Hàn Quốc từ lâu không còn là một quốc gia đang phát triển, nhưng sự thay đổi trong lòng quốc gia này vẫn diễn ra nhanh chóng.

Có thể nói, người cảm nhận được sự thay đổi sâu sắc ấy không ai khác mà chính là cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống ở đây, đặc biệt là những ai đã định cư từ 10 năm trở lên. Và theo nhiều cách, sự hiện diện của người nước ngoài đã trở thành chất xúc tác cho những thay đổi lớn lao trong cơ cấu xã hội Hàn Quốc.

Đáng chú ý, số lượng người nước ngoài chọn Hàn Quốc làm quê hương thứ 2 đã tăng đáng kể trong vòng 1 thập kỷ qua.

Tỷ lệ này bắt đầu tăng một cách ổn định từ khi người phương Tây không còn xem Hàn Quốc như là nơi mà họ chỉ dừng chân trong khoảng thời gian ngắn 1-2 năm để dạy tiếng Anh hoặc làm những công việc hợp đồng, thời vụ rồi lại ra đi.

Trên mặt báo thời gian qua cũng thường xuyên đưa tin lượng người nước ngoài nhập cư sinh sống ở Hàn Quốc đã vượt quá con số 2 triệu, đồng nghĩa với việc người nước ngoài và công dân nhập tịch chiếm 4.1% tổng dân số Hàn Quốc hiện nay.

Trong số đó, hơn 100.000 người đã có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hồi tháng 6/2018.

Trước những thay đổi lớn đã – đang diễn ra trong đời sống hàng ngày, chẳng hạn như sự xuất hiện và phát triển của điện thoại thông minh đi kèm với ứng dụng tiện ích, luật cấm hút thuốc, vấn đề ô nhiễm không khí, sự phổ biến của việc đi xe đạp, hình xăm… Hàn Quốc đã thay đổi đặc biệt thế nào dưới góc nhìn của người nước ngoài sống lâu năm tại đây?

Các mặt hàng thực phẩm trở nên đa dạng hơn bao giờ hết

Vào đầu thập kỷ trước, khi người Hàn bắt đầu thích thú với việc khám phá ẩm thực thế giới một cách nghiêm túc, thị trường thực phẩm cũng dần trở nên đa dạng hơn.

Nhiều xu hướng mới nổi lên, trong đó đáng chú ý là trào lưu ẩm thực Mexico vào cuối thập niên 2000 và Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam những năm tiếp theo.

Trong suốt những năm 2010, người yêu ẩm thực đã chứng kiến ​​sự gia tăng về số lượng, chất lượng cũng như sự đa dạng của các nhà hàng, quán ăn mô phỏng đúng phong cách nước ngoài.

Theo xu hướng mở cửa hội nhập, cuộc cách mạng bia thủ công (craft beer) “bùng nổ” với 2 thương hiệu nổi bật Magpie và Craftworks, mọc khắp nơi trong các con hẻm của khu phố người nước ngoài Itaewon.

Các cửa hàng tiện lợi cũng bắt đầu cung cấp đa dạng chủng loại bia ngoại hơn, bên cạnh các nhãn bia quen thuộc đến từ Đức như Budweiser và Beck’s. “4 lon bia chỉ với giá 10.000 KRW “ có thể xem là một trong những combo siêu tiết kiệm phổ biến nhất ở cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc hiện nay.

Hàng hóa nước ngoài một thời chỉ có thể tìm thấy ở các căn cứ quân đội Mĩ đóng ở Hàn Quốc và trong các chợ đen đắt đỏ, bắt đầu xuất hiện ở khắp các siêu thị lớn nhỏ.

Phô mai nhập khẩu đa dạng về chủng loại có mặt trên các gian hàng, thậm chí “len lỏi” vào trong nền ẩm thực Hàn Quốc để rồi cho ra đời những món ăn biến tấu kết hợp Hàn – Âu rất được giới trẻ yêu thích, tựa như món canh quân đội Budae Jjigae.

Sự lựa chọn bữa sáng bên ngoài dành cho người bận rộn bắt đầu xuất hiện và đa dạng hoá nhanh chóng, trong khi các hàng quán cà phê xuất hiện như nấm mọc sau mưa.

Lựa chọn cho người ăn chay hoặc theo chế độ ăn uống halal (chế độ ăn uống theo quy chuẩn đạo Hồi) cũng đã có những phát triển đáng chú ý dù chưa thực sự hoàn hảo. Dù vậy, tất cả những thay đổi này đã làm cho nỗi nhớ nhà của cộng đồng người nước ngoài sinh sống ở Hàn Quốc được xoa dịu phần nào.

Người nước ngoài không còn là điều quá mới mẻ

Khi ngày càng có nhiều người nước ngoài tìm đến Hàn Quốc, người Hàn cũng không còn cảm thấy quá bỡ ngỡ, lạ lẫm khi tiếp xúc với những vị khách này nữa.

Tuy thực trạng phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại, nhưng nếu đem so Hàn Quốc của năm 2020 với những năm 2009 – 2010 sẽ thấy được người Hàn đã mở lòng hơn, thoải mái hơn khi ở quanh người nước ngoài và người nước ngoài cũng bắt đầu được đối xử một cách công bằng như những công dân Hàn Quốc khác.

Ngay cả việc một người nước ngoài nói tiếng Hàn cũng không còn khiến họ quá ngạc nhiên, trầm trồ như trước.

Tương tự, các doanh nghiệp, văn phòng hành chính và công nghệ cũng thể hiện tinh thần sẵn sàng học hỏi và thay đổi trước những biến chuyển của thời đại khi xây dựng và phát triển đội ngũ nhân viên biết sử dụng ngoại ngữ cũng như cung cấp các dịch vụ dịch ra nhiều thứ tiếng.

Nhiều website của Hàn Quốc một thời từng không cho phép người nước ngoài đăng ký mà không có thẻ người nước ngoài, nay còn cung cấp đa dạng dịch vụ và giao diện đăng ký bằng tiếng Anh.

Ngay cả các dịch vụ liên quan đến văn phòng xuất nhập cảnh và lưu trú cũng được cải thiện nhiều so với trước đây. Chính những thay đổi này đã giúp cộng đồng người nước ngoài cảm thấy được chào đón, tôn trọng và hỗ trợ hơn trong thời gian ở đây.

Thời kỳ đa văn hóa gõ cửa

Trong nỗ lực cứu rỗi quy mô dân số ngày càng già hoá cũng như giúp đàn ông nông thôn Hàn Quốc có cơ hội lập gia đình, kết hôn quốc tế bắt đầu manh nha từ những năm 1990, nở rộ và trở thành “mốt” vào những năm 2000 trước khi có xu hướng khựng lại trong thập kỷ 2010.

Điều này dẫn đến một lượng lớn phụ nữ từ các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam nhập cư vào Hàn Quốc và tạo nên những gia đình đa văn hoá thế hệ mới.

Tính đến năm 2018, đã có 26.815 đàn ông nước ngoài sống ở Hàn Quốc kết hôn với vợ người Hàn, và có tới 132.391 người vợ ngoại quốc kết hôn với đàn ông Hàn.

Vì tỷ lệ chênh lệch lớn, những thay đổi trong chính sách đa văn hoá và nhập cư của chính phủ có xu hướng nhắm vào đối tượng phụ nữ kết hôn di trú và con cái của họ, đa phần sống ở các cộng đồng vùng sâu vùng xa ở Hàn Quốc hơn là các trung tâm đô thị.

Sau hơn 20 năm thăng trầm kể từ khi việc kết hôn quốc tế bắt đầu nở rộ, con em gia đình đa văn hoá cũng đang lớn lên từng ngày.

Nhiều em trong số đó là học sinh tốt nghiệp trung học sắp bước vào các trường đại học, là lực lượng lao động tương lai và phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Lượng khách du lịch, sinh viên quốc tế tăng lên chóng mặt

Dù có nhiều lý do, song lý do kinh tế được coi là động lực chính đã thúc đẩy Hàn Quốc thay đổi để mở cửa và đón nhận nhiều người nước ngoài đến với đất nước hơn.

Khi dân số của Hàn Quốc già hoá đến mức báo động, các trường đại học bắt đầu tìm cách tuyển sinh sinh viên nước ngoài để duy trì hoạt động.

Cách đây 10 – 15 năm, số lượng sinh viên nước ngoài ở các trường đại học Hàn Quốc không đáng chú ý và chủ yếu đến từ các nước láng giềng trong khu vực.

Trong khi ngày nay, đông đảo sinh viên quốc tế với đa dạng màu da, sắc tộc và quốc tịch đã chọn Hàn Quốc là nơi học tập và sinh sống. Năm 2006, Hàn Quốc chỉ có 32.557 sinh viên nước ngoài, nhưng con số này đã tăng chóng mặt vượt quá 123.858 người vào năm 2017.

Tuy du lịch Hàn Quốc từng chứng kiến những nốt trầm do hậu quả của dịch bệnh MERS vào năm 2015, đòn trả đũa kinh tế của Trung Quốc vào năm 2017 sau khi Trung Quốc phản đối Mĩ lắp đặt Hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc, lượng khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc nhìn chung vẫn tăng đều, thậm chí là tăng vọt gấp đôi mỗi năm bắt đầu từ khoảng năm 2009.

Chính phủ Hàn Quốc đã và đang rất nỗ lực để thu hút nhiều hơn nữa lượng khách quốc tế tìm đến du lịch. Những năm gần đây, nhiều hoạt động dành cho người nước ngoài được mở trong những ngày lễ lớn.

Các khu vực lịch sử ở trung tâm thành phố Seoul như cung điện Gyeongbok tràn ngập bóng dáng du khách mặc hanbok chụp ảnh. Ngoài ra, những khu phố sầm uất như Myeongdong, Hongdae, Itaewon đã trở thành địa điểm thu hút khách du lịch quốc tế tấp nập bất kể ngày đêm.

Các thành phố lớn sạch sẽ và vệ sinh hơn

Trong quá khứ khi nhắc đến Seoul, người nước ngoài từng nhận xét nhiều con đường ở thành phố khá nhếch nhác, cũng như phàn nàn về mùi rác thải và tình trạng xập xệ, cũ kỹ của các nhà vệ sinh công cộng.

Nhưng đến với Hàn Quốc ngày nay, chính du khách quốc tế lại không ngớt lời khen ngợi sự xanh sạch đẹp ở nơi đây.

Ngoài ra, bạn có thể tìm thấy giấy vệ sinh được trang bị đầy đủ trong nhà vệ sinh công cộng, thậm chí nhiều nơi còn cung cấp dịch vụ băng vệ sinh khẩn cấp, hoặc đặt biển hướng dẫn người dùng xả giấy vào bồn và gạt nước thay vì vứt vào thùng rác.

Đây được cho là sáng kiến ​​của chính phủ Hàn Quốc nhằm giúp người nước ngoài cảm thấy thoải mái hơn khi ở Hàn Quốc.

Sự bành trướng của làn sóng Hallyu K-Pop

Có thể nói, “Gangnam Style” của Psy đã trở thành khoảnh khắc đột phá lớn của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc trên thị trường toàn cầu, và thành công gần đây của BTS đã khiến nhiều người trên khắp thế giới coi trọng thần tượng K-Pop.

Trước năm 2012, K-Pop có thể đã khá nổi tiếng trong khu vực châu Á, nhưng đối với các khu vực khác như châu Âu, châu Mĩ đó hoàn toàn là điều xa lạ với họ.

Tuy nhiên hiện nay mọi thứ đã dần thay đổi. Các nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc đã mạnh dạn thực hiện tour lưu diễn vòng quanh thế giới với nhiều đêm cháy vé ở các sân vận động cách quê nhà nửa vòng trái đất.

Và ngay cả đối với những người hoài nghi về việc ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc bị thương mại hóa mạnh mẽ, họ cũng phải thừa nhận K-Pop đã có những tác động tích cực đến Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế.

Sự quan tâm ngày càng tăng đối với K-Pop đã thúc đẩy phát triển kinh tế và ngoại giao của Hàn Quốc theo hướng toàn cầu hoá, và mang lại cho người Hàn sự tự hào, niềm tin vào tiềm lực đất nước của mình.

Hàn Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong công cuộc nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân nước ngoài.

Tuy nhiên đối với những người đã ở đây đủ lâu, những bước chuyển mình của Hàn Quốc trong 10 năm qua có thể xem là tín hiệu khả quan và chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi những thay đổi tích cực hơn nữa từ phía chính phủ Hàn Quốc trong thập kỷ tiếp theo.

Tổng hợp từ The Korea Times

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).