“Ký Sinh Trùng / Parasite” là bộ phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên đoạt 4 giải thưởng lớn trong lễ trao giải Oscar 2020 của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ hôm 09/2/2020.

Trong danh sách 10 phim hay nhất năm 2019 mà các nhà báo của tờ The New York Times chọn ra, “Ký Sinh Trùng” của đạo diễn Bong Joon Ho, niềm tự hào không chỉ của Hàn Quốc mà còn của điện ảnh châu Á nói chung, được The New York Times xếp thứ 3.

Tờ NYT nhấn mạnh:“Tác phẩm khiến chúng tôi buồn về thế giới tàn khốc nhưng vui khi đó là một tác phẩm đẹp”.

Bộ phim đào sâu ngăn cách giàu, nghèo trong xã hội Hàn Quốc không chỉ được người Mỹ yêu thích (được chấm 99% trên Rotten Tomatoes, đạt doanh thu trên 117 triệu USD toàn cầu, riêng tại thị trường Mỹ là trên 18 triệu USD) mà còn được truyền thông phương Tây dự đoán là “ngựa chiến” sừng sỏ tại cuộc đua Oscar 2020, và điều đó đã được khẳng định.

Năm 2019 được coi là năm đại thắng và đầy “nốt thăng hoa” trong sự nghiệp của đạo diễn Bong Joon Ho. Với tác phẩm này, giấc mơ nối dài giải thưởng Oscar của điện ảnh Hàn Quốc cuối cùng đã trở thành sự thực.

Chuyện phim “Ký Sinh Trùng” (Parasite) theo chân gia đình nghèo bốn người gồm ông bố Ki Taek (Song Kang Ho), bà mẹ Choong Sook (Jang Hye Jin) thất nghiệp ở nhà, con trai cả Ki Woo (Choi Woo Sik) phụ việc bố mẹ sau bốn lần thi trượt đại học và em gái Ki Jung (Park So Dam) phải nghỉ học do không đủ tiền trả học phí.

Cuộc sống gia đình sang trang mới sau khi Min Hyuk (Park Seo Joon) – bạn thân của Ki Woo – mang đến tặng hòn đá tài lộc và nhờ Ki Woo làm gia sư thay mình tại một gia đình giàu có. Và hòn đá ấy trở thành cầu nối đưa “Ký Sinh Trùng” gặp vật chủ.

Ai là “Ký Sinh Trùng”, ai là vật chủ?

Phân cảnh gia đình ông Ki uống rượu no say, ngắm mưa rơi tại căn biệt thự khi nhà ông Park đi vắng đem đến cảm giác khó chịu lẫn lo sợ cho người xem.

Bởi giống như loài gián, chỉ cần ông Park mở cửa và bước vào, mọi lớp ngụy trang hào nhoáng bên ngoài của loài “Ký Sinh Trùng” đều bị lật tẩy. Để rồi cái đêm định mệnh đó chứng kiến cuộc đấu tranh sống còn của hai loài “Ký Sinh Trùng” cùng muốn ăn bám, hút máu vật chủ.

“Ký Sinh Trùng” giết chết vật chủ và tiếp tục cuộc sống ăn bám với một vật chủ khác.

Đoạn kết của phim bắt đầu từ bữa tiệc sinh nhật của cậu con trai Da Song của nhà ông Park và mâu thuẫn của phim lên cao đỉnh điểm cũng như được giải quyết tại phần 3 này của phim.

Kết phim, chúng ta được đọc lá thư ông gửi cho con trai mình và được chứng kiến một kế hoạch, một giấc mơ của Ki Won về việc sẽ học đại học, kiếm thật nhiều tiền để mua lại căn biệt thự đó và đón ba mình bước lên với mặt trời.

Giấc mơ đó có thể thành hiện thực hoặc có thể không nhưng sẽ khiến người xem phải suy nghĩ mãi về cái kết này vì chúng ta đã biết đến kế hoạch đó nên tự mình sẽ có sự nhận xét và đánh giá như chính câu ông Ki đã nói với con mình:

“Kế hoạch tốt nhất là không có kế hoạch gì cả, vì kế hoạch không bao giờ theo đúng ý ta. Chẳng thà đừng lên kế hoạch, đừng trông chờ, cứ để mọi việc xảy ra tự nhiên. Khi mọi việc nằm ngoài tầm kiểm soát, cũng chẳng có gì đáng lo ngại”.

Sau khi vật chủ chết đi, “Ký Sinh Trùng” tiếp tục tìm một vật chủ khác. Và phía sau những cuộc sống xa hoa, còn biết bao những “Ký Sinh Trùng” như thế. Hòn đá là vật xuất hiện từ đầu đến cuối phim, mở đầu và cũng kết thúc chuỗi bi kịch.

Dàn diễn viên phim từ những tên tuổi như Song Kang Ho, Lee Sun Kyun, Cho Yeo Jeong hay Choi Woo Shik… cho tới các diễn viên nhí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Các nhân vật trong hai gia đình Park và Kim đều có những cá tính đặc trưng, những “màu” riêng biệt và diễn đạt tới mức người xem còn có thể cảm thông phần nào cho những lựa chọn của họ, dù chiếu theo lẽ thường phần nhiều trong số đó sẽ bị lên án.

Có những hình ảnh ẩn dụ đáng suy ngẫm như hòn đá phong thủy được Ki Woo giữ lấy khư khư, có những hình ảnh hay câu thoại đả kích trực diện sự phân cấp giàu nghèo trong xã hội.

Cách đạo diễn Bong lấy hai họ Park và Kim – vốn là những họ phổ biến nhất của Hàn Quốc – để đặt cho hai gia đình ở hai giai cấp giàu và nghèo dường như là một thông điệp: những người như hai gia đình nhà Park và nhà Kim có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu trong xã hội Hàn Quốc.

Tấm poster với 2 màu dải băng: trắng – đen đối lập, đang che mắt nhân vật đã thể hiện sự phân tầng của 2 gia đình đại diện cho người giàu, kẻ nghèo.

Bối cảnh phim khắc hoạt rõ rệt sự tương phản giữa hai gia đình đại diện cho hai giai cấp. Một bên sống trong căn hộ xa hoa, mọi thứ đều sạch như ly như lau, có người hầu kẻ hạ và phải đi cầu thang lên trên khi vào nhà. Một bên sống trong căn hộ một nửa nằm trong lòng đất, được đặt trong một khu dân cư thiếu thốn mà mỗi lần về nhà đều phải đi cầu thang xuống sâu.

Sự tương phản được thể hiện rõ trong cơn mưa tầm tã, khi nhà Kim đi những bậc thang dài tưởng như bất tận để về căn hộ khốn khó của mình. Một bộ phim rất đời. Vì quá đỗi đời, quá nỗi chân thực nên người xem cảm thấy xót xa.

Một bộ phim đầy ắp tính giải trí, nhưng cũng khiến người xem suy nghĩ, trăn trở về những kiếp người trong xã hội, về những sự lựa chọn và thực tại phũ phàng.

Sau thành công của bộ phim, mọi thứ liên quan đến Ký Sinh Trùng đang được người hâm mộ săn đón và tạo thành xu hướng.

XEM THÊM: Phim “Kim Ji Young, sinh năm 1982” gây tranh cãi chưa từng có về định kiến xã hội ở Hàn Quốc

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).