc mơ “nhà có sân vườn”Seoul đắt đỏ.

Người dân tại đây cũng không gặp phải những khó khăn trong việc tìm chỗ đỗ xe như ở nhiều nơi khác vì đất ở đây rất rộng, người lại không quá đông đúc. Những hàng cây xanh mát hai bên đường và thấp thoáng vài chiếc ô tô đỗ dọc đường tạo cho những người đặt chân tới đây cảm giác khác biệt hoàn toàn so với khu đô thị sầm uất bên ngoài.

Với lợi thế sát vách núi, nhiều cây cối nên nền nhiệt ở đây luôn thấp hơn so với các khu vực phố thị đông đúc khác. Vào mùa hè, có thể không cần sử dụng đến điều hòa. Hầu hết các ngôi nhà đều có tầng hầm, gara để xe hơi. Những con đường dốc và dài men theo triền núi, thực sự không thích hợp với hộ gia đình không có ô tô. Vô số chùa chiền nằm trong khu vực này. Có lẽ cũng bởi nơi đây có một sự tĩnh mịch lạ thường, phù hợp yếu tố linh thiêng của nơi cửa Phật.

Biểu tượng cho giới thượng lưu, bối cảnh cho nhiều bộ phim và những quán café nổi tiếng

Khán giả đã từng xem qua bộ phim “Những Ngày Tươi đẹp” (아름다운 날들), “Nấc Thang Lên Thiên Đường” (천국의 계단), “Tiệm Cà phê Hoàng Tử” (커피프린스 1호점) hay “Người Thừa Kế” (상속자들), “Khu Vườn Bí Mật” (시크릿 가든)… chắc hẳn bị thu hút bởi những bối cảnh từng xuất hiện trong phim. Đó chính là những ngôi nhà ở Pyeongchang-dong.

Không chỉ thu hút khách du lịch trong nước mà du khách nước ngoài, đặc biệt là du khách Nhật Bản đến đây rất đông. Có những ngày, hơn 400 khách du lịch đến đây trên 8 chiếc xe bus từ buổi sáng sớm khiến chủ nhà cảm thấy khó xử và phải nhờ đến sự can thiệp của các công ty du lịch.

Không chỉ có những biệt thự nhà vườn làm bối cảnh quay phim, ở đây cũng có những quán café sang xịn cho khách ghé thăm tha hồ trải nghiệm.

Quán cà phê 더피아노, một trong những địa điểm quay phim nổi tiếng. Bạn có thể vừa nhâm nhi tách cà phê vừa ngắm nhìn phố xá, hoặc may mắn hơn thì biết đâu sẽ được gặp diễn viên nổi tiếng nào đó.

– Địa chỉ tiếng: 서울 종로구 평창6길 71
– Mở cửa: 11:00 – 19:00
– Cách đi: Ga Gyeongbokgung (경복궁역) trên line 3, exit 3, đi bộ 16m đến bến xe bus thứ 2, đón xe bus số 1711 đi 12 bến (12 phút) đến bến Lotte Mart (롯데아파트) thì xuống và đi bộ 1km (15 phút) đến nơi như hướng dẫn trong bản đồ.

Tòa nhà màu trắng sang chảnh là quán cà phê 수애뇨 339. Tầng 1 là quán cà phê, tầng 2 là phòng trưng bày, tầng 3 là quán cà phê được chia thành phòng khách sạn, trang trí nội thất sang trọng, view đẹp để ngắm cảnh.

– Địa chỉ: 서울 종로구 평창길 339
– Mở cửa: 10:00 – 21:00
– Cách đi: Ga Gyeongbokgung (경복궁역) trên line 3, exit 3, đi bộ 16m đến bến xe bus thứ 2, đón xe bus số 1711 đi 12 bến (12 phút) đến bến Lotte Mart (롯데아파트) thì xuống và đi bộ 375m (6 phút) đến nơi như hướng dẫn trong bản đồ.

Quán cà phê LOB do ca sĩ Yoon Jong Shin làm chủ. Nếu thời tiết đẹp, bạn có thể có chỗ ngồi trên sân thượng. Mặc dù quán cà phê nhỏ nhưng nếu các bạn muốn tận hưởng thời gian thư giãn với bầu không khí ấm áp và bài hát của Yoon Jong Shin thì hãy ghé qua địa chỉ này.

– Địa chỉ: 서울 종로구 평창30길 17
– Mở cửa: 10:00 – 23:00
– Cách đi: Ga Gyeongbokgung (경복궁역) trên line 3, exit 3, đi bộ 16m đến bến xe bus thứ 2, đón xe bus số 1711 đi 12 bến (12 phút) đến bến Lotte Mart (롯데아파트) thì xuống và đi bộ 281m (5 phút) đến nơi như hướng dẫn trong bản đồ.

Một số địa chỉ tập trung giới nhà giàu ở các quốc gia khác

1. Beverly Hills ở Los Angeles, Hoa Kỳ

Beverly Hills là một thành phố nằm ở phía tây của quận Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Beverly Hills và thành phố kế cận Tây Holywood được bao quanh hoàn toàn bởi thành phố Los Angeles.

Vùng “Tam giác bạch kim” gồm khu dân cư của những người giàu có được hình thành từ đồi Beverly và các khu vực lân cận của Los Angeles gồm Bel-Air và Holmby Hills. Beverly Hills là nơi ở của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Holywood và những người giàu có.

Nơi đây có những ngôi nhà lớn nhất Los Angeles và của cả quốc gia. Những ngôi nhà ở đây xếp hạng từ những ngôi nhà đồ sộ và cực kỳ xa hoa, đến những ngôi nhà thanh lịch và hiện đại hơn, sau đó mới đến những ngôi nhà cho thuê nhỏ và những ngôi nhà có diện tích nhỏ hơn 3000 feet vuông (khoảng 280m2). Thu nhập trung bình của các hộ gia đình ở đây hơn 87.000 USD/năm.

Năm 2007, Coldwell Banker liệt kê Beverly Hills vào danh sách những nơi có thị trường nhà đất đắt đỏ nhất ở nước Mỹ, trung bình một ngôi nhà ở đây có giá hơn 2.2 triệu USD. Liên hoan phim Beverly Hills hàng năm được tổ chức tại đây từ năm 2001.

Beverly Hilton là khách sạn lớn nhất trong thành phố này. Khách sạn chuyên tổ chức những bữa tiệc âm nhạc và điện ảnh rất lớn, đặc biệt là bữa tiệc tiền Grammy và lễ trao giải Quả cầu vàng.

2. The Peak của Hồng Kông

The Peak hay Victoria Peak, là khu phố sang trọng bậc nhất dành riêng cho giới siêu giàu ở Hong Kong.

Đây là tên viết tắt của Victoria Peak – một khu phố đồng nghĩa với sự sang trọng giàu có từ thời thuộc địa. Tất cả những con phố tại The Peak, từ Pollock, đường Barker hay đường Severn đều trở thành những tuyến phố đắt đỏ bậc nhất thế giới.

The Peak hiện đang quy tụ ngân hàng, người nước ngoài, các ông trùm kinh doanh, người nổi tiếng, và gần đây nhất là các triệu phú, tỷ phú từ Trung Quốc – người đang tìm kiếm nơi để đầu tư, hay chọn địa điểm tránh bị ô nhiễm.

Một trong những ngôi nhà nổi tiếng nhất ở The Peak là nhà của chánh án Tòa án phúc thẩm Hong Kong, xây dựng vào năm 1893 với tên gọi Clavadel. Đây cũng là một trong những ngôi nhà đầu tiên được xây ở The Peak.

Căn hộ đắt nhất tại đây, nằm trong khu tổ hợp siêu xa xỉ Twelve Peaks ra mắt vào năm 2015, được bán với giá 105 triệu USD.

3. South Kensington ở London, Anh Quốc

Với 3 bảo tàng hàng đầu London là Bảo tàng Victoria, Albert và Royal Albert Hall, South Kensington là nơi có một số khu bất động sản đắt nhất thế giới. Đây là khu sinh sống của giới thượng lưu London cũng là nơi gặp gỡ của giới giàu có và nổi tiếng quốc tế.

Dù là “ngôi sao” nổi tiếng, ông chủ ngân hàng hay trúng xổ số cũng chưa chắc mua được một căn nhà tại Kensington Palace Gardens, khu phố đắt nhất nước Anh, vì giá nhà trung bình ở đây lên tới 33 triệu USD.

Theo một nghiên cứu của công ty nhà đất Zoopla, giá trung bình một khu biệt thự ở đường Kensington, Tây London, có mức cao “ngất ngưởng” là 33 triệu USD. Con số này gấp 93 lần giá nhà trung bình quốc gia là vào khoảng 341.000 USD. Thậm chí, một mét vuông đất dưới chân người đi đường cũng có giá lên tới gần 2.000 USD.

4. Khu đất vàng Hồ Tây của thủ đô Hà Nội

Nằm ở Hà Nội, một trong những thành phố có giá đất đắt đỏ bậc nhất thế giới ngang ngửa với Tokyo, Paris, Hồng Kông… khu đất vàng ở Hồ Tây được coi là đắt nhất Hà Nội.

Theo một chuyên gia bất động sản, giá đất mặt đường ở khu dọc Hồ Tây, Hà Nội không chỗ nào là kém 40.000 USD/m2, thậm chí còn nhiều hơn và đặc biệt là “không có ai bán”.

Tại Hồ Tây, vẫn có những khu biệt thự rộng vài trăm m2 và tất nhiên là có mức giá được đưa ra không giải thích được về mặt logic.

XEM THÊM: Thủ phủ của gia tộc Samsung nằm ở đâu giữa lòng thủ đô Seoul?

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).