Trong những năm qua, Hàn Quốc thường xuyên được đánh giá là quốc gia có môi trường làm việc dành cho nữ giới khắc nghiệt nhất trong khối OECD. Mặc cho phụ nữ Hàn Quốc được giáo dục trong điều kiện tốt nhất, thậm chí có năng lực làm việc được đánh giá cao hơn cả nam giới.

Vấn đề chỉ nằm ở tiền?

Tăng tỷ lệ sinh từ lâu đã là chính sách ưu tiên của chính phủ. Kể từ năm 2006, chính phủ Hàn Quốc đã chi hơn 135.65 tỷ USD cho các khoản trợ cấp dành cho gia đình và trẻ em kể từ khi sinh ra cho đến khi vào đại học.

Chỉ trong hơn một thập kỷ, nỗ lực tăng tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đã ngốn khoản chi phí tương đương với giá trị một nền kinh tế ở châu Âu như Hungary hay Nevada. Dù vậy, tỷ lệ sinh vẫn giảm không phanh xuống mức thấp nhất trên thế giới.

Các chuyên gia nhân khẩu học cho rằng tiền không phải là vấn đề chính. Kinh nghiệm từ các nước tiên tiến có tỷ lệ sinh tăng cao hơn – như Pháp hay Thụy Điển – cho thấy bình đẳng giới đóng vai trò cốt yếu trong việc khuyến khích sinh sản.

Phụ nữ cần được tôn trọng hơn

Năm 2020, Tổng thống Moon Jae In – người tự khẳng định bản thân là một tổng thống ưu tiên nữ quyền – đang cố gắng thử nghiệm giải pháp mới với thông điệp cốt yếu: Phụ nữ cần được tôn trọng hơn.

Vào cuối năm 2019, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch loại bỏ một số điều có khả năng thiệt thòi đến quyền lợi của phụ nữ. Theo đó, giải pháp mới cho phép cả vợ và chồng được nghỉ phép cùng lúc và kéo dài thời gian nghỉ phép có lương. Các công ty cũng nhận được ưu đãi khi cho phép các cặp vợ chồng trẻ làm việc ít giờ hơn.

Nỗ lực về bình đẳng giới là rất kịp thời – chuyên gia Shin Eun Kyung, nhà kinh tế học của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết.

Các biện pháp còn vượt ra ngoài phạm vi công sở như người mẹ có thể tự chọn Họ cho con. Bên cạnh đó, mục đánh dấu trên giấy khai sinh cho biết đứa trẻ được sinh ra ngoài hôn nhân sẽ được xoá bỏ.

Ở Hàn Quốc, phá thai là bất hợp pháp và điều luật này được áp dụng rất nghiêm ngặt. Theo thống kê năm 2019, có tổng cộng 261 trẻ em đã bị bỏ rơi trên cả nước.

Phương pháp điều trị sinh sản cũng sẽ được cung cấp cho phụ nữ độc thân và các cặp vợ chồng chưa đăng ký kết hôn. Các chiến dịch xã hội sẽ khuyến khích nam giới tham gia nhiều hơn vào việc chăm sóc trẻ em và các công việc gia đình.

Đất nước này chỉ coi phụ nữ là cỗ máy sinh sản. Ít nhất cũng hãy giả vờ lắng nghe những gì phụ nữ thực sự muốn, đó mới là khởi đầu cho sự thay đổi – Hong Sook Young, nữ đạo diễn truyền hình chia sẻ.

Vào năm 2016, tổng thống nữ đầu tiên của Hàn Quốc – bà Park Geun Hye – đã công bố một website với biểu đồ thống kê thời gian thực về số lượng phụ nữ trong độ tuổi kết hôn và sinh đẻ.

Chính quyền tổng thống đương nhiệm khi ấy đã hy vọng, sáng kiến này sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh trong việc sinh sản giữa các thành phố và khu vực với nhau.Tuy nhiên, website đã bị gỡ xuống chỉ một ngày sau đó. Nhiều phụ nữ Hàn Quốc phàn nàn điều đó khiến họ cảm thấy bị xem như cỗ máy đẻ.

Trở ngại trong công việc quá lớn

Ở Hàn Quốc, khoảng 56% phụ nữ trong độ tuổi 15-64 có đang đi làm. Tỷ lệ này dưới mức trung bình 60% của OECD, thấp hơn Đan Mạch (72%) và Thụy Điển (75%). Các nhà tuyển dụng cho rằng phụ nữ trẻ Hàn Quốc đã kết hôn ít có cơ hội việc làm do bị phân biệt đối xử. Thêm vào đó, họ gặp nhiều trở ngại khi quay trở lại làm việc sau khi sinh con.

Lúc trước, thời gian trong và hậu thai sản đè nặng lên sự nghiệp của chúng tôi. Chênh lệch mức lương giữa hai giới chỉ làm cho mọi việc khó khăn hơn – nữ trợ lý giám đốc tại Hyundai Motor cho biết.

Vào tháng 11/2019, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã giữ nguyên án tù 4 năm đối với cựu CEO của Korea Gas Safety Corp về việc thao túng điểm phỏng vấn để đánh bật phụ nữ ra khỏi quy trình tuyển dụng.

Tập đoàn Samsung Electronics có tỷ lệ giới cân bằng hơn so với Apple trên toàn cầu, với tỷ lệ nữ giới chiếm 45% tổng số nhân viên. Trong khi Apple chỉ có 1/3 nhân viên là phụ nữ. Không ai trong số 9 thành viên hội đồng quản trị tại Hyundai Motor là nữ. Tỷ lệ khá chênh lệch khi đem so với con số 6 nữ/12 người thuộc hội đồng quản trị công ty General Motors.

Biện pháp mới có đủ và hiệu quả?

Các nhà phê bình cho rằng cách giải quyết tỷ lệ sinh của ông Moon có thể đem đến sự cải thiện. Tuy nhiên, chính sách việc làm và nhà ở của ông lại đi ngược lại với mục tiêu khuyến khích sinh sản.

Chính sách tăng lương tối thiểu dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, trong khi yêu cầu thanh toán lớn hơn đã khiến giá bất động sản leo thang, làm nhiều cặp vợ chồng trẻ gặp khó khăn trong việc mua nhà.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận các chính sách của tổng thống Moon đã giúp người trẻ Hàn Quốc có cơ hội cân bằng cuộc sống và công việc tốt hơn. Vào tháng 7/2019, ông Moon cắt giảm giờ làm việc trung bình 68 giờ/tuần xuống còn 52 giờ/tuần. Mặc dù vậy, người Hàn Quốc vẫn làm việc nhiều hơn 15% so với mức trung bình của người dân các nước thuộc khối OECD.

Nếu tỷ lệ sinh không cải thiện, nền kinh tế Hàn Quốc có thể bị giảm đến 5% quy mô vào năm 2060. Nguyên nhân tác động được cho là do năng suất giảm và chi phí phúc lợi cho việc chăm sóc người già sẽ cao hơn.

Các ngành phục vụ cho trẻ sơ sinh cũng đang gặp khó khăn. Seoul đã đóng cửa một trong bốn nhà hộ sinh. Đồng thời vào năm 2018, thủ đô cũng đã phải sa thải hơn một nửa số giáo viên hiện tại vì trường thiếu học sinh.

Ryu Won Woo, quản lý của tổ chức BeFe Baby Fair, đã ca ngợi những nỗ lực của chính phủ, đặc biệt là những biện pháp khuyến khích những người chồng, người bố trẻ có trách nhiệm nhiều hơn với gia đình. Nhưng ông không cho rằng kết quả tích cực mà tổng thống Moon sẽ đến nhanh chóng.

Nhiều công ty sản xuất sản phẩm trẻ em có thể sẽ biến mất trước khi Hàn Quốc có thêm nhiều em bé hơn – ông Ryu dự đoán.

Tổng hợp từ SCMP

author-avatar

About Quý Vy

Từ niềm đam mê nghe nhạc K-Pop và du lịch Hàn Quốc, đã dẫn lối tâm hồn mình vào mê cung của văn hóa, ngôn ngữ, con người, thắng cảnh... và tất cả mọi thứ về đất nước Hàn Quốc

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).