Bài viết này là những trải nghiệm và chia sẻ trên trang blog cá nhân của Laura, một blogger trẻ người Mỹ, đã từng dạy tiếng Anh tại Hàn Quốc 2 năm. Hiện cô đang làm việc tại TP. HCM và quyết định gắn bó lâu dài với Việt Nam.

Tôi không thích sống ở Hàn Quốc. Dù tôi đã nỗ lực nhưng tôi không bao giờ có thể cảm thấy thoải mái ở đây. Ở một góc độ nào đó, mảnh đất Hàn Quốc – nơi tôi gọi là nhà trong suốt 2 năm, luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi.

Tôi không đặt nước Mỹ ở vị thế cao hơn Hàn Quốc trong bất cứ phương diện nào. Có những điều Mỹ làm tốt hơn Hàn Quốc và có những điều Hàn Quốc lại tuyệt vời hơn Mỹ.

Đồng thời, tôi không hề có ý định đánh giá thấp hay chỉ trích các khía cạnh văn hóa của Hàn Quốc. Những điều tôi viết sau đây chỉ thể hiện quan điểm, trải nghiệm riêng của cá nhân tôi trong thời gian sống và làm việc tại Hàn Quốc.

Có những chuẩn mực văn hóa ở đây khiến tôi cảm thấy khó hiểu và không thể hòa nhập. Mặc dù tôi là một người có tư tưởng cởi mở. Dưới đây là những lý do chính khiến tôi không thích sống ở Hàn Quốc.

Tôi không thích sống ở Hàn Quốc. (Ảnh từ blog của Laura).

1. Văn hóa phù phiếm

Nét văn hóa này thực sự xoáy sâu vào suy nghĩ của tôi. Việc chụp ảnh tự sướng (selfie) thường xuyên không có gì sai trái hay kỳ quặc cả. Nhưng người Hàn nâng selfie lên một tầm cao mới.

Hình ảnh tôi bắt gặp như cơm bữa trong quán cà phê: Một cô gái Hàn Quốc giơ điện thoại lên trước mặt, nhìn chằm chằm vào camera và di chuyển điện thoại đến nhiều góc độ khác nhau trong một khoảng thời gian dài.

Điều nực cười nhất là họ không chụp ảnh liên tục mà đôi khi chỉ chăm chú nhìn hình ảnh của bản thân và “hóa đá” trong vài phút. Mẹ tôi trong một lần đến Hàn Quốc thăm tôi đã thốt lên rằng: “Mẹ không biết các cô gái ấy đang nhìn chằm chằm vào ai nữa: Mẹ hay chính họ?”.

Người Hàn nâng selfie lên một tầm cao mới.

Mọi điều bạn làm ở Hàn Quốc phụ thuộc vào cách bạn trông như thế nào trong mắt người khác. Khi tôi gặp mẹ các em học sinh của mình, họ sẽ nói với tôi về đôi mắt tôi trông to thế nào, khuôn mặt tôi nhỏ ra sao.

Nếu bạn không quan tâm đến việc trang điểm thường xuyên như tôi, sếp và các đồng nghiệp người Hàn sẽ liên tục nhắc nhở bạn rằng: Trông bạn có vẻ ốm yếu và mệt mỏi vì không make up.

Đây không phải là một điều gì sai trái ở Hàn Quốc. Đơn giản đây là phong cách sống ở đất nước này. Hầu hết mọi người trong xã hội đều chịu rất nhiều áp lực vô hình. Sự phù phiếm bao trùm và chi phối tất cả.

Chỉ cần đi bộ qua các con phố cũng dễ khiến bạn cảm thấy ngoại hình của mình không ổn. Seoul được biết đến là thủ đô phẫu thuật thẩm mỹ của thế giới và không hẳn theo nghĩa tốt.

Đây là cùng một người.

Người ta ước tính 1/5 phụ nữ Hàn Quốc đã trải qua một số loại phẫu thuật thẩm mỹ. Điều này thực sự khiến trái tim tôi tan nát và cảm thấy hụt hẫng.

Phụ nữ Hàn khát khao vươn tới một hình ảnh hoàn mỹ được đóng khung theo tiêu chuẩn. Khát khao này mạnh mẽ đến mức dường như họ muốn xóa đi những nét thuần Hàn trên gương mặt.

Họ đã lãng quên hay không nhận thấy vẻ đẹp tự nhiên vốn có của mình? Trong khi đó nhiều người lại bị ám ảnh bởi hình ảnh Mỹ.

Căn hộ tôi ở khi sống tại Hàn tọa lạc ngay giữa trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ – khu Apgujeong. Nhưng không, cảm ơn, tôi không có ý định phẫu thuật thẩm mỹ đâu.

2. Văn hóa căng thẳng

Hàn Quốc nổi tiếng với… cường độ cao. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Hàn đã bị đẩy vào vòng xoáy vội vã, hối hả ở đây và không được phép dừng lại. Nhiều trẻ em Hàn Quốc dường như được sinh ra để học, học nữa, học mãi… tại các trung tâm dạy thêm, được gọi là hakwon (학원).

Còn đối với tôi, các hakwon này là những “nồi áp suất siêu to khổng lồ”. Trẻ em phải học nhiều giờ trong các trung tâm dạy thêm thập cẩm đủ loại: nghệ thuật, tiếng Anh, toán, khoa học…

Đến tận năm 2013, Chính phủ Hàn Quốc mới ban hành quy định yêu cầu các hakwon bắt buộc phải đóng cửa trước 10h tối. Tuy nhiên, các hakwon ở Seoul, Busan tìm cách lách luật và vẫn mở cửa cho đến tận 3h sáng.

Trẻ em Hàn Quốc từ nhỏ đã phải học nhiều giờ trong các hakwon – những “nồi áp suất siêu to khổng lồ”.

Khi trẻ em Hàn lớn lên và thoát khỏi cuộc sống hakwon, trở thành những người lớn, điều gì sẽ đón đợi? Đó là những chuỗi ngày làm việc nhiều giờ không ngơi nghỉ, mệt mỏi, quay cuồng trong vòng xoáy stress suốt cả cuộc đời.

3. Hàn Quốc thiếu cá tính

Hàn Quốc là điển hình của định nghĩa văn hóa tập thể. Điều đó có nghĩa là những người Hàn theo chủ nghĩa dân tộc thường đặt gia đình và những điều tốt nhất cho cộng đồng lên trước nhu cầu của chính bản thân họ. Nghe thật tuyệt vời, phải không?

Nhưng để đạt đến tinh thần này, họ thường phải gạt bỏ những suy nghĩ mang tính phê phán và hy sinh những nhu cầu cá nhân của chính mình. Thay vì đặt câu hỏi về những điều phải từ bỏ đó, con người ở đây lại vô thức bơi theo dòng chảy cùng những con cá khác. Bởi họ nghĩ đó là những điều họ phải làm.

Tôi đã từng hỏi một giáo viên người Hàn, đồng nghiệp của tôi: Tại sao người Hàn lại mặc những trang phục kiểu leo núi hoặc trang phục na ná nhau hàng ngày? Phải chăng vì người Hàn không muốn bị nổi bật giữa đám đông?

Và đồng nghiệp người Hàn đã giải thích cho tôi: “Mọi người thích mặc theo mốt để người khác không nghĩ rằng họ xuất thân từ nông thôn”.

Người Hàn thích mặc theo mốt và có xu hướng na ná nhau.

Khi nghe lời giải thích này, ký ức những năm tiểu học của tôi chợt ùa về. Tôi học trong một trường tiểu học Công giáo nên tôi phải mặc đồng phục. Tuy nhiên, mẹ tôi đã dẫn tôi đi shopping và mua cho tôi một chiếc quần kaki bụi phủi để tôi trông thật cool ngầu.

Tôi lớn lên với tư duy như thế và khi bước chân vào trường cấp 2, tôi bắt đầu tìm thấy bản sắc riêng của mình. Đây là điều mà tôi mãi mãi cảm thấy biết ơn đất nước của mình – khuyến khích mỗi cá nhân phát triển cá tính riêng.

Tôi không khẳng định là tất cả những người Hàn trẻ đều không có cá tính và lập trường riêng. Tuy nhiên, rõ ràng con người Hàn Quốc bị chi phối, đóng khung trong những quy chuẩn của xã hội.

Tôi cho rằng Hàn Quốc không phải là một môi trường thuận lợi để có thể phát huy tính sáng tạo. Và đây là lý do chính khiến tôi không thích sống ở Hàn Quốc và không chọn sống lâu dài ở đây.

4. Sự phân biệt đối xử

Người Hàn Quốc có xu hướng tin rằng chủng tộc và quốc gia của họ vượt trội so với những người khác. Nhiều người Hàn cho rằng Hàn Quốc là một dân tộc có dòng máu thuần nhất (단일 민족). Mặc dù có một lượng lớn dân nhập cư vào Hàn từ thời kì Chiến tranh Hàn Quốc nhưng người Hàn vẫn gặp trở ngại với việc tiếp nhận người nước ngoài.

Tôi hiểu vì điều này cũng diễn ra ở Mỹ. Một số người thiếu suy nghĩ, tỏ ra coi thường những người đến từ Mexico hay khu vực Trung Đông. Tại sao? Vì nạn phân biệt chủng tộc tồn tại theo nghĩa đen khắp mọi nơi trên thế giới. Điều khác biệt duy nhất là trẻ em Mỹ không được giáo dục với suy nghĩ rằng bản thân là “chủng tộc thượng đẳng” (master race).

Vâng, việc phân biệt chủng tộc này thực sự tồn tại rõ ràng ở Hàn Quốc. Một người phụ nữ Hàn Quốc ở phòng tắm hơi đã từng nói một cách thoải mái về tôi và bạn bè tôi rằng: “Mấy người này làm vấy bẩn nguồn nước tinh khiết”. Tôi thầm nghĩ: “Ồ, vâng, tùy quý bà”.

Tồn tại sự kì thị đối với người nước ngoài tại Hàn Quốc, đặc biệt là người da đen.

Khi trên tàu điện ngầm xuất hiện một người nước ngoài da đen.

Một vấn đề phổ biến đối với người nước ngoài khi ở Hàn Quốc là bị các tài xế taxi từ chối. Tôi không thể đếm được bao nhiêu lần một tài xế taxi giảm tốc độ, nhìn thấy khuôn mặt của tôi và lái xe bỏ đi.

Đây là một vấn đề nhức nhối đến mức Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành quy chế xử phạt đối với các tài xế Hàn Quốc từ chối chở khách là người nước ngoài.

Vào tháng 5/2015, Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố kế hoạch chia bãi biển Haeundae nổi tiếng của Busan thành nhiều khu vực: khu Trung Quốc, khu trẻ em, khu Hàn Quốc. Và cách khu Hàn Quốc 50m là khu người nước ngoài.

Tuy nhiên, khi vấp phải phản ứng trái chiều dữ dội từ cộng đồng, họ đã không tiến hành kế hoạch trên và cho rằng mọi người đã hiểu nhầm mục đích thực sự của Chính phủ.

5. Nuôi dưỡng hành vi trẻ con

Hãy tưởng tượng một ngày đẹp trời, bạn đi dạo trên phố cùng bạn bè. Bỗng nhiên, bạn thấy một chiếc ví bay lên trời và hạ cánh trên mặt đất. Khi nhìn theo, bạn thấy một phụ nữ Hàn đang đứng đó, vừa bĩu môi vừa dậm chân.

Một người đàn ông Hàn thận trọng tiến lại gần người phụ nữ. Người phụ nữ dậm chân thêm vài lần và quay ngoắt đi. Người đàn ông tội nghiệp vội vàng nhặt chiếc ví và chạy theo người phụ nữ.

Đây không phải là cảnh trong một bộ phim tình cảm Hàn Quốc. Đây là một tình huống thực tế xảy ra trên đường phố Itaewon.

Từ khi còn nhỏ, người Hàn luôn mong muốn được nâng niu. Hẹn hò ở đây thường dựa trên các yếu tố cực kỳ phù phiếm, hời hợt. Các mối quan hệ yêu đương ở đây gợi nhớ về những mối tình thời trung học của tôi.

Như đã đề cập ở ví dụ trên, tại Hàn Quốc mọi người dễ dàng bộc phát những cơn giận dữ trong không gian riêng tư cũng như công cộng và coi đây là một điều hiển nhiên.

Có một thuật ngữ ở Hàn gọi là “aegyo” (애교 – nũng nịu), được phổ biến rộng rãi nhờ K-Pop. Aegyo được miêu tả như một phương tiện để người phụ nữ sử dụng nhằm đạt được những điều cô ấy muốn.

Như một kiểu nũng nịu, dỗi hờn, mè nheo. Khi tôi bắt gặp điều này ở nơi công cộng, tôi cảm thấy như mình chưa bao giờ bước ra khỏi lớp mẫu giáo vậy.

Giống như một đứa trẻ đòi kẹo, phụ nữ Hàn chơi trò chơi aegyo với đàn ông hoặc cha mẹ họ để đạt được thứ họ muốn. Nếu bị từ chối, cơn giận dữ sẽ leo thang cho đến khi người lớn trong mối quan hệ quyết định nhượng bộ. Tôi thực sự ngạc nhiên về điều này.

Giống như một đứa trẻ đòi kẹo, phụ nữ Hàn chơi trò chơi aegyo để đạt được thứ họ muốn.

Trái lại, phụ nữ Hàn Quốc lớn tuổi vô cùng kiên cường và đáng ngưỡng mộ. Họ làm việc chăm chỉ và leo núi rất giỏi trong những năm về già. Họ mạnh mẽ, cứng rắn, không hề run sợ điều gì.

Tôi nhìn nhận về nét văn hóa aegyo như thể một cái tát trực tiếp vào tất cả những người phụ nữ Hàn Quốc đã và đang nỗ lực làm việc cần mẫn từ quá khứ đến hiện tại.

Nếu bạn có hứng thú với một góc nhìn tích cực hơn về văn hóa Hàn Quốc, hãy đọc tiếp bài viết dựa trên những chia sẻ của blogger người Mỹ Laura: 3 lý do tôi thích sống ở Hàn Quốc.

XEM THÊM: Nhà báo Mỹ – Tôi yêu mê mệt tàu điện Seoul và ước gì New York cũng được như thế

author-avatar

About Hà Ly Hương

Gặp gỡ Hàn Quốc chỉ như một cuộc dạo chơi. Nhưng một mối nhân duyên đặc biệt đã mang đến cho tôi tình yêu đích thực, khiến tôi gắn bó và yêu mến mảnh đất này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).