Nổi tiếng với những biệt danh độc đáo “커피 수혈” (truyền cà phê vào máu) và “커피공화국” (nước cộng hòa cà phê), người dân Hàn Quốc chắc chắn sẽ… không sống được nếu thiếu một cốc cà phê cho một ngày làm việc. Đó là lý do vì sao chỉ cần đến bất cứ con phố nào tại thủ đô Seoul, sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều hàng cà phê san sát nhau, bất kể thương hiệu và kiểu dáng.

Ví dụ, ở đâu có Starbucks, ở đó đảm bảo có sự xuất hiện của Ediya, hay chỉ cần nhìn thấy A Twosome Place, chắc chắn đâu đó xung quanh sẽ có Hollys Coffee và Angel-in-us.

Vậy còn Caffé Bene? Đâu là vị trí dành cho một trong những chuỗi cà phê từng được đánh giá có quy mô lớn nhất Hàn Quốc?

Lý do cho câu hỏi trên chính là bởi thời gian gần đây, nhiều tín đồ đam mê cà phê đã nhanh chóng nhận ra rằng, sau thời kỳ hoàng kim từ đầu những năm 2010, sự xuất hiện của những cửa hàng Caffé Bene ngày càng hao hụt đáng kể, thậm chí là khó bắt gặp trên các con phố vui chơi, ăn uống nhộn nhịp thuộc hàng bậc nhất Hàn Quốc.

Nguyên nhân 1: Chất lượng cà phê không được đánh giá cao

Lý do gì khiến thương hiệu cà phê chính hãng “Made in Korea” từng là niềm tự hào của người Hàn Quốc lại trở nên yếu kém hơn hẳn so với các đối thủ khác trong cuộc chiến tranh giành trái tim của khách hàng thượng đế?

Lý do đầu tiên được nhiều người nghĩ đến nhất chính là chất lượng và hương vị của Caffé Bene. Không ít ý kiến cho rằng, khi so sánh với Starbucks, thức uống của Caffé Bene tuy có giá gần như tương tự, song hương vị lại “một trời một vực” với thương hiệu ngoại nhập nổi tiếng. Thậm chí, một số người còn thẳng thắn đánh giá: “Không ngon chút nào” khi nhận xét về hương vị của Caffé Bene.

Họ cho rằng, tuy sở hữu những hạt cà phê thuộc hàng chất lượng nhất nhì trên thị trường hiện nay, các nhà sản xuất và điều chế của Caffé Bene lại không hề có phương pháp bảo quản hợp lý, khiến mùi vị của những hạt cà phê này dần bị hao hụt đáng kể qua thời gian.

Bên cạnh đó, so với việc tập trung phát triển các dòng cà phê đa dạng như những thương hiệu khác, Caffé Bene lại nổi tiếng hơn hẳn với thực đơn tráng miệng gồm bánh ngọt và bingsu đá bào.

Tuy nhiên đáng tiếc, dù đầu tư phát triển công thức đến mấy, Caffé Bene sẽ không thể nào vượt mặt được “anh lớn trong làng đá bào” như thương hiệu nổi tiếng Sulbing với hàng trăm thực đơn đa dạng khác nhau. Vì rõ ràng, nếu phải lựa chọn nơi để thỏa mãn nhu cầu thèm ngọt, chắc chắn các thực khách sẽ nghĩ ngay đến Sulbing, hơn là một quán cà phê “một chân đạp hai thuyền” như Caffé Bene.

Xét cho cùng, Caffé Bene đã không được lòng các khách hàng khó tính về hương vị cà phê, cũng chẳng tìm được lối đi riêng cho mình trong giới tráng miệng.

Mặt khác tại Starbucks, tuy niêm yết giá khá cao so với mặt bằng chung của các hãng cà phê, thương hiệu ngoại nhập này lại được đánh giá khá tốt trong khâu bảo quản các loại hạt, nhằm giữ lại đúng hương vị cà phê nguyên chất.

Starbucks cũng không ngừng phát triển nhiều loại thức uống khác nhau từ các nguyên liệu đa dạng, đồng thời lại có một chiến lược marketing hết sức thông minh và nhanh nhạy với thị hiếu của người tiêu dùng. Những yếu tố này đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút các khách hàng tiềm năng đến với Starbucks hơn là các thương hiệu cà phê khác.

Nguyên nhân 2: Yếu kém trong chiến lược quản lý thương hiệu

Xét về mặt quảng bá và mở rộng thương hiệu trên thị trường, Caffé Bene và Starbucks đều rất cố gắng trong việc đưa hình ảnh của mình đến gần hơn với công chúng.

Điển hình như trường hợp của Caffé Bene, trong năm 2011, thương hiệu này sở hữu khoảng 500 cửa hàng trên cả nước. Sau đó, lần lượt tăng lên thành 800 và 900 cửa hàng, trong năm 2012 và 2013.

Tuy nhiên, số lượng cửa hàng tăng dần đều, nhưng nội thất lại không được cải thiện theo thời gian đã phần nào khiến Caffé Bene ngày càng mất điểm trong mắt người tiêu dùng. Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà lãnh đạo Caffé Bene đang cố gắng tạo điểm nhấn cho thương hiệu của mình bằng phong cách châu Âu, nhưng lối thiết kế và trình bày lại chưa thật sự hợp lý, khiến thực khách không khỏi có cảm giác “nửa mùa” khi bước chân vào quán.

Ngoài ra, vấn đề khiếu nại và tố tụng triền miên giữa các cửa hàng nhượng quyền và trụ sở chính của Caffé Bene về sự không minh bạch trong các khoản tiền dùng cho việc sửa chữa, bảo trì các trang thiết bị và nội thất cũng khiến danh tiếng Caffé Bene ngày càng mai một trầm trọng trên thị trường cà phê Hàn Quốc.

Đến năm 2013, Caffé Bene cố gắng cải thiện hình ảnh và “bành trướng” sự ảnh hưởng của mình bằng cách liên tục gia tăng số lượng cửa hàng trên cả nước. Tuy nhiên, hàng quán thì nhiều, nhưng doanh thu lại quá ế ẩm khiến Caffé Bene ngày càng rơi vào nguy cơ phá sản. Chỉ tính riêng trong năm 2014, tỷ lệ nợ nần của thương hiệu này đã lên đến 852.4%.

Áp dụng chiến lược mở rộng thương hiệu tương tự Caffé Bene, song Starbucks lại có bước đi thông minh hơn khi không nhượng quyền kinh doanh cho bất cứ đơn vị nào, mà trực tiếp đứng ra quản lý các cửa hàng trực thuộc của mình.

Các cửa hàng Starbucks trên toàn quốc không chỉ đảm bảo giữ vững được hương vị cà phê vốn có, mà còn đạt được sự đồng nhất về cả kiến trúc. Ngoài ra, những sản phẩm đi kèm như cà phê đóng gói, bình giữ nhiệt, lịch để bàn… được thiết kế hết sức bắt mắt cũng là một điểm nhấn ấn tượng, thu hút không ít khách hàng chú ý khi đến bất cứ cửa hàng nào của Starbucks.

Những yếu tố này đã giúp Starbucks một bước tiến thẳng lên vị trí dẫn đầu trên thị trường cà phê ở Hàn Quốc. Bằng chứng là so với thời điểm những năm 2000, một cửa hàng Starbucks chỉ đạt doanh thu khoảng 500 triệu KRW (~9.4 tỉ VND), nhưng đến năm 2018 con số này đã tăng lên thành 1.500 tỉ KRW (~ 30 nghìn tỉ VND), góp phần giúp Starbucks thu về lợi nhuận cực khủng vượt mức 143 tỉ KRW (~2.700 tỉ VND).

Nguyên nhân 3: Phục vụ kém chuyên nghiệp

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng. Chính là cách phục vụ các khách hàng thượng đế. Trong suốt nhiều năm liền, Caffé Bene liên tục vướng vào nhiều rắc rối về vấn đề không thân thiện với khách hàng.

Nhân viên của Caffé Bene đa số đều là học sinh, sinh viên, chưa thật sự được đào tạo bài bản về mặt nghiệp vụ, do đó việc các nhân viên không chuyên nghiệp và thiếu sự hòa nhã với khách là điều không thể tránh khỏi.

Song, để khắc phục yếu điểm này cũng không phải là một điều dễ dàng. Vì đa số các nhân viên part-time chỉ làm trong một thời gian ngắn. Trong khi còn chưa thật sự quen việc và nhận ra những điều cần phải sửa chữa, họ đã nhanh chóng nghỉ việc và được thay thế bằng người khác. Nhưng nếu nhân viên mới này cũng chưa được đào tạo bài bản trong cách phục vụ, những đánh giá “không thân thiện”“thiếu chuyên nghiệp” sẽ lại tiếp tục xuất hiện.

Trong khi đó tại Starbucks, do được quản lý trực tiếp từ công ty mẹ, các nhân viên luôn được đào tạo kỹ lưỡng trước khi chính thức đến nhận nhiệm vụ tại các cửa hàng trực thuộc. Không chỉ làm vừa lòng thực khách bởi sự nhanh nhẹn và chuyên nghiệp, các nhân viên của Starbucks còn được đánh giá cao hơn những đồng nghiệp từ các thương hiệu khác nhờ phương châm “Just Say Yes” trước mọi yêu cầu của khách hàng.

Chính vì thế, trong bảng khảo sát TOP 5 thương hiệu được lòng người tiêu dùng nhất, ngoại trừ Olive Young (cơ sở phân phối mỹ phẩm lớn nhất nhì Hàn Quốc), Starbucks luôn giữ vị trí dẫn đầu về thái độ phục vụ tại thị trường cà phê trong nước.

Không thể phủ nhận, một thương hiệu từng rất lừng lẫy, lại chính gốc Hàn Quốc như Caffé Bene ngày càng “mất tích” trên các con phố khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.

Song, cộng đồng fan hâm mộ một thời của hãng cà phê này vẫn đặt niềm tin mãnh liệt vào việc các nhà lãnh đạo Caffé Bene sẽ nhận ra những yếu điểm của mình và tìm cách khắc phục triệt để, nhằm có thể một lần nữa đưa thương hiệu Caffé Bene trở về thời hoàng kim và khôi phục lại vị trí của mình trong lòng người tiêu dùng trên cả nước.

Tổng hợp từ Naver News

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).