Cuộc Tổng tuyển cử bầu ra 300 nghị sĩ khóa XXI đã diễn ra từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối ngày 15/4 tại 14.300 địa điểm trên toàn Hàn Quốc. Đây cuộc bầu cử quy mô lớn đầu tiên trên thế giới sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch trên phạm vi toàn cầu.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã ca ngợi Hàn Quốc là một “ví dụ thực tế” của việc vẫn có thể vừa tổ chức bầu cử thành công vừa kiểm soát dịch bệnh tốt mà không gây ra lây nhiễm tập thể.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã dành lời khen: “Hàn Quốc là một quốc gia tự do, cởi mở và minh bạch, vẫn tổ chức được Tổng tuyển cử trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan toàn cầu. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp Hàn Quốc đối phó thành công với dịch bệnh.”

Không chỉ là tấm gương kiểm soát dịch bệnh, kết quả của cuộc Tổng tuyển cử này cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới tình hình chính trị và xã hội Hàn Quốc trong thời gian sắp tới.

1. Năm có nhiều cử tri tham gia bỏ phiếu nhất

Trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19, có rất nhiều người dân Hàn Quốc đã phải cách ly bắt buộc tại nhà. Nhưng trong số 13.789 người bị cách ly, đã có 11.151 người, tức hơn 80% đăng ký đi bỏ phiếu.

Tuy phải tuân thủ một số quy định bắt buộc như: phải báo trước thời gian, lộ trình và phải về nhà ngay lập tức nhưng người dân Hàn Quốc đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao với quyền bầu cử của mình.

Tất cả người dân đi bầu cử đều được khuyến cáo phải đeo khẩu trang, được kiểm tra thân nhiệt, phải giữ khoảng cách ít nhất 1m với người khác, khử trùng tay và đeo găng tay trước khi bỏ phiếu.

Trên toàn Hàn Quốc, đã có 29.12 triệu cử tri, tương đương 66,2% cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu, cao hơn 8,2% so với đợt Tổng tuyển cử năm 2012 và 6% so với cuộc bầu cử địa phương năm 2018.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên sau 16 năm tỷ lệ bỏ phiếu Tổng tuyển cử vượt mốc 60%, cũng là mức cao nhất sau đợt Bầu cử Quốc hội khóa XIV năm 1992 (71,9%).

2. Đảng của tổng thống Moon Jae In chiến thắng áp đảo

Mặc dù có nhiều ý kiến khen chê, đặc biệt là giai đoạn đầu tháng 2, khi chính phủ Hàn Quốc có phần chủ quan, lơ là, khiến dịch bệnh bùng phát “không phanh”, khiến Hàn Quốc trở thành nước có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai sau Trung Quốc.

Tuy nhiên, với hệ thống y tế vững mạnh và các chính sách hỗ trợ, ứng cứu kịp thời, Hàn Quốc đã dần dần “lật ngược thế cờ” và trở thành tấm gương cho cộng đồng quốc tế học tập trong công tác phòng dịch COVID-19.

Tính đến 0 giờ ngày 21/4, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 10.683 ca nhiễm COVID-19, 237 ca tử vong và đang xếp thứ 24 trong danh sách các quốc gia nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới.

Trong khủng hoảng đại dịch toàn cầu, Hàn Quốc có cơ hội khẳng định tiềm lực công nghệ y tế khi viện trợ nhân đạo và xuất khẩu các dụng cụ y tế như bộ kit xét nghiệm, chẩn đoán virus COVID-19 cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Quy trình phòng dịch công khai, minh bạch và khoa học đã giúp chính quyền của tổng thống Moon Jae In dành lại niềm tin từ quốc dân. Điều này đã được phản ánh rõ qua kết quả của cuộc Tổng tuyển cử khóa XXI.

Đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành (더불어민주당) đã chiến thắng áp đảo với số ghế nghị sĩ quá bán tại Quốc hội khóa XXI.

Tính cả số ghế nghị sĩ đại diện khu vực và số ghế mà đảng vệ tinh Đồng hành vì người dân, đảng Dân chủ mở và đảng Công lý đã giành được, phe cầm quyền đã có tới hơn 180/300 ghế, chiếm hơn 60% ghế nghị sĩ tại Quốc hội. Tỷ lệ phiếu bầu dành cho các đảng nhỏ lẻ khác đều ở mức dưới 3%.

Trong khi đó Đảng đối lập Hợp nhất Tương lai (미래통합당) nhận thất bại “ê chề” với chỉ 84 ghế. Có thể thấy, kể từ khi Tổng thống Park Geun Hye bị luận tội và phế truất năm 2017, phe bảo thủ tại Hàn Quốc đã mất đi vị thế và niềm tin của công chúng.

Dự đoán với chiến thắng trong đợt Tổng tuyển cử lần này, đảng cầm quyền sẽ có thể dễ dàng thông qua tất cả các dự luật muốn sửa đổi (ngoại trừ sửa đổi Hiến pháp). Vì giữ số ghế quá bán nên mặc dù phe đối lập có cố tình sử dụng quyền tranh luận không giới hạn (filibuster) để ngăn chặn Quốc hội thông qua các dự luật đi chăng nữa thì các dự luật này vẫn sẽ được thông qua hợp lệ.

Ngay sau khi biết kết quả bầu cử, vào ngày 16/4, Tổng thống Moon Jae In đã bày tỏ vui mừng trước sự lựa chọn của người dân, khẳng định nhận thức rõ nét hơn trách nhiệm của mình đối với đất nước. Tổng thống nhấn mạnh, những trăn trở và tình cảm của người dân chính là sức mạnh giúp chính phủ tiếp tục nỗ lực giải quyết các vấn nạn quốc gia hiện nay.

3. Sự đối đầu giữ hai cựu Thủ tướng

Tổng tuyển cử khóa XXI có sự góp mặt của hai ứng cử viên sáng giá: Ông Lee Nak Yeon, từng giữ chức Thủ tướng trong nhiệm kỳ Tổng thống đương nhiệm Moon Jae In và ông Hwang Kyo Ahn từng là Bộ trưởng Tư pháp và Thủ tướng trong chính quyền Tổng thống Park Geun Hye.

Ông Lee Nak Yeon thuộc đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành, trong khi ông Hwang Kyo Ahn thuộc đảng Hợp nhất tương lai. Cả hai ông đều tham gia tranh cử tại khu vực quận Jongno (Seoul), nơi được coi là cái nôi chính trị của Hàn Quốc.

Chính bởi bề dày hoạt động chính trị nên cuộc tranh đua giữa hai ứng cử viên này còn được coi là một cuộc Bầu cử Tổng thống tương lai thu nhỏ.

Với 37.594 phiếu bầu, ông Hwang Kyo Ahn đã thất bại hoàn toàn trước ông Lee Nak Yon (54.902 phiếu). Ngay sau khi nhận kết quả, ông Hwang Kyo Ahn đã thừa nhận trách nhiệm đã không gây dựng được niềm tin trong quốc dân và tuyên bố sẽ rời khỏi chức Chủ tịch đảng Hợp nhất tương lai.

4. Nghị sĩ trẻ tuổi nhất

Nghị sĩ trẻ nhất trong quốc hội khoá XXI Hàn Quốc lần này là cô Ryu Ho Jeong (류호정). Cô sinh năm 1992, tức năm nay tròn 27 tuổi, từng là Hội trưởng Câu lạc bộ E-sport tại trường Đại học nữ Ehwa. Sau khi tốt nghiệp, cô làm việc trong một công ty phát triển game và từng giữ chức Phó chủ tịch Công đoàn liên ngành thực phẩm và sợi hoá học.

Cô Ryu hoạt động trong đảng Chính nghĩa (정의당) và là nghị sĩ trúng cử theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với các đảng. Trong cuộc Tổng tuyển cử năm nay, Hàn Quốc áp dụng chế độ chọn nghị sĩ trúng cử trong từng khu vực bầu cử và nghị sĩ trúng cử theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với các đảng.

Thay đổi trên nhằm tạo cơ hội cho các đảng nhỏ có thể lọt vào quốc hội để đa dạng hóa nền chính trị Hàn Quốc và phản ánh đầy đủ hơn ý nguyện của cử tri, bởi lâu nay vẫn có tình trạng một số lá phiếu bầu cho ứng cử viên của đảng nào đó, song nhân vật này lại không có đủ số phiếu để trúng cử.

Phát biểu sau khi trúng cử, cô Ryu Ho Jeong chia sẻ: “Nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề của một nghị sĩ quốc hội và sẽ cống hiến hết mình vì hạnh phúc và an toàn của quốc dân”.

4. Nghị sĩ khiếm thị đầu tiên

Cuộc tổng tuyển cử thứ XXI tại Hàn Quốc còn gây chú ý bởi sự xuất hiện của một Nghị sĩ nữ là người khiếm thị. Cô Kim Ye Ji (김예지), 39 tuổi vốn là một nghệ sĩ piano, hoạt động trong đảng Tương lai Hàn Quốc (미래한국당) và cũng trúng cử theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với các đảng.

Sự xuất hiện của cô tại Quốc hội cùng Chú chó hướng dẫn người khiếm thị Joy (조이, 4 tuổi, chó đực) đã gây chú ý với đông đảo báo giới và người dân Hàn Quốc.

Toà nhà Quốc hội vốn cấm không cho động vật ra vào, nhưng cô Kim khẳng định, Joy không phải là thú cưng bình thường mà đã được huấn luyện từ nhỏ, đã quen với các phép tắc nên hoàn toàn không có vấn đề trong việc ra vào Quốc hội.

Với vai trò mới trong Quốc hội, cô Kim khẳng định sẽ hoạt động để cải thiện chất lượng chất lượng cuộc sống của những người thiệt thòi trong xã hội, bao gồm cả người khuyết tật. Cụ thể như mở rộng dịch vụ thanh toán hỗ trợ hoạt động cho người khuyết tật từ 65 tuổi trở lên và xây dựng bảng khảo sát hoàn thiện về hỗ trợ dịch vụ cho người khuyết tật.

Ngoài ra, cô nhấn mạnh sẽ cải thiện điều kiện cơ sở vật chất để giúp người khuyết tật đi lại, hoạt động xã hội tích cực hơn và đảm bảo công việc ổn định cho các nghệ sĩ khuyết tật.

XEM THÊM: Những điều chưa biết về nền cộng hòa thứ năm của Hàn Quốc

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).