Ở Bắc Hàn các ngày lễ lớn được chia thành hai loại: ngày lễ quốc gia (국가적 명절) và ngày lễ dân tộc (민속명절).

Trong đó, lễ quốc gia bao gồm kỷ niệm ngày sinh của cha con lãnh tụ họ Kim: Kim Il Sung (14/4) và Kim Jong Il (16/2), ngày Độc lập (광복절 – ngày giải phóng bán đảo Triều Tiên), ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (10/10). Các ngày lễ dân tộc tiêu biểu bao gồm Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, Tết Đoan Ngọ, Trung thu.

Theo thời gian, ngày lễ dân tộc ở Bắc Hàn có sự thay đổi tuỳ vào chỉ định của nhà nước. Từ sau thời Kim Jong Il cầm quyền, Rằm tháng Giêng âm lịch (정월대보름) và Tiết Thanh Minh (청명절) cũng được quy định là ngày lễ, trong khi Tết Đoan Ngọ (단오) và Trung thu (추석) thì được gọi bằng tên cũ như 수리날 /surinal/ và 한가위 /hangawi/.

Lịch sử Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch ở Bắc Hàn

Tết Nguyên Đán từng không được tổ chức một cách công khai ở Bắc Hàn vì lãnh tụ Kim Il Sung khi ấy xem ngày lễ này như một tàn tích của xã hội phong kiến. Thay vào đó, người dân được phép nghỉ một ngày vào đầu năm mới theo Dương lịch (1/1).

Đến năm 1989, nhà nước và truyền thông Bắc Hàn bắt đầu nhấn mạnh một cách hăng hái về sự quan tâm và chăm lo đời sống nhân dân sâu sắc của lãnh tụ Kim Jong Il, nhờ đó mà những ngày lễ dân tộc như Tết Nguyên đán, Trung thu lại được tổ chức một cách công khai.

Tuy nhiên người dân nơi đây đã quá quen với việc đón năm mới theo lịch Dương nên khái niệm “ngày đầu năm mới” của họ vẫn thiên về Tết Tây hơn.

Từ năm 2003, Tết Nguyên đán được chỉ định là dịp lễ tết đầu năm mới chính thức, người dân được nghỉ thêm 2 ngày vào dịp lễ ngày cùng với 1 ngày Tết dương lịch như cũ. Như vậy, so với Nam Hàn thì người dân Bắc Hàn có Tết Nguyên đán muộn hơn 15 năm, trước đó, người Hàn Quốc đến tận năm 1989 mới chính thức coi Tết Nguyên đán là ngày quốc lễ.

Theo đó khái niệm ngày tết ở Bắc Hàn đã dần dần thay đổi. Trên thực tế, dù nhiều hộ gia đình nơi đây vẫn rơi vào tình trạng thiếu lương thực, họ vẫn tận hưởng dịp lễ truyền thống này.

Tuy vậy, chất lượng của sự tận hưởng phụ thuộc rất lớn vào sức mua tương đương (PPP) của người dân, vốn là 1 trong những tiêu chuẩn so sánh phản ánh mức sống của người dân ở các nước.

Người Bắc Hàn làm gì vào ngày đầu năm?

Không giống như người anh em Hàn Quốc, người Bắc Hàn không có khái niệm lũ lượt kéo về quê ăn tết với dòng họ bất kể là tết Dương lịch, Âm lịch hay Trung Thu. Thay vào đó, họ sẽ tận hưởng ngày đầu năm mới bên gia đình ngay tại nơi cư trú và thực hiện nghi lễ thờ cúng tổ tiên vào thời khắc điểm năm mới vào cả dịp Tết Tây và Tết Nguyên đán.

Người Bắc Hàn vẫn duy trì tập tục cúi lạy và mừng tuổi bố mẹ vào đầu năm mới trong trường hợp bố mẹ sống gần con cái hoặc con cái đã mời bố mẹ đến nhà từ trước đó, nhưng tuyệt nhiên không có những cuộc đại di dân về quê ăn Tết diễn ra.

Điều kiện kinh tế và các quy định về thể chế chính trị được coi là có ảnh hưởng đến việc người dân tận hưởng ngày lễ tết thế nào.

Ở Bắc Hàn, lưu thông bằng đường sắt tốn rất nhiều thời gian do thiếu bảo trì cơ sở hạ tầng, cộng thêm việc hệ thống xe bus chỉ tập trung phát triển ở các đô thị lớn và hạn chế tự do về đi lại khiến việc di chuyển thường ngày của hầu hết người dân vẫn gặp rất nhiều bất tiện.

Điều kiện kinh tế không mấy dư giả cũng là một trong nguyên nhân chính khiến người Bắc Hàn có xu hướng chỉ tận hưởng ngày lễ tết ở nhà.

Cách ăn Tết Dương lịch và Nguyên đán ở Bắc Hàn có sự khác nhau nhưng đều có điểm tương đồng với tất cả ngày lễ khác trong năm, đó là người dân sẽ đến viếng tượng đài cha con lãnh tụ Kim Il Sung và Kim Jong Il được dựng trên toàn quốc.

Vào dịp tết Dương lịch, sau khi lắng nghe lời diễn văn chào mừng năm mới của lãnh tụ Kim Jong Un, người dân sẽ chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên trong năm vào ngày tiếp theo.

Đầu năm mới, người dân được cung cấp 1 lượng lương thực và thực phẩm nhất định (chuyên dùng trong ngày lễ) tuỳ theo vùng và đơn vị. Kể từ sau khi Kim Jong Un lên nắm quyền, Bắc Hàn ăn mừng thời khắc giao thừa với màn bắn pháo hoa cực lớn ở Bình Nhưỡng.

Mặc khác, thông qua dịp tết Nguyên đán, nhà nước Bắc Hàn cũng mong muốn người dân kế thừa và duy trì những nét truyền thống dân tộc tốt đẹp.

Tất cả các khu vực trên toàn quốc đều tổ chức các buổi biểu diễn vào ngày đầu năm mới dành cho thanh thiếu niên cũng như các trò chơi dân gian như thả diều, quay bông vụ (팽이 돌리기), yutnori (윷놀이), đá cầu…

Các trò chơi dân gian ở địa phương khi được tiến hành ở các thành phố lớn đều được giới thiệu thông qua các phương tiện truyền thông ở Bắc Hàn, điển hình là trên Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên (조선중앙텔레비죤).

Ở Bắc Hàn, khung cảnh đón năm mới ở nhà cũng có những nét tương tự với Hàn Quốc. Con cái sẽ lạy chúc tết bố mẹ và hành xóm lớn tuổi rồi chào hỏi, trò chuyện với người thân.

Câu chào cửa miệng những ngày này là “새해를 축하합니다” (Chúc mừng Năm mới). Ngoài ra, người dân cũng duy trì văn hoá lì xì trẻ em và chia sẻ thức ăn giữa những người hàng xóm với nhau.

Trong khi đàn ông sang nhà hàng xóm để chào hỏi và chúc tết, phụ nữ thường sẽ ở nhà vì người Bắc Hàn vẫn giữ quan niệm rằng, sẽ rất xui xẻo nếu vị khách đầu tiên đến nhà trong năm mới là nữ.

Thay vào đó, họ thường chơi trò yutnori tại nhà cùng các chị em gái khác, chia sẻ thức ăn, ca hát và nhảy múa.

Về ẩm thực, trong khi người Hàn Quốc dùng bữa sáng đầu tiên của năm mới với món canh bánh gạo (떡국 /tteokkuk/) thì người Bắc Hàn còn tất bật chuẩn bị thêm món bánh songpyeon.

Một gia đình bốn người thuộc tầng lớp trung lưu có thể tiêu thụ khoảng 4kg gạo, 2kg bột mì, 3kg tinh bột củ (starch flour) hoặc mì, 2kg thịt heo, dầu và rượu trong dịp Tết Âm lịch. Món ăn làm từ đậu các loại hoặc đậu phụ cũng rất được ưa chuộng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được ăn một cái tết Nguyên đán sung túc, đủ đầy.

Bần cùng vì đói, một số người phạm tội trộm cắp vào dịp năm hết tết đến, trong khi một số người khác nhắm vào những cuộc họp mặt gia đình như những vị khách không mời mà đến.

Các gia đình vô gia cư, nhóm trẻ em cơ nhỡ sống bụi đời với tên gọi kkotjebi (꽃 제비) lại càng không bỏ lỡ cơ hội vào những ngày lễ đặc biệt này để có được thực phẩm và củi.

Cùng là dân tộc Hàn, song sự khác nhau về văn hoá giữa Bắc Hàn và Nam Hàn có thể dễ dàng nhận thấy trong khung cảnh năm mới của hai nước.

Tuy nhiên, vượt qua cách biệt thể chế chính trị và tục lệ văn hoá đã cắm rễ vào tiềm thức, đại đa số người dân Bắc Hàn vẫn ôm giấc mơ thống nhất hai miền Nam – Bắc và cầu nguyện cho giấc mơ ấy trở thành hiện thực vào mỗi dịp đầu năm mới.

BẠN CÓ BIẾT:

Tổng hợp từ Naver

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).