Một trong những hoạt động thú vị không thể bỏ qua để kỷ niệm khoảnh khắc tốt nghiệp ở Hàn Quốc là chụp ảnh kỷ yếu. Ở Hàn Quốc, từ cấp tiểu học đến trung học, album ảnh được thực hiện hàng năm như món quà tốt nghiệp cho các học sinh đã trở thành truyền thống lâu đời. Bao gồm cả hình ảnh của giáo viên và các nhân viên trong nhà trường.

Tuy nhiên, có đến 7/10 giáo viên lại sợ rằng hình ảnh của họ được in trong album tốt nghiệp có thể bị sử dụng cho hành vi phạm tội.

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Hiệp hội giáo viên ở Seoul với 8.122 giáo viên trên toàn Hàn Quốc cho biết, 70.6% người thật sự có cùng mối quan ngại như vậy. Đặc biệt, các giáo viên nữ có xu hướng quan tâm nhiều hơn đồng nghiệp nam và giáo viên trẻ sẽ lo lắng hơn giáo viên lớn tuổi.

Trong số những người được hỏi, có 7.6% từng chứng kiến ​​những bức ảnh của họ xuất hiện trong các cuộc trò chuyện nhóm trên Kakao hoặc trên các diễn đàn Naver dành cho các bà mẹ.

“Tất nhiên, tôi vô cùng lo lắng. Tôi không quá lo khi đi bộ một mình vào ban đêm. Nhưng tôi nhận thức được bản thân mình có thể là nạn nhân của một tội ác nào đó, vì một số người biết mặt tôi và muốn làm gì đó chống lại tôi”, một nữ giáo viên trung học (50 tuổi) ở Seoul nói.

Câu chuyện thực tế khác được một phụ huynh thuật lại như sau: “Tôi có một người bạn là giáo viên ở tỉnh Gyeonggi. Con của cô ấy đang trong độ tuổi đến trường và được mời tham gia một cuộc trò chuyện nhóm dành cho phụ huynh.

Cô ấy nói với tôi rằng, trong cuộc trò chuyện ở nhóm đó, cô đã thấy hình ảnh đồng nghiệp của mình và các phụ huynh khác bàn tán về ngoại hình của người giáo viên đó. Thật sự nó xảy ra thường xuyên hơn mọi người tưởng tượng”.

Khi thông tin cá nhân (từ hình ảnh, họ tên, tuổi tác, nghề nghiệp…) bị phát tán vô tội vạ trên mạng xã hội, không có gì lạ với phản ứng bực bội xen lẫn lo âu của khổ chủ. Bởi lẽ, khả năng cao những hình ảnh được công khai chưa có sự chấp nhận này bị lợi dụng cho các mục đích xấu, mà chính chủ nhân cũng không thể nhận ra ngay lập tức.

“Rõ ràng, tôi không biết gì về họ, nhưng họ biết và nói về tôi rất nhiều”.

Có đến 51.6% các nữ giáo viên không muốn xuất hiện trong các album tốt nghiệp. Không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, các giáo viên nữ đề nghị được tự do từ chối in ảnh trong các album.

“Đề nghị này hoàn toàn có ý nghĩa. Nếu một giáo viên không muốn hình ảnh của họ được in trong album tốt nghiệp, ý kiến đó nên được tôn trọng”, một giáo viên chia sẻ.

Những hệ lụy “vô hình” – mấy ai thấu hiểu!

Ở một góc độ khác, nếu những giáo viên nữ nước ngoài tại Hàn Quốc cũng “vô tình” bị tiết lộ thông tin cá nhân, họ sẽ phản ứng ra sao đối với đất nước họ xem như quê hương thứ hai? Trong mắt nhiều người nước ngoài, Hàn Quốc vốn có những nét văn hóa mà họ không thể tiếp nhận được.

Một nữ giáo viên người Mỹ hiện đang sinh sống tại TP. HCM, từng ở Hàn Quốc trong 2 năm, cũng chia sẻ những lý do khiến cô không thích sống tại đất nước này. Những trào lưu trong giới trẻ biến Hàn Quốc thành một xã hội mang “văn hóa phù phiếm và thiếu cá tính”. Mọi người đổ xô đi làm đẹp và bị ám ảnh về chuẩn nhan sắc, chiều cao và học vấn.

Trở lại với nỗi lo lắng ở hầu hết bộ phận giáo viên về việc danh tính bị công khai bừa bãi trên mạng xã hội. Trong thời gian gần đây, nhiều tin tức liên quan đến “phòng chat tiến sĩ” (박사방) gây chấn động Hàn Quốc. Đây cũng là một trong những lý do khiến các nữ giáo viên e ngại, bởi hình ảnh của họ có thể vào tầm ngắm của đường dây tệ nạn tương tự như vậy.

Mặt khác, ở một đất nước với tốc độ mạng 5G đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Ả Rập Xê Út, học sinh có thể truy cập vào các trang mạng một cách dễ dàng. Nếu những đứa trẻ tìm thấy thông tin và bình luận tiêu cực về giáo viên của mình, sự tôn trọng và kính nể của họ sẽ sụt giảm. Chẳng hạn như câu chuyện về một nữ sinh lớp 6 có hành vi chống đối và dùng lời lẽ xúc phạm giáo viên.

Nếu chỉ đơn thuần nhìn từ tình tiết của vụ việc, nữ sinh này được yêu cầu tẩy trang do trang điểm khi đến lớp. Thay vì nghe theo lời của giáo viên chủ nhiệm, em ấy lại tỏ thái độ bất hợp tác, thậm chí nặng lời với giáo viên của mình. Tuy nhiên, xét dưới góc độ xã hội, việc tiếp xúc quá sớm với văn hóa phẩm về làm đẹp, xu hướng giới trẻ và thần tượng… đã ảnh hưởng đến thế giới quan của những học sinh này.

Ít ai suy xét thái độ ngang tàn và vô lễ ấy từ đâu mà ra. Đó có thể từ cách giáo dục của gia đình hay từ “thế giới ảo”?

Nghề giáo viên là một trong những ngành nghề mà người Hàn Quốc tôn trọng và mong muốn con em đạt được. Tuy nhiên, cũng giống như các nghệ sĩ nổi tiếng, những “người lái đò” cần thiết phải giữ hình tượng của bản thân. Bởi chỉ với một scandal “tai bay vạ gió” trên mạng cũng khiến họ phải mất công việc mơ ước này.

Tổng hợp từ Korea Times

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).