Sau những phát ngôn gây phẫn nộ quần chúng của các nghị sĩ Quốc hội, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã tiến hành khảo sát các thẩm phán về khung hình phạt cho vụ “phòng chat thứ n”.

Tuy nhiên, sự việc được dự đoán sẽ diễn tiến không hề đơn giản bởi các thẩm phán vừa công khai chỉ trích: “Khung hình phạt của Ủy ban Tuyên án “không đuổi kịp” tính chất nghiêm trọng của vụ việc chấn động vừa xảy ra”.

Trụ sở Tòa án Tối cao Hàn Quốc tại quận Seocho – Seoul

Đêm 25/3, bảng khảo sát ý kiến về khung hình phạt cho tội danh khai thác tình dục trẻ em và thanh thiếu niên với điển hình là vụ “phòng chat n” đã được các thẩm phán thuộc Tòa án Tối cao Hàn Quốc đưa lên website nội bộ.

Tuy nhiên, kết quả nhận được sau đó không mấy khả quan. Các thẩm phán tham gia khảo sát cho biết, nội dung các hạng mục đã không cân nhắc đến tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội cũng như tác động sâu sắc của nó đến nạn nhân.

Vụ “phòng chat thứ n” đòi hỏi phải có hình phạt nghiêm khắc đối với đường dây sản xuất, phát tán video khai thác tình dục phụ nữ và trẻ em. Nhưng khung hình phạt được đề cập trong nội dung khảo sát “không thấm vào đâu” so với tính chất của vụ án.

Cụ thể, hành vi sản xuất video phạm pháp có mức phạt theo luật định là “tù chung thân hoặc ít nhất 5 năm tù trở lên”, nhưng khảo sát chỉ giới hạn trong mức “2 năm 6 tháng – 9 năm trở lên”.

Ngoài ra, trường hợp sử dụng video cho mục đích thương mại (dưới 10 năm tù) và hành vi phát tán (dưới 7 năm tù) lần lượt được hạ xuống còn “từ dưới 4 tháng đến trên 3 năm tù giam”. Chưa kể, khảo sát còn dụng ý cân nhắc các lí do giúp giảm nhẹ hình phạt cùng mức án được giảm nếu có.

Các thẩm phán cho biết, cần phải nhìn nhận nghiêm khắc về yếu tố khai thác tình dục đối với tội phạm tình dục kỹ thuật số. Nhưng mức độ thiệt hại mà các nạn nhân phải gánh chịu có vẻ như vẫn chưa được xem xét thấu đáo.

Hơn nữa, giữa tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội có tổ chức bao gồm sản xuất – lưu hành – phát tán – lưu trữ nội dung khiêu dâm và khung hình phạt có một khoảng cách quá xa.

Việc bảng hỏi bao hàm trường hợp “tự nguyện không tố cáo” hoặc lấy lí do nạn nhân là người có khả năng nhận thức làm cơ sở giảm án cho hành vi phạm pháp cũng khiến các thẩm phán chỉ trích.

Các thẩm phán cho rằng: “Trẻ em rất mong manh nên dễ phục tùng trước người lớn. Chính vì lẽ đó, tội phạm chỉ cần một chút đe dọa hoặc dụ dỗ, khả năng rất cao các em sẽ ngay lập tức trở thành đối tượng của khai thác tình dục”.

Vì vậy, các thẩm phán đề nghị nghiên cứu chuyên sâu về nạn nhân trước khi tiến hành tái khảo sát. Đồng thời, họ yêu cầu nên tổ chức phiên điều trần công khai để thu thập thêm ý kiến ​​từ công chúng và chuyên gia trên cả nước để có thể đưa ra mức phạt thích đáng nhất.

Về việc này, bà Jang Da Hye (장다혜) thuộc Viện Chính sách Hình sự (형사정책연구) bày tỏ: “Mức án khá nhẹ và có vẻ như đã được quyết định theo tiền lệ. Đáng ra, khung hình phạt cần phải được điều chỉnh để phù hợp với tình hình xã hội thực tế thay vì làm theo tiền lệ có sẵn”.

Trong khi đó, một quan chức của Ủy ban tuyên án Tòa án Tối cao cho biết: “Chúng tôi hiện đang phân tích kết quả khảo sát nhưng chưa thể tiết lộ nội dung cho đến khi có quyết định chính thức công bố từ Ủy ban”.

XEM THÊM: Jo Joo Bin tuyên bố không cần luật sư & lộ diện đồng phạm 16 tuổi

Tổng hợp từ Hankyoreh

author-avatar

About Eileen

Bằng một cách nào đấy, duyên phận là có thật. Tôi với Hàn Quốc, đơn giản chính là như vậy.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).