Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã bắt đầu thực hiện chính sách ân xá tái nhập cảnh & miễn giảm nộp phạt dành cho người nước ngoài cư trú BHP tự nguyện hồi hương kể từ ngày 11/12/2019. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quyết định này không có gì khác với việc trục xuất người BHP. Vì bản chất chính sách mà Bộ Tư pháp đề ra chưa “đủ đô” để tạo động lực cho những người này tự nguyện về nước.

Không những làm ngơ trước thực tế người lao động nước ngoài chính là nguồn nhân lực quan trọng trong các ngành nghề chế tạo, sản xuất của Hàn Quốc, Bộ Tư pháp còn hứng chịu chỉ trích rằng việc thi hành chính sách này như châm thêm ngòi cho vấn đề ác cảm với lao động nước ngoài của không ít người trẻ trong nước.

Trước đó vào ngày 10/12/2019, Bộ Tư pháp đã tuyên bố sẽ phối hợp với Bộ Lao động thực hiện “Biện pháp Quản lý người nước ngoài lưu trú BHP”. Theo Bộ này, số lượng người BHP đã tăng từ 210.000 người năm 2016 đến 380.000 người vào cuối tháng 10/2019, đồng thời cho rằng những người này cũng đang đe doạ công ăn việc làm của tầng lớp người lao động nghèo Hàn Quốc ở các công trường xây dựng.

Theo đó, Bộ Tư pháp quyết định dành cơ hội ân xá tái nhập cảnh trong tương lai cho người BHP tự nguyện về nước trước tháng 6/2020 và xem xét tạo điều kiện cho phép họ chuyển sang tư cách lưu trú tốt hơn trong trường hợp quay trở lại Hàn Quốc.

Chính sách ân xá hiện hành quy định miễn đóng tiền phạt cho người BHP tự nguyện rời Hàn Quốc và nới lỏng lệnh cấm tái nhập cảnh. Tuy nhiên, quyết định này bị cho rằng giống như một lời hứa suông không có hiệu lực.

Nguyên nhân là trước đó đã có nhiều trường hợp người BHP tự nguyện về nước, sau đó muốn quay trở lại Hàn Quốc lao động thì bị từ chối cấp visa tái nhập cảnh tại cơ quan cấp thị thực ở quê nhà.

Với chính sách mới, người BHP tự nguyện về nước sẽ được cấp Giấy xác nhận tự nguyện xuất cảnh, đồng thời được xem xét ân xá tái nhập cảnh nếu trong thời gian lưu trú ở Hàn Quốc không có vi phạm pháp luật.

Sau khi hồi hương một thời gian nhất định, người BHP có cơ hội được cấp thị thực ngắn hạn (90 ngày). Bộ Tư pháp cho biết sẽ thắt chặt hình phạt đối với chủ doanh nghiệp sử dụng người lao động BHP.

Như TTHQ đã đưa tin, sau tháng 3/2020, người BHP bị bắt (không tự nguyện về nước) sẽ phải đóng mức phạt theo quy định hiện hành, đồng thời bị cấm tái nhập cảnh với thời gian cấm tuỳ vào mức độ vi phạm và việc người đó có tuân thủ nộp phạt hay không.

Bắt đầu từ tháng 7/2020 trở đi, dù người BHP có tự nguyện về nước cũng sẽ phải nộp phạt. Một luật sư Hàn Quốc nhận xét: “Những cuộc truy quét người BHP vốn đã được thực hiện một cách bạo lực nay sẽ lại càng gắt gao hơn. Việc xem xét đối tượng người di cư chưa đăng ký tạm trú như một tội phạm tiềm năng cũng cho thấy sự bất cập trong cách xử lý vấn đề của Bộ.”

Đề xuất phương án của Bộ Tư pháp cũng vướng phải chỉ trích là mâu thuẫn với những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc trong việc. Trước đó, Hàn Quốc đã công bố các biện pháp nới lỏng quy định đối với lao động nước ngoài nhập cảnh và khuyến khích người nước ngoài nhập cư vào tháng 9/2019. Dư luận cho rằng chính phủ Hàn Quốc nên đảm bảo thực hiện lời hứa cho phép những người BHP tự nguyện về nước có cơ hội được lao động một cách hợp pháp khi họ tái nhập cảnh.

Udaya Rai, người đứng đầu Hiệp hội Lao động Nhập cư ở Hàn Quốc chỉ trích chính sách mới của Bộ Tư pháp: “Trên thực tế, chính sách ân xá người BHP tự nguyện về nước không khác mấy với việc trục xuất họ. Trong bối cảnh mà lao động nước ngoài tăng lên ở các công trường xây dựng nguy hiểm ít lao động Hàn, việc tăng cường truy quét người BHP chỉ như một phương án tạm thời không giải quyết triệt để được vấn đề.”

Cập nhật: Tính đến ngày 20/1/2020 đã có hơn 700 lao động BHP làm thủ tục tự nguyện về nước, trung bình có 40 người mỗi ngày.

BẠN CÓ BIẾT:

Tổng hợp từ 서울신문

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).