Nhiệm kỳ của tổng thống Hàn Quốc kéo dài 5 năm. Ngày 10/5/2020, tổng thống Moon Jae In chính thức bước sang năm thứ ba của nhiệm kỳ tổng thống.

Vào ngày này, ông đã có bài phát biểu tổng kết trước toàn thể quốc dân và thú nhận: “Ba năm qua, ngày nào tôi tôi có cảm giác như đi trên tảng băng”.

Ba năm vừa qua quả là đã có nhiều thăng trầm với tổng thống Moon, có những lúc ông được ca ngợi, tung hô, nhưng có những lúc bị nhiều mũi rìu dư luận công kích. Thực ra, ở một đất nước có môi trường dân chủ cao, người dân lại nóng tính như Hàn Quốc thì làm quan không phải để “hưởng lộc” mà là phải chuẩn bị tâm thế để “nhận gạch đá”.

Có một giai thoại về vị tổng thống được yêu mến nhất Hàn Quốc Roh Moo Hyun. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, cứ khi nào đất nước có bất cứ vụ tai nạn hay việc không vui nào là người dân lại buột miệng: 이게 다 노무현 때문이다 – Tất cả là do Roh Moo Hyun mà ra!

Hầu như đời tổng thống nào cũng bị ít nhiều “oán trách”, ngay khi vừa rời “ngai vàng”, họ sẽ bị các cơ quan đoàn thể “vạch lá tìm sâu” xem có trốn thuế, tham nhũng trong quá trình làm việc hay không. Nhẹ thì bị chê bai, nặng thì phải năm lần bảy lượt tới Viện kiểm sát để thẩm vấn và sau đó…vào tù. Trong ba năm qua, cả hai cựu tổng thống Park Geun Hye, Lee Myung Bak đều bị đứng trước “vành móng ngựa”. Bởi thế mới có câu nhận xét: Tổng thống Hàn Quốc có xu hướng đi tù.

Tổng thống Moon cũng không là ngoại lệ. Tên tiếng Hán của ông là 문재인 – Văn Tại Dần, nhưng nhiều kẻ độc mồm đã gọi lái đi thành “tai ương”. Hễ khi nào có vụ cháy nổ xảy ra, những thành phần bất mãn lại nhắc tên ông: “Do tai ương mà ra hết đấy!”.

Tuy nhiên, thật bất ngờ là theo báo cáo của Gallup, cơ quan thăm dò ý kiến dư luận Hàn Quốc ngày 8/5/2020, Moon Jae In là Tổng thống đầu tiên được 70% người dân ủng hộ khi bước sang năm thứ ba của nhiệm kỳ.

Cùng thời điểm năm nhiệm kỳ thứ ba, các đời Tổng thống trước chỉ đạt tối đa trên dưới 40%, cụ thể là Tổng thống Roh Tae Woo 12%, Tổng thống Kim Young Sam 41%, Tổng thống Kim Dae Jung và Tổng thống Roh Moo Hyun đều được 27%, Tổng thống Lee Myung Bak 43%, Tổng thống Park Geun Hye 42%.

Vậy lý do nào đã khiến Moon Jae In trở thành Tổng thống được người dân Hàn Quốc tín nhiệm đến vậy? Hãy cùng điểm qua những thành quả và khoảnh khắc vui buồn của Tổng thống Moon Jae In trong 3 năm qua.

Thời thế tạo anh hùng

Tổng thống Moon Jae In đắc cử trong bối cảnh người dân Hàn Quốc đang bức xúc cao độ về bộ máy chính quyền cũ của Tổng thống Park Geun Hye. Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017 đã có gần 10 triệu người dân tham gia biểu tình thắp nến tại quảng trường Gwanghwamun (Seoul) để yêu cầu bãi nhiệm bà Park. Kết quả là bà Park đã trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bị bãi nhiệm trước nhiệm kỳ vào ngày 10/3/2017.

Sau đó đúng 2 tháng, Tổng thống Moon Jae In chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 12 của Hàn Quốc.

Người tiền nhiệm của ông là bà Park được đánh giá là đắc cử Tổng thống nhờ ảnh hưởng của người cha cũng là Tổng thống Park Chung Hee. Bà từng phát biểu “Tôi không có con, toàn thể quốc dân Hàn Quốc là gia đình của tôi”.

Nhưng có lẽ chính vì cuộc sống được bao bọc như “công chúa” từ nhỏ nên bà Park thiếu sự đồng cảm thực sự với người dân, dẫn đến sự lệ thuộc vào người bạn Choi Soon Sil và cuối cùng, bà đã phải trả giá đắt bằng những ngày tháng trong tù.

Tổng thống Moon Jae In thì khác, ông xuất thân trong gia đình thuộc tầng lớp lao động. Bố mẹ ông Moon là người Bắc Hàn bỏ trốn xuống miền Nam. Ông cũng có một tuổi trẻ sôi nổi, từng bị đuổi khỏi trường và ngồi tù vì dẫn đầu sinh viên biểu tình chống nhà độc tài Park Chung Hee.

Người dân Hàn Quốc còn dành sự tin tưởng đặc biệt cho Moon Jae In vì ông từng là phụ tá tin cậy của cựu tổng thống Roh Moo Hyun (2003–2008), một trong những vị tổng thống được yêu mến nhất Hàn Quốc.

Cuộc sống cá nhân của Tổng thống Moon Jae In cũng được lòng công chúng. Ông có một gia đình đầm ấm, sát cánh cùng ông là phu nhân Kim Jung Sook, người đã cùng ông trải qua quãng đường đầy chông gai từ thời sinh viên cho đến ngày đạt đỉnh cao quyền lực.

Liệu có quá đeo bám “Bắc Hàn”?

Lĩnh vực khác biệt nhất giữa chính phủ Moon Jae In và chính phủ tiền nhiệm là chính sách với Bắc Hàn. Ngay từ khi lên nắm quyền, tổng thống Moon đã xúc tiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nam – Bắc Hàn, xoay chuyển cục diện căng thẳng hạt nhân sang cục diện đối thoại.

Hàn Quốc đã tích cực vận động Bắc Hàn tham dự thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 và lấy đó làm bước đệm để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4/2018 tại Bàn Môn Điếm.

Tổng thống Moon Jae In được đánh giá là cầu nối quan trọng, góp phần xúc tiến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Bắc Hàn lần thứ nhất vào tháng 6/2018 tại Singapore. Tuy nhiên, đối thoại Mỹ – Bắc Hàn tiếp tục thất bại tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam cuối tháng 2/2019 và gián đoạn cho đến nay.

Cho đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Moon luôn tỏ thái độ thiện chí, muốn hợp tác và giúp đỡ Bắc Hàn trên nhiều phương diện như hỗ trợ nhân đạo, dự án xây dựng tuyến đường sắt hai miền, phòng chống dịch COVID-19… Tuy nhiên, đáp lại tất cả những nỗ lực này là thái độ thách thức của chính quyền Kim Jong Un. Cho tới tận tháng 5/2020, Bắc Hàn vẫn tập trận hoặc bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn gần khu vực biên giới hai miền.

Có nhiều ý kiến cho rằng, tổng thống Moon Jae In đã dồn nhiều thời gian, công sức cho việc vận động thống nhất Nam – Bắc nhưng đều không đạt kết quả thực chất, Bắc Hàn nhiều lần công khai chỉ trích, coi thường ông.

Kim Yo Jong, em gái Kim Jong Un còn từng “hạ nhục” Hàn Quốc khi so sánh với hình ảnh “con chó sủa trong sợ hãi”. Bắc Hàn cho rằng Hàn Quốc không có tư cách chỉ trích các vụ bắn tên lửa, khi chính họ đã tiến hành các cuộc tập trận riêng hay chung với Mỹ.

Sai lầm trong nước cờ tăng lương tối thiểu

Trong quá trình tranh cử năm 2017, tổng thống Moon Jae In đã hứa sẽ tăng mức lương tối thiểu lên đến 10.000 KRW cho đến năm 2020.

Sau khi lên nắm quyền, chính quyền tổng thống Moon Jae In đã tăng lương tối thiểu lần lượt là:

  • Năm 2020: 8.590 KRW/giờ
  • Năm 2019: 8.350 KRW/giờ
  • Năm 2018: 7.530 KRW/giờ
  • Năm 2017: 6.470 KRW/giờ

Như vậy, mặc dù so với năm 2017, mức tăng lương đã đạt 16.4% năm 2018 và 10.9% năm 2019 nhưng nhìn chung, tổng thống đã thất bại trong việc giữ lời hứa tăng lương khi tranh cử (không đảm bảo tăng đến 10.000 KRW/giờ đến năm 2020.

Thoạt nhìn thì việc tăng lương 10.000 KRW/giờ rất có lợi cho người lao động, nhưng đây là con dao hai lưỡi. Mặt xấu của nó là gây khó khăn cho các tiểu thương, các công ty vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp nhỏ bắt buộc phải cắt giảm nhân sự, giờ làm, tiền thưởng để trả đủ số lương tối thiểu mới tăng.

Vô hình chung, việc tăng lương tối thiểu mà không xem xét tới các vấn đề liên quan xung quanh đã gây khó khăn cho kinh tế nước nhà. Tình hình tuyển dụng cũng đã xấu đi, đặc biệt là tuyển dụng và thu nhập của tầng lớp thu nhập thấp giảm mạnh.

Các chuyên gia nhận định các chính sách của tổng thống Moon Jae In như tăng mức lương tối thiểu một cách nhanh chóng và áp dụng chế độ tuần làm việc tối đa 52 tiếng, đã khiến tình hình kinh tế trong nước trở nên tồi tệ hơn.

Chưa có con mắt nhìn người?

Cú sốc mạnh nhất với tổng thống Moon Jae In có lẽ là vụ bê bối liên quan tới việc bổ nhiệm giáo sư trường Đại học Quốc gia Seoul Cho Kuk vào vị trí Bộ trưởng Tư pháp. Mặc cho nhiều ý kiến phản đối, nhưng ông Moon vẫn nhất quyết bảo vệ ý kiến này và cho rằng ứng cử viên Cho Guk có nhiều kinh nghiệm trong quá trình đảm nhiệm chức Cố vấn về các vấn đề dân sinh Phủ Tổng thống.

Tuy nhiên, sự thật về Cho Guk cuối cùng được phanh phui: con gái ông được quá nhiều đặc cách trong quá trình học hành, vợ ông (cũng là một giáo sư đại học) còn làm giả bằng chứng nhận cho con. Cuối cùng, Cho Guk buộc phải từ chức Bộ trưởng Tư pháp sau vẻn vẹn 2 tháng, vợ của ông đến nay vẫn phải đều đặn trình diện và nhận thẩm vấn tại Viện kiểm sát để hoàn thiện quá trình điều tra tội lạm dụng chức vụ, nguy tạo bằng cấp.

Bế bối Cho Guk bị đánh giá là đã làm lung lay ngọn cờ “xã hội công bằng”, châm ngòi mâu thuẫn, chia rẽ trong dư luận. Bản thân tổng thống Moon cũng ngay lập tức phải có bài phát biểu xin lỗi tới toàn thể quốc dân vì lựa chọn sai lầm này.

Nỗ lực đối thoại với người dân

Moon Jae In cũng là vị tổng thống chịu khó đối thoại và cởi mở với các cộng sự và người dân nhất từ trước tới nay. Ngay sau đi nhậm chức, ông đã lập một kênh truyền hình riêng để cập nhật các tin tức, lịch trình của Phủ tổng thống.

Qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Instagram, ông chia sẻ những hình ảnh gần gũi như khoảnh khắc vui đùa cũng các chú chó được giải cứu từ trại nuôi chó lấy thịt, một buổi đi leo núi cũng các nhân viên trong Phủ tổng thống.

Dưới thời tổng thống Moon Jae In, Phủ tổng thống không còn là một “cung điện cửa đóng then cài” mà luôn mở cửa tiếp đón các nhân tài ở mọi lĩnh vực, quốc gia. Trong một hoạt động kỉ niệm quan hệ ngoại giao Hàn – Việt, phu nhân tổng thống đã có buổi gặp mặt thân mật với các du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc tại đây.

Tổng thống còn cho mở mục thỉnh nguyện tự do trên trang web của Chính phủ để mọi người dân đều được bày tỏ tiếng nói, nguyện vọng của mình. Ngay cả người nước ngoài sống tại Hàn Quốc cũng có thể đăng đơn thỉnh nguyện tại đây, điển hình nhất là trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, người nước ngoài cũng đã gửi đơn xin chính phủ Hàn Quốc một phần trợ cấp, giảm bớt gánh nặng về kinh tế.

Tống thống Moon Jae In cũng là vị tổng thống đầu tiên kiên nhẫn và dũng cảm đối thoại với quốc dân trên sóng truyền hình trực tiếp. Ngày 09/11/2019 đánh dấu nhiệm kỳ bước qua nửa chặng đầu tiên, ông đã có buổi gặp mặt với 300 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên trong danh sách và hoàn toàn không có kịch bản từ trước.

Ngay cả những việc riêng của gia đình, như trong đám tang của mẫu thân, tổng thống cũng bày tỏ nỗi niềm trên Facebook cá nhân: “Tôi thật may mắn khi vẫn có thể ở bên mẹ mình lúc hấp hối. Trước lúc ra đi, mẹ tôi có nhắn nhủ: “Dù thế nào mẹ cũng đã sống rất hạnh phúc”.

Thách thức COVID-19: kịp thời nhận lỗi và sửa sai

Thời điểm đầu tháng 2/2020, khi dịch COVID-19 chớm bùng phát trong nước, chính quyền của tổng thống Moon Jae In rõ ràng đã có phần chủ quan. Trong khi số ca nhiễm ở Trung Quốc ngày càng tăng, tổng thống Moon còn đích thân xuống chợ truyền thống Namdaemun để động viên các chủ cửa hàng. Ông nhấn mạnh Hàn Quốc hoàn toàn có thể quản lý và khắc phục được dịch virus corona chủng mới, đồng thời nhận định không thể để các hoạt động kinh tế bị thu hẹp bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 2 tuần sau đó, Hàn Quốc ghi nhận mức 104 ca trong ngày 20/2. Ngay sau đó 1 ngày, số ca nhiễm tăng thêm 52 ca, đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ 2 trên toàn cầu, sau Trung Quốc.

Từng là quốc gia có tấm hộ chiếu quyền lực đứng thứ 4 trên thế giới, Hàn Quốc đột ngột bị hơn 130 quốc gia cấm nhập cảnh. Người dân Hàn Quốc tại nhiều nơi trên thế giới bị xa lánh, lá cờ thái cực của Hàn bị dân mạng nước ngoài vẽ thành hình virus corona hay gọi lái thành “Korona” (ghép giữa Korea và Corona), có nhiều chuyến bay chở người Hàn Quốc ra nước ngoài đến nơi phải quay đầu trở lại vì không được phép nhập cảnh…

Mọi lo lắng, tức giận khi đó của người dân dường như đều dồn lên chính quyền của tổng thống Moon Jae In. Ngay lập tức, tổng thống đã xin lỗi người dân, ông thừa nhận: dịch COVID-19 thời điểm cuối tháng 2 đến trung tuần tháng 3 là giai đoạn quan trọng, ổ dịch ở Daegu và Cheongbuk đã đến đỉnh điểm, cả nước cần phải chuẩn bị tinh thần bước vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh này.

Ông cũng chỉ đạo tất cả các tổ chức của chính phủ chuyển sang “hệ thống phòng tình huống khẩn cấp 24/24”, với lý do cần phải tăng cường sẵn sàng xử lý các biện pháp kiểm dịch và liên quan đến kinh tế.

Kết quả là Hàn Quốc đã có một cú lội ngược dòng, trở thành một hình mẫu phòng dịch điển hình của quốc tế: luôn công khai thông tin minh bạc, không phong toả, không bế quan toà cảng, hỗ trợ tối đa khó khăn kinh tế cho toàn thể người dân. Hàn Quốc còn có cơ hội khẳng định tiềm lực công nghệ y tế khi viện trợ nhân đạo và xuất khẩu các dụng cụ y tế như bộ kit xét nghiệm, chẩn đoán virus COVID-19 cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Qua cuộc khủng hoảng này, vị thế của Hàn Quốc đã bước lên một tầm cao mới, đây cũng chính là lý do khiến 53% người dân tham gia khảo sát đã đánh giá tích cực về công tác điều hành đất nước của tổng thống Moon Jae In.

Nhờ đối phó tốt với dịch COVID-19, chính đảng của ông đã dành thắng lợi tuyệt đối trong cuộc Tổng tuyển cử khóa XXI.

Qua những được và mất xuyên suốt 3 năm qua, có thể thấy chính quyền của tổng thống Moon Jae In chưa hoàn hảo, nhưng là một chính quyền luôn sẵn sàng nhận lỗi, biết lắng nghe và điều chỉnh kịp thời theo nguyện vọng của người dân.

Vẫn còn nhiều bài toán nan giải cho tổng thống Moon như: xây dựng kinh tế thời kỳ “hậu COVID-19”, giải quyết tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nối lại liên lạc với Bình Nhưỡng… Có thể sau 2 năm nữa, khi hết nhiệm kỳ, ông sẽ lại bị réo tên trong một cuộc điều tra nào đó?

Tuy nhiên, con đường chính trị vốn không hề bằng phẳng, giống như cách ông vươn lên từ nghèo nàn, đấu tranh, tù tội cũng như nhiều cám dỗ để giành chiếc ghế tổng thống. Hãy cùng tiếp tục đặt niềm tin và cùng ông hướng tới ước mơ: Xây dựng một xã hội Hàn Quốc chính nghĩa và công bằng.

One thought on “Moon Jae In: Được & Mất sau 3 năm nắm quyền tổng thống Hàn Quốc

  1. Nguyễn Phi Long viết:

    Nếu tôi là ông, thì có một số việc tôi sẽ làm trong số nhiều chuyện mà tôi không biết có nên làm hay không, vì tôi không có dữ liệu và không có đam mê với nghề chính trị gia:
    -Thời gian 5 năm, không đủ để hàn gắn mối quan hệ liên Triều, vì nó có tính chất hệ, nhưng những nỗ lực gắn bó hai miền như: xây dựng khu công nghiệp chung, khu du lịch chung, khu liên lạc phi quân sự, hoạt động thể thao, tìm thân nhân….là những việc tích cực cần tiếp tục duy trì. Ông đang đặt nền móng cho một vấn đề lớn, mà nó chỉ có kết quả trong thời gian dài, có sự kế thừa. Nói thật, nếu hàn gắn thành công, thì Hàn Quốc trước tiên sẽ phải tốn nhiều tiền mặt để nuôi Bắc Hàn, nhưng những kết quả tốt đẹp lâu dài sẽ còn lớn hơn nhiều. Đó là sự hòa bình, nhu cầu căn bản của con người, sự bổ sung nguồn lực về địa-chính trị-quân sự-khoa học, sự đa dạng dân tộc, văn hóa…..
    -Phát triển nữ quyền, vì phụ nữ chiếm hơn nửa thế giới, nói chung là bình đẳng giới.
    -Dùng tiếng Anh để phổ biến những điểm tốt của Hàn Quốc, đó là cửa ngõ mở ra với thế giới. Tôi lấy một ví dụ trong phạm vi hẹp, khi tôi cần tìm kiếm tài nguyên, kiến thức chuyên môn tôi thấy rằng mình tiếp cận được từ những người dùng tiếng Anh, dù họ là người Ý, Anh, Mỹ, Hà Lan, Nhật….có một điều tôi thấy tiếc là những nền văn minh lâu đời như Nga, Trung Quốc thì không hề gặp bao giờ vì họ thích dùng bản ngữ nhiều hơn. Tuy chỉ là chuyện nhỏ nhặt nhưng rõ ràng những quốc gia đó ít được biết hơn so với quốc gia khác.
    -Hạn chế những tiêu cực của nền kinh tế cạnh tranh, như sự căng thẳng quá mức của một bộ phận người dân Hàn, họ không dám lập gia đình hay ngại có con, vì không đủ thời gian, nguồn lực. Đây cũng là một vấn đề chung của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, tuy chỉ mới bắt đầu biểu hiện vấn đề này. Phúc lợi xã hội sẽ bù đắp lại vấn đề này.
    -Công nhận Hàn Quốc có nền dân chủ mạnh, nhưng có lúc nó sẽ không tốt, vì thế cần có cơ chế linh hoạt để áp dụng, đặc biệt trong những lúc nguy cấp. Ví dụ: vụ người nhiễm Corona đầu tiên ở nhà thờ….gọi là ca siêu lây nhiễm, tôi thấy ngạc nhiên là chính phủ chỉ tiếp cận, nhắc nhở cách ly, vài lần mà vẫn không dứt khoát, vì họ có quyền tự do cá nhân cao từ sự dân chủ. Từ đó sinh ra hậu quả xấu cho cộng đồng mà đáng lẽ sẽ hạn chế được nếu bắt buộc cách ly ngay. Nếu ở Việt Nam thì hôm trước tới hôm sau là lên xe thùng ngay, đó là điểm tốt của sự ít dân chủ hơn nhưng đúng thời điểm và được sự đồng tình của người dân vì lợi ích chung.
    -Hàn Quốc có diện tích và quy mô dân số nhỏ, nên theo con đường trở thành các siêu cường như Mỹ, Trung, Nga….là điều không thể, nhưng ông có thể nhắm tới một hình mẫu quốc gia có một số trong số nhiều điều tốt nhất thế giới như: kinh tế, dân chủ, quân sự, văn hóa nghệ thuật, y học, du lịch……
    *Giống như môn võ của Hàn Quốc, môn Taekwondo, tôi cũng từng học khi còn nhỏ, nó rất mạnh về chân, nhưng hạn chế về tay, mở rộng ra thì khi là tổng thống của một quốc gia hay đơn giản là người cha của một gia đình thì cứ nên luôn tìm tòi, cải thiện điểm yếu, phát huy điểm mạnh mà thôi.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).