So với sự thăng hoa và nổi tiếng như hiện tại, điện ảnh Hàn Quốc từ thập niên những năm 1980 đến cuối những năm 1990 chưa thật sự phát triển để cho ra đời một tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng công chúng.

Bởi thế mà trong suốt một thời gian dài, khán giả Hàn Quốc phải thỏa mãn nhu cầu xem phim giải trí bằng những cuộn băng cassette thu lại các tác phẩm kinh điển của một số nước có nền điện ảnh sớm đạt đến đỉnh cao như Mỹ (phim Ghost, Top Gun, The Woman in Red…), Pháp (phim Laboum, Léon…), Hồng Kông (Điềm Mật Mật, Bến Thượng Hải, Anh Hùng Bản Sắc…), Trung Quốc (Hoàng Phi Hồng, Tể Tướng Lưu Gù…)

Lúc bấy giờ, sự ảnh hưởng của những bộ phim nước ngoài đối với đời sống của người dân Hàn Quốc lớn đến mức không chỉ hình thành nên xu hướng thời trang “đóng bộ” áo sơ mi – quần jean bạc màu, cùng một mái đầu lãng tử ăn theo phong cách của các nhân vật hư cấu, mà hầu như ai cũng thuộc nằm lòng cả những bài hát xuất hiện trong phim, dù đó chẳng phải là tiếng mẹ đẻ.

Thời thế chỉ thật sự thay đổi từ sau những năm 2000. Đây là lúc điện ảnh Hàn Quốc từng bước khẳng định chỗ đứng của mình trên tấm bản đồ thế giới, nhờ những tác phẩm đáng giá như “Il Mare” (2000), “Cô Nàng Ngổ Ngáo” (2001), “The Classic” (2003), “Cô Dâu 15 Tuổi” (어린 신부, 2004), “Ngọn Gió Yêu Thương” (내 여자친구를 소개합니다, 2004)…

Đặc biệt với trường hợp của “Cô Nàng Ngổ Ngáo”, đây được xem là một bước ngoặt thành công của điện ảnh Hàn Quốc, để lại dấu ấn sâu đậm không chỉ với khán giả trong nước mà còn trên toàn thế giới. Vào thời điểm đó, “Cô Nàng Ngổ Ngáo” dễ dàng thu hút được gần 1.8 triệu lượt xem chỉ trong những ngày đầu công chiếu, một thành tích mà không phải bộ phim nào cũng làm được.

Thậm chí, bom tấn này còn gây tiếng vang đến mức đưa hình ảnh của nữ chính Jeon Ji Hyun (전지현) phủ sóng trên khắp đường phố Los Angeles. Nhận thấy sức ảnh hưởng quá mãnh liệt từ bộ phim đến từ Hàn Quốc, các nhà đầu tư Mỹ đã nhanh chóng mua lại bản quyền “Cô Nàng Ngổ Ngáo” để thực hiện phiên bản remake mang tên “My Sassy Girl”, với sự tham gia của hai diễn viên Jesse Bradford và Elisha Cuthbert, công chiếu vào năm 2008.

Trong cùng năm, giới giải trí Nhật Bản cũng nhanh chóng lao vào cuộc chiến săn bản quyền, để cho ra đời phiên bản truyền hình của “Cô Nàng Ngổ Ngáo”, cùng sự góp mặt của hai ngôi sao Tsuyoshi Kusanagi và Rena Tanaka.

Đến năm 2018, tác phẩm kinh điển của Hàn Quốc một lần nữa hồi sinh trong diện mạo mới với tên gọi “Yêu Em Bất Chấp”, được sáng tạo bởi các nhà làm phim Việt Nam, đồng thời vai nam nữ chính được giao cho hai nghệ sĩ trẻ Hoài Lâm và Ngọc Thanh Tâm.

Về phía Hàn Quốc, sau khi kiếm được lợi nhuận khổng lồ trong việc bán bản quyền, các nhà làm phim nước này cũng thể hiện sự tham vọng chạm đến đỉnh cao như năm xưa, bằng cách “dựa hơi” bom tấn một thời, để cho ra mắt phần hai phiên ảnh điện ảnh của “Cô Nàng Ngổ Ngáo” (Cha Tae Hyun – Victoria Tống Thiến) và một phiên bản truyền hình hoàn toàn mới được xây dựng theo phong cách cổ trang (Oh Yeon Seo – Joo Won).

Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù liên tục được thay đổi với nhiều diện mạo khác nhau, tất cả những phiên bản nói trên đều chỉ nhận về hai chữ “thất bại”, vì không thể vượt qua được cái bóng quá lớn của bản gốc năm 2001.

Vậy, điều gì đã khiến “Cô Nàng Ngổ Ngáo” trở thành tác phẩm độc nhất vô nhị trong lòng công chúng Hàn Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung?

Những điều làm nên dấu ấn của “Cô Nàng Ngổ Ngáo”

Có một điều ít ai biết, “Cô Nàng Ngổ Ngáo” vốn là tác phẩm Webnovel (tiểu thuyết trên mạng, hình thành ở Hàn Quốc từ cuối những năm 1990, là tiền đề cho thể loại Webtoon phát triển sau này), được chắp bút bởi tiểu thuyết gia nghiệp dư có nghệ danh Gyeon Woo 74 (견우74, tên thật là Kim Ho Sik) vào năm 1999.

Vào thời điểm mạng xã hội vẫn chưa thật sự phát triển, các thiết bị điện tử cũng chưa hiện đại như ngày này, tác giả Gyeon Woo 74 chỉ có thể dùng một chiếc máy vi tính để bàn khổng lồ từ thời “đập đá” để viết nên tác phẩm “Cô Nàng Ngổ Ngáo” dưới dạng hồi ký, dựa trên câu chuyện tình thật của mình.

Bất chấp tín hiệu mạng luôn chập chờn với tốc độ đường truyền lâu đến… hàng thế kỷ, cộng đồng cư dân mạng khi đó vẫn kiên nhẫn chờ đợi từng ngày để được theo dõi mối tình nên thơ nhưng cũng không kém phần hài hước của anh chàng Gyeon Woo (Cha Tae Hyun) hiền lành và “그녀” (Cô gái ấy, do Jeon Ji Hyun thủ vai).

Nếu theo dõi toàn bộ câu chuyện, hoặc cả bộ phim dài đến hơn 120 phút, khán giả sẽ nhận thấy ngoại trừ nam chính Gyeon Woo, không một nhân vật nào (kể cả nữ chính) có tên riêng. Họ chỉ được gọi đơn giản bằng người đàn ông này, người phụ nữ kia, hay người cảnh sát nọ. Trong khi đó với nữ chính, Gyeon Woo lại dịu dàng gọi cô là “Cô gái ấy”.

Điều này đã thật sự thành công trong việc tạo nên điểm nhấn của “Cô Nàng Ngổ Ngáo” so với các tác phẩm được phát hành cùng thời điểm, đồng thời gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng. Bởi chẳng cần đến cái tên cụ thể, mà chỉ với ba chữ “Cô gái ấy”, ai cũng sẽ lập tức nghĩ ngay đến người con gái ngổ ngáo, đáng yêu của anh chàng Gyeon Woo.

Xét về nội dung, phiên bản điện ảnh gần như bám sát với tác phẩm gốc được đăng trên mạng xã hội. Gyeon Woo lúc bấy giờ là chàng sinh viên 24 tuổi, ngây thơ, hồn nhiên và có phần hơi ngốc nghếch khi gặp phụ nữ. Tuy chẳng biết tán gái, lại càng không hiểu nổi phái nữ, Gyeon Woo cũng có một hình mẫu lý tưởng nhất định. Đó chỉ là có thể “cô gái ấy”.

Bởi ngay cả khi cả hai vẫn chưa quen biết nhau, nhưng bất cứ khi nào nhìn thấy bóng dáng “cô gái ấy” lướt qua trên phố, Gyeon Woo sẽ lập tức dõi theo và nói: “Đó chính là hình mẫu lý tưởng của tôi”. Liệu đây có phải là điềm báo cho mối nhân duyên giữa hai nhân vật?

Thật sự ông trời đã không để hai người phải lạc mất nhau. Số phận đã tình cờ khiến Gyeon Woo gặp cô gái ấy, một cô nàng ngổ ngáo đúng nghĩa. Lúc này, cô đang trong tình trạng khó chấp nhận nhất trong mắt Gyeon Woo, không chỉ bạo lực, say xỉn mà còn nôn mửa lên cả bộ tóc giả của ông chú trung niên. Đã thế trước khi ngã gục trên tàu điện ngầm, cô còn đưa tay về phía Gyeon Woo và gọi anh trìu mến: “Anh yêu”.

Kết cục sau đó là việc mà ai cũng biết. Gyeon Woo phải dọn dẹp “đống hổ lốn” cô gái ấy gây ra, đồng thời đưa cô vào nhà trọ ấy để nghỉ ngơi. Ấy vậy mà làm ơn mắc oán, Gyeon Woo bị cảnh sát tống vào đồn vì tưởng anh chàng có ý đồ xấu. Song xét cho cùng, mối quan hệ của cả hai được hình thành bởi tình huống oái ăm như vậy. Cô gái thì quái chiêu với những yêu cầu khiến người khác chết ngất, còn chàng trai thì lại hiền lành, cam chịu đến tội nghiệp.

Thế nhưng bất chấp tất cả, Gyeon Woo vẫn thích, vẫn yêu cô gái xinh đẹp không tên, dù anh biết rằng cô còn đang luẩn quẩn trong quá khứ đau khổ và anh chỉ là kẻ thế thân. Còn cô gái, cô có thật sự yêu Gyeon Woo hay không lại là một câu chuyện khác, một câu chuyện mà cô phải vượt qua nỗi đau của chính mình, để có thể tự tin đón nhận tình yêu của Gyeon Woo.

Trên thực tế, có một điểm khác biệt lớn giữa tác phẩm gốc và phiên bản điện ảnh. Nếu như trong tiểu thuyết, Gyeon Woo và cô gái phải đi đến kết cục chia tay trong đau khổ, phiên bản điện ảnh lại tạo điều kiện để hai nhân vật chính được đến với nhau, dù cũng phải mất đến gần 5 năm xa cách. Có thể xem đây chính là thử thách dành cho cả hai, để họ có thêm thời gian, vượt qua những khúc mắc và tự ti của bản thân mà đến với nhau như định mệnh.

Ngoài việc thay đổi cái kết để đáp ứng sự mong đợi của những người đã tiếc nuối cho câu chuyện tình đẹp của Gyeon Woo và cô gái sau khi xem tiểu thuyết, đạo diễn Kwak Jae Yong (곽재용) còn khiến khán giả mãn nhãn với những cảnh quay giản dị nhưng cũng thật đẹp trên tuyến tàu điện ngầm số 1 ở thủ đô Seoul.

Đây không chỉ là nơi gặp gỡ đầu tiên giữa Gyeon Woo và cô gái, mà còn là bối cảnh gợi nhắc cho khán giả sau này nhớ về Seoul đã giản dị và mộc mạc như thế nào trong đầu những năm 2000. Chẳng phải là đường phố tấp nập, với những tòa nhà cao tầng xa hoa, thay vào đó là những khu nhà mang dáng vẻ cổ cổ, những hàng quán lụp xụp nhưng ấm áp, cùng một hệ thống tàu điện ngầm đơn sơ, khi chưa có cả hàng rào phân cách và cửa chắn an toàn.

Bởi thế mà không ít ý kiến cho rằng, sau nhiều năm xem lại “Cô Nàng Ngổ Ngáo”, họ vẫn cảm thấy bồi hồi, không chỉ vì nội dung câu chuyện thật đẹp, mà còn như được thoát khỏi sự bộn bề, tấp nập trong hiện tại để trở về với cuộc sống không chen chúc, nhộn nhịp của một Hàn Quốc bình lặng trong xã hội cũ.

Đạo diễn không tên tuổi và màn tương tác ăn ý của cặp đôi Hyun – Hyun

Bên cạnh nội dung hay, khả năng diễn xuất của cặp đôi diễn viên chính Cha Tae Hyun và Jeon Ji Hyun cũng đồng thời là đề tài liên tục được nhắc đến trên khắp các trang báo lúc bấy giờ.

Nếu như Cha Tae Hyun đã sớm trở thành gương mặt quen thuộc với khán giả sau bộ phim đầu tay lên sóng vào năm 1995, nhưng luôn nhận về những cái dè bỉu vì ngoại hình kém sắc, Jeon Ji Hyun cũng không hơn kém khi liên tục chịu sự công kích của các khán giả khó tính về khả năng diễn xuất, vì lúc này cô chỉ là một tân binh vừa mới chân ướt chân ráo lấn sân điện ảnh.

Chính vì thế trong thời gian đầu, công ty quản lý của Cha Tae Hyun đã ra sức ngăn cản anh tham gia “Cô Nàng Ngổ Ngáo”, không chỉ vì lo sợ gà cưng sẽ chịu nhiều thiệt thòi vì điều tiếng dư luận, mà còn bởi vì không… tin tưởng vào sự dẫn dắt của đạo diễn Kwak Jae Yong.

Kwak Jae Yong được biết đến là người góp phần tạo nên thành công vang dội cho điện ảnh Hàn Quốc trên thị trường thế giới, song lúc bấy giờ, ông chỉ là một đạo diễn “thất bại”, im hơi lặng tiếng suốt 8 năm trời và không có lấy một tác phẩm tên tuổi.

Tuy nhiên, vượt qua mọi sự khuyên ngăn của công ty quản lý, Cha Tae Hyun vẫn một mực tin tưởng vào khả năng cầm trịch của vị đạo diễn trầm lặng. Kết quả cho thấy, anh không hề sai lầm khi kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình đến cùng.

Dưới sự dẫn dắt của đạo diễn Kwak Jae Yong, khả năng diễn xuất của Cha Tae Hyun và Jeon Ji Hyun thật sự thăng hoa và ăn ý đến mức cho đến tận ngày nay, không một cặp đôi diễn viên của các phiên bản remake nào có thể hóa thân Gyeon Woo và cô gái ấy tròn trĩnh đến vậy.

Cha Tae Hyun và Jeon Ji Hyun của bản gốc 2001 không chỉ thể hiện được cá tính riêng biệt, tính độc đáo cho nhân vật, mà còn tạo được cảm tình từ phía khán giả. Họ chính là một cặp đôi lệch pha về tính cách, nhưng điều này lại khiến cả hai có một sự bù đắp thật hoàn hảo.

Hơn hết, Cha Tae Hyun và Jeon Ji Hyun còn thể hiện được trọn vẹn nội tâm sâu sắc của nhân vật. Nếu Gyeon Woo luôn dịu dàng, thấu hiểu tâm tình của cô nàng ngổ ngáo, thì cô gái ấy lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ nhưng thực chất lại yếu đuối và cần một người giúp cô cân bằng cuộc sống sau những mất mát trong quá khứ.

Bởi thế mà phân cảnh Gyeon Woo gửi gắm cô gái của mình cho chàng trai khác với 10 điều dặn dò hết sức chân thành, hay cả khi cô gái ấy đứng trên đỉnh núi, hét vang tên Gyeon Woo, cùng lời xin lỗi trong nước mắt mới khiến công chúng xúc động và ấn tượng đến vậy.

Tình yêu của họ rất đẹp, dù chẳng khác mấy so với các tác phẩm cùng thời điểm. Song, bên cạnh cái đẹp, đó còn là một câu chuyện tình đầy trớ trêu. Trớ trêu một cách rất thật như những tình huống vẫn đang diễn ra trong đời sống. Chính điều này đã tạo nên sự đặc biệt, giúp bộ phim trở nên thành công vang dội vào thời điểm đó.

Nhạc phim trường tồn qua năm tháng

Ngoài yếu tố nội dung và diễn xuất, điều gì còn có thể khiến một bộ phim sống mãi cùng năm tháng đến vậy? Câu trả lời chỉ có thể là âm nhạc.

Đối với phim truyền hình nhiều tập, nhạc phim sẽ dễ đi vào lòng người, vì liên tục được lặp đi lặp lại. Trong khi đó với phim điện ảnh chỉ có độ dài tối đa trên dưới 120 phút, bản nhạc phim phải thật chất lượng và “hợp rơ” với từng tình tiết, mới đủ mạnh mẽ khiến người xem nhớ mãi không quên.

Về điều này, “Cô Nàng Ngổ Ngáo” chắc chắn không hề thua kém bất cứ tác phẩm nào trong việc chinh phục trái tim khán giả bằng âm nhạc. Ai có thể quên được ánh mắt trìu mến và dịu dàng của Gyeon Woo khi nhìn cô gái đang ngủ say trên nền nhạc “I Believe”, hay cả lúc anh căn dặn “10 điều răn” về cô gái, trước khi chấp nhận lùi một bước để cô đến với người đàn ông khác.

Tất cả những khoảnh khắc buồn nhất của Gyeon Woo đều được khắc họa bằng tiếng nhạc trầm lắng và da diết của “I Believe”, khiến không ai có thể kìm được tiếng thở dài mà chìm vào cảm xúc đau thương cùng chàng trai si tình.

Về phần cô gái, đạo diễn cũng ưu ái dành cho cô một ca khúc bất hủ theo năm tháng mang tên “Pachelbel’s Canon” (Canon in D). Có thể nói đây là một trong những phân cảnh đáng giá nhất của “Cô Nàng Ngổ Ngáo”. Đó là lúc vào đúng dịp kỷ niệm 100 ngày quen nhau, Gyeon Woo đã cải trang thành anh giao hàng, lén lén lút lút “đột nhập” vào trường nữ sinh để tặng cô gái của mình một cành hồng đỏ thắm.

Trong khi đó, cô gái ấy lúc này đã hoàn toàn lột bỏ hình tượng ngổ ngáo và quái chiêu thường ngày, để trở thành một cô nữ sinh hiền lành và nữ tính bên chiếc đàn dương cầm, dành tặng chàng trai những giai điệu du dương của bản hòa tấu kinh điển “Pachelbel’s Canon” (Canon in D).

Được sản xuất trong thời điểm Hàn Quốc vẫn chưa thật sự phát triển vượt bậc về cả mặt xã hội, kinh tế và giải trí, do đó những cảnh quay cũ và đơn giản của “Cô Nàng Ngổ Ngáo” chắc chắn không thể sánh bằng các tác phẩm bom tấn được đầu tư, trau chuốt đến hàng tỉ KRW như hiện nay.

Song, chính nhờ sự khắc họa thật tinh tế tình yêu mộc mạc trong xã hội cũ, với những tình tiết rất thật và không hoa mỹ, “Cô Nàng Ngổ Ngáo” vẫn đủ sức vượt mặt nhiều đối thủ khác để chiếm giữ một vị trí nhất định trong lòng khán giả.

Có lẽ đây cũng chính là lý do vì sao dù được nhiều nước thực hiện lại, nhưng không một phiên bản nào có thể làm nổi bật được giá trị vốn có của bộ phim, cũng như làm toát lên thần thái và nội tâm sâu sắc của hai nhân vật Gyeon Woo và cô gái, vốn đã được cặp đôi diễn viên Cha Tae Hyun và Jeon Ji Hyun thể hiện quá xuất sắc trước đó.

Để rồi cho đến thời điểm hiện tại, “Cô Nàng Ngổ Ngáo” vẫn mãi là bộ phim “không bao giờ cũ”, một bộ phim vẫn đủ sức khiến khán giả mỗi khi xem lại đều có thể vừa cười, vừa xúc động và mong chờ một kết thúc tốt đẹp cho mối tình của cả hai nhân vật chính.

Tổng hợp từ Namuwiki

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).