Nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc có thể được coi là thành công nhất nhì thế giới hiện nay, có lẽ chỉ sau Mỹ.

Chỉ cần quan sát xem giới trẻ đang nghe nhạc gì, đang mê mẩn say đắm thần tượng ai hay những bộ phim chiếm lĩnh sóng truyền hình đến từ đâu là có thể gọi tên ngay quốc gia đang có tầm ảnh hưởng trong thế giới giải trí toàn cầu.

Đầu thập niên 1990, sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ – châu Âu và các nước tư bản chủ nghĩa, món ăn tinh thần du nhập từ nước ngoài chủ yếu của người dân Việt Nam thời ấy là âm nhạc Âu – Mỹ và phim bộ Hồng Kông – Đài Loan chiếu trên truyền hình.

Nửa cuối thập niên 90 cho đến đầu những năm 2000, Việt Nam và các nước châu Á bắt đầu có một món ăn mới lạ miệng hơn là phim truyền hình Hàn Quốc. Những cái tên đầu tiên như “Anh em nhà bác sĩ” (의가형제), “Mối tình đầu” (첫 사랑), “Cảm xúc” (느낌), “Thành thật với tình yêu” (우리가 정말 사랑했을 까), “Bản Tình ca Mùa Đông” (겨울 연가)… chắc không còn xa lạ với cả một thế hệ người Việt.

Cuối những năm 2000, những nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc bắt đầu chinh phục quốc tế, nổi bật và thành công nhất là Big Bang (빅뱅). Bằng phim ảnh và âm nhạc đại chúng, Hàn Quốc bắt đầu mang văn hóa đại chúng nói chung và văn hóa giải trí Hàn Quốc nói riêng đến với cả thế giới. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của “Hallyu” (한류) – làn sóng Hàn Quốc.

“Bản Tình ca Mùa Đông” – drama có sức ảnh hưởng mạnh mẽ mang tầm thế giới

Big Bang – một trong những boygroup thành công nhất mọi thời đại của K-Pop

Sức ảnh hưởng của những nghệ sĩ K-Biz không chỉ còn bó hẹp trong phạm vi đất nước nhỏ bé Hàn Quốc hơn 5 chục triệu dân nữa mà đã vươn rộng ra quốc tế. Hào quang của K-Biz, vì thế, cũng có sức lan tỏa rộng hơn, xa hơn. K-Biz đã mang lại cho các nghệ sĩ Hàn danh vọng, tiền tài và sức ảnh hưởng mà các nghệ sĩ của K-Biz “tiền Hallyu” không thể nào có được.

Nhưng, hào quang K-Biz không chỉ chói sáng mà còn vô cùng khắc nghiệt. Người nghệ sĩ chọn dấn thân vào showbiz cũng đồng nghĩa với lựa chọn việc trở thành người của công chúng và mọi điều riêng tư của bản thân đều có thể bị đám đông công chúng bàn tán, mổ xẻ thậm chí phán xét và áp đặt.

Chưa kể là K-Biz còn có phần khắc nghiệt hơn V-Biz rất nhiều. Là một nghệ sĩ K-Biz, sức ảnh hưởng lớn hơn, hào quang rực rỡ hơn thì áp lực gánh chịu cũng nặng nề hơn. Đặc biệt nếu một ngôi sao của K-Biz phạm sai lầm, có khả năng sự nghiệp cũng sẽ bị hủy hoại và công chúng cũng sẽ lạnh nhạt quay lưng.

Rất nhiều câu chuyện buồn của K-Biz đã xảy ra, từ rất lâu trước khi câu chuyện thương tâm của SulliGoo Hara kịp gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về sự khắc nghiệt đến thái quá của K-Biz lẫn sự cay độc đến tàn nhẫn của đám đông công chúng cực đoan đối với giới nghệ sĩ Hàn.

Sẽ không phải quá lời khi cho rằng nghệ sĩ của K-Biz, đặc biệt là các thần tượng âm nhạc (idol) – sản phẩm của công nghệ giải trí Hàn Quốc, phải “một cổ hai tròng”, chịu cùng lúc áp lực song song từ hai phía: công ty quản lý và khán giả hâm mộ.

Áp lực từ công ty quản lý

Do đặc thù của K-Biz, không có nghệ sĩ Hàn Quốc nào hoạt động tự do và có thể vụt sáng thành sao mà không trải qua một quá trình học tập – khổ luyện trong một công ty giải trí chuyên nghiệp trước khi debut.

Công ty quản lý chính là những “lò luyện ngôi sao” bài bản, nghiêm túc nhưng cũng cực kỳ hà khắc. Nhìn một cách tích cực, công ty quản lý có vai trò như “người mẹ” : vạch ra chiến lược hoạt động, định hướng hình ảnh cho nghệ sĩ, quản lý và xử lý các vấn đề về truyền thông báo chí…

Với các diễn viên, công ty quản lý với các mối quan hệ trong giới còn chính là cầu nối đưa các diễn viên tiếp cận các cơ hội diễn xuất mà nếu họ là diễn viên tự do thì sẽ không thể nào có được.

Blossom Entertainment (블러썸 엔터테인먼트) do diễn viên Cha Tae Hyun (차태현) sáng lập là công ty quản lý của Park Bo Gum (박보검)

Với các idol, có thể nói công ty quản lý là “nơi sinh ra họ lần thứ hai”, chăm chút cho họ từng miếng ăn, giấc ngủ, cân nặng, áo quần… đến việc luyện tập vũ đạo, luyện thanh, cách ứng xử với người hâm mộ… tất cả nhằm mục đích tạo ra một hình ảnh “thần tượng hoàn hảo” trong lòng công chúng.

Nhưng nhìn từ phía còn lại, công ty quản lý cũng tạo ra rất nhiều áp lực đối với các “chiến binh” của mình. Công ty giải trí, nơi “nhào nặn” ra những nghệ sĩ mới, am hiểu hơn ai hết cách thức thế nào để tạo ra một gương mặt giải trí hay một nhóm nhạc thần tượng mới mẻ phù hợp với thị hiếu của số đông công chúng, mà trước hết chính là công chúng Hàn Quốc.

Và áp lực về việc phải xây dựng hình tượng người nghệ sĩ hoàn hảo đối với công chúng đã khiến các công ty quản lý can thiệp thô bạo vào đời sống riêng tư của các nghệ sĩ.

Năm 2009, sự việc công ty quản lý của Jeon Ji Hyun (전지현) theo dõi điện thoại cá nhân của cô một cách bất hợp pháp ầm ĩ trên mặt báo. Một thời gian sau, cô rời công ty mình đã gắn bó hơn 10 năm.

Trong khi đó, để có thể trở thành idol, những thanh thiếu niên trẻ tuổi phải nhất nhất làm theo sự chỉ đạo hướng dẫn có tính toán rất bài bản và chuyên nghiệp của các công ty quản lý.

Stella Kim, người từng tham gia tập luyện cùng nhóm nhạc nữ Girls Generation trước khi nhóm ra mắt công chúng, nhưng rồi cô đã quyết định rút lui trước khi debut, đã tiết lộ về việc hàng tuần cô buộc phải bước lên bàn cân ngay trước mặt các thực tập sinh khác để cùng nhau có ý thức giữ gìn vóc dáng. Điều đó đã khiến cô bị căng thẳng và rối loạn thói quen ăn uống.

Xét cho cùng, mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công ty quản lý thực chất là mối quan hệ cộng sinh, đôi bên cùng có lợi. Nếu người nghệ sĩ chịu không nổi áp lực từ công ty quản lý và “dứt áo ra đi” hoặc chọn những cách tiêu cực hơn như cách của Sulli hay Goo Hara, rõ ràng công ty quản lý cũng không có lợi gì, ngược lại có thể còn thiệt hại rất nhiều như phải đền bù các hợp đồng quảng cáo, hợp đồng biểu diễn…

Áp lực từ người hâm mộ

Đối mặt với áp lực từ công ty quản lý, nghệ sĩ có thể lựa chọn, cố gắng chịu đựng ở lại cho hết hạn hợp đồng rồi ra đi, tìm cho mình một “bến đỗ” mới. Nhưng, đối mặt với áp lực từ người hâm mộ, đặc biệt là những người hâm mộ quá khích (사생 – sasaeng) thì người nghệ sĩ đa phần chọn những phương án giải quyết cực kỳ tiêu cực. Vậy, người hâm mộ đã tạo nên những áp lực nào lên các nghệ sĩ K-Biz?

Muốn yêu hay cưới phải để người hâm mộ “kiểm duyệt”

Câu chuyện về diễn viên – ca sĩ Park Yong Ha (박용하) là một ví dụ. Park Yong Ha cùng với Bae Yong Joon (배용준) và Choi Ji Woo (최지우) là 3 tên tuổi gắn liền với drama thành công vang dội “Bản Tình ca Mùa Đông” (2002). Trước đó, Yong Ha có quan hệ tình cảm với nữ diễn viên Eugene nhưng cả hai giấu kín.

Park Yong Ha và Eugene đóng cặp trong phim “Yêu em” (러빙유)

Thời điểm những năm cuối thập niên 1990 đầu những năm 2000, công chúng Hàn Quốc rất khắt khe với chuyện hẹn hò của thần tượng. Người hâm mộ Hàn mặc định: trong số tiền cát-xê khổng lồ mà nghệ sĩ nhận được, có cả chi phí “bán” đời tư của mình, bao gồm cả chuyện tình cảm yêu đương. Điều này có nghĩa là nghệ sĩ chỉ được là người của công chúng.

Năm 2003, một tấm hình Eugene ngồi trong lòng Yong Ha với tư thế nhạy cảm bị rò rỉ khiến chuyện tình cảm của Yong Ha và Eugene bị lộ, fan hâm mộ quyết liệt phản đối và yêu cầu hai người chia tay. Dư luận khi đó chĩa mũi dùi vào Eugene, cho rằng cô kém duyên dáng, vô ý tứ… với nhiều lời lẽ xúc phạm, khó nghe.

Không thể chịu nổi áp lực từ dư luận, cặp đôi đã chia tay. Yong Ha sau đó sống trong day dứt, vì không thể bảo vệ tình yêu lẫn người mình yêu. Nỗi day dứt ấy theo anh rất nhiều năm sau đó khiến nam diễn viên bị trầm cảm nặng. Trước đó anh vốn đã bị mất ngủ kinh niên, sau sự việc này, anh luôn phải dùng thuốc ngủ.

Năm 2010, việc cha Yong Ha bị bệnh nặng và công ty riêng của anh gặp khó khăn như giọt nước làm tràn ly, khiến anh rơi vào khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Anh đã chọn tự chấm dứt cuộc sống mệt mỏi của mình như một cách giải thoát bản thân. Sự ra đi của Yong Ha để lại rất nhiều tiếc thương cho gia đình, người thân, bạn bè và cả người hâm mộ.

So Ji Sub – bạn thân của Park Yong Ha, ôm di ảnh của anh trong đám tang

Một câu chuyện khác là câu chuyện nam diễn viên Kwon Sang Woo (권상우) từng bị người hâm mộ tẩy chay khi kết hôn với diễn viên – hoa hậu Son Tae Young (손태영).

Năm 2008, khi anh thông báo về đám cưới của mình, người hâm mộ cho rằng Tae Young phẫu thuật thẩm mỹ, không xứng với anh. Fanclub của anh giảm mạnh từ 240.000 người còn 135.000 người. Nhiều hợp đồng quảng cáo và phim ảnh của anh bị hủy, thiệt hại hàng tỉ KRW.

Nhưng bất chấp tất cả, Sang Woo vẫn cưới Tae Young làm vợ. Sự nghiệp của nam diễn viên sau đó sa sút trầm trọng, anh gần như biến mất khỏi K-Biz. Sang Woo quyết định chuyển sang tập trung vào kinh doanh, đầu tư bất động sản và rất thành công trong lĩnh vực này. Anh có tên trong Top 3 đại gia bất động sản của K-Biz.

Nhiều năm sau, khi cuộc hôn nhân của Sang Woo vẫn bền đẹp bất chấp sóng gió, người hâm mộ mới thôi phán xét, thậm chí còn xem anh như một hình mẫu người chồng lý tưởng.

Ngược với Yong Ha phải đầu hàng trước phản ứng dữ dội của người hâm mộ về chuyện tình yêu của mình, câu chuyện của Sang Woo là ví dụ cho sự dũng cảm của người nghệ sĩ dám đánh đổi hào quang để gìn giữ hạnh phúc cho riêng mình. Và thực tế đã chứng minh, đó là môt sự đánh đổi hoàn toàn xứng đáng.

Kwon Sang Woo và gia đình nhỏ hạnh phúc của mình

Đời tư không trong sạch là xuống bùn

Một ví dụ khá tiêu biểu minh chứng cho điều này là câu chuyện của nam diễn viên Ryu Shi Won ((류시원). Ryu Shi Won là một diễn viên kiêm ca sĩ nổi tiếng K-Biz và một thời được mệnh danh là “hoàng tử Hallyu”. Anh được đông đảo khán giả yêu mến từ bộ phim “Cảm xúc” (느낌 – 1994).

Năm 2010 anh kết hôn cùng Jo Soo In (조수인) – nữ diễn viên kiêm người mẫu. Nhưng không lâu sau vợ anh đâm đơn ra tòa yêu cầu đơn phương ly hôn vì anh có hành vi theo dõi cô bất hợp pháp. Ryu Shi Won không những không đồng ý ly hôn mà còn có hành động bạo hành với vợ.

Cặp đôi sau đó cũng đường ai nấy đi. Tuy nhiên những ồn ào đời tư của anh, đặc biệt là cách hành xử với vợ đã làm hình ảnh của anh trong mắt người hâm mộ xấu xí đi rất nhiều. Người hâm mộ quay lưng lại với anh và sự nghiệp của Ryu đã gần như bị đóng băng hoàn toàn.

Ngoài Ryu, còn rất nhiều nam diễn viên nổi tiếng khác vướng phải những cáo buộc xâm hại phụ nữ hoặc trẻ vị thành niên. Có người đã phải ngồi tù, thậm chí phải tự chấm dứt cuộc sống của mình vì không chịu nổi sức ép dư luận.

Có thể kể ra một vài cái tên như: Jung Joon Young (중준영) với lối sống thác loạn bị phanh phui và kết cục chịu án 5 năm tù giam (2019); Lee Kyung Young (이경영) bị kết án 10 tháng tù treo với 2 năm quản chế và 160 giờ lao động công ích vì ép buộc một nữ diễn viên quan hệ để đổi lấy các cơ hội diễn xuất (2002); Jo Min Ki (조민기) sau khi bị buộc tội quấy rối gần 20 sinh viên nữ đã bị dư luận chỉ trích dữ dội, cuối cùng phải tìm đến cái chết như lối thoát cuối cùng (2018)…

Jung Joon Young đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của mình vì scandal lối sống thác loạn

Lee Kyung Young (trái) và Jo Min Ki (phải)

Bị người hâm mộ quá khích bắt nạt trên mạng xã hội

Phản ứng của người hâm mộ dành cho thần tượng của mình có lẽ chưa bao giờ được truyền tải nhanh như thời nay – thời của công nghệ thông tin với tốc độ tên lửa, thời của mạng xã hội có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Chỉ bằng một cái quẹt tay, thả tim, bấm like, hay vài dòng thậm chí đôi ba từ bình luận… người hâm mộ ngay lập tức có thể bày tỏ mọi cảm xúc vui, buồn, ngưỡng mộ, căm ghét, đồng tình, phản đối… Và những cảm xúc ấy có thể chạm ngay đến người nghệ sĩ một cách nhanh chóng.

Vì quá nhanh, thành ra quá nguy hiểm. Chỉ cần người hâm mộ, đặc biệt là các fan cuồng không hài lòng về một điều nào đó của thần tượng, thì mọi cảm xúc tiêu cực của họ hướng tới thần tượng của mình như sự phẫn nộ, phản đối, chỉ trích… sẽ ngay lập tức có thể tác động đến nghệ sĩ thần tượng.

Nếu người nghệ sĩ đủ bản lĩnh, họ có thể xử lý được những cảm xúc tiêu cực đó. Nhưng nếu không, họ rất dễ bị nhấn chìm thậm chí đánh đồng cảm xúc tiêu cực hay những phán xét của người hâm mộ với giá trị bản thân. Và khi mất đi niềm tin với chính mình rồi tuyệt vọng vùng vẫy trong bế tắc, không quá khó hiểu khi họ phải tìm đến những lối thoát thật cực đoan để giải thoát cho mình.

Câu chuyện buồn của Sulli (설리) và Goo Hara (구하라) chính là những ví dụ sống động nhất. Cũng từ những lùm xùm đời tư, các cô gái trẻ bị người hâm mộ đặt lên bàn cân đạo đức để mổ xẻ, phán xét và chỉ trích.

Người hâm mộ sẽ không bao giờ còn có thể nhìn thấy nụ cười trong sáng hồn nhiên của Sulli được nữa

Vài tháng trước khi mất, Sulli bị cộng đồng mạng “ném đá” vì livestream tiệc rượu với bạn bè trên trang cá nhân. Người bạn thân của cô – Goo Hara thì bị netizen tấn công vì scandal bạn trai cũ dọa tung clip nóng.

Nếu Sulli không phải là người nổi tiếng, có lẽ chuyện cô làm cũng là quá đỗi bình thường ở một đất nước tiêu thụ rượu nhiều thứ 2 thế giới và phụ nữ trẻ có khả năng uống rượu không hề tồi, như Hàn Quốc. Vậy nhưng người hâm mộ đã làm gì với cô?

Nếu Goo Hara không phải là một idol trong mắt công chúng, lẽ ra cô vẫn được bênh vực cảm thông như mọi phụ nữ bình thường khác khi bị người đàn ông từng yêu thương chơi trò dọa dẫm hèn hạ. Vậy nhưng người hâm mộ đã làm gì với cô?

“Búp bê” Goo Hara

Nguyên nhân của thái độ lạnh lùng phán xét và chỉ trích ấy có lẽ đến từ văn hóa thần tượng mù quáng của khá nhiều công chúng Hàn dành cho các nghệ sĩ. Họ khao khát, kỳ vọng (nếu không muốn nói là ép buộc) thần tượng của mình phải hoàn hảo. “Là thần tượng thì phải hoàn hảo”, nghe có vẻ bình thường nhưng thật bất thường.

Chính “áp lực phải hoàn hảo” công chúng đặt lên vai người nghệ sĩ đã làm cho hào quang của K-Biz trở nên khắc nghiệt đến tàn nhẫn. Bởi K-Biz luôn có một rừng sao và cũng luôn có chỗ cho những ngôi sao mới chực chờ chớp lấy cơ hội để tỏa sáng

Để giữ cho hào quang của mình không lịm dần rồi tắt ngúm, người nghệ sĩ K-Biz vừa phải nỗ lực không ngừng để làm nghề vừa phải cố gắng duy trì sự hoàn hảo mà ngay bản thân họ cũng biết là giả tạo kia, đồng thời cũng phải chấp nhận nỗi cô đơn không thể cất thành lời.

Đó là nỗi cô đơn đến từ việc không thể sống tự do như mình muốn – sống là con người thật của mình. Đó là nỗi cô đơn đến từ việc phải luôn làm vừa lòng công chúng hâm mộ dù phải ngậm ngùi nuốt cay đắng vào trong.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).